TGM Ngô Quang Kiệt: nạn nhân hay tác nhân? |
Tác Giả: Nguyễn Bảo Tư | |||||||||
Thứ Bảy, 17 Tháng 7 Năm 2010 11:45 | |||||||||
Tín hữu Giáo phận Hà Nội, vốn rất kính yêu ông – từng gọi ông là “Chứng nhân Công Lý và Sự Thật” ‒ đã vô cùng đau xót và thất vọng. Từ đó họ đâm nghi ngờ Hội Đồng Giám Mục, nghi ngờ cả Tòa thánh Vatican. 10 bài bình luận “Sự kiện Ngô Quang Kiệt” của trang mạng Nữ Vương Công Lý phản ảnh rõ sự bất bình và hồ nghi này.
Cho tới nay đã có rất nhiều ý kiến quanh việc TGM Ngô Quang Kiệt từ chức và âm thầm rời Việt Nam vào giữa khuya 12/5/2010. Tín hữu Giáo phận Hà Nội, vốn rất kính yêu ông – từng gọi ông là “Chứng nhân Công Lý và Sự Thật” ‒ đã vô cùng đau xót và thất vọng. Từ đó họ đâm nghi ngờ Hội Đồng Giám Mục, nghi ngờ cả Tòa thánh Vatican. 10 bài bình luận “Sự kiện Ngô Quang Kiệt” của trang mạng Nữ Vương Công Lý phản ảnh rõ sự bất bình và hồ nghi này.
Ý kiến rất nhiều, nhưng có thể xếp 3 vào nhóm chính như sau: • Vì muốn thiết lập một mối bang giao chính thức với Việt Nam (trong đó có việc Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam) nên Vatican đã đồng ý làm một cuộc “trao đổi” với nhà cầm quyền, bất chấp nguyện vọng của giáo dân. • Vì trong Giáo triều Roma có những nhân viên thân cộng, những người này đã trình những thông tin sai lạc, nên Giáo hoàng mới có quyết định quyết định ngớ ngẩn, sai lầm khi điều một ông “tướng” già ngoắc cần câu đến thay một vị tướng trẻ, tài năng và sung sức trong khi chiến trận ngày càng căng thẳng. • Vì TGM Kiệt cảm thấy cô đơn quá, mệt mỏi chán nản quá. Đang khi tứ bề thọ địch mà nhìn lên, Tòa Thánh im ắng; nhìn ngang, Hội đồng Giám mục làm thinh; Ông chán (!?) đến mức không muốn dự Đại hội Giám mục 2010 tại Vũng Tàu (dù lúc đó ông đang ở Rome). Ý kiến của 3 nhóm trên cùng đi đến mẫu số chung: TGM Kiệt đã thành con cờ thí, nạn nhân của những toan tính chính trị giữa một Giáo Hội thiếu hiệp thông và một nhà cầm quyền hung hiểm; còn giáo dân Hà Nội trở thành lũ trẻ mồ côi, bị cho ra rìa, chẳng ai cần biết tới nguyện vọng, yêu cầu của họ. Không quá khó để thấy rằng, cộng sản ngay lập tức lợi dụng tâm lý hoang mang, nghị kỵ lẫn nhau và những suy đoán tiêu cực trên theo chiều hướng có lợi nhất cho họ. Nếu trước kia cộng sản đã không thành công trong việc hạ thấp ảnh hưởng và uy tín của TGM Kiệt, thì bây giờ, sự ra đi của ông được coi như một bàn thắng lớn. Với CSVN, Tổng Kiệt cuốn gói ra đi rõ là nhà nước “ta” đã thành công trong việc áp lực giáo quyền lẫy lừng Vatican phải “trừng trị nghiêm minh” kẻ vi phạm pháp luật. Và sau đó, nếu như Tòa Thánh và Việt Nam có lập bang giao chính thức, hay nếu Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam, thì chỉ có nghĩa là Vatican đã buộc phải đi theo lộ trình Đảng đã vạch ra. Đúng là một mớ bòng bong, không biết đàng nào mà lần! Tuy nhiên, trong mớ bòng bong này vẫn có một điều chắc chắn, đó là nhân cách, lời nói, việc làm của TGM Ngô Quang Kiệt đã thực sự chấn động tâm tư của rất nhiều người, trong đó có tôi, một người không bước chân vào nhà thờ nhiều chục năm. Sau nhiều ngày theo dõi, tìm kiếm thông tin, tôi thấy cần nói lên ý kiến của mình. Những điều tôi sắp trình bày dưới đây hoàn toàn của một cá nhân nên chắc chắn có nhiều thiếu sót, sai lầm, thậm chí xúc phạm. Vì thế, kính mong tất cả bạn đọc cứ phê bình, phản biện thẳng thắn cho. Trước tiên có lẽ cần nhắc lại rằng sự tin yêu ngưỡng mộ của bà con giáo dân Hà Nội dành cho TGM Ngô Quang Kiệt không phải một ngày một buổi mà có. Không từ cái ngày TGM Kiệt lội nước trong trận lụt 2008 đi thăm hỏi mọi người, cũng không từ vụ Thái Hà, tòa Khâm Sứ, cũng không đợi tới lúc ông đòi xóa bỏ cơ chế Xin–Cho với câu nói trứ danh: “Chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. TGM Kiệt đã gây mầm, nhóm lửa từ những ngày đầu gian khó nhất khi ông được giao cho một giáo phận “ba không” (1). Những ngày đầu tiên khi nghe tin đến một vị Giám mục trẻ tuổi được đưa về Giáo phận Lạng Sơn, không ít tín hữu đã tò mò về vị Giám mục “ba không” ở miền đất này: không Tòa Giám mục, không đoàn linh mục, không nhà thờ, thậm chí không có cả… giáo dân. Những năm tháng ở đó, Ngài đã thỏa mãn sự tò mò của các giáo dân chúng tôi bằng những hành động trong vai trò của một thủ lãnh tại một nơi tái truyền giáo. Ở đó, Ngài đã hy sinh, lặn lội bất chấp tất cả mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh để đem ánh sáng Tin mừng trở lại với những người hơn nửa thế kỷ không được đến với Thánh thể. Ở đó, Ngài đã thủ trọn vai của tất cả các trách vụ trong một giáo đoàn từ người quét nhà thờ, kéo chuông, dâng lễ, và… đóng cửa nhà thờ. Những khó khăn của những năm tháng đó là cơn thử thách nặng nề đối với năng lực, đạo đức của một chủ chăn. Và chỉ trong một thời gian chưa dài, Ngài đã làm sống lại một giáo phận nơi miền đất núi rừng biên giới âm u. Từ một giáo phận trắng, nay Giáo phận Lạng Sơn đã hồi sinh mạnh mẽ. Với một người đi từ cái khó đi lên như TGM Kiệt thì những ý kiến cho rằng ông đã “anh hùng thấm mệt” nên rút lui (cho xong chuyện) là không vững. Và nếu nói TGM Kiệt quá cô đơn cũng không hẳn, thử hỏi ai đã cất nhắc ông lên quyền Tổng Giám Mục, nếu không là Tòa Thánh; thử hỏi ai đã lên tiếng công nhận ông không làm điều gì sai trái trong vụ tranh chấp tòa Khâm Sứ, chính là Hội Đồng Giám Mục; và rồi còn biết bao giáo dân bên cạnh ông, hết lòng ủng hộ ông. Dĩ nhiên, trong hàng giáo phẩm vẫn có những kẻ thời cơ, hèn hạ; và Hội đồng Giám mục có thói quen im nhiều hơn nói hơi bị lâu, nhưng từng đó thứ có đủ để bẻ gãy ý chí của TGM Kiệt hay không? Tôi nghĩ là không. Khi biến cố Tòa Khâm Sứ, Thái Hà nổ ra và TGM Kiệt mạnh mẽ lên tiếng phản đối nhà cầm quyền thì ông thật sự thành cái gai nhức nhối. Các cơ quan truyền thông cắt xén lời phát biểu của TGM Kiệt và qui kết cho ông nhiều tội trạng. Thế nhưng, mọi cố công bôi bẩn đó chỉ tạo phản ứng ngược, chỉ làm cho Tổng Kiệt thêm nổi tiếng (2). Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2010, các bài viết về Giám mục Ngô Quang Kiệt không còn giới hạn trong khuôn khổ một địa phận hay một nước, mà đã lan trải cả trên thế giới. Điều này hẳn đã làm nhà cầm quyền Hà Nội phát hoảng. Đó là chưa kể, TGM Kiệt có rất nhiều triển vọng trở thành Hồng Y. Vietcatholic News tháng 2 vừa qua có nói tới một Công nghị Hồng y (The College of Cardinals) có thể sẽ được tổ chức năm 2011. Hiện có đến 30 Tòa Hồng y đang trống do các vị Hồng y khắp thế giới qua đời trong những năm gần đây mà chưa có một Công Nghị mới để bổ sung các tân chức kể từ năm 2007. Ngoài ra, năm 2011 cũng là năm sẽ chứng kiến một loạt các Hồng y khác bước tới ngưỡng 80. Tòa trống và số lượng Hồng y vượt ngưỡng 80 quá nhiều, liệu bao nhiêu Hồng y mới đủ lấp đầy chỗ thiếu? Nhìn lại Việt Nam thì thấy từ trước đến nay, Hà Nội đã có truyền thống là Tòa Hồng y, và ai ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám mục thì hầu như sẽ được chọn làm Hồng y tương lai. Vả lại, từ nhiều năm nay, miền Nam có Hồng y mà miền Bắc thì không. Vì thế viễn tượng về một tân Hồng y tại Hà Nội là rất có thể xảy ra. Và người ta tin tưởng vị Hồng y tương lai sẽ chính là TGM Ngô Quang Kiệt (3). Thêm chức Hồng y, Ngô Quang Kiệt sẽ như hổ thêm cánh. Nhà cầm quyền Hà Nội sẽ buồn nhiều phút khi nghe “tin dữ” đó. Biết vậy, nhưng chẳng làm gì được, vì chuyện bổ nhiệm các chức vụ Giám mục, Hồng y là thuộc quyền riêng của Giáo Hoàng, là bí mật của Tòa Thánh (pontifical secret or pontifical secrecy or papal secrecy). Bí mật đến mức có thể có những Hồng y bí mật. Trong lúc còn đương vị, Giáo hoàng John Paul II đã bí mật chọn 4 Hồng y. Dần dà Người đã nói ra 3 vị, duy tên vị thứ tư và cuối cùng, Giáo hoàng đã đem theo cùng Người. Vị Hồng y đầu tiên là Giám mục Ignatius Kung Pin–Mei, Giám mục Thượng Hải, đã chịu hơn 30 năm giam cầm và đày đọa (1955–85) vì không từ bỏ đức tin. Hơn 10 năm trước khi GM Kung bị trục xuất qua Hoa Kỳ, Giáo hoàng đã chọn ông làm Hồng y nhưng vẫn giữ kín. Chỉ đến khi ông đã được an toàn thì Giáo hoàng mới công bố điều đó ra. Có 2 lý do chính của việc giữ kín tên của vị Hồng y tương lai (5): • Để bảo vệ sự an toàn của người được chọn khi người này đang còn bị nguy hiểm vì nhà cầm quyền có chính sách đàn áp đạo Công Giáo. Tương truyền GM Zen Ze–kiun (Trần Nhật Quân – của Hong Kong, năm nay 78 tuổi) chính là Hồng ý bí mật thứ tư. Giáo hoàng Benedict XVI sau này cũng đã tấn phong Hồng y cho GM Quân dù vị tiền nhiệm không để lại bút tích chứng từ gì.
Và cộng sản tìm mọi cách để bứng Tổng Kiệt đi, dù có thể đó là phải nhượng bộ Vatican. Bao lâu nay, Tòa Thánh dù rất muốn nhưng không thể nào thuyết phục được Hà Nội thiết lập bang giao, nói nôm na Vatican chẳng có con bài tẩy nào để tố. Và rồi TGM Kiệt vào cuộc, đi những bước ngoạn mục, tiến tới kết quả đã thấy là ép được Hà Nội phải ngồi vào bàn đàm phán. Giờ đây, hai bên đang xúc tiến việc thiết lập một tòa Khâm sứ không thường trực. Nếu theo hướng nhìn này thì chính nhà nước VN phải đi theo lộ trình của Vatican chứ không là ngược lại, và TGM Kiệt chính là tác nhân của chuyển biến này chứ không là nạn nhân. Một người bạn của tôi cho rằng TGM Ngô Quang Kiệt nên ở lại và nên chịu hy sinh, điều này sẽ đẩy mạnh tiến độ đấu tranh như LM Jerzy Popieluszko đã ảnh hưởng tới Ba Lan. Nhưng tôi không đồng ý với giải pháp đó vì tình hình Việt Nam hiện nay không giống như Ba Lan năm 1984 (6). • Ba Lan có 90% dân số theo đạo Thiên Chúa, trong khi Việt Nam chưa tới 7%. Đó là chưa kể đời sống kỷ luật, tôn kính của người tín hữu Công Giáo vẫn còn là điều xa lạ, đôi khi còn gây hiểu lầm cho những bà con có đạo khác hay không có đạo. • Ba Lan lúc đó đã có Công Đoàn Đoàn Kết, một tổ chức đấu tranh quyết liệt và khôn ngoan, trong khi Việt Nam chưa có một tổ chức nào tương tự. • Người dân Ba Lan lúc đó ý thức rõ đất nước bị Liên Xô thống trị và nhà nước tay sai; trong khi người dân Việt Nam chưa hẳn đã nhìn thấy hiểm họa Trung Quốc và nhà cầm quyền bán nước. Đó là 3 yếu tố ngáng trở khiến sự hy sinh mạng sống của TGM Kiệt khó tạo ra được làn sóng nổi dậy của toàn dân Việt. Dù thế, CSVN vẫn không muốn dùng vũ lực vì vẫn ngay ngáy lo sợ “lỡ thành Ba Lan thì nguy”. Một mặt, họ muốn Tổng Kiệt phải “biến”, nhưng mặt khác, không dám làm ông biến mất trên cõi đời này, chỉ tìm cách khiến ông biến khỏi Việt Nam mà thôi. Và cuối cùng, cộng sản buộc phải xúc tiến mối quan hệ Vatican – Việt Nam để đổi lấy sự ra đi êm thắm của TGM Kiệt. Nếu nói như thế thì chỉ có bà con giáo dân thua đậm: tưởng có người chủ chăn uy vũ tài năng để hướng dẫn mình, nay lại phải dưới trướng một đức ông chán mớ đời. Bà con nản, dù ngày lễ lớn, bà con chả muốn tới nhà thờ lớn. TGM Ngô Quang Kiệt có “bỏ” bà con tín hữu mà đi thực, nhưng ông không để lại một giáo phận hoang phế điêu tàn, trái lại, ông đã để lại một tương lai mới, mạnh mẽ và sống động. Về “phần hồn”, đó là tinh thần Ngô Quang Kiệt, về “phần xác”, đó là Trung tâm Hành hương Các Thánh Tử Đạo và Vương cung Thánh đường Sở Kiện (7). Trong năm 2008, dù bận rộn với việc đấu tranh đòi công lý, TGM Kiệt vẫn tiến hành tu bổ những tòa nhà xập xệ trong khuôn viên nhà thờ làm nơi lưu trữ chứng tích các thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong tương lai, Sở Kiện sẽ là một trung tâm hành hương quan trọng giống như La Vang.
Trong Đại Hội Thánh Mẫu La Vang 2008, đã có tới trên 500 ngàn người tham dự. Giả sử đoàn người đó sẽ rùng rùng kéo về Sở Kiện? Khi tới nơi con số có thể lên đến triệu người. Một quang cảnh vĩ đại, hay, đó là những tập thử cho một cuộc toàn dân tổng nổi dậy trong tương lai? Trong tương lai gần, quan hệ Vatican – Việt Nam đang tiến triển. Có người cho rằng cuộc hội thảo tháng 6 vừa qua giữa Vatican – Việt Nam nhằm “đào sâu và phát triển quan hệ song phương” là một bước lùi của nhà cầm quyền cộng sản. Có người cho rằng đó là cái giá quá đắt để đổi lấy sự ra đi của TGM Ngô Quang Kiệt. Nhưng đa số hẳn cùng chung tâm trạng hoang mang: nửa mừng, nửa lo. Giáo Hội đã mất gì thì thấy rồi, bây giờ chỉ còn xem Giáo Hội sẽ “được” gì. Đó có thể là Vatican có tòa đại sứ chính thức ở Việt Nam, có thể là Giáo Hoàng Benedict XVI đến thăm Việt Nam, và quan trọng hơn hết, Hội Đồng Giám Mục được toàn quyền trong việc bổ nhiệm chức linh mục, không phải thông qua xét duyệt và chấp thuận của nhà nước. Tất cả những điều này đều có thể bị quỵt! Đó chính là cái làm người ta lo sợ. Không thể không lo sợ khi thấy sau vụ “giao dịch” mức độ đàn áp chỉ ngày càng tăng chứ không hề giảm. Gần đây nhất một giáo dân, ông Nguyễn Thành Năm, đã bị giết chết trong cuộc tranh chấp đất đai tại Cồn Dầu (8).
Nhà cầm quyền Hà Nội có thể tráo trở một lần nữa như họ đã từng làm nhiều lần trong quá khứ, nhưng một điều họ sẽ không bao giờ đảo ngược được đó là nhà thờ Sở Kiện đã là Vương cung Thánh đường và sẽ là một trung tâm hành hương hùng tráng của người Công giáo. Đại hội Thánh Mẫu La Vang sẽ được tổ chức trong năm 2011 sắp tới. Hà Nội liệu có tiếp nối Quảng Trị? Mong các tín hữu, không chỉ riêng Hà Nội mà khắp Việt Nam, với lòng trân trọng tâm huyết của TGM Kiệt sẽ giúp cho đại lễ hành hương Sở Kiện trong tương lai trở thành một kỳ tích của lịch sử Giáo hội Việt Nam. Những chứng cứ, luận điểm trong bài không phủ định những ý cho rằng có những kẻ thời cơ trong hàng giáo phẩm Việt Nam, kể cả Vatican, đang hoạt động nhằm phục vụ cho lợi ích các phe nhóm thế quyền; cũng không loại trừ việc TGM Ngô Quang Kiệt đã bị sức ép từ nhiều phía trong thời gian ông còn ở Việt Nam. Những điều vừa nêu chỉ nhằm cho thấy TGM Ngô Quang Kiệt không thể là người dễ dàng buông xuôi phó mặc, hay, chỉ biết vâng phục tuân lời để đến nỗi thành một nạn nhân đáng thương. Ngược lại, dường như ông đã trù liệu, dự tính tất cả; ông đã từng bước thực hiện mọi việc một cách bền bỉ, kỹ lưỡng, bất chấp những ngáng trở, cạm bẫy và sức khoẻ bản thân để đạt đến mục đích cuối cùng. Nếu nói TGM Kiệt đã chiến đấu như một vị tướng chỉ huy mặt trận cũng không quá đáng. Giờ đây, vị tướng ấy tạm thời lui ra, để nhường cho những viên tướng khác xung trận. Những tin gần đây: • “Thư Hiệp thông với Giáo xứ Cồn Dầu, Giáo phận Đà Nẵng 26–03–2010” – của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền có đoạn viết: “Cực lực lên án nhà cầm quyền CS thành phố Đà Nẵng, bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh và tay chân đã và đang đày đọa cuộc sống, chà đạp hạnh phúc của đồng bào thôn Cồn Dầu”(9). • Ngày 28–06–2010, tân Giám mục Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn của Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt nam có đoạn viết, “Thiết tưởng cũng đã đến lúc nên thẳng thắn phê bình và đóng góp ý kiến với Nhà nước về những gì bất ổn hay chưa hoàn thiện, nhất là những gì liên hệ đến nhân phẩm và nhân quyền. Nhưng đồng thời cũng cần tán đồng và hỗ trợ những chương trình ích quốc lợi dân” (10). • Sáng ngày 26–06–2010, 9 thầy phó tế thuộc Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam đã được thụ phong chức linh mục. Đặc biệt 2 trong 9 tân linh mục này không được nhà nước chấp thuận. Dù có trở ngại vì vị giám mục được mời không đồng ý phong linh mục trái phép nhà nước, nhưng sau đó, linh mục giám tỉnh DCCT đã mời được giám mục Kontum (GM Hoàng Đức Oanh), và lễ ban thánh vụ linh mục đã diễn ra tốt đẹp(11). Những hành động khẳng khái trong hàng giáo phẩm gợi lên niềm hy vọng về một Giáo hội Công Giáo Việt Nam dũng cảm và hiệp thông hơn. Sự hy sinh của bà con giáo dân Thái Hà, Tam Tòa, Vinh, Đồng Chiêm, Cồn Dầu... và TGM Kiệt không thể bị lãng phí. Một tương lai mới đang mở ra và chờ đợi mọi người cùng nhập cuộc. -------------------------------------------------------------------------------- Nguồn tham khảo:
|