Home Đời Sống Tôn Giáo Việc chuyển đổi các linh mục đến giáo xứ khác có ý nghĩa gì?

Việc chuyển đổi các linh mục đến giáo xứ khác có ý nghĩa gì? PDF Print E-mail
Tác Giả: Pr Nguyễn Tuấn Hoan   
Thứ Bảy, 17 Tháng 7 Năm 2010 09:18

Còn nhiều giáo xứ mà dân Chúa rất mong có một cha sở mới, vì họ quá chán ngán một mục tử sống như kẻ chăn thuê


          Trong tháng 7-2010 này, giáo phận Sài-gòn có sự thay đổi một loạt các linh mục phụ tá, phó xứ từ xứ này qua xứ khác. Có vị tiếp tục làm phó xứ, có vị nhận chức chánh xứ nơi xứ mới. Sự kiện này chắc hẳn phải vì lợi ích cho dân Chúa, hơn là cho lợi ích cá nhân các linh mục. Hơn 40 linh mục là một con số không nhỏ để có thể đem đến một sự đổi thay trong đời sống cộng đoàn dân Chúa của giáo phận. Khi biết tin này và nhìn bản danh sách, tôi bỗng nảy ra một suy nghĩ muốn chia sẻ với anh em bạn hữu xa gần và cũng chân thành ngỏ lời với các vị linh mục sắp nhận nhiệm sở mới, những suy tư và những ước vọng của một giáo dân.

          Bài chia sẻ này chỉ nói lên một suy nghĩ cá nhân dựa trên sự kiện chứ không để tâm đến khía cạnh giáo luật. Thực tế thì luật đạo cũng như luật đời, đều nằm trong tay người có chức có quyền, họ học luật là để biết cách lách luật, để biết làm thế nào áp đặt người thấp cổ bé miệng phải sống và nghĩ theo một khuôn khổ mà thôi. Ngày xưa Chúa Giê-su chả luôn nguyền rủa cái đám luật sĩ đó sao? Họ chỉ biết bó những gánh nặng mà chất trên vai người dân, còn họ thì không buồn động ngón tay vào (x. Mt 23). Đó là cái hạng giả hình nhất, tự mãn với những mảnh bằng tiến sĩ luật này luật kia để ra oai mà chẳng đem lại cho dân Chúa ích lợi thiết thực gì. Họ chỉ biết mở miệng ra là nói làm thế này là sai luật, phải làm thế kia mới đúng…chỉ biết áp dụng luật cách máy móc, vô cảm.

Vấn đề thuyên chuyển

          Trong việc thuyên chuyển các linh mục, không biết các đấng bản quyền dựa trên tiêu chuẩn nào, có khách quan không, có biết đến nhu cầu của dân Chúa cần loại linh mục nào không, bởi vì ý kiến người tiêu dùng cũng là một yếu tố không thể coi thường, vì hàng nhận rồi rất khó trả lại. Tôi ví von như thế không quá đáng đâu, có những linh mục như một món quà, một ơn huệ Chúa ban cho đoàn chiên, nhưng không ít linh mục như một gánh nặng, một của nợ của dân Chúa. Nếu là cha phó thì còn có ngày thay đổi, chứ cha sở thì giáo luật cho phép ở lì  muôn năm (điều 522), dù có xảy ra tình trạng hội đủ những yếu tố để phải thuyên chuyển (điều 1740, 1741), thì vẫn được lờ đi, vì nó bám rễ quá sâu không dễ gì bứng được! Dĩ nhiên điều luật đó lại được các đấng lý giải theo cách của mình. Chính vì thế, một số cha sở cứ mặc sức tung hoành, tác oai tác quái như một lãnh chúa, coi dân như cỏ rác. Dân rất oán hận nhưng chẳng có ai dám lên tiếng, một số sợ tội thì ít, mà đa số sợ bị khó khăn khi có nhu cầu thiêng liêng, con cái lấy vợ lấy chồng, chịu các bí tích v.v. Một số học viên giáo lý Hôn nhân nói với tôi rằng ở vùng Gia Kiệm, Long Khánh các cha khó lắm, dù lý do công ăn việc làm phải về thành phố, nhưng muốn học giáo lý hôn nhân ở xứ nào trong thành phố, thì phải xin phép cha trước, cha có đồng ý mới được, nếu không, thì dù có học xong khoá giáo lý, có giấy chứng nhận hợp lệ, cha cũng không chấp thuận. Đúng là luật rừng, cũng không lạ vì giáo phận Xuân Lộc khá nhiều rừng, tất nhiên các đấng tu rừng không phải là ít. Tôi được nghe nói rất nhiều về lối sống dung tục, tha hoá, đặc biệt là thái độ quan liêu hống hách của những linh mục trong giáo phận này. Nói đến những thái độ vênh váo hống hách quát nạt dân thì tôi lại liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn “Con lừa mang hòm xương thánh”!

 Có cần thiết không? Có thực tế không?

          Việc thuyên chuyển các linh mục có phải là việc cần thiết cho mọi trường hợp không? Nếu không xét từng trường hợp mà chỉ thay đổi đại trà thì quả là việc làm máy móc, có khi gây thiệt hại cho dân Chúa. Ví dụ, một cha phó đang phục vụ rất hiệu quả trong một giáo xứ, đang có những dự phóng tốt đẹp trong những lãnh vực giáo lý, hội đoàn chẳng hạn, đành bỏ giở. Khi cha khác đến thường là thay đổi mà có khi còn làm ngược lại, đây cũng là một sự kiện phổ biến, vì tự ái nghề nghiệp, chỉ muốn làm theo ý riêng mình, thay vì tiếp tục công trình của người đi trước. Đàng khác, việc thuyên chuyển hàng loạt, dễ làm cho một số linh mục không gặp môi trường thuận lợi, sẽ sống co cụm, mặc cảm, thụ động, chờ mong cơ hội đổi đời nhờ những dịp thuyên chuyển như thế này.  

          Trong thực tế, có một số cha phó rất được giáo dân quý mến do tư cách đạo đức và lòng nhiệt thành trong mục vụ, gần gũi dân nhưng vẫn được quý trọng do bởi biết giữ một khoảng cách cần thiết. Sự quý trọng này không phải chỉ giới hạn nơi cá nhân hay hội đoàn mà là nơi đại chúng. Nói như thế vì có những cha phó chỉ đến với nhóm nào hay vài cá nhân nào cùng quan điểm, nhất là đem lại cho ngài những lợi lộc vật chất, hoặc những niềm vui chóng qua. Thử hỏi một linh mục mà ban ngày thì xách xe chạy lông bông, la cà đầu làng cuối xóm, tối đến thì lại vào nhà người “quen” để xem TV tới 11giờ00 khuya, thường xuyên như thế thì giờ đâu soạn bài giảng cho chu đáo, nên hầu hết những bài giảng của ngài đầu voi đuôi chuột, chỉ gây cười cho người nghe. Những linh mục loại này cần “thu hồi”  về để huấn luyện lại, chứ thuyên chuyển làm gì. Tôi dựa trên thực tế mà nói chứ không bịa ra đâu.

 Có khách quan không?

          Ngày xưa tôi ở trong quân đội, việc thuyên chuyển đơn vị là chuyện bình thường, nhưng đàng sau việc bình thường ấy có nhiều vấn đề. Có những người lính thuộc diện “con ông cháu cha” luôn được ưu đãi, được về những đơn vị không tác chiến, làm “lính kiểng”, những cấp lớn hơn thì cũng vậy hoặc phải chạy chọt để được nắm những đơn vị vừa có tiếng vừa có miếng, cuộc đời nhàn hạ không biết đến mưa nắng, chứ không nói đến những nỗi cơ cực mà những anh em đồng liêu khác phải chịu đựng ở những nơi khỉ ho cò gáy, nơi rừng thiêng nước độc, họ phải đem cả mạng sống để đổi lấy sự bình yên cho dân chúng, và cho những kẻ hưởng thụ kia.

          Chuyện đời là như thế, đầy rẫy bất công phe phái. Còn chuyện đạo thì sao? Liệu việc thuyên chuyển có khách quan không ?

           Được mấy linh mục dám tình nguyện đi những vùng nông thôn nghèo khổ, hay chỉ muốn chọn những giáo xứ giàu sang trong thành phố, càng gần trung tâm càng tốt. Có linh mục cả đời chỉ nhắm đến cái danh vọng bản thân, dùng mọi thủ đoạn luồn cúi, lấy lòng bề trên để leo từng nấc, không được mũ gậy thì ít ra cũng được chức tổng này tổng kia. Bảo việc thuyên chuyển hoàn toàn khách quan, không có những tác động khác, hay những nhượng bộ thiên vị thì quả là điều khó tin. Mỗi giáo xứ có những nét đặc thù, có nơi toàn tòng, có nơi xen kẽ nhiều tôn giáo bạn, về kinh tế cũng có những khác biệt, có giáo xứ đa số là dân lao động nghèo, giáo xứ khác lại có nhiều gia đình thuộc giới thượng lưu, giàu sang trí thức. Những khác biệt và chênh lệch đó sẽ là yếu tố khiến việc bổ nhiệm không đơn giản nếu đấng bản quyền thiếu khôn ngoan và công bằng. Cách nay khoảng 10 năm tôi đến dạy giáo lý tại một xứ nhỏ nằm ở quận Tân Phú, nghe những viên chức ở đây nói về cha sở C, tiền nhiệm của cha sở đương nhiệm (người mời tôi đến giúp), cha C được bổ nhiệm về đây không lâu, đa số giáo dân là thành phần lao động nghèo, lại nhiều thành phần nhập cư hoặc từ kinh tế mới trở về, rất nhiều gia đình rối hoặc con cái đến tuổi lập gia đình mà vẫn chưa xưng tội, thêm sức…Một cha bạn cha C nói: anh ở xứ này thì hết ngóc đầu lên được …! Bị ám ảnh bởi câu nói đó, lại thấy thực tế phức tạp, chẳng ngon lành chút nào nên cha C cũng chẳng muốn làm gì, ngoài việc  làm lễ xong là đi chơi với đám trẻ;  vào những dịp có giải bóng đá là tập trung một đám thanh niên, ăn nhậu thâu đêm, la hét om sòm. Hôm sau mấy bà mẹ công giáo phải vào dọn “bãi chiến trường” hôi hám! Cho đến một hôm, khoảng hơn 10 giờ đêm, cha C cùng với vài người dùng xe Honda chở hết đồ đi (rời nhiệm sở) âm thầm, nghe đâu sau đó mới gọi điện thoại báo cho bề trên là xin trả lại xứ! Nếu có năm bảy linh mục kiểu này thì đấng bản quyền chỉ còn bó tay chấm com!


 Những khó khăn nơi nhiệm sở mới

 

          Một linh mục được bổ nhiệm đến một xứ khác để nhận chức chính xứ, hay tiếp tục làm phó, phụ tá đều có những khó khăn. Nhưng trường hợp sau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trước tiên là với cha sở. Không phải cha sở nào cũng có tấm lòng quảng đại và chân thành đón nhận một người anh em cộng tác với mình, thể hiện được điều mà Sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục nêu ra: “Những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ…” . (Số 8b).

 Nếu thật lòng yêu mến Hội Thánh, quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của dân Chúa, thì trước tiên cha sở phải chân thành đón nhận người anh em với tất cả niềm vui và lòng yêu mến, sau là tạo mọi điều kiện để cha phó thể hiện trọn vẹn chức năng mục tử, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, ngoài ra còn phải giúp ngài nâng cao đời sống nhân bản. Cả hai phải đồng tâm nhất trí mà phục vụ cộng đoàn dân Chúa, chia sẻ với nhau những gánh nặng mà giáo xứ nào cũng có. Nói chung, các linh mục phải cảm nhận được cái hạnh phúc trong cộng đoàn bé nhỏ ấy như lời Thánh Vịnh:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

 anh em được sống vui vầy bên nhau”( Tv 132,1 )

          Trong thực tế, nhiều cha sở chỉ muốn ôm tất cả, những niềm nở gượng ép ban đầu nhường chỗ cho sự bất đồng trong công việc, khiến người này giữ kẽ với người kia, sinh ra nghi ngờ nhau. Một số cha sở có tính độc đoán và luôn hạn chế quyền hành của cha phó…chỉ sợ người khác hơn mình. Càng ngày tương quan càng trở nên căng thẳng, để rồi cuối cùng đi đến sự rạn nứt không hàn gắn được như đã từng có ở nhiều giáo xứ. Thật là một gương mù gương xấu, ấy vậy mà các ngài cứ gào trên toà giảng kêu gọi yêu thương, tha thứ, hiệp nhất. Giảng điều mình không sống có khác gì những con vẹt đâu?

          Ngoài những khó khăn nơi cha sở, cha phó còn gặp những khó khăn nơi cộng đoàn mới, nhóm này đòi hỏi thế này, nhóm khác đòi thế kia, lại có những cá nhân muốn bắc nhịp cầu để trở nên kẻ thân thuộc với cha, cho như thế là vinh dự, rồi lôi kéo cha theo ý mình. Một linh mục có bản lãnh, có lập trường sẽ không để mình bị lôi cuốn bởi phe nhóm nào hay cá nhân nào, luôn cử hành mục vụ chu đáo, bài giảng soạn kỹ. Nên dành thời giờ trau dồi thêm về những môn học thánh, để giúp ích cho Giáo Hội nhiều hơn, đừng tự mãn về những kiến thức của mình. Cuộc sống chan hoà với mọi người, xem hết thảy mọi người đều là đối tượng chăm sóc mục vụ của mình, vượt trên mọi tranh chấp. Được như thế chẳng sợ ai trách móc. Đừng quá hào hứng với những kẻ dua nịnh, quà cáp, luôn ca ngợi tâng bốc mình bằng những lời ngọt ngào. Có ngày chết không kịp ngáp đấy! Khổ một nỗi, cái lưỡi câu có cả hàng nghìn năm, hình dáng chất liệu vẫn y nguyên, thế mà có con cá nào nhận ra đâu, cứ thấy mồi ngon là đớp ! Khi đã cắn câu thì có trời gỡ!

          Trong thuật tu thân, Tuân Tử khuyên rằng: “Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải xét xem mình có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở thì phải cố mà trừ đi.

Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta mà khen phải, tức là bạn ta. Còn người nịnh hót ta, lại là cừu địch hại ta đấy!  Cho nên người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch.

          Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở mà lại thích người khen mình. Bụng như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục lại không bằng lòng. Thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười; thấy người trung tín thì chê…

          Còn những linh mục được bổ nhiệm làm chính xứ, oai đấy! nhưng không nhẹ gánh đâu. Nếu là một giáo xứ có nề nếp, đời sống đạo trưởng thành, những viên chức đều là những người nhiệt thành có tư cách, làm việc để phục vụ chứ không vì danh. Thì quả thật đó là một vườn nho được vun trồng tốt, cha xứ mới chỉ tiếp tục làm cho nó xanh tươi thêm trổ sinh trái tốt nhiều hơn. Nhưng hiếm thay, vì thực tế nhiều giáo xứ như một vườn nho xơ xác, cành lá héo khô. Hoặc như một bầy chiên ốm đói vì người chăn chỉ là kẻ chăn thuê, qua năm tháng đã xén sạch lông và vắt kiệt sữa của đàn chiên. Những con chiên trở nên bầy sói cắn xé nhau. Những giáo xứ như thế rất khát khao được những mục tử tốt, có đủ bản lãnh và lòng đạo đức, để với lòng tin vào quyền năng Chúa, vị mục tử này sẽ vực dậy  cái giáo xứ sa sút không còn sức sống ấy.

          Còn nhiều giáo xứ mà dân Chúa rất mong có một cha sở mới, vì họ quá chán ngán một mục tử sống như kẻ chăn thuê, lối hành xử thô bạo, coi rẻ mọi người, hùng hổ quát tháo với những ai dám góp ý về những việc làm sai trái của mình. Điều tệ hại nhất là chứng mê tiền nơi những loại mục tử này, nó lây lan rất nhiều và khó điều trị, vì thường bệnh này nhiễm vào máu rồi. Chỉ bao giờ không còn chút máu nào trong cơ thể thì mới khỏi bệnh!  Khốn nỗi lòng khao khát một cha sở mới khó đạt được vì hai lý do:

          1. Việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của bề trên tối cao (đôi lúc cũng tối …om), chứ không phải hễ dân muốn là được, vả lại như tôi nói ở trên, giáo luật cho phép ở lì vô thời hạn đối với cha sở.

          2. Khi chân dung của vị mục tử coi trời bằng vung, mắc đủ chứng nan y như trên, được bàn dân thiên hạ biết tỏ tường, thì bề trên biết kiệu ngài đến xứ nào. Vì có đến xứ nào thì dân cũng lễ phép thưa: “Dạ bẩm bề trên, chúng con chả dám, xin cám ơn!” Người Việt mình thông minh có thừa để hiểu lời cám ơn lễ phép ấy!

          Thôi thì giáo xứ nào đang sống trong hoàn cảnh như thế, thì hãy vui lòng chịu đựng, coi đó như việc đền tội và một cách để sống tinh thần mùa vọng, nhất là mình hiểu được lòng mong đợi sự giải thoát của dân Do Thái thời xưa như thế nào!


Kết luận

          Để kết luận cho bài chia sẻ này, trước hết, tôi xin chân thành cầu chúc tất cả các linh mục được bề trên bổ nhiệm đến giáo xứ mới trong dịp này, được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để các ngài được khôn ngoan, mạnh mẽ và can đảm đón nhận một môi trường mới. Dân Chúa rất khao khát tìm thấy nơi các ngài hình ảnh của Đức Kitô nhân hậu, quảng đại và giàu lòng thương xót. Dân Chúa không đòi hỏi các ngài phải là những siêu nhân, phi phàm, nhưng mong muốn các ngài phải là khuôn mẫu cho lòng đạo đức và bác ái.

          Sau hết, tôi mong rằng sự chuyển đổi không dừng lại ở sự thay đổi trong không gian, như người ta đổi chỗ ở. Dịp chuyển đổi này phải mang tính biểu tượng cho sự thay đổi tâm linh, đổi mới suy nghĩ, đổi mới cung cách mục vụ, đổi mới những quan hệ cho trong sáng, lành mạnh hơn. Được thế thì quả thật các ngài đã tạo phúc cho dân đấy, bằng không nếu chỉ đi xứ mới để thoát một mối bận tâm, hay một “xì-căng-đan” nào đó để yên thân hơn, để hy vọng có đà tiến tốt hơn thì quả là đáng buồn.

Trước khi dừng tay, tôi xin tặng các vị một câu chuyện ngụ ngôn trong “Cổ Học Tinh Hoa”:

          Con cú mèo gặp con chim gáy. Chim gáy hỏi: “Bác sắp đi đâu đấy?”.

Cú mèo nói: “Tôi sắp sang ở bên phương đông”.

          “Tại làm sao lại phải đi thế?”

          “Ở đây người ta nghe tôi kêu, người ta ghét, cho nên tôi phải chuyển đến nơi khác”.

          Chim gáy nói: “Bác có thể nào phải đổi tiếng kêu đi mới được. Chứ không đổi, thì sang phương đông, người ta nghe tiếng kêu, cũng lại ghét bác thôi, vì nhân tình đâu mà chả thế”