Home Đời Sống Tôn Giáo Nhìn sang Giáo hội Cuba thấy khác gì Giáo hội Việt Nam?

Nhìn sang Giáo hội Cuba thấy khác gì Giáo hội Việt Nam? PDF Print E-mail
Tác Giả: Tin Tổng Hợp   
Thứ Bảy, 10 Tháng 7 Năm 2010 13:49

Những thông tin trên mạng truyền thông quốc tế cho thấy rõ ở đó có một Giáo hội Cuba luôn “Đồng hành cùng dân tộc”, nhưng dân tộc ở đây không có nghĩa là đảng cộng sản như ở Việt Nam.


Cũng là một trong những đất nước chịu đại họa của chế độ cộng sản, đất nước Cuba xinh đẹp cũng chìm trong đói nghèo và lạc hậu. Hàng triệu người dân Cuba vẫn ngày đêm bị nhồi sọ bằng tư tưởng Cộng sản vô thần, hàng giáo phẩm Cuba cũng được chăm sóc bằng một hệ thống mật vụ đông đúc theo đúng mô hình Cộng sản với đầy đủ những trò đốn mạt đê hèn.
Vậy nhưng Giáo hội Cuba đã làm gì ở đó? Những thông tin trên mạng truyền thông quốc tế cho thấy rõ ở đó có một Giáo hội Cuba luôn “Đồng hành cùng dân tộc”, nhưng dân tộc ở đây không có nghĩa là đảng cộng sản như ở Việt Nam.
Giáo hội Cuba vẫn đứng vững và cất tiếng nói khảng khái bênh vực những người nghèo, những người đau khổ và lên án xã hội bất công, bạo lực. Đặc biệt mới đây, Giáo hội Cuba đã không ngần ngại khi tiếp xúc với nhà nước Cộng sản nêu những yêu cầu về những tù nhân chính trị.
Tại sao, một đất nước cộng sản cuồng tín như Cuba, hàng giáo phẩm Cuba vẫn hiên ngang và anh dũng đi đúng đường hướng của Giáo hội Công giáo luôn đồng hành cùng người dân đau khổ. Ngược lại ở Việt Nam, thậm chí chưa bao giờ nghe tiếng nói chính thức của giáo hội Công giáo lên tiếng cho những người nghèo, người bị giam cầm, bắt bớ, đánh đập, thậm chí là giết chết ngay trong những giáo dân, linh mục của mình chưa nói đến toàn xã hội.
Hai giáo hội công giáo đó khác nhau những gì? Nguyên nhân?
Mời quý vị đọc những bản tin liên quan, để qua đó nhận biết được sự khác nhau không đáng có ở đây

Chủ tịch Cộng Sản Cuba gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo hội Công Giáo.

HAVANA – CUBA: Chủ tịch Raul Castro đã tổ chức một cuộc hội đàm hiếm có với Đức Hồng y và các vị giáo sĩ hàng đầu khác của Giáo hội Công giáo ở Cuba. Các vị thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có cả cuộc trấn áp gần đây của chính quyền Cuba đối với người bất đồng chính kiến, qua sự trung gian của Giáo hội mà vụ việc này mới được chấm dứt.

Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Cuba với Đức Hồng Y Jaime Ortega và Đức Tổng Giám mục Dionisio Garcia là một dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Giáo hội trên đảo quốc này. Hôm Thứ Năm, Đức Tổng Giám mục Garcia – Tổng Giáo phận Santiago, cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Cuba cho Hãng tin AP biết, cuộc hội đàm đã diễn ra trong hơn bốn giờ đồng hồ.

Đã 5 năm kể từ khi Fidel Castro lui về sau chính trường, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Hội đồng Giám mục Cuba mới gặp gỡ với lãnh đạo của đất nước. Fidel chính thức bước xuống vào năm 2008, chuyển quyền lãnh đạo ông cho người em trai là Raul Castro.

Đức Tổng Garcia đã tham dự buổi gặp gỡ này vào chiều ngày Thứ Tư tại Phủ Cách mạng, trụ sở chính phủ Cuba, Ngài nói, “Đó là một cuộc gặp gỡ rất tích cực”. Ngay hôm Thứ Năm, một bức ảnh tươi cười rạng rỡ của Raul Castro với hai vị lãnh đạo Giáo hội được in trên trang nhất tờ nhật báo Granma của Đảng cộng sản Cuba, nhưng chẳng có nhiều bình luận về những gì đã được thảo luận.

Đức Tổng Garcia đã không đi vào chi tiết cụ thể về cuộc gặp gỡ, nhưng cho biết là họ có nói về quyết định cấm tổ chức diễu hành hàng tuần của chính phủ đối với nhóm bất đồng chính kiến Bạch Y Thanh Nữ (Ladies in White). Nhóm này gồm những người vợ và mẹ của các tù nhân chính trị đang bị giam giữ, các chị đã bị cấm biểu tình vào cuối tháng Tư, chính quyền chọn giải pháp này trong khi các chị vẫn tiếp tục lên tiếng. Bế tắc đã được tháo gỡ nhờ vào việc hòa giải của Đức Hồng Y Ortega, chính phủ đồng ý cho phép các chị tiếp tục biểu tình ôn hòa, đổi lại, họ phải cam kết sẽ không mở rộng hoạt động này thêm nữa.

Đức Tổng Garcia cho biết, ngài nghĩ rằng sẽ có được những điều tốt đẹp phần nào từ chính phủ về vấn đề bất đồng chính kiến.

Chính phủ luôn bác bỏ cáo buộc họ giam giữ tù nhân chính trị và nói rằng những người bất đồng chính kiến là do Washington mua chuộc, đây là quan điểm thường thấy của chính quyền Cuba kể từ ngay sau khi Fidel Castro lật đổ nhà độc tài Fulgencia Batista vào năm 1959.

Đức Hồng y Ortega đã phải lao vào chính trị nhiều lần trong những tháng gần đây. Tháng Tư vừa qua, ngài nói trong một tạp chí của Giáo hội Cuba, đây là trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong năm và rằng công dân đã kêu gọi việc thay đổi chính trị và xã hội nhanh hơn.

Cuộc gặp gỡ giữa Castro và nhà lãnh đạo Giáo hội này diễn ra một tháng trước khi Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti – Bộ trưởng Ngoại giao Vatican – dự kiến đến thăm Cuba để thảo luận về những thách thức đối với nền kinh tế của đảo quốc và những tác động của người di cư và các gia đình bị li tán.

Đức Tổng Mamberti là quan chức cao cấp tiếp theo của Vatican đến Cuba kể từ cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone vào tháng 2 năm 2008.

Quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Cuba vẫn thường xuyên bị căng thẳng. Tình hình đã được giảm bớt trong thập niên 1990, khi chính phủ loại bỏ vấn đề chủ nghĩa vô thần trong hiến pháp và cho phép tín hữu của các tôn giáo gia nhập Đảng cộng sản. Họ cũng nồng ấm hơn khi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Cuba vào năm 1998.

Tác giả : Tiền Hô

——————————–


Tòa Thánh yêu cầu chính quyền Cuba để Giáo Hội được dùng phương tiện truyền thông xã hội

Thứ Sáu vừa qua, một giới chức cao cấp của Tòa Thánh Vatican cho biết Ngài đã yêu cầu chính quyền cộng sản Cuba để cho Giáo Hội Công Giáo được sử dụng các phương tiện truyền thông công cộng vì dân chúng ở đây là những người đạo hạnh muốn được nghe lời chủ chăn.

Hiện Tại Giáo Hội Công Giáo Cuba không có đài phát thanh hay truyền hình nào vì giống như mọi quốc gia cộng sản khác, nhà nước độc quyền các phương tiện truyền thông.

Đức TGM Claudio Maria Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội nói trong cuộc viếng thăm của Ngài tại thủ đô La Havana “Chúng tôi mong mỏi Giáo Hội Cuba được dùng các phương tiện truyền thông bình thường”

Ngài nói thêm: “Tôi tin tưởng những người dân Cuba là các Kitô hữu và Công Giáo chiếm đa số muốn được nghe và nhìn thấy những vị chủ chăn của họ”

Đức TGM Claudio Maria Celli đã đến Cuba vào ngày thứ Tư trong một chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày. Ngài mô tả các cuộc gặp gỡ với các giới chức chính quyền là thân thiện.

Vào ngày thứ Sáu Ngài đã gặp Giám Đốc Sở Truyền Thanh /Truyền Hình Cuba và gặp Thứ Trưởng Bộ Thông Tin nhưng không có cuộc gặp gỡ vời Tổng Thống Raul Castro.

ĐGH Benedict XVI đã bổ nhiệm Đức TGM Celli làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông vào năm 2007.

Tưởng cũng nên nói thêm tại Cuba, vào dịp lễ Giáng Sinh hay trong một biến cố quan trọng nào khác của Giáo Hội như việc ĐGH sang thăm Cuba, chính quyền đã cho phép thực hiện những buổi phát thanh hoăc nhà nước trực tiếp truyền hình các buổi lễ do Đức Thanh Cha cử hành.

Tác giả : Nguyễn Long Thao

—————————————

Đức Hồng Y Cuba: ‘không phải gặp gỡ là thỏa hiệp’

 
 Một nhóm phụ nữ phản đối việc chồng họ bị giam giữ như những
tù nhân chính trị, bằng cách mặc toàn y phục trắng.
HAVANA, CUBA, Ngày 23 tháng 5 năm 2010 (CNA) – Trong buổi họp báo được tổ chức hôm Thứ Tư tuần qua tại thủ đô Cuba, sau cuộc gặp với chủ tịch cộng sản Raúl Castro, Đức Hồng Y Jaime Ortega – Tổng giám mục Havana – thông báo rằng, một trong số các chủ đề tại cuộc gặp gỡ là vấn đề về nhóm Bạch Y Thanh Nữ – đây là nhóm bất đồng phản đối việc chính phủ giam giữ những người chồng của họ lẫn những tù nhân chính trị.

Đối với tù nhân, ngài nói, không thể nhanh chóng đi đến kết luận là bao giờ họ sẽ được thả tự do, hoặc khi nào thì chính phủ có những hành động cụ thể, nhưng Đức Hồng Y khẳng định: “vấn đề đang được xử lý cách nghiêm túc”.

Cuộc gặp gỡ diễn ra hôm Thứ Tư giữa chủ tịch Raúl Castro, ông Caridad Diego Bello – Trưởng Ban Tôn Giáo Trung Ương của Đảng cộng sản Cuba với Đức Hồng Y Jaime Ortega và Đức Tổng Giám Mục Dionisio García – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cuba.

Không phải thỏa hiệp

Trước khi các phóng viên đặt câu hỏi mở đầu cuộc họp, Đức Hồng Y Ortega giải thích rằng, cuộc gặp gỡ với chủ tịch Castro không thể coi đó là một hành động thỏa hiệp. Thay vào đó, ngài lưu ý, các thảo luận của cuộc gặp gỡ sẽ mở đường cho hàng loạt đối thoại về sau, “nó đã có một khởi đầu tốt đẹp và nên tiếp tục như thế”.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm với chủ đề tù nhân chính trị và Bạch Y Thanh Nữ – một nhóm phụ nữ phản đối việc chồng họ bị giam giữ như những tù nhân chính trị, bằng cách mặc toàn y phục trắng. Đức Tổng Giám mục García nói rằng, cuộc hội đàm với ông chủ tịch không nghiêng về bên nào nhưng ngài cũng cho biết, “chúng tôi đang làm việc về vấn đề này”. Ngài nói thêm là không ai có thể nhanh chóng kết luận về thời gian hoặc chi tiết những hành động cụ thể nhưng ngài nhấn mạnh, “chủ đề này đang được xử lý nghiêm túc, đó là điều mà tôi có thể nói”.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục García nói rằng, dù trong quá khứ có những bất đồng, cuộc gặp hôm Thứ Tư thật quan trọng cho việc giúp đỡ những nỗ lực của Giáo hội trong việc hòa giải, và công nhận vai trò trung gian của Giáo hội. Ngài tiếp, cuộc gặp ấy đã đặt sang một bên những bất đồng cũ để cùng nhau hoạt động trong một hướng mới.

Tổng Giám mục còn nói, không nên xem cuộc gặp ấy để diễn giải mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội là “Đồng minh”, bởi vì cụm từ này chỉ mang ý nghĩa quân sự hoặc chính trị. Giáo hội nên hoạt động trong xã hội cùng với sự tự do tôn giáo được đảm bảo bởi Hiến Pháp nhưng không bao giờ hoạt động dưới bất kỳ loại hình liên minh nào. Tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ ấy bắt nguồn từ điều này. Bằng cách đó, Giáo hội có thể vượt qua những quan niệm xưa cũ và khuôn mẫu để đi vào trong bản chất và sứ mệnh của Giáo hội trong lòng xã hội.

Cuộc gặp gỡ với Raúl Castro, theo Đức Hồng Y Ortega là mở ra một kỷ nguyên mới. Trên tất cả, trong tâm tưởng ngài thì cuộc gặp không phải chỉ đối thoại về các vấn đề của Giáo hội mà là đối thoại về đất nước Cuba, hiện tại và tương lai, “đó là lí do tại sao nó lại diễn ra hơn 4 giờ đồng hồ”, ngài giải thích. Sự kiện quan trọng này diễn ra trong thời điểm cần đối thoại. Đức Tổng Giám mục Garcia trích dẫn lời Đức Giáo hoàng Phaolô VI, “đối thoại là danh xưng mới của hòa bình”.

Tác giả : Tiền Hô

————————-

Sau khi đối thoại với Giáo Hội Công Giáo, Nhà Nước Cuba trả tự do cho 52 tù nhân chính trị.

 
LA HAVANA, Cuba ngày 07/07/2010/ 05:21PM theo tin của Thông Tấn Xã Công Giáo CNA: tiếp theo cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cuba giữa các nhà lãnh đạo chính phủ và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Cuba; các cơ quan có thẩm quyền chính trị tại Cuba hôm nay thông báo rằng họ sẽ phóng thích 52 tù nhân chính trị.

Cũng theo Nhật báo Miami Herald, nhà lãnh đạo Cuba Chủ Tịch Raul Castro thông báo hành động này cho Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục Havana trong ngày 07 tháng Bảy trong một cuộc họp mới nhất của hàng chuỗi các cuộc đối thoại đã được khởi sự gần hai tháng qua.

Nhà lãnh tụ Raul Castro đã thông báo với ĐHY Ortega là 5 tù nhân sẽ được trả tự do ngay tức khắc và 47 tù nhân còn lại hiện đang được phép xuất cảnh rời khỏi đảo quốc này trong vòng 4 tháng nữa. Nhật báo Miami Herald trình thuật là 52 tù nhân đợt này là trong nhóm 75 nhà tranh đấu và bất đồng chính kiến tại Cuba đã bị bắt giữ từ năm 2003 vì chính quyền Cộng Sản Địa Phương tại Cuba quy cho họ là tội phản quốc.

Trước khi có thông báo của ngày hôm nay, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục đã nói chuyện với các giới chức có thẩm quyền tại Cuba và đã nhận 1 tù nhân được phóng thích và yêu cầu chuyển nơi giam giữ của một nhóm hơn mười hai tù nhân khác về gần nhà và thân nhân của họ.

Các tù nhân đã báo cáo là họ đã chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong tù, và trong số đó có một vài tù nhân đã tuyệt thực dài ngày để phản

đối chế độ tù giam. Tù nhân Ariel Sigler Amaya, 46 tuổi vừa được phóng thích tháng trước, vì đã bị liệt nửa người trong tù và hiện nay chỉ còn nặng 106 cân Anh.

Các cuộc đối thoại đang góp phần vào việc phóng thích các tù nhân tại Cuba cũng là một phần nhờ ở công sức của Đức Tổng Giám Mục Dominique

Mamberti, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh Vatican, người đã chính thức thăm viếng Cuba trong suốt Tuần Công tác Xã hội Cuba trong tháng Sáu vừa qua và nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Tòa Thánh Vatican – Đảo Quốc Cuba.

Tác giả : Dominic David Trần
(Nguồn: Vietcatholic.org)

Và đây là thái độ của Giáo hội Việt Nam:


Hội đồng Giám mục Việt Nam: lên tiếng hay không lên tiếng

 
                                                  Tu sĩ bị đánh tại Đồng Chiêm
 
                                          Giáo dân bị đánh tại Đồng Chiêm
 
                                  Giáo dân bị tàn sát bất kể người sống hay người chết

Khi xảy ra vụ việc Đồng Chiêm cũng như các vụ việc Toà Khâm Sứ (Hà Nội), Tam Toà (Vinh) hay Loan Lý (Huế), Trang tin điện tử của HĐGMVN nhận được nhiều thư góp ý và một thắc mắc thường được nêu lên là: tại sao HĐGM không lên tiếng? Trong bối cảnh trên và trong tinh thần hiệp thông của Năm Thánh 2010, thiết tưởng một vài suy nghĩ cần được chia sẻ để soi sáng cho nhau trong đời sống của Hội Thánh.

Liên quan đến từng vụ việc cụ thể tại từng địa phương, hơn ai hết, vị giám mục sở tại vừa là người có trách nhiệm chăm sóc một phần Dân Thiên Chúa tại đây (x. GM số 11) vừa là người nắm rõ tình hình và bối cảnh của vấn đề, chính ngài là người đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết. HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc. Nói như thế không có nghĩa là HĐGM không quan tâm gì đến đời sống của Dân Chúa tại địa phương, và hoàn toàn im lặng trước những vấn đề liên quan đến đời sống của anh chị em tín hữu. HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc nhưng HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Ở đây, chúng tôi muốn quy chiếu vào bài “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” [1] để thấy được những định hướng căn bản này.

Trước hết, HĐGMVN lên tiếng nhằm mục đích góp phần xây dựng xã hội. Khi nhắc đến những vụ tranh chấp liên quan đến đất tôn giáo, HĐGM đặt những vụ tranh chấp này trong bối cảnh chung của toàn xã hội. Thật vậy, trong những năm gần đây, tranh chấp và khiếu kiện về đất đai là chuyện xảy ra hằng ngày trên mọi miền đất nước. Rất nhiều vụ tham nhũng liên quan đến đất đai bị phanh phui trên báo chí. Như thế, đây là vấn nạn chung của toàn xã hội chứ không của riêng giới công giáo. Có chăng vì giới công giáo là một tập thể lớn, và nhiều phương tiện truyền thông trong cũng như ngoài nước loan tin về những vụ tranh chấp đất đai liên quan đến giới công giáo, nên dễ tạo cảm tưởng chỉ có giới công giáo mới có chuyện tranh chấp đất đai. Hiểu như thế là nhìn nhận vấn đề chưa đúng với thực tế; hơn nữa có thể tạo ngộ nhận rằng đây không phải là vấn đề xã hội mà là vấn đề chính trị, dù được trình bày theo hướng bênh vực Nhà Nước hay chống lại Nhà Nước Việt Nam. Vì thế, khi HĐGM trình bày bối cảnh chung của xã hội hiện nay, các ngài cho thấy việc tranh chấp đất đai là vấn đề xã hội chứ không mang màu sắc chính trị, và khi lên tiếng về vấn đề này, các ngài muốn góp phần xây dựng xã hội cho tốt đẹp hơn.

Xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là cùng nhau xây dựng một xã hội vì con người, một xã hội thực sự lấy dân làm gốc. Để giải quyết những vụ khiếu kiện về đất đai, cũng như bao Chính quyền khác trên toàn thế giới, Chính quyền Việt Nam phải dựa vào Luật và những Nghị định về đất đai để giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều người dân bất mãn về cách giải quyết của Chính quyền, đồng thời tình trạng “ăn đất” tiếp tục diễn ra dựa trên chính lề luật của Nhà Nước. Chính vì thế, câu hỏi căn bản được đặt ra là: Luật và những nghị định đó được xây dựng trên nền tảng nào? Luật lệ được đặt ra là để phục vụ con người và đời sống con người trong xã hội, sao cho ngày càng hài hoà và tốt đẹp hơn. Con người ở đây là mọi người dân chứ không chỉ là một nhóm hay một thiểu số nào đó được đặc quyền đặc lợi. Muốn xây dựng một xã hội vì con người, muốn ban hành những lề luật nhằm phục vụ con người, thì những lề luật đó phải được xây dựng trên nền tảng là những quyền căn bản của con người, những quyền căn bản được cả thế giới nhìn nhận và cả Việt Nam cũng nhìn nhận, ít là trên nguyên tắc. Chẳng nhẽ một đất nước tự hào mình dân chủ gấp trăm lần các đất nước khác, mà ngay cả những quyền căn bản nhất của con người cũng không được tôn trọng sao?

Hiểu như thế mới thấy được tại sao HĐGM đưa ra đề nghị sửa đổi Luật về đất đai [2] và yêu cầu việc sửa đổi này cần quan tâm đến quyền sở hữu của công dân, là một trong những quyền căn bản của con người, được khẳng định trong Hiến chương Liên hiệp quốc và được Việt Nam thừa nhận. Khi đưa ra đề nghị này, HĐGM thành tâm muốn góp phần xây dựng một xã hội vì con người, vì chỉ như thế mới có thể giải quyết tận gốc việc tranh chấp và khiếu kiện đất đai đang nở rộ khắp nơi, đồng thời lành mạnh hoá đất nước bằng cách xoá bỏ cơ hội của những người lợi dụng chức quyền để đàn áp người dân và kiếm tìm tư lợi.

 
                   Thì HĐGMVN vẫn im lặng như tờ và thanh minh: "Lên tiếng hay không lên tiếng"

Để thực sự xây dựng một xã hội vì con người, cần phải xây dựng xã hội theo định hướng phát triển toàn diện. Phát triển con người toàn diện là phát triển cả về thể lý, tri thức lẫn đạo đức và tinh thần. Phát triển xã hội toàn diện là phát triển về cả kinh tế lẫn văn hoá và tinh thần. Một đất nước tự hào về lịch sử bốn ngàn năm sẽ không dễ dàng phá huỷ những di tích có chiều dài lịch sử. Một dân tộc kiêu hãnh về bốn ngàn năm văn hiến sẽ không thể dễ dàng xoá bỏ các di tích tôn giáo và cơ sở thờ tự, vì lẽ tôn giáo đã góp phần giữ hồn của đất nước. Một xã hội với bốn ngàn năm văn hoá sẽ không chấp nhận dung túng cho cách giải quyết các vấn đề xã hội bằng sức mạnh của cơ bắp. Một loạt những khẳng định như thế được đặt ra để muốn nhấn mạnh sự phát triển toàn diện. Và cũng khi ấy mới hiểu được tại sao khi bàn đến việc tranh chấp đất đai, HĐGMVN lại nói đến những chuyện văn hoá như tránh sử dụng bạo lực trong lời nói cũng như trong hành động, việc truyền thông phải tôn trọng sự thật và phẩm giá của con người; đồng thời, cổ võ việc đối thoại chân thành [3] trong sự tương kính lẫn nhau. Bởi lẽ đó là cái làm nên nhân cách văn hoá của con người, làm nên nét văn hoá đáng kính của một dân tộc.

Với những suy nghĩ này, có thể khẳng định HĐGMVN đã lên tiếng và sẽ còn lên tiếng, không nhằm giải quyết từng vụ việc ở mỗi địa phương, nhưng đưa ra những định hướng căn bản nhằm góp phần xây dựng xã hội, một xã hội vì con người và một xã hội phát triển toàn diện.

Tác giả : Ban biên tập WHĐ

——————————–
[1] Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay (Quan điểm), công bố ngày 27-9-2008
[2] x. Quan điểm, II, 1
[3] x. Quan điểm, II, 2 và 3

Nguồn: Website Hội Đồng Giám mục Việt Nam

——————————————-

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam


 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đoàn đại diện Hội đồng Giám
mục Việt Nam
Thủ tướng đánh giá cao thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đối với những hành vi vi phạm pháp xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội. Đồng thời yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó.

Chiều 1/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam dẫn đầu tới chào thăm Thủ tướng, nhân kết thúc Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ hai.
Sau khi nghe ý kiến về những suy tư đối với một số vấn đề liên quan đến xã hội và đất nước của các vị đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bầu không khí cởi mở và thân mật, Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng từ ngày đất nước đối mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đoàn kết giữa đồng bào Công giáo và tầng lớp nhân dân khác được củng cố và phát triển, qua đó Thủ tướng hoan nghênh tinh thần chung sức, chung lòng của đồng bào Công giáo Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đã có những đóng góp đáng kể vào thành tựu to lớn về mọi mặt của đất nước trong những năm qua và 9 tháng đầu năm 2008.

Thủ tướng thể hiện sự hài lòng về tình hình chấp hành pháp luật nghiêm túc của đại đa số đồng bào Công giáo về xu thế sống tốt đời, đẹp đạo đang là xu thế chủ đạo trong người Công giáo Việt Nam cũng như về mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với bà con giáo dân, với hàng ngũ giáo sĩ đạo Công giáo và với Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp trong tinh thần cùng chung lo việc đạo, việc đời, vì lợi ích chung của đất nước.

Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo để thực hiện cho bằng được mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân là phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh và cho rằng chủ trương của Nhà nước duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước với các tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam là sự thể hiện đầy đủ trách nhiệm và tình cảm của Nhà nước đối với đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, nhằm đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của tín đồ các tôn giáo, để đồng bào các tôn giáo luôn yên tâm sống đạo và giữ đạo hài hòa trong lòng dân tộc. Chính sách đó được đảm bảo bằng pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do tôn giáo để có các hành vi vi phạm pháp luật, càng không nên cho rằng làm đúng giáo luật là không trái pháp luật hay chỉ làm theo giáo luật còn bất chấp pháp luật. Mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam, trước hết là công dân Việt Nam. Một tín đồ tốt phải là một công dân tốt.

Nhân cuộc gặp này, Thủ tướng cũng đề cập tới quan điểm của Nhà nước Việt Nam về vấn đề đất đai là: Theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai, đồng thời, theo Nghị quyết 23 của Quốc hội khóa XI, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại cũng như không xem xét lại chủ trương và thực hiện chính sách về nhà đất mà Nhà nước đã ra quyết định quản lý, bố trí, sử dụng từ 01/7/1991 trở về trước.

Việc cho rằng luật đất đai của ta còn bất cập nên vin vào đó để vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được. Trong khi pháp luật đang có hiệu lực thi hành, mọi người đều phải chấp hành. Mọi nhu cầu về nhà đất đều được xem xét, giải quyết cấp đất, giao đất theo pháp luật hiện hành. Việc cấp đất, giao đất cho tổ chức tôn giáo phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo cũng được thực hiện theo nguyên tắc đó trên cơ sở đề xuất của tổ chức tôn giáo, chính sách đất đai, chính sách tôn giáo và quỹ đất của địa phương.

Trong thực tế nhiều nơi đã thực hiện rất tốt việc này. Đối với Giáo hội Công giáo, có thể kể một số trường hợp sau: Thành phố Hồ Chí Minh giao đất cho Tòa Giám mục xây Trung tâm mục vụ, tỉnh Đắc Lắc giao hơn 11.000 m2 cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Nẵng cấp 9000 m2 cho Tòa Giám mục Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị giao 15 ha cho giáo xứ La Vang, tỉnh Nam Định giao cho khu vực nhà thờ Khoái Đồng cho giáo phận Bùi Chu, tỉnh Lâm Đồng giao 10 ha để Giáo hội xây Trung tâm mục vụ giáo phận…

Những trường hợp trên và nhiều trường hợp khác nữa đều được giải quyết với sự hợp tác tốt giữa Giáo hội địa phương và chính quyền sở tại trên tinh thần đối thoại và cộng đồng trách nhiệm cao.

Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán đối với những hành vi vi phạm pháp luật tập trung đông người cầu nguyện đòi đất, dựng ảnh tượng, thánh giá, làm lều bạt, phá hoại tài sản công cộng, chống người thi hành công vụ… xẩy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội vừa qua.

Thủ tướng đánh giá cao về thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó và yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó, vì nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ ảnh hưởng không tốt với phương chấm sống tốt đời, đẹp đạo, tới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội cũng như tới quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang trên đà phát triển tích cực.

Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc và thực sự không hài lòng về những việc làm sai trái của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trong thời gian gần đây như: Chủ trương, tổ chức và ủng hộ những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân tại 42 Nhà Chung và khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, thiếu tôn trọng và hợp tác với chính quyền Hà Nội, trong đối thoại để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn dù trong ngữ cảnh nào cũng thể hiện sự xúc phạm đối với đất nước dân tộc, coi thường vị thế đất nước và tư cách công dân Việt Nam trong mối tương quan với thế giới.

Thủ tướng cho rằng những lời nói và hành vi của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã làm giảm sút lớn uy tín của ông trong cộng đồng Công giáo Việt Nam và trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và chính quyền Hà Nội, giữa Nhà nước và Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt tự xem xét lại những hành vi của mình để có cử chỉ sửa mình và hành động thiết thực để khắc phục những sai trái vừa qua, mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam với tinh thần đồng đạo và vì lợi ích chung hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Giám mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết chấp hành pháp luật.

Thủ tướng cũng giải thích thêm với các giám mục về thiện chí đối thoại chân thành hòa bình của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với việc giải quyết vụ việc ở 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà vừa qua, không chủ trương và thực hiện vũ lực, nhưng đối với các hành vi chống lại Hiến pháp và pháp luật thì quốc gia nào cũng phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng cho rằng việc chuyển tải thông tin về các sự việc vi phạm pháp luật ở 42 Nhà Chung và giáo sứ Thái Hà vừa qua là cần thiết và cơ bản là chính xác, còn những ý kiến đóng góp ý về nội dung, cách thức đưa tin, các cơ quan truyền thông sẽ sẵn sàng lắng nghe và cùng trao đổi về việc đưa tin đáp ứng tốt hơn đối với công chúng và xã hội.

Các vị đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp đoàn và bày tỏ nguyện vọng của đồng bào Công giáo tiếp tục thực hiện đường hướng đồng hành cùng dân tộc để xây dựng đất nước phát triển.

Cuối buổi gặp gỡ, Thủ tướng chúc các vị đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam và qua các vị tới đoàn thể các Giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân sức khỏe, thực hiện ngày càng tốt hơn tinh thần Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh/.