Home Đời Sống Tôn Giáo "Giáo Hội kiểu Việt Nam"

"Giáo Hội kiểu Việt Nam" PDF Print E-mail
Tác Giả: Jacek Dziedzina / Bến Việt dịch   
Thứ Bảy, 22 Tháng 5 Năm 2010 10:03

"Vấn đề của giáo hội hiện nay nằm ở chỗ một số vị giám mục và linh mục quá dễ dãi trước những gì cộng sản làm. Người dân họ nhìn vào và rồi mất lòng tin…"

Trích trong bài phóng sự "Lâu tới mùa xuân" của tác giả Jacek Dziedzina trong phụ san đặc biệt "Giáo Hội kiểu Việt Nam" của tuần báo Gość NIedzielny - Ba Lan, mới phát hành hôm 16 tháng 5 năm 2010.

Chúng tôi tới Huế miền trung Việt Nam sau 14 tiếng đồng hồ tra tấn trong chiếc xe bus lọc sọc. Thành phố lịch thiệp và êm ả hơn Hà Nội rất nhiều chủ yếu nhờ cung điện của vua khiến Huế nổi danh và mang âm hưởng thời thịnh vượng xa xưa. Huế nằm dưới vĩ tuyến 17, tức là dưới ranh giới chia Việt Nam làm hai đất nước khác biệt: Bắc và Nam Việt Nam sau hiệp định Ge-ne-vơ. Cộng sản lấy miền Bắc còn miền Nam lẽ ra phải là thung lũng dân chủ. Đã hơn một triệu người Công giáo di cư từ bắc tới nam bởi e sợ gia tăng đàn áp. Trong số họ có cha mẹ linh mục John, người giờ đang ở Huế. Tới hôm nay chắc chắn có thể nói tình thế đã tốt lên nhiều. – vị linh mục nói. – Chính sách của nhà cầm quyền là làm sao gây dựng tâm lý hãi sợ, đàn áp, làm sao tạo cảm giác rằng chính quyền đang giám sát mọi việc hơn là đàn áp thực sự – ông nói thêm. Dẫu vậy, ông công nhận rằng ở miền Nam mọi thứ thoáng hơn miền Bắc. Vị linh mục có tin vào chiến thắng của dân chủ không ư? – Người dân chẳng quan tâm tới chính phủ hay chính trị. Người dân chỉ nghĩ làm sao kiếm được nhiều tiền để tồn tại. Thế nên chưa có chỗ cách mạng trong lúc này – cha John nói vậy.

Thánh đường quốc gia ở La Vang cũng là nơi mang nhiều chỉ số của sự nới lỏng. Đây là địa điểm quan trọng nhất ở Việt Nam: Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Maria. Quãng đường 50 km (một chiều đi tới) là quãng đường thử thách lớn cho cột sống của người nhập vai hành khách trên chiếc xe mô-tô cỡ nhỏ. Cuối thế kỉ thứ XVII, vào thời người Công giáo bị đàn áp đẫm máu, người Công giáo tới rừng này lánh nạn. Họ cầu nguyện cho hòa bình và giải thoát. Đức Mẹ khi đó hiện ra và hứa lời cầu nguyện sẽ được lắng nghe. Chưa đầy 100 năm sau, nhà thờ được xây dựng tại đây nhưng sau đó bị người Mỹ ném bom thời chiến tranh Việt Nam tới nay vẫn còn dấu tích. Quân đội Bắc Việt không phá hủy nhà thờ bởi các chiến sĩ của họ bị thương được đưa vào nhà thờ trú ẩn.

Tại Huế, chúng tôi gặp vị linh mục chịu trách nhiệm xây cất thánh đường. – Trước kia giáo phận từng sở hữu 23 ha đất, năm 1961, cộng sản lấy đi gần hết chỉ để lại cho chúng tôi 6 ha. Thế nhưng gần đây có những đổi thay và được họ trả lại phần lớn, tổng cộng 20 ha – vị linh mục nói và cho xem dự án ban đầu của trung tâm hành hương.

Một trong những vị linh mục nói:

 - Vấn đề của giáo hội hiện nay nằm ở chỗ một số vị giám mục và linh mục quá dễ dãi trước những gì cộng sản làm. Người dân họ nhìn vào và rồi mất lòng tin. Nếu ta làm theo những gì chính sách cộng sản chỉ định thì chúng ta không còn là nhân chứng – cha nói thẳng.

Một vị linh mục khác nhấn mạnh hơn:

- Giáo hội tại Việt Nam nói chung rất thống nhất nhưng trong hàng giám mục cũng có những chia rẽ: miền Bắc theo hướng nhất định, chống cộng sản và không có thỏa hiệp. Các giám mục ở miền Nam thì dễ lùi bước hơn. Ở miền Nam mới có cộng sản 35 năm còn miền Bắc thì đã học được cách đối phó với cộng sản từ đầu. Ở miền Nam, có vị giám mục, để được cai quản giáo phận, phải đồng ý để vị linh mục vốn cộng tác với chính quyền giữ chức cha sở. Ông này làm cha sở liên tục trong 36 năm! Chuyện tương tự không thể xảy ra trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, chủ giáo phận còn phải đồng ý không dẹp 2 vị linh mục có phụ nữ và con cái, bởi những vị này cũng là cộng tác viên của chính quyền. Theo tôi thì các vị linh mục đã cộng tác với cộng sản không phụng sự được gì cho dân tộc mà họ thực chất là những kẻ khốn khổ – vị linh mục nói đanh sắt.

Tới nay, ở Việt Nam người ta vẫn nhớ tới vị hồng y Nguyễn Văn Thuận đã mất mấy năm trước, người từng ngồi tù cộng sản mười mấy năm dòng. Trong tù, vị giám mục cầu nguyện bằng cây thánh giá làm từ dây thép. Ông không thỏa hiệp với chính quyền. Khi ông có điều kiện rời Việt Nam, chính quyền không cho ông trở lại nữa. Ngày hôm nay, có thể coi tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt cũng có thái độ cứng cáp như vậy. Đúng vào thời điểm chúng tôi tớiViệt Nam thì ông đi Roma chữa bệnh. Từ lâu nay, ông bị kiệt sức bởi chứng mất ngủ. Cuộc sống liên tục trong căng thẳng bởi chính quyền bạo hành đã mang tới những hậu quả nhất định. Hàng trăm giáo dân, không chỉ có giáo dân địa phận của ông, tới chia tay tiễn ông đi chữa bệnh. Vị tổng giám mục từng có can đảm nói thẳng với chính quyền: "Tự do tôn giáo là quyền lợi, chứ không phải là ban phát”. Trước kia, khi còn là giám mục ở Lạng Sơn, ông từng đi bộ từ giáo xứ này tới giáo xứ kia để thực hiện sứ mệnh linh mục. Cộng sản làm tất cả để xóa sổ vị giám mục này khỏi địa bàn Hà Nội, ép ông từ chức. Một vị linh mục dòng Phanxicô từ Sài Gòn nói rằng hơi buồn bởi trong sự cứng cáp của mình, vị tổng giám mục dường như cô đơn trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Ví dụ như mới đây thôi, một giám mục phó được thụ phong với quyền thừa kế. Điều này cho thấy việc đẩy tổng giám mục đi nơi khác chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sài Gòn

Hình như ở Việt Nam chẳng ai thích tên gọi thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi ngắn và duyên dáng Sài Gòn vẫn được dùng trên xe bus. Vào ngày 30 tháng Tư, khi quân đội bắc Việt ồ ạt đổ về Sài Gòn, dùng xe tăng đạp đổ tường trụ sở chính phủ miền Nam, ai cũng biết đổi tên chỉ là một trong những yếu tố của trật tự mới. Tuy vậy, ngày nay, Sài Gòn tạo cảm giác là một thành phố hiện đại, thi thoảng gợi nhớ khung cảnh Boston. Kể cả bầy chuột chạy giữa trung tâm thành phố không thể thay đổi sự thật, rằng Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của những ham muốn tư bản trong đám cận thần của đảng, đi theo đường của cộng sản Trung Hoa, thực hiện "thị trường tự do theo chủ nghĩa xã hội” kể từ năm 1986.

Nơi thánh đường Nôtre-Dame buổi tối, 3 nhóm giáo dân thay nhau canh tượng Đức Mẹ Maria. 5 năm trước, tượng mẹ khóc như một số nhân chứng đã thấy. Kể từ đó, ngày nào cũng có cầu nguyện vài giờ dưới tượng. Tương tự như vậy tại nhà thờ Đa Minh, những ngày trong tuần có lễ mi-sa lúc 5 giờ sáng với khoảng 80 giáo dân, buổi tối thì trên 300. Tại Việt Nam, Dòng Ba Đa Minh quy tụ tới 100 ngàn giáo dân tại thế. Có thể có cảm giác rằng tự do tôn giáo đang nở rộ.

Linh mục N làm sáng tỏ hơn vấn đề này. Ông là vị linh mục truyền giáo từ nước ngoài tới dù gốc ông là người Việt Nam. Dòng của ông không được chính quyền công nhận. Ông không được nhận vào đại học bởi cha của ông từng phục vụ trong quân đội miền Nam. Ông tu học ở nước ngoài và thụ phong linh mục cũng tại nước ngoài. – Cha phải làm lễ mi-sa bí mật trong nhà, có khi tại nhà thờ cùng với các vị linh mục khác nhưng cha sợ bởi bất cứ lúc nào bọn họ cũng có thể vào và hỏi cha có giấy phép hay không – linh mục N nói. Cha đẻ của ông bị đẩy vào tù cải tạo, mãn hạn tù phải đạp xích-lô bởi không được lao động theo nghiệp kĩ sư. – Chính quyền Việt Nam hoàn toàn xa rời các khó khăn người dân gặp phải. Cha biết có những gia đình còn không có được một kg gạo bởi phần lớn gạo của Việt Nam bị mang cho Trung Quốc. Chính quyền làm vậy nghĩa là sao? Không lẽ đang đền ơn Trung Quốc hỗ trợ thời chiến với Mỹ chăng? – vị linh mục hỏi. Ông cũng có so sánh tương tự trong việc chính quyền Việt Nam hiến cho Trung Quốc mỏ nhôm ở nam Việt Nam. Vấn nạn khác là tham nhũng kể từ những bậc chính quyền cao nhất vốn chẳng có ai giám sát. Và cả những bước lùi với Trung Quốc trong vấn đề 3 quần đảo bị chiếm. Đảng viên cộng sản chống lại hiện tượng này giờ đã ngồi tù. – Làm giàu là chuyện không tưởng, chỉ dành cho nhóm đảng viên, phần lớn người dân đều rất nghèo – linh mục nói. – Cha biết rằng cha rất mạo hiểm khi gặp anh, nhưng anh cũng mạo hiểm khi tới đây gặp cha. Thế nhưng cha chẳng sợ gì tụi chính trị gia. Chúa Giêsu cũng đâu có sợ. Nhiệm vụ của cha là phụng sự người nghèo, rao truyền thánh kinh. Cha tin rằng tới ngày nào đó, tình thế sẽ đổi thay.