Home Đời Sống Tôn Giáo "Niềm Tin bị đánh cắp"

"Niềm Tin bị đánh cắp" PDF Print E-mail
Tác Giả: Gioan Lê Quang Vinh   
Thứ Tư, 28 Tháng 4 Năm 2010 14:11

Rồi tôi đọc hai bài ông viết, không ký tên ông nhưng qua giọng văn tôi đoán là của ông.

Năm ấy người ta vui vẻ chuyền nhau những băng thâu bài giảng của một linh mục nọ, khi ông còn được dân Chúa không những cảm mến vì bài giảng khá hay, mà còn vì ông có vẻ mạnh mẽ trước các vấn đề xã hội. Khi giảng, ông kể những câu chuyện dí dỏm để lên án cái xã hội nhiều bất công. Nghe nói có lúc ông còn bị cấm giảng tĩnh tâm cho một dòng tu nữa.

Hồi đó tôi quí ông đến độ thỉnh thoảng tôi đến tìm ông để mời ông nói chuyện cho các bạn sinh viên Công giáo. Ông đến, các bạn vui vì lâu lâu được đổi không khí một chút.

Đùng một cái, ông nhận công tác khác (nói theo từ ngữ của nhà nước nuớc cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam). Trong công tác mới của ông, tôi ít có dịp nghe ông giảng. Và mỗi lần được nghe ông giảng đây đó, tôi thấy ông mất cái khẩu khí ngày nào, dù giọng ông vẫn như xưa.

Rồi tôi đọc hai bài ông viết, không ký tên ông nhưng qua giọng văn tôi đoán là của ông. Sau đó tôi được một vị có uy tín xác nhận là đúng như thế, tôi bỗng thấy buồn nản. Hai bài viết ấy không những không nói được tiếng của dân Chúa, của Hội Thánh, mà còn rất xa lạ với ngôn ngữ của Tin Mừng, đến nỗi có một mạng điện toán đăng lên rồi phải gỡ xuống.

Lúc đó tôi bỗng nhớ lại một câu nói: “Niềm tin đã bị đánh cắp”. Niềm tin của tôi vào Thiên Chúa và Hội Thánh không hề bị đánh cắp, cho dù chung quanh có những biến động khôn lường. Nhưng quả thật, niềm tin vào linh mục ấy và một số vị trong hàng mục tử đã nhạt đi từ từ. Đôi khi tôi tự hỏi có phải chính mình đòi hỏi quá nơi các mục tử hay không, bởi vì họ cũng là con người.

Rồi lập tức, hình ảnh Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, Đức Cha Tôma Nguyễn văn Tân, và nhiều vị giám mục, linh mục can đảm và thánh thiện khác hiện lên trong tôi và nhắc nhớ rằng khi một mục tử thật tâm muốn vâng giữ lệnh truyền Đấng Cứu Thế, thì với ơn Chúa, các ngài hoàn toàn có thể làm được.

Là con người, nhưng các mục tử có ơn gọi và có đặc sủng để chu toàn ơn gọi của mình giữa một xã hội mà chuẩn mực luân lý đạo đức bị bẻ gãy tan tành. Trong cơn lốc kinh khủng đã giật sập ngôi nhà sự sống, đã thiêu rụi các giá trị đạo đức và đã cuốn trôi nhân nghĩa, thì Hội Thánh và các mục tử phải là con đê ngăn chặn dòng lũ dữ, phải là tiếng nói dù âm thầm, để khôi phục các giá trị thiên linh. Đàng này, có những vị mục tử mà bóng chiếc ghế trần gian lại hấp dẫn hơn chỗ mà Thiên Chúa dọn sẵn cho ai can đảm bước theo Ngài.

Khi Đức Tổng Giuse bị kết án và bị doạ giết, lẽ ra các vị mục tử nên noi gương giáo dân Hà nội và nhiều giáo dân ở khắp nơi đứng về phía ngài, nhưng vì nhiều lý do, một số vị mục tử im lặng, hoặc biện minh bằng cách nói với dân chúng rằng “tôi đang lên tiếng đây, nhưng thôi tôi không lên tiếng nữa” vì nếu tôi lên tiếng thì sẽ thế nọ thế kia.

Ngày Đức Giêsu rời các môn đệ mà về cùng Cha, Người truyền cho các ông đi rao giảng. Các ông hẳn là sợ hãi và lòng trí rối bời, “lên tiếng rao giảng hay không đây?”. Chúa Giêsu biết rõ điều ấy nên Người đã báo trước một biến cố làm rung chuyển tất cả và đốt cháy những gian tà cùng lòng sợ hãi. Ấy là “Đấng an ủi, Đấng bảo trợ sẽ đến”.

Đấng an ủi đến dưới hình thức lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nhưng đó là hình ảnh người ta thấy được. Còn sức mạnh của Đấng Thánh Linh nào có phải chỉ là lưỡi lửa, nào có là ánh đuốc, mà là trùng trùng núi lửa phun lên, cháy ngùn ngụt, thiêu rụi loài gian tà hiểm độc và đốt nóng cả trần gian đang lạnh như băng sơn ngàn năm.

Từ ngày ấy, lẽ ra ai được mời gọi phải là dung nham tan ra và chảy đến lấp mọi chỗ trũng do bất công và gian xảo. Nhưng rồi hai ngàn năm trôi qua, vẫn còn, dù ít ỏi, những chủ chăn không được hoan nghênh, vì đoàn chiên của Chúa cũng giống trẻ con, họ nhìn là biết ngay ai yêu mến họ thật sự. Các mục tử đã không được đón nhận, đừng biện hộ rằng “chờ ta làm việc thì sẽ biết”.

Không, đoàn chiên Chúa hay hơn nhiều. Khi nhìn thấy mục tử Giêsu, đoàn chiên cảm nhận ngay rằng đây là chủ chăn đích thực. Cũng như ngày nay, khi dân Chúa nghe một linh mục, nghe vài ba tiếng thôi, họ sẽ biết ngay vị này có phải là người của Chúa hay không.

Có một ông linh mục cười hoài, nói chuyện vui lắm, cố tỏ ra gần gũi lắm, nhưng sau khi nghe vài câu nói, dân Chúa biết và biết rõ, ông này thuộc đàn két chứ nào phải thuộc đoàn chiên. Không cần đợi đến khi đọc thư cha Thoại gửi, người ta đã biết địa chỉ ấy là lồng nuôi con két lớn.

Khi tuyên xưng đức tin, dân Chúa phải tuyên xưng đức tin vào bốn đặc tính của Hội Thánh là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Hội Thánh thánh thiện vì Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm có Đức Kytô là đầu và Hội Thánh có những hoa trái thánh thiện, dù Hội Thánh có thể có những con người tội lỗi.

Dân Chúa chấp nhận một mục tử phạm các tội khác dễ dàng hơn một mục tử phạm tội đứng về phía cường quyền trần gian, bởi vì dân Chúa muốn có những chủ chăn can đảm. Nhờ lòng can đảm mà chủ chăn thánh thiện. Chẳng có vị thánh nào nhát đảm, sợ ma quỉ hù doạ.

Lòng tin của người giáo dân trưởng thành vào Đức Kytô không thể bị lung lay trước sức tấn công của thế gian hay trước sự yếu ớt của mục tử. Nhưng khi mục tử không dám nói tiếng nói của Tin Mừng, thì các ngài hữu ý hay ít ra là vô tình đánh cắp niềm tin của dân Chúa. Dân Chúa không muốn đổ lỗi cho các ngài, nhưng vì là chủ chăn, các ngài cần tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho dân. Nếu làm trái lại, các ngài khiến cho dân thánh nguội lạnh đi.
Chúa Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49) Lửa cháy lên phải từ các mục tử trước hết. Trong đêm vọng Phục Sinh, nến của dân Chúa phải được thắp từ ngọn nến Phục Sinh trong tay vị chủ tế. Lửa Phục Sinh không thể từ nguồn nào khác. Lửa cháy lên trên mặt đất này cũng bắt nguồn từ mục tử.

Xin các vị mục tử tiếp thêm sức mạnh niềm tin cho dân Chúa và làm cho ngọn lửa Phục Sinh lan toả xa hơn, cháy bùng lên hơn. Xin đừng để đức tin dân Chúa nguội đi. Khi các ngài can đảm, dân Chúa sẽ đứng sau các ngài và không thế lực nào có thể xô các ngài ngã xuống. Còn khi các ngài đứng lên bên cạnh thế lực trần gian, thì các ngài sẽ mãi đứng cô đơn.

Lạy Mẹ Maria, chúng con không muốn Giáo Hội Việt nam có một giám mục như đức cha Stanislaw của Balan, nhưng nếu Chúa để điều ấy xảy ra, thì xin Mẹ dẫn ngài về cùng hai người con của Mẹ, là Chúa Giêsu đáng mến yêu và Giáo Hội hiền thê của Người.