Home Đời Sống Tôn Giáo Ad Majorem Dei Gloriam (Cho Vinh Danh Thiên Chúa Hơn)

Ad Majorem Dei Gloriam (Cho Vinh Danh Thiên Chúa Hơn) PDF Print E-mail
Tác Giả: LM Julian Élizaldé Thành, SJ   
Thứ Bảy, 03 Tháng 4 Năm 2010 11:19

Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa."

Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã) (1491-1556)

Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.

 
 Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã)

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.
Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.
Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Balê.
Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Ðất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, Thánh Y Nhã hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Ðức Giêsu (Dòng Tên) được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận và Thánh Y Nhã được bầu làm bề trên đầu tiên.
Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Thánh Y Nhã vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.
Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo -- Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam -- "để Thiên Chúa được vinh danh hơn." Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Lời Bàn
Vào năm 1517, Luther đã niêm yết các đề án của ông lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Mười bảy năm sau, Thánh Y Nhã sáng lập một tu hội góp phần quan trọng trong việc chống lại sự cải cách Tin Lành. Ngài là một kẻ thù bất khả tiêu diệt của Tin Lành. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ngài người ta vẫn thấy tiềm ẩn sự đại kết: "Phải rất thận trọng khi đưa ra các chân lý chính truyền để nếu người lạc giáo có mặt ở đó, họ sẽ cảm nhận được lòng bác ái và sự ôn hòa Kitô Giáo. Không được dùng lời lẽ cứng rắn và cũng không được khinh miệt những sai lầm của họ." Một trong những khuôn mặt vĩ đại của phong trào đại kết hiện nay là Ðức Hồng Y Bea, một linh mục dòng Tên.
 

Lời Trích
Thánh Y Nhã đề nghị lời nguyện sau đây cho các hối nhân: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa."


Đôi nét về khuôn mặt thánh Inhaxiô Loyola

1. I-NHÃ CON NGƯỜI QUẢNG ĐẠI

Quảng đại để từ bỏ một quá khứ.
Bỏ những tham vọng của mình về chức tước, tiếng tăm.
Bỏ giấc mơ chinh phục một tiểu thư quý phái.
Bỏ việc phụng sự cho một vị vua ở trần gian.
Bỏ lâu đài, gia đình và sự nghiệp….
Bỏ là điều kiện để theo.

Trong cuộc tử thủ chống quân Pháp ở Pamplona,
mảnh đạn đại bác đã làm I-nhã gãy chân,
nhưng không đổi được hướng đi của ngài.
Phải có khuôn mặt của Đức Kitô thu hút,
I-nhã mới dám bỏ và dám theo.

Quảng đại là thái độ ta thường thiếu.
Chúng ta dè sẻn, tính toán so đo khi sống cho Chúa,
bởi lẽ chúng ta không tin Chúa quảng đại hơn mình.
Chúng ta còn có quá nhiều nỗi sợ.
Thánh I-nhã đã định nghĩa quảng đại là:
“Dâng trọn cả ý muốn và tự do của mình cho Chúa, để mặc Ngài sử
dụng bản thân mình, cũng như mọi sự mình theo ý Ngài” (LT.5)
Chúng ta có nên thử một lần quảng đại với Chúa không?

2. I-NHÃ, CON NGƯỜI SAY MÊ GIÊSU

Giêsu là vị thủ lãnh mới mà I-nhã khám phá được
trong thời gian nằm trên dường bệnh.
I-nhã chỉ mong mau khỏi bệnh để đi Đất Thánh.
Ngài muốn ở lại và rao giảng trên vùng đất thân thương,
nơi Đức Giêsu đã sống, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.
Một ơn lớn phải xin trong Linh thao Tuần hai,
đó là ơn “Hiểu biết thâm sâu về Chúa Giêsu,
Đấng đã làm người vì tôi, để yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn” (LT. 104).

Tình yêu Chúa Giêsu đã chi phối cuộc đời I-nhã.
Một tình yêu vừa rất riêng tư, tha thiết,
vừa đầy tính hành động cụ thể.
Giêsu là một vị vua mà I-nhã muốn hiến thân phục vụ,
muốn chia sẻ với Ngài sứ mạng chinh phục thế giới.
Tình yêu đòi nên giống người mình yêu,
chọn sự nghèo khó sỉ nhục, bị coi là ngu dại, để nên giống Đức Kitô,
Đấng đã chịu như thế vì tôi.

Chúng ta hãy để cho Đức Kitô thu hút mình
và gọi mình làm bạn đường của Ngài.
Hãy cùng Ngài đồng cam cộng khổ
để đưa cả thế giới này về cho Cha.

3. I-NHÃ, CON NGƯỜI CỦA TÌNH BẠN

I-nhã không độc quyền yêu Chúa Giêsu
Ngài muốn tất cả trở nên bạn với Chúa.
Chính vì thế, đi đâu ngài cũng có bạn.
Ngài có khả năng tìm được những người cùng chí hướng,
và quy tụ họ lại thành một nhóm thân thương.
Ở Barcelona, Alcala, Salamanca, Paris,
đâu đâu cũng có những người bạn như thế.

Có những nhóm bạn không bền,
nhưng cũng có nhóm bạn đã đi vào lịch sử.
Ở Paris, I-nhã đã giúp sáu bạn sinh viên làm Linh thao,
thuyết phục họ quyết tâm phục vụ Thiên Chúa,
trong số đó có Phanxicô Xavier.
Dù quốc tịch, tuổi tác, tính khí khác nhau
nhưng họ có chung một lý tưởng, một ước mơ.
Ước mơ chịu chức linh mục để phục vụ con người.
Ước mơ đi Đất Thánh để giúp người Hồi trở lại.
Ước mơ đi Rôma để đặt mình dưới quyền Đức Thánh Cha.
Ước mơ sống khó nghèo và khiết tịnh.
Hẳn I-nhã đã góp phần khơi lên những ước mơ,
tiềm ẩn nơi những tâm hồn quảng đại.

Chúng ta cần xây dựng tình bạn trên nền Giêsu,
cần mở rộng vòng tay đón những bạn mới.
Ước gì tình bạn làm bật dậy những ước mơ
và làm cho ước mơ thành sự thật.

4. I-NHÃ VÀ VIỆC HỌC

Sau khi không được ở Đất Thánh,
I-nhã thấy mình cần học một thời gian,
để có khả năng giúp các linh hồn.
Như thế, việc tông đồ là lý do khiến ngài đi học trở lại.
Bằng cấp chỉ là phương tiện để phục vụ.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy I-nhã đi học ở tuổi 33,
can đảm ngồi học chung với những chú nhỏ!
Trong thời gian học ở Alcala và Salamanca,
I-nhã lo dạy giáo lý và giảng Linh thao hơn là lo học.
Chính vì thế, ngài gặp rắc rối với giáo quyền,
và việc học chẳng tiến bộ mấy.
Cuối cùng, I-nhã quyết định học tập nghiêm túc,
kiếm tiền trợ cấp để khỏi phải đi xin ăn hàng ngày.
Đến năm 44 tuổi, I-nhã mới tốt nghiệp Đại học.
Với mảnh bằng, ngài không còn bị làm khó dễ như xưa.

Mảnh bằng là giấy phép để tôi làm việc.
Kiến thức là chiếc cầu để tôi gặp gỡ tha nhân.
Ước gì tôi có khả năng đưa Chúa vào ngành chuyên môn,
và đưa con người khoa học hôm nay đến với Chúa.

5. I-NHÃ, CON NGƯỜI YÊU MẾN HỘI THÁNH

Hội Thánh thời I-nhã có nhiều vết nhơ.
Có những vị chủ chăn sa ngã nặng nề.
Nhiều linh mục, tu sĩ cũng sa sút và bất xứng.
Ông Luther đã đoạn tuyệt với Hội Thánh công giáo,
sau khi phản đối việc bán ân xá một cách mạnh mẽ.
I-nhã không phải không thấy những bất toàn,
nhưng ngài đã không chỉ trích Hội Thánh.
Ngài ở lại trong Hội Thánh để cải tổ, canh tân.
Dù Đức Thánh Cha có nhiều khiếm khuyết,
nhưng I-nhã vẫn coi Người là đại diện Đức Kitô,
và chấp nhận được Người sai đi bất cứ đâu, để làm bất cứ việc gì
xét thấy cần cho vinh danh Chúa và lợi ích cho con người.

Chúng ta cần có lòng yêu mến Hội Thánh,
và kiên nhẫn trước những thay đổi chậm chạp.
Hãy bắt tay vào việc xây dựng Hội Thánh
bằng những đóng góp nhỏ bẻ, vừa tầm của mình,
để Hội Thánh đáp ứng được những nhu cầu thời đại,
Hãy canh tân Hội Thánh từ bên trong
bằng việc canh tân chính bản thân mình.

6. I-NHÃ, CON NGƯỜI BIẾT NHẬN ĐỊNH

Lúc còn trên giường bệnh, I-nhã đã có kinh nghiệm sau:
Khi nghĩ đến chuyện thế gian, ngài cảm thấy vui thú,
nhưng sau đó lại thấy khô khan trống rỗng;
còn khi nghĩ đến chuyện sống hết mình cho Chúa
ngài cảm thấy niềm vui kéo dài.
Từ đó ngài khám phá ra tác động của Thiên Chúa và ma quỉ trong đời mình.
Lúc ở Manresa, I-nhã còn trải qua nhiều thử thách khác:
chán chường, khô khan, bối rối đến độ muốn tự tử.

Trong thời đi học,
I-nhã cũng bị lôi cuốn bởi những tư tưởng đạo đức mới mẻ
khiến ngài say mê đến nỗi không tập trung vào việc học được.
Dần dần ngài biết cách nhận định để khám phá ra
đâu là tác động thực sự của Chúa.

Chúng ta rất muốn biết ý Chúa khi phải chọn lựa.
Có một vài tiêu chuẩn để chọn việc phải làm:
nên chọn điều gì có ích lợi phổ quát hơn và lâu bền hơn,
chọn chỗ nào có nhu cầu lớn hơn và khẩn cấp hơn,
chọn chỗ nào có hy vọng sinh nhiều hoa trái hơn.
Ước gì chúng ta nhạy cảm với tác động của Chúa và không bị mắc
mưu của ma quỉ xuất hiện dạng thiên thần sáng láng.

7. I-NHÃ, CON NGƯỜI CỦA CÁI HƠN

“Nhằm vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa”
đó là điều tâm niệm của I-nhã.
Tình yêu làm người say mê cái hơn.
I-nhã chẳng chịu ngừng lại và mãn nguyện.
Hoàn cảnh đổi thay, con người cũng biến đổi.
Điều hôm nay là tốt nhất cho vinh danh Chúa
thì ngày mai lại không như thế nữa.
Chính vì thế, cứ phải suy nghĩ, tìm kiếm,
cứ phải trăn trở, thích nghi…
Cái hơn đưa ta đi vào một chuyển động
Đó là khao khát khôn nguôi của I-nhã.
Làm sao để mọi người nhận biết Chúa,
và nhận ra nhau là anh em?
Làm sao để vinh quang Thiên Chúa tràn lan trên mặt đất này.
Chúng ta đừng để mình rơi vào sự dễ dãi,
yên tâm với cái tầm thường.
Làm sao để hôm nay của tôi hơn hôm qua
và ngày mai hơn hôm nay?


Bị bệnh gan nặng nhưng tâm hồn đầy thanh thản, bình yên, cha thánh I Nhã lìa đời ngày 31 tháng 7 năm 1556 trong căn phòng tĩnh lặng chỉ có chính cha với Thiên Chúa.
   Lúc sinh thời, cha I Nhã Loyola tha thiết ước mong đem đến cho mọi người tin mừng về Thiên Chúa và để mọi người nhận biết rằng Thiên Chúa thương con người, đã sai Con Một yêu dấu của Ngài làm người. Tin Mừng về Chúa Kitô bị đóng đinh chết và sống lại để giải thoát, kêu gọi loài người trở về sự thánh thiện nguyên thủy và mời gọi con người sống mãi với Thiên Chúa. Giáo Hội cũng chỉ loan báo tin mừng này, nhưng cha I Nhã, dựa vào kinh nghiệm bản thân, có một phương thế đặc biệt để giúp nhiều người nhận thấy Tin Mừng như một kinh nghiệm bản thân.

   Chính cha I Nhã có kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa một cách sống động, thân tình, không thể nghi ngờ được. Kinh nghiệm của cha I Nhã không phải là hình ảnh Chúa hiện ra, hoặc nước mắt sốt sắng hay là một cảm giác lạ lùng khác mà là kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách yên lặng và thật gần gũi. Một kinh nghiệm khác hẳn với lối suy tư và lý thuyết sâu xa về Thiên Chúa. Cũng khác với lòng hăng hái dấn thân làm việc tông đồ, kinh nghiệm của cha là một sự gặp gỡ giữa chính mình và Thiên Chúa, trong sâu xa thanh tịnh của cõi lòng, nơi chúng ta cảm thấy bình an, vui sướng, tràn đầy sức sống và tình yêu, là kinh nghiệm gặp Thiên Chúa và bắt đầu từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh Ý và Tình Yêu của Ngài.
Kinh nghiệm này của thánh I Nhã bắt nguồn từ một vết thương ngài bị nơi đầu gối trong một cuộc chiến xảy ra ở thành Pamplona vào năm 1521 giữa quân Pháp và quân Tây Ban Nha. Lúc ấy, I Nhã là một sĩ quan rất trẻ và anh dũng của hoàng đế Tây Ban Nha. I Nhã đã đôn đốc, nâng đỡ tích cực tinh thần binh sĩ của mình, một lực lượng bé nhỏ, để kháng cự và đương đầu với quân Pháp đang bủa kín, bao vây thành. Bị thương nặng, I Nhã trở về Loyola, nơi mà 30 năm trước, I Nhã, con út của một đại chủ vùng Loyola (miền bắc Tây Ban Nha) chào đời. Trong suốt 6 tháng trời dưỡng thương, I Nhã rất yếu, thập tử nhất sinh nhiều lần. Trôi theo tháng ngày dưỡng bệnh, các kế hoạch cũ của I Nhã bắt đầu lung lay. I Nhã là một chàng thanh niên hào hoa, khoáng đạt, tràn tinh thần hiệp sĩ, đầy tham vọng. Mặc dù song thân muốn I Nhã trở thành linh mục nhưng I Nhã lại có kế hoạch khác: tham vọng của I Nhã lớn lắm: I Nhã thích ăn chơi hơn là đọc kinh, lãnh nhận các bí tích hoặc tuân giữ các giới răn của Chúa.
Ở Loyola và Manresa, năm 1521 và 1522, I Nhã bắt đầu kết thân với Thiên Chúa. Tình thân mới đã mở mắt I Nhã và, nhờ kinh nghiệm nội tâm, I Nhã bắt đầu hiểu giá trị của các bí tích, lòng sùng kính Ðức Mẹ, mục đích các diều răn Thiên Chúa. Ngay từ bước đầu trên đường về nhà CHA, Chúa Giêsu là hình ảnh vẹn toàn của Chúa CHA đã giúp I Nhã hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian và chính mình. Suốt cuộc sống, cha I Nhã luôn luôn biết tìm hiểu và cảm mến Thiên Chúa mênh mông, bao la qua cử chỉ nho nhỏ, đơn sơ trong cuộc sống Chúa Giêsu. I Nhã tìm thấy Thiên Chúa bằng cách tìm hiểu và thương mến bước theo chân Chúa Giêsu Nazareth, con của Mẹ Maria. Ðức Mẹ dẫn I Nhã đến với Chúa Giêsu. Ðể kết thân với Chúa Giêsu cũng như mỗi lần muốn đạt tới một ơn tối quan trọng (ba lời tâm sự trong Tuần 1, lời tâm sự Hai Cờ Hiệu. ..) cha I Nhã đã khẩn cầu với Ðức Mẹ trước.

   Năm 1524, I Nhã ngồi chung lớp với các trẻ em để học La ngữ và can đảm bắt đầu bước trên đường trở thành linh mục. Muốn có một căn bản vững chắc về thần học, I Nhã sang Ba-Lê là trung tâm văn hóa nổi danh nhất Âu Châu thời ấy và học đến năm 1535, I Nhã tốt nghiệp hai cấp bằng cử nhân triết học và cao học thần học. Sau một năm chuẩn bị sốt sắng, ngài thụ phong linh mục và làm lễ mở tay năm 1536. Cha I Nhã xác tín rằng mọi người đều có thể gặp Thiên Chúa một cách thân tình. Cha dùng các khóa cấm phòng theo phương pháp Linh Thao để hướng dẫn các vị giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ. Trong các khóa Linh Thao, cha giúp họ mở lòng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong Linh Thao, họ trở về với Thiên Chúa và bắt đầu bước theo Chúa Giêsu như người bạn đường chí ái.

   Trong số các thầy cùng học tại đại học Ba-Lê, có một nhóm nhỏ dấn thân theo cha I Nhã. Năm năm sau, nhóm này thành lập dòng Tên (dòng Chúa Giêsu). Người thanh niên hiệp sĩ, tự ái cao ngạo I Nhã xưa, nay bắt đầu theo chân Thầy, nghèo và khiêm nhường. Dòng của cha I Nhã cũng theo nếp sống nghèo, khiêm nhường, xa quyền thế ngoài đời và quyền thế trong Giáo Hội. Sinh ra trong một gia đình giàu có, qúy phái, quen biết với nhiều người có địa vị cao sang, cha I Nhã có thể được phong chức cao trong Giáo Hội, nhưng ngài không bị ảnh hưởng của quyền thế cao trọng, chức bậc giàu sang lôi cuốn. Cha luôn luôn theo Chúa Giêsu: nghèo và khiêm nhường. Ðây là một nét của dòng Tên, hiện tại xem ra hơi thiếu. Có rất nhiều hình thức quyền thế: tiền bạc, bằng cấp cao, thế lực chính trị, ảnh hưởng. .. Chúng ta dễ bị tham quyền và lấy cớ cần một chút phương tiện và quyền thế mới để có thể rao giảng Tin Mừng. Trong khi Chúa Giêsu chỉ xử dụng quyền của sự thật và tình thương, và đã cứu chuộc chúng at nhờ sự yếu đuối của thập gía.

   Cha I Nhã kính nể và thương mến Hội Thánh. Ngài luôn luôn phục vụ và bênh vực Hội Thánh, nhất là trong thời các giáo phái Tin Lành cảm thấy bất mãn và tách khỏi Giáo Hội Công Giáo. Năm 1540, Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận dòng Tên để phục vụ Giáo Hội dưới quyền chỉ huy của Ðức Thánh Cha. Cha I Nhã luôn luôn muốn phục vụ và sống trong lòng Giáo Hội (xem các nguyên tắc sống trong lòng Giáo Hội) nhưng cha không chịu nịnh bợ những người cầm quyền trong Giáo Hội. Cha phục vụ và thương mến Giáo Hội được Chúa Giêsu lựa chọn và sai đi để mang Tin Mừng cứu rỗi đến mọi người. Ðối với cha I Nhã các giáo dân, cũng như chủ chiên là nhiệm thể của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là đầu. Như thánh Phaolô, cha I Nhã tin rằng Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần, là cô dâu duyên dáng, tinh tuyền, chung thủy của Chúa Giêsu.

   Vì mến Giáo Hội và mong Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đem Tin Mừng đến với nhân loại, cha I Nhã luôn luôn mang tinh thần canh tân đến các cộng đoàn. Cha bị nhiều linh mục và giáo sĩ nhìn với cặp mắt nghi ngờ, ghen ghét. Cha bị đại diện của Giáo Hội bắt giam tù ở Alcala và Salamanca. Tại La Mã cha cũng bị vài giáo phẩm cao cấp ghét thậm tệ. Trong tinh thần canh tân, cha I Nhã có nhiều sáng kiến mới. Cha luôn luôn muốn đáp ứng những nhu cầu cấp bách của đồng loại: năm 1538 cha mở phòng ăn tại La Mã cho hàng trăm nguời nghèo ăn mỗi ngày để thoát nạn đói. Mở một cư xá đặc biệt để đón nhận các cô gái hoang đàng, muốn trở về xây dựng lại cuộc sống. Cha mở lớp huấn nghệ ngay trong thành phố và giúp họ chuẩn bị trở về với đời để trở nên người đàng hoàng hữu ích. Cha mở cư xá cho người Do Thái và Hồi Giáo muốn học đạo Công Giáo.

   Cha I Nhã có tinh thần uyển chuyển, đầy óc sáng tạo để đáp ứng với nhu cầu mới, đồng thời ngài có một tinh thần sâu xa, vững chắc: nuôi dưỡng phát triển đời sống nội tâm; xét mình, nguyện ngắm Kinh Thánh, sùng kính Ðức Mẹ, vâng phục Ðức Giáo Hoàng, có tinh thần khó nghèo, lòng khiêm nhường. Trên hết, ngài muốn là bạn đồng hành của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa và đáp lại các nhu cầu tinh thần của tha nhân. (Trích ĐH 7-8/ 1984)