Home Đời Sống Tôn Giáo Chúng ta nghe và cảm nhận gì qua "Tiếng Vọng Gioan Baotixita" ngày 4-6-08?

Chúng ta nghe và cảm nhận gì qua "Tiếng Vọng Gioan Baotixita" ngày 4-6-08? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Phong Vũ   
Thứ Tư, 17 Tháng 3 Năm 2010 14:21

"Vì sợ hãi, vì bị mua chuộc, bị hủ hoá và vì những quyền lợi vật chất, đã có những hiện tượng du di, thỏa hiệp trong đời sống GH".

I.- Sự kiện:

    {jcomments on}Mạng lưới www.conggiaovietnam.com vừa phổ biến một lá thư nói là của đức HY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đề ngày 04-6-2008 trong một tiết mục quen thuộc hàng tháng có tên là Tiếng Vọng Gioan Baotixita. Đối tượng của lá thư là ba vị giám mục trong HĐGMVN. Đó là các đức cha chủ tịch Ủy Ban Giám Mục đặc trách Mục vụ Giới Trẻ, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục đặc trách Giáo Lý Đức Tin và đức cha cai quản giáo phận Lạng Sơn là những vị sẽ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Úc Châu năm 2008. Nội dung thư gồm 6 đoạn.

    Đoạn 1: Sau khi miễn cưỡng nhận lời tham dự Đại Hội, đức Hồng Y chia sẻ với ba GM vài ý nghĩ với “mục đích là cùng nhau giúp cho các bạn trẻ, - là sức sống của Giáo Hội, của đất nước -, khai thông con đường hiệp thông với Chúa…”.

    Đoạn 2: Nhắc lại sự xuất hiện lá cờ vàng ba sọc đỏ tại các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Pháp, Canada và Đức trước đây đã “làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN”.

    Đoạn 3: Quảng diễn về biểu tượng của một lá cờ. Nhắc lại bài học lịch sử của vị Giám Mục của HY 30 năm trước. Mẹ Việt Nam lúc mặc áo vàng (cờ vàng). Lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ)…

    Đoạn 4: Giáo Hội CG không bao giờ xây trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế, hay một thói đời mang tính đối kháng. Trong khi ấy, một chủ nghĩa trần thế bao giờ cũng tạo nên sự phân rẽ mang tính đối kháng và loại trừ nhau.

    Đoạn 5: Bản chất của GHCG là hiệp thông với Chúa, với con người.

    Đoạn 6: Kết thúc lá thư với lời khẩn cầu cho mọi người, mọi giới được tràn đầy ơn Thánh Thần và thấm nhập tinh thần hiệp thông.

    Tóm lại, cái cốt lõi tìm thấy nơi nội dung lá thư là thái độ không thoải mái vì sự có mặt của lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của những người quốc gia không chấp nhận chế độ độc tài, độc đảng CS trong nước, tại các ĐH Giới Trẻ Thế Giới ở Pháp, Canada và Đức Quốc trước đây. Theo nhận định của ngài: nó “làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN”. Lá thư có mục tiêu rõ ràng là ngăn ngừa trường hợp tương tự có thể xảy ra tại Đại Hội năm nay ở Úc.

    (Cũng cần mở dấu ngoặc để nói tới nguồn dư luận cho rằng đây là một lá thư giả mạo nhằm gây nên sự hiểu lẩm về nhân cách HY Mẫn. Khi lá thư này được công bố rộng rãi trên NET, có người đã quả quyết rằng: với địa vị và trình độ của một người như ngài không thể viết một lá thư với nội dung như thế, vì nó có thể mang lại hệ quả tai hại, không những cho cá nhân ngài mà còn liên lụy tới cả thanh danh Giáo Hội và 7 triệu tín đồ CGVN. Người viết bài này thiết tha mong cho nguồn dư luận kể trên trở thành sự thật. Do đó, những nhận định trong bài này chỉ được kể tới khi lá thư gửi ba giám mục của HY Tổng Giám Mục TGP Sàigòn là có thật.)

II.- Vài Nhận Định:

    Vào những ngày đầu tháng 6-2008 vừa qua, người Việt tị nạn ở hải ngoại, bao gồm cả tập thể đồng bào Công Giáo, không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ khi đọc lá thư trên đây được cho biết là của Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Câu hỏi đặt ra là không hiểu tác giả lá thư đứng trên quan điểm nào để phát biểu những điều nghịch thường như vậy?

    - Trên quan điểm của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam? Câu trả lời tìm thấy hiển nhiên là KHÔNG. Giản dị là vì Giáo Hội với tư cách và vị thế siêu việt của mình đâu cần phải quan tâm tới những chuyện lặt vặt bên lề như vậy!

    - Trên quan điểm của phái đoàn giới trẻ Công Giáo Việt Nam trong nước tham dự Đại Hội? Điều này cũng không có sở cứ, vì nếu cần lên tiếng thì chính các bạn trẻ này lên tiếng mà không phải cầu viện đến một giới chức mang phẩm phục đỏ cầm đầu một Tổng giáo phận lớn nhất nước như ngài.

    Để tìm ra câu trả lời chính xác, không gì khác hơn là tìm xem AI, ĐỐI TƯỢNG NÀO cảm thấy nhức nhối về sự hiện diện của những lá cờ vàng ba sọc đỏ trong những cuộc tập hợp của những bạn trẻ trong tập thể người Việt ở hải ngoại, nhất là trong những Đại Hội mang tầm vóc quốc tế như Đại Hội Giới Trẻ thế giới? Và AI, ĐỐI TƯỢNG NÀO trực tiếp thủ đắc lợi lộc khi lá cờ ấy bị loại bỏ ra khỏi cộng đồng người Việt tị nạn, (để nếu được, thay thế bằng lá cờ đỏ mà những nạn nhân của nó thường mệnh danh là CỜ MÁU)?

     Không cần phải mất công suy nghĩ nhiều, ai cũng có thể mau mắn tìm được câu trả lời: kẻ ấy, đối tượng ấy không ai khác hơn là chế độ cộng sản Việt Nam và những khuôn mặt lớn xoay quanh chế độ này.

    Không thể đứng trên quan điểm của Giáo Hội CGVN; cũng không có lý do để nhân danh phái đoàn giới trẻ Việt Nam tham dự ĐH, như vậy đâu là nguyên ủy dẫn tới lá thư? Truy bắt sự viêc cho đến ngọn nguồn, người ta miễn cưỡng phải nghĩ tới một điều khó nói –dù rất chính xác-, là tác giả lá thư đã tự nguyện hoặc bị cưỡng bách phải thay mặt đảng và nhà nước cộng sản VN để lên tiếng.

    Câu trả lời thật buồn và cũng thật đau đối với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, nhưng biết làm sao bây giờ? Im lặng thì mang tội đồng lõa. Mà nói ra thì lại mang tiếng là “vạch áo cho người xem lưng”! Mọi chọn lựa, dù là chọn lựa chính đáng, cũng không khỏi gây nên những chấn thương.

    Sau đây chúng ta thử đi sâu vào nội dung lá thư của HY Phạm Minh Mẫn gửi ba vị Giám Mục Việt Nam, mà trong đó ngài hé mở cho hay là sẽ cùng với ngài có mặt tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Úc Châu tháng 7 năm nay.

    Chúng tôi sẽ lướt qua thật nhanh 4 đoạn gồm đoạn 1, 4, 5 và 6 trước khi phân tích hai đoạn được coi là cốt yếu trong thư: đoạn 2 và 3.

    Đoạn thứ nhất chỉ là đoạn mở đầu, không có gì đáng bàn thêm.

    Đoạn 4, lá thư ghi nhận (1) đời sống cũng như tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ được xây trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế, hay một thói đời mang tính đối kháng. Điều này rất đúng nếu xét trên căn tính của Hội Thánh Công Giáo dựa vào sứ mạng và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội. Tuy nhiên, trên thực tế, dù là một Giáo Hội của Chúa Giêsu nhưng lại do con người điều hành với tất cả tự do, bao gồm cả cái mạnh và cái yếu của mình, nên đã có những lúc Giáo Hội không tránh được vong thân dưới dạng thái này hay dạng thái khác. Ấy là khi những thành phần thay mặt Giáo Hội tự đóng cửa, ngăn cản hoạt lực của Chúa Thánh Thần.

    Những mảng tối vào thời trung cổ trong lịch sử 2000 năm Giáo Hội đã chứng minh điều ấy. Và một cách nào đó, cung cách sống và hành sử vai trò lãnh đạo theo “chủ nghĩa tương đối”, “du di”, “thỏa hiệp” của những người có trách nhiệm trong GHCGVN dưới chế độ cộng sản là một chứng minh khác. Đồng ý là không có dấu tích nào cho thấy GHCGVN xây trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế, nhưng khó có thể loại bỏ được ý nghĩ là GH ấy –hay ít nữa là một số những thành phần cốt cán trong GH ấy- đã và đang để mặc cho “một chủ nghĩa trần thế” lần hồi xâm thực GH, làm suy giảm tính chất tinh tuyền của GH bằng những thủ đoạn tinh vi của thế quyền nhằm can thiệp trực tiếp vào việc đào tạo chủng sinh, phong chức linh mục, tuyển chọn, bổ nhiệm giám mục. Từ đấy, nhiều ngườI đã tự đánh mất chức năng ngôn sứ của mình trước những thủ đoạn tàn độc của “một chủ nghĩa trần thế” đã và đang tiếp tục xúc phạm trầm trọng tới nhân quyền, nhân phẩm của con ngườI, trong khi CON NGƯỜI vốn được coi là “đường đi của Giáo Hội”, là đích điểm phục vụ ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội Chúa ở trần gian như lời khẳng định không khoan nhượng của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lúc sinh thời.

     Đoạn 5 ghi nhận: “Bản chất của Giáo Hội Công Giáo là hiệp thông với Chúa, với nhau, với mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Và đời sống hiệp thông của Giáo Hội chỉ có thể được xây đắp trên nền tảng một niềm tin, tin rằng Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng từ bi bao dung, tin rằng mọi người là con một Cha, là anh em một nhà, tin rằng tình huynh đệ giữa đồng bào còn có thể phát huy trên cơ sở một sắc tộc và một nền văn hoá  dân tộc.”

    Những nhận định trong lá thư về bản chất GHCG và về điều kiện giúp tăng trưởng đời sống hiệp thông trong GH trên đây hoàn toàn chính xác vì nó được khai triển từ nền tảng đức tin và giáo lý của Hội Thánh. Nếu có điều cần xét lại thì chính là cách hiểu và cách xử sự của các phía liên hệ về điều gọi là “tình huynh đệ giữa đồng bào” và về “văn hóa dân tộc”. Thêm nữa là làm sao và bằng cách nào những người có trách nhiệm trong GH mỗi khi cần lên tiếng để biện minh điều gì, có đủ sự khôn ngoan, lòng đạo đức và ý thức cảnh giác để không tự mình sa đà vào cái gọi là “chủ nghĩa tương đối”, một chủ nghĩa nguy hiểm mà trong chuyến du hành mục vụ Hoa Kỳ vừa qua, ĐTC Biển Đức XVI đã hơn một lần lên tiếng cảnh giác.

    Đoạn 6 gói ghém một lời khẩn cầu cho mọi người tham dự ĐH Giới Trẻ Thế Giới được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, được thấm nhập tinh thần hiệp thông của con cái Chúa. Nói chung, toàn là những lời lẽ và những ý nguyện ngay lành.

    Bây giờ xin được nhìn trở lại đoạn 2 và đoạn 3 được coi là cái đinh của lá thư.

    Trong đoạn 2, lá thư nhắc tới sự kiện lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay tại ba kỳ Đại Hội Giới Trẻ ở Pháp, Canada và Đức quốc mà tác giả cho là “một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN”.

    Người ta tự hỏi: không hiểu HY Mẫn dựa vào đâu để đưa ra lời kết luận mang tính vu khoát và võ đoán trên đây. Nếu theo dõi sát chuyện thời sự liên quan tới phản ứng sôi động của giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước gần đây, chắc chẳn ngài sẽ không vội vã như vậy. Mặc dầu giới trẻ Việt Nam ở quốc nội và hải ngoại chưa có cơ hội làm việc chung với nhau, nhưng qua vụ Trung Cộng vẽ lại bản đồ để lấn chiếm các hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, họ đã thực sự ‘gặp nhau’ trong cùng một lý tưởng yêu nước, cùng một lòng phẫn hận trước thái độ nhu nhược, cam tâm bợ đỡ kẻ thù chung của những người cầm đầu Bắc Bộ Phủ. Một biểu thị rõ ràng và cụ thể là đã có những sinh viên từ trong nước du học ở các quốc gia Âu Mỹ đã can đảm đứng chung một lằn ranh với giới trẻ Việt Nam tị nạn chống lại những hành vi chà đạp nhân quyền của Bắc Kinh khi cùng nhau công khai tham gia những cuộc biểu tình chống Đuốc Thế Vận khi di chuyển qua các quốc gia Úc, Pháp, Anh và Hoa Kỳ mới đây.

    Thế hệ những người trẻ Việt Nam ở quốc nội ra đời sau tháng tư 1975 chưa bao giờ biết tới lá cờ vàng ba sọc đỏ. Họ không biết, nhưng cha ông họ, những người thuộc thế hệ tác giả lá thư không những biết mà hẳn rằng cũng đã có một thời đứng dưới lá cờ ấy, vì ít nữa là từ năm 1948 đến năm 2008 –chẵn sáu thập niên qua- lá cờ nền vàng với ba sọc đỏ, liên kết ba miền Bắc-Trung-Nam, đã từng là biểu tượng cho quốc gia, dân tộc, cho hồn thiêng sông núi. Theo sự suy diễn thông thường, khi được may mắn chọn tham dự phái đoàn giới trẻ trong nước xuất ngoại tham dự ĐH Giới Trẻ Thế Giới, họ đâu có biết gì để đặt ra vấn đề tắc nghẽn hay không tắc nghẽn của con đường gọi là hiệp thông do sự xuất hiện của những lá cờ vàng ba sọc đỏ mà từ khi sinh ra họ chưa từng biết tới? Hiệp thông vốn là từ ngữ quen thuộc được dùng trong GHCGVN. Nhưng khi sử dụng trong trường hợp liên quan tới cờ vàng, cờ đỏ mà trong đoạn 3, HY Mẫn đã nhấn mạnh, khiến người ta không khỏi liên tưởng tới một từ khác mà người cộng sản VN quen dùng trong chiến dịch hải-ngoại-vận của họ. Đó là từ “hòa hợp, hòa giải” –dĩ nhiên là theo cách hiểu của người CS-. Và như thế, nếu đổi câu “làm tắc nghẽn con đường hiệp thông” thành câu “làm tắc nghẽn con đường hòa hợp hòa giải” chắc sẽ đúng và thích hợp với hoàn cảnh thực tế hơn.

    Qua đoạn 3, lá thư viết: “Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng.  Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử nầy :  người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá.  Di sản đó là truyền thống văn hoá của dân tộc VN, một nền văn hoá khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức.  (như Tứ hải giai huynh đệ; Chuyện hôn nhân là chuyện trăm năm, là mối tình chung thuỷ;  Lá lành đùm lá rách...)”

    Đức Hồng Y viết: “Có lúc (lá cờ) chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng”. Dường như khi viết câu này tác giả hàm ý nếu không chê trách thì ít nữa cũng có chút mỉa mai. Phải chăng vì là một người tu, hơn thế lại là một nhà lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo, ngài chỉ quen nói tới “khoan dung”, “nhân từ”, “bác ái” mà không thích ai nói tới chữ “đối kháng”. Điểu này hợp lý và là quyền tự do của ngài. Nhưng nếu hiểu “đối kháng” với ý nghĩa là nói lên một điều để phản bác một điều khác thì khi đọc toàn bộ lá thư kể trên, người ta thấy hình như tác giả đã và đang hành sử cái “thói đời mang tinh đối kháng” ấy rồi! Bởi vì qua lá thư kể trên, ngài minh nhiên bày tỏ thái độ không đồng tình với “sự cố” giới trẻ Việt Nam hải ngoại trương lá cờ vàng ba sọc đỏ trong ba lần Đại Hội ở Pháp, Canada và Đức.

    Nói về lá cờ cho dễ hiểu.

    Khi hưởng ứng lời kêu gọi cầu nguyện để đòi lại Tòa Khâm Sứ cũ cạnh Nhà Chung Hànội cuối năm ngoái, hàng ngàn giáo dân, trong số có cả giáo sĩ, tu sĩ cũng đã mang theo cờ Tòa Thánh, cờ Đạo Binh Đức Mẹ ngoài Thánh Giá và ảnh tượng. Cho dù là cầu nguyện để xin Thiên Chúa lay chuyển tâm địa gian tham, độc ác của giới cầm quyền để họ biết nhìn ra điều phải trái mà trả lại những đất đai, tài sản của Giáo Hội, nhưng hàm ẩn bên trong và đàng sau một cuộc tập hợp đông người cách công khai như thế, dù muốn dù không, nó cũng mang tính phản kháng hay “đối kháng” rồi. Bởi lẽ nếu chỉ mang ý nghĩa thuần túy cầu nguyện thì cầu nguyện trong nhà thờ, cao hơn nữa là cầu nguyện trong lòng, đã quá đủ để Đấng Toàn Năng Toàn Trí thấu rõ mọi sự, cần chi phải kéo nhau ra chốn công cộng trước mặt mọi người? Nếu nhìn những lá cờ Tòa Thánh, cờ Đạo Binh Đức Mẹ trương cao trong những buổi cầu nguyện ở Tòa Khâm Sứ cũ, ở Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ấp Thái Hà, Hànội theo cách suy diễn của đức HY, thì khách bàng quan cũng không có cách nào hiểu khác hơn là những lá cờ ấy cũng “chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng”. Vì thế, nếu suy nghĩ cân nhắc kỹ, hẳn rằng tác giả không viết như thế.

    Về chuyện đức HY nhắc lại vị giám mục của ngài 30 năm trước đã dạy ngài một bài học lịch sử về “người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá. Di sản đó là truyền thống văn hóa của dân tộc VN, một nền văn hóa khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức” cần được nghiêm chỉnh xét lại.

    “Cờ vàng”, “cờ đỏ” ở đây, theo hàm ý tác giả lá thư, ai cũng hiểu là lá cở biểu tượng cho chủ nghĩa quốc gia, dân tộc và lá cở tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Người viết bài này tô đậm mấy giòng chữ trên đây để lưu ý độc giả về tính vu khoát của nó.
    Quả thật không sai nếu nhìn chung vào chiều dài lịch sử để nói rằng Mẹ Việt Nam đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân Việt, đồng thời đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản quý giá. Nhưng nếu một mực bảo rằng lúc nào, thời nào Mẹ cũng vui và cũng hài lòng với những di sản còn để lại qua những giai đoạn con cái Mẹ khoác cho Mẹ áo vàng hay áo đỏ thì tuồng như không được chính xác, nếu không muốn nói là có phần bất công đối với Mẹ, có phần hơi “ép” Mẹ.

    Hơn nửa thế kỷ ở miền bắc (1954-2008) và 33 năm ở miền nam (1975-2008), Mẹ đã được khoác trên mình manh áo đỏ chói chang, Mẹ có thật sự thoải mái và hài lòng không? Và có thật sự Mẹ nghĩ rằng thời khoảng ấy đã để lại một di sản quý giá cho các con của Mẹ không?

    Lòng Mẹ (VN) bao la như biển Thái Bình.

    Những công trình kiến trúc nguy nga, hào nhoáng bề ngoài ở Hànội, Huế, Sàigòn và những trung tâm du lịch đồ sộ đây đó hiện nay có đem lại cho Mẹ những phút giây hạnh phúc nào không? Những cuộc tập họp mang tính quốc tế như hội nghị APEC, đại lễ Tam Hợp (Vesak) diễn ra tại Sàigòn, Hànội dưới sự canh chừng của màng lưới công an dày đặc và những bước chân đi vào thế giới của nhà cầm quyền với ý đồ thiếu ngay thẳng có khiến cho Mẹ thêm nở mày nở mặt không?

    Hay nó chỉ làm cho lòng mẹ thêm tan nát:

    * mỗi khi nghĩ tới tuyệt đại đa số con cái Mẹ là những nông dân chân lấm tay bùn tại các làng quê, những buôn sóc xa xôi hẻo lánh, những công nhân lao động cực nhọc trong những xí nghiệp của người ngoại quốc ở vòng đai các đô thị với khoản thù lao còm cõi trong khi phải đối diện ngày đêm với tình trạng vật giá leo thang đến chóng mặt? (trong khi một thiểu số vung tay ném hàng triệu đô la vào những trò chơi đen đỏ, với thái độ sống chết mặc bay, mà vụ PMU 18 là một điển hình).

    * mỗi khi nghĩ tới tình cảnh đau thương của hàng ngàn, hàng chục ngàn người con gái quê của Mẹ vì miếng cơm manh áo phải bán thân làm nô lệ tình dục ở xứ người; những đám dân oan đang sống lê lết tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, trên hè phố Sàigòn; những thế hệ trẻ đang đối diện với một nền giáo dục phá sản không có ngày mai; những thanh thiếu niên hút xách, nghiện ngập, nạn nhân của căn bệnh liệt kháng (Aids) và hàng triệu thai nhi vô tội bị cướp đi mạng sống một cách công khai tại những y viện của nhà nước?

    * mỗi khi trạnh lòng trước những hiện tượng tham ô, thối nát tràn ngập khắp nơi, những thủ đoạn độc tài, phi luật pháp thể hiện ngay chốn pháp đình với những phiên tòa “bịt miệng”, trắng trợn chà đạp lên tự do, dân chủ, nhân quyền, nhân phảm Việt Nam? Nhất là khi phải nhìn những phần thân thể của quê hương đất nước, như Ải Nam Quan, như thác Bản Giốc, như các hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa, lần hồi bị rơi vào tay kẻ thù truyền kiếp là Trung Cộng?

    Đấy là tâm sự của Mẹ Việt Nam.

    Cỏn Mẹ Giáo Hội thì sao? Hẳn rằng người Mẹ trìu mến ấy cũng chẳng vui gì! Chuyện Giáo Hội và những tín hữu của Con Cực Thánh Mẹ bị chống đối, bị giết chóc, bách hại không phải là chuyện mới mẻ, ngày nay mới có. Nó còn in hằn dấu vết nơi những hang toại đạo ở Rôma, và gần gũi hơn, nơi những hình cụ mà các vua quan triều Nguyễn một thời đã sử dụng để lấy đi mạng sống của hàng trăm ngàn tiền nhân Tử Đạo Việt Nam, những người con cưng của Chúa và của Mẹ. Nhưng làm sao diễn tả được nỗi đau xé lòng của Mẹ khi chứng kiến sự phản bội phát xuất ngay từ trong lòng Giáo Hội của Mẹ. Nó lý giải cho sự kiện: trong những dịp hiện ra đây đó, đã hơn một lần Mẹ phải đau đớn lên tiếng cảnh giác là con đường dẫn xuống hỏa ngục được lót bằng không ít xương sọ của các Đấng Bậc Làm Thày trong Hội Thánh!

    Vì sợ hãi, vì bị mua chuộc, bị hủ hoá và vì những quyền lợi vật chất, đã có những hiện tượng “du di, thỏa hiệp, tương đối hóa” trong đời sống Giáo Hội, kể cả trong việc duy trì, bảo vệ và nuôi dưỡng niềm tin! Đến nỗi những người có trách nhiệm trong GH đã cam tâm ngoảnh mặt làm ngơ khi Thánh Tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Nho Quan, Phát Diệm bị những kẻ vô thần đập phá tan nát!1 Đến nỗi việc ứng dụng và giải thích về Đức Ái, về Gương Tha Thứ đã được hiểu như một thái độ nhu nhược, hèn yếu để biện hộ cho cung cách thỏa hiệp, đồng lõa, sống chung với tội ác! Đến nỗi như nhận định của linh mục Nguyễn Văn Lý trong Tuyên Ngôn 10 Điểm Về Tình Trạng GH công bố năm 1994 và được công bố lại năm 2000:

    “Những gì các ngài thu được trước mắt sẽ còn di lụy lâu dài trong lịch sử, làm méo mó hình ảnh một Giáo Hội hiên ngang xây dựng Nước Trời, tự do rao giảng tiếng nói lương tâm, mạnh dạn phê phán mọi bất công, sai lầm bất cứ từ đâu đến. Thay vào đó chỉ tạo nên hình ảnh một Giáo Hội yếu nhược, quỵ lụy ngày càng rõ nét chạy theo một vài quyền lợi trước mắt, chỉ biết “cộng tác” (collaborer) mà thiếu hẳn tinh thần “đề kháng” (résistant) (mô thức “collaborer en résistant” do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề xướng), làm nản lòng đại bộ phận Dân Chúa và các người thiện chí trước đây vốn khâm phục Giáo Hội Việt Nam”.

III.- Đôi lời tâm tình trước khi kết thúc

    Với thái độ dè dặt thương lệ, trước khi viết bài này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số bạn bè ở trong cũng như ngoài nước và đã nhận được sự đồng tình, đồng cảm của đa số người thân, trong số bao gồm cả giới linh mục, tu sĩ. Dĩ nhiên cũng có anh em suy nghĩ khác. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới lá thư của một anh bạn vốn là giáo chức và là hiệu trưởng một trường công lập ở Sàigòn trước tháng tư năm 75. Tuy không hoàn toàn chia sẻ, nhưng lời lẽ nhẹ nhàng, trầm tĩnh và lối suy tư chân thật, thẳng thắn của anh giúp chúng tôi thấy rõ được vấn đề hơn. Với phong cách của một người trí thức Công Giáo có tinh thần độc lập, không bị ràng buộc với lập trường và quan điểm của chế độ, anh nêu lên những khó khăn, bác tạp của vấn đề, không phải ở phía kẻ cầm quyền nhưng ở phía giới trẻ trong nước tham dự ĐH là những thành phần dù không muốn vẫn phải chịu sự chi phối nghiệt ngã của chế độ mà họ đang bắt buộc phải sống, không có chọn lựa. Vì thế, cho dù không đồng thuận, người đối thoại vẫn có thể tiếp nhận để soi sáng cho quan điểm của riêng mình.

    Tự hỏi: nếu trong lá thư gửi ra hôm 04-6-2008, đức HY Phạm Minh Mẫn có được phong cách tự do, thông thoáng không nghiêng về một lập trường xơ cứng nào để bình tĩnh, chân thành và thẳng thắn bày tỏ lẽ thiệt hơn thì phản ứng của người đọc chắc chắn sẽ khác. Có thể nhiều người vẫn không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của ngài, nhưng hẳn sẽ không có thành kiến là ngài nói thay cho nhà nước, cho những thế lực đã và đang là căn nguyên gây ra những tai ương cho Mẹ Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.

    Đây không phải lần đầu vị chủ chăn TGP Sàigòn có những tiếng nói lạ tai.

    Sau khi linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý tái phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền nhân phẩm Việt Nam vào đầu thiên niên kỷ mới, trước khi bước lên phi cơ sang Hoa Kỳ, TGM Phạm Minh Mẫn đã gửi ra một bài viết mang tiêu đề “Đi Tìm Ánh Sáng Soi Đường”. Một cách úp mở, tác giả gián tiếp chê bai và phủ nhận tiếng nói Ngôn Sứ của người mục tử từng ra tù vào khám nhiều phen chỉ vì đã kiên trì bước theo vết chân vị chủ chăn gương mẫu của cha là đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, nguyên TGM Huế. Cuối năm qua ngài cũng đã công bố một bài nhận định trong đó gợi lại cung cách “cầu nguyện cho bạo chúa từ chóng chết đến sống lâu” của một bà già xưa, một lời cầu thiếu hẳn phẩm chất phải có trong tôn giáo, nhằm nhắn gửi một điều gì đó nhân những buổi cầu nguyện của giáo dân Hànội để đòi lại Tòa khâm Sứ cũ. Ngưới ta cũng nhớ tới nội dung lá thư của ngài gửi linh mục Liêm, Chủ tịch LĐCGVN tai Hoa Kỳ cách đây không lâu. Nội dung lá thư công khai nói lên chủ trương muốn kiểm soát và chi phối sinh hoạt của tập thể giáo dân Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại, nói riêng tại Hoa Kỳ. (Ngoài tính tương cận về ý nghĩa khiến phải nhắc tới trong bài viết này, vì tầm rộng lớn và nghiêm trọng của nó, chúng tôi mong sẽ có dịp bàn rộng và sâu hơn trong một dịp khác).

    Và mỗi lần như thế, người ta không khỏi liên tưởng tới những nguồn dư luận nói về những điều cam kết của ngài với đảng và nhà nước CSVN để đánh đổi lấy vai trò lãnh đạo một TGP lớn nhất nước là Sàigòn, mà lẽ ra phải là đức cha Huỳnh Văn Nghi, người đã được Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm nhưng bị bạo quyền ngăn cản! Ngay lập tức, người ta cũng nghĩ tới một khuôn mặt khác luôn kèm sát bên ngài như hình với bóng. Đó là linh mục Huỳnh Công Minh, người cầm đầu nhóm linh mục được bà con giáo dân cả nước mệnh danh là Tứ Nhân Bang Minh-Cần-Từ Bích.

    Nam California 11-6-2008