Home Đời Sống Tôn Giáo Tôn Giáo và Cuộc Sống

Tôn Giáo và Cuộc Sống PDF Print E-mail
Thứ Hai, 15 Tháng 2 Năm 2010 08:09

Tôn giáo chính là điểm tựa tinh thần vĩnh cửu cho nhân loại…

 

 
                 Lê Nguyên Hồng

Trên trái đất, hiện nay có khoảng hơn sáu tỉ con người sinh sống, thì hầu hết họ đều tin theo một tín ngưỡng hoặc một tôn giáo nào đó. Người ta, thậm chí khó mà có thể thống kê một cách đầy đủ xem, liệu có bao nhiêu tôn giáo, bao nhiêu hệ phái và bao nhiêu trường phái tín ngưỡng trên toàn cầu.

Nhu cầu tâm linh là một nhu cầu có thật và bức thiết đối với con người, nó giải quyết những thắc mắc khó có thể giải thích về những điều thần bí trong tự nhiên, thậm chí là ngay trong cuộc sống của các quốc gia hiện tại được coi là trung tâm văn minh, khoa học hiện đại…

Mỗi tôn giáo thường có một xuất xứ khác nhau theo từng khu vực hành chính, tùy theo hoàn cảnh riêng, vì vậy nhãn quan tâm linh và triết lý của mỗi tôn giáo có sự khác biệt. Sự khác biệt luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn, cho nên trong quá khứ đã có những cuộc chiến tranh vì tôn giáo như Chiến Tranh Tôn Giáo Pháp (1562- 1598) và điển hình ngày nay là cuộc chiến đẫm máu không ranh giới giữa Săn Ni và Si Ai là hai dòng Hồi Giáo với nhau tại I Rắc.

Chủ trương của hầu hết các tôn giáo là: Dạy dỗ tín đồ theo hướng sống có truyền thống đạo đức hướng thiện, khoan dung nhân ái, nhường nhịn và yêu thương lẫn nhau. Chính vì vậy người Việt có câu nói “đạo nào cũng là đạo” hoặc “đạo nào cũng tốt”, theo quan điểm đạo nào cũng dạy con người hướng thiện. Trên thực tế, hàng ngàn năm qua tôn giáo đã hoàn thành xuất sắc vai trò giữ gìn những chuẩn mực đạo đức của nhân loại.

Ngày nay khi khoa học không ngừng đạt được những tiến bộ mới, phát minh mới trên mọi lĩnh vực, vì vậy nhiều điều khó hiểu đã trở nên đơn giản dưới ánh sáng của khoa học. Nhưng như ai đó từng nói: “Càng học càng thấy mình dốt”. Người ta không thể cắt nghĩa được chính xác những khái niệm tưởng như rất đơn giản như “thời gian”, “không gian”, “vô tận”, thậm chí người ta còn không biết hiện tượng Sét Cầu là gì, mối quan hệ nào giữa bộ não và cơ địa tự chữa bệnh của cơ thể, tại sao lại có năng lựợng ngoại cảm, vv… Như vậy năng lực (trong đó có trí thông minh) của con người hoàn toàn không phải là vô hạn, vì vậy tôn giáo vẫn và sẽ mãi mãi là cứu cánh duy nhất quan trọng để giải thích những gì mà con người không thể kiểm soát hoặc minh chứng được bằng khoa học kỹ thuật. Tôn giáo chính là điểm tựa tinh thần vĩnh cửu cho nhân loại…

Sự đa dạng của tôn giáo cũng chính là một trong những sự Đa Nguyên của cuộc sống. Ngay trong chính mỗi tôn giáo cũng có sự đa nguyên riêng, ví dụ Công Giáo cũng có những dòng khác nhau (hàng trăm dòng tu) như: Dòng Tên, Dòng Franciscan, Dòng Tu Nữ Thông Thái vv…Âý là chưa kể đến, trước đó Ki Tô Giáo còn được chia ra thành ba nhánh chính đó là: Công Giáo Rô Ma, Chính Thống Giáo Đông Phương và Kháng Cách. Đạo Tin Lành có các hệ phái CMA, Phúc Âm Ngũ Tuần, Baptit vv…Đạo Phật có các bộ phái như: Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, Mật Tông, Thiền Tông vv…

Chỉ trong một số tôn giáo được kể sơ giản như trên, chúng ta cũng đã thấy vấn đề tôn giáo quả là hết sức phong phú về hình thức tổ chức, tất yếu cũng sẽ dẫn đến những khác biệt về chủ trương, giáo lý, giáo luật, và phương pháp hành đạo. Vậy, những vấn đề khác nhau cơ bản hoặc không cơ bản vẫn đang hiện hữu thậm chí là trong nội bộ một tôn giáo nào đó…

Đối với quan niệm tôn giáo của mỗi người có những sự khác biệt, thì điều đó hoàn toàn là quyền tự do tôn giáo, mỗi người có một đời sống tâm linh tự do, ứng với các quyền căn bản của con người trong “Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền 1948” đã được quốc tế công nhận và cụ thể hóa bằng “Công Ước Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị Năm 1983 ” (điều 18 phần 1; 2). Vì vậy những hành vi nào có chủ ý xâm hại đến quyền tự do tôn giáo, xuyên tạc và chỉ trích các tôn giáo khác biệt với mình, đều là hành động phản dân chủ, phản nhân quyền!

Hiện nay trên mạng Internet đang có một chiến dịch kích động, mạ lỵ tôn giáo thông qua chủ yếu là bằng con đường Email. Người ta có thể dễ dàng loại bỏ những loại rác này bằng các phần mềm chống thư rác của nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng đối với những người hoạt động công khai thì hầu hết là họ không áp dụng biện pháp này vì lý do riêng.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh nhằm thay thế thể chế CS bằng chế độ Dân Chủ Đa Nguyên Đa Đảng ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, do bị đàn áp khốc liệt bởi những vụ bắt bớ xét xử bất công. Các tôn giáo lớn ở Việt Nam như Công Giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành, Hòa Hảo vv… đang bị khống chế, đàn áp thẳng tay. Cũng giống như những tên Hacker kỹ thuật trên mạng Internet đã tấn công các trang Web đấu tranh chống CS. Một loại “Hacker” mới, đó là “tin tặc tôn giáo” đang cố ý phá hoại tình đoàn kết giữa các tôn giáo của người Việt Nam với nhau, qua đó tạo nên những mâu thuẫn vốn rất dễ nảy sinh từ sự khác biệt tôn giáo. Điều này sẽ làm suy giảm sức mạnh đấu tranh chống CS, vì người ta sẽ mất sức vào những cuộc đấu đá vô nghĩa không bao giờ có hồi kết.

“Chia rẽ thì chết, đoàn kết thì sống”. Đó là phương châm mà ai cũng biết, nhưng vì quá tôn tôn giáo của mình lên là “duy nhất đúng, là chuẩn mực nhất” cho nên nhiều người nếu quên mất tình đoàn kết, sẽ bị kẻ xấu lợi dụng vào những mục đích thiếu lương thiện của chúng. Cách tốt nhất là “hãy tin những gì mình tin” và “tôn trọng những gì người khác tin”.