Home Đời Sống Tôn Giáo Vẫn im lặng được sao thưa Hội Đồng Giám mục Việt Nam?

Vẫn im lặng được sao thưa Hội Đồng Giám mục Việt Nam? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Giáo Dân   
Thứ Bảy, 23 Tháng 1 Năm 2010 22:30
Ngày nay, nhân loại không cần những thầy dậy, mà cần những chứng nhân”. ... Đức Gioan Phaolô II

Những tin tức về sự đàn áp điên cuồng, khốc liệt với giáo dân Đồng Chiêm đã làm nhiều người thổn thức và xúc động. Giáo dân bị đánh đập, bắt bớ, bị cô lập, khách khứa bị cướp, bị tấn công, tu sĩ bị đánh trọng thương… Không chỉ trong nước, mà cả ngoài nước, đồng bào khắp nơi, các hãng thông tấn quốc tế đã lên tiếng. Những tiếng kêu khóc của những dân đen vô tội ở Đồng Chiêm đang bị chà đạp dưới gót giày của bộ máy đã vượt cả không gian nước Việt ra đến thế giới từ lâu. Những người có lương tri đã nghe tiếng kêu khóc của họ…
Hơn tất cả những điều đó, thì Thánh Giá đã bị đập phá, nhục mạ bởi bọn vô thần vô đạo, bởi một “nhà nước pháp quyền”… Sự xúc phạm tới phạm Thánh này đã làm cả thế giới giật mình phẫn nộ.
Duy nhất chỉ có một nơi tiếng kêu khóc kia vang tới, sự nhục mạ kia chưa được coi là vấn đề, có phải vì nơi đó chưa nhận được thông tin đầy đủ nên chưa có một tiếng nói cần thiết: Hội Đồng Giám mục Việt Nam?
Dù phải đau lòng nói ra những điều này, thì cũng cần có một lần nói ra sự thật, bởi chưng, sự thật có đau đớn vẫn hơn những sự dối trá nịnh hót và tự khen nhau đầy rẫy trong xã hội Việt Nam.
Chưa có bao giờ, giáo dân, tu sĩ và linh mục trông đợi ở HĐGMVN và cũng đặt nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm cũng như khả năng của HĐGMVN như những ngày này.
Mới đây, trong Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện, chính Chủ tịch HĐGMVN đã nói: “Chúa muốn chúng ta xây dựng Giáo Hội như gia đình của Chúa, trong đó mọi người hoà thuận, hiệp nhất, yêu thương nhau như anh chị em một nhà” và “tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng một Giáo Hội hiệp thông; một Giáo Hội trong đó mỗi người đồng cảm với Giáo Hội, vui niềm vui của Giáo Hội và đau nỗi đau của Giáo Hội; một Giáo Hội trong đó mỗi người cảm nhận mình được yêu thương chăm sóc, đồng thời có trách nhiệm chăm lo cho người khác cũng như cho ích chung của Giáo Hội. Đó chính là cách thể hiện tư cách người môn đệ chân chính của Chúa như Người đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) và “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).”
Vậy ai là người cần nêu gương “xây dựng Giáo hội như Gia đình của Chúa”? Phải chăng đó chỉ là giáo dân và tu sĩ? Ngôi nhà của Chúa này được điều khiển bởi ai? Ai chịu trách nhiệm với ngôi nhà này khi con cái trong nhà bị đánh đập tơi bời và đàn áp cách dã man có hệ thống?
Ai chịu trách nhiệm phải lên tiếng khi sự phạm Thánh đã rõ ràng và Thánh Giá – biểu tượng linh thánh cao quý nhất của Giáo hội hoàn vũ đã bị đập nát, nhục mạ và chà đạp? Phải chăng chỉ có giáo dân, linh mục tu sĩ và sự việc nơi nào nơi đó chịu?
Ai cần phải nêu gương về lòng yêu thương, thể hiện tư cách người môn đệ chân chính?
“…tư cách người môn đệ chân chính của Chúa như Người đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) vậy những người không thực hiện điều này có còn là “người môn đệ chân chính hay không?
Những câu hỏi này đang chờ câu trả lời từ HĐGMVN.
HĐGMVN không thể thoái thác trách nhiệm của mình với những lý luận mơ hồ, cách nói nửa chừng và tránh trách nhiệm bằng những cách “lên tiếng như không lên tiếng”.
Hết rồi những giai đoạn mơ hồ, bác học hoặc cách giải thích lòng vòng khoa bảng mà không có hành động thực tế. Bởi giáo dân ngày nay “không cần những người thầy dạy, mà cần những chứng nhân” – Giáo hoàng Gioan Phaolo II.
Hội đồng GMVN có thể nhanh chóng hiệp thông với nỗi đau của những người xa xôi, những anh chị em bị nạn từ khắp nơi trên thế giới, vậy tại sao HĐGMVN không thể lên tiếng với ngay con cái mình, đồng đạo của mình đang bị tiêu diệt?
Không thể có tình yêu thương nào tồn tại, nếu không biết yêu thương ngay con cái và anh chị em trong gia đình mình không có sự hiệp thông nào trọn vẹn, nếu không có sự hiệp thông với chính trong Giáo hội của mình.
Xin gửi những lời kêu than của giáo dân, giáo sỹ trước nạn tấn công tàn bạo của nhà cầm quyền hiện nay lên đến Hội Đồng Giám mục Việt Nam và xin được câu trả lời trọn vẹn bằng những ngôn ngữ, hành động bình dân nhất.

Nguyễn Giáo Dân