Home Đời Sống Tôn Giáo Phật Giáo Tại Phi Châu

Phật Giáo Tại Phi Châu PDF Print E-mail
Tác Giả: Thích Minh Trí theo The Star   
Thứ Năm, 21 Tháng 1 Năm 2010 21:56

Sứ mệnh hoằng dương Phật pháp tại Phi châu của Thượng tọa Hui Li đang đơm hoa kết trái.

 
Tuy nhiên, trong những ngày đầu của sứ mệnh cao cả ấy, cư dân địa phương, các quan chức chính quyền, và tín đồ các tôn giáo khác gọi Thượng tọa là loài “quỷ sứ” và “cỏ độc”.

“Tôi bị cư dân địa phương, các quan chức chính quyền, và tín đồ các tôn giáo khác lên án, chụp mũ. Họ không biết Phật giáo là gì, và trước đó họ cũng chưa từng thấy bóng dáng một tu sỹ Phật giáo trong chiếc y vàng,” Thượng tọa Hui Li nhớ lại.

Thượng tọa phải đối mặt với những phản kháng từ giáo hội và cư dân địa phương qua việc xây dựng ngôi Tam Bảo tọa lạc ở Bronkhorstspruit, gần thành phố Pretoria. Mặc dù vậy, Thượng tọa vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình, bất chấp những đe dọa rằng ngôi chùa sẽ bị chính quyền tịch thu. “Trước khi vượt qua những chướng duyên này, tôi phải giữ vững tâm an tịnh, thực hành nhẫn nhục và yêu thương,” Thượng tọa Hui Li chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thư.

Ðể chứng minh mình là nhà tu chân chính và để lôi cuốn mọi người, Thượng tọa Hui Li xúc tiến hoạt động từ thiện để giúp đỡ người nghèo và người bệnh bằng việc chia sẻ quần áo, thực phẩm và thuốc men. Là tu sỹ Phật giáo Phi châu nổi tiếng, Thượng tọa Hui Li phát nguyện dành 5 kiếp để phát triển và hoằng dương Phật pháp tại Phi châu.

Thượng tọa Hui Li sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân nghèo ở miền quê Pington, Ðài Loan. Từ nhỏ Thượng tọa đã nhận chân cuộc đời là mong manh. Ngôi trường của Thượng tọa nằm cạnh nghĩa trang và những đám tang diễn ra thường xuyên đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm ông. Năm 1987, Thượng tọa phát tâm xuất gia với đại lão Hòa thượng Hsin Yun (Tinh Vân), người sáng lập Hội Phật Quang Sơn Quốc tế.

Một năm sau đó, Thượng tọa được thọ giới Tỳ kheo, trở thành sứ giả của đức Như Lai. Năm 1992, để thực hiện tâm nguyện của Hòa thượng Tinh Vân là xây dựng một ngôi chùa trực thuộc Hội Phật Quang Sơn trên mỗi châu lục, Thượng tọa phát tâm đến Nam Phi xây dựng ngôi chùa Phật giáo Ðại thừa đầu tiên trên đất Phi châu.
Thượng tọa đến Nam Phi, một miền đất xa lạ. Trong nhiều tuần lễ, Thượng tọa tham quan đó đây và gặpkhông ít khókhăn để có được một cái nhìn rõ ràng hơn về đất nước Nam Phi.Cógiai đoạn, Thượng tọa bị bệnh sốt rét, nhưng kiên quyết không chùn bước trong sứ mệnh phục vụ Phi châu. “Nếu không bị bệnh sốt rét, bạn sẽ không có visa để làm việc ở Nam Phi,” Thượng tọa bùi ngùi chia sẻ.

Năm 1994, lễ khánh thành trường Cao đẳng Phật học Phi châu - trường cao đẳng Phật học đầu tiên ở Phi châu – được tổ chức tại chùa Nan Hua (Nam Hoa Tự) ở Bronkhorstspruit để giảng dạy Phật pháp cho thanh niên, mục đích giúp họ thông qua giáo dục.

Năm 1998, khi đến Malawi tặng xe lăn cho người tàn tật, Thượng tọa Hui Li chợt tỉnh rằng, 40% dân số Nam Phi bị nhiễm HIV dương tính và trên một triệu trẻ em hoặc đã mất cha hay mẹ, hoặc đã mất cả cha lẫn me,ï hiện đang đối diện với căn bệnh thế kỷ - AIDS.

Thượng tọa hiểu rằng sẽ có rặt một thế hệ trẻ mồ côi. Những đứa trẻ này, trong giai đoạn chúng đến tuổi trưởng thành, hẳn sẽ không có sự giáo dưỡng đúng cách, hoặc nhận được sự giáo dục rất ít. Vì vậy, Thượng tọa nảy sinh ý niệm thành lập những Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-Di-Ðà (Amitofo Care Centres - ACC)

Năm 2001, Thượng tọa Hui Li từ chức viện chủ chùa Nan Hua để dấn thân trong công tác phật sự ở Phi châu. Thượng tọa trở nên nổi tiếng như bác sỹ Albert Schweitzer (*) của Phật giáo đại thừa. Sau những lần vận động thuyết phục cố đệ nhất phu nhân Cộng hòa Malawi là Ethel Mutharika thành công, một lô đất nằm ở ngoại ô thành phố Blantyre, miền nam Malawi, được cúng dường để thực hiện dự án của Thượng tọa. Dự án xây dựng Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-di-đà ở Cộng hòa Malawi được khởi công năm 2003. Các nhà mạnh thường quân, chủ yếu từ Ðài Loan, đã ủng hộ tài chính cho công trình này.

Qua năm 2005, giai đoạn 1 của dự án đã được hoàn thành và 120 em có độ tuổi từ 3 đến 12 được chuyển đến đây. Qua năm 2008, Trung tâm Giáo dưỡng Malawi đã tiếp nhận giáo dưỡng 300 trẻ mồ côi và những trẻ chỉ còn cha hoặc mẹ.
Hiện tại, một trường tiểu học đang mượn tạm một trong những ký túc xá của trung tâm cho đến khi một ngôi trường dành cho 500 chú nhỏ có thể được xây dựng.

Bước kế tiếp là xây dựng một trường trung học và trung tâm đào tạo nghề. Một phòng khám chữa bệnh do 2 bảo mẫu, các y tá có đủ tay nghề và các tình nguyện viên nước ngoài đảm trách.Ðể rèn luyện và thấm nhuần tính kỷ luật, đức kiên trì, và tinh thần tập trung, một chương trình giao lưu văn hóa bằng môn võ Thiếu Lâm được đưa vào dạy tại Trung tâm Giáo dưỡng Blantyre.

Khoảng 100 chú nhỏ hiện đang luyện tập võ nghệ do các võ sư nhà sư đến từ chùa Thiếu Lâm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mỗi sáng, các em đều tham dự các khóa lễ và học giáo lý nhà Phật.

Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-Di-Ðà cũng hỗ trợ các tổ chức trong các cộng đồng khác ở các huyện lân cận. Các tổ chức này hiện đang ủng hộ trên 2000 thiếu nhi và hơn 1500 thanh niên .

Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-Di-Ðà (ACC) có các chi nhánh ở Harare (Zimbabwe), Nhlangano (Swaziland), Mafikeng (Lesotho) và Yaound (Cameroon). Kế hoạch tiếp theo là thành lập các trung tâm ở Zambia và Tanzania.

Thượng tọa Hui Li và 30 em của trung tâm sẽ có chuyến thăm viếng từ thiện ở Malaysia và Brunei với chủ đề Truyền bá Hạt giống Tình thương (Spread The Seeds Of Love) từ ngày 28-11 đến 30-12-2009.

Phái đoàn sẽ có chương trình biểu diễn từ thiện tại các thành phố: Ipoh, Penang, Johor, Petaling Jaya, Kuantan, Kuala Lumpur, Kelantan, Muar, Malacca, Kota Kinabalu, Miri, Bintulu, Sibu và Kuching.

Các nhà tổ chức của chuyến thăm viếng này là Viện Giáo dưỡng Trẻ em Ðại từ (Persatuan Anak-anak Yatim Eduwis Selangor), Trung tâm NSS (một tổ chức từ thiện ở Ipoh) và Quỹ tài trợ Hai Tao.

(*) Theo wikipedia.org, Albert Schweitzer (14 tháng 1 năm 1875 - 4 tháng 9 năm 1965) là tiến sỹ, bác sỹ, nhà triết học, nhà thần học người Ðức, sau mang quốc tịch Pháp. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952 vì đã có công lao to lớn giúp đỡ người châu Phi, bất chấp gian khổ, bệnh tật. Ông đã có khoảng 50 năm chữa bệnh cho người dân Gabon, một đất nước nằm ở miền tây Trung Phi. Khi qua đời, ông được an táng tại đây. (ND)

* Thích Minh Trí theo The Star.

Ðại đức Hui Li :

« Một trong những bài học đầu tiên trong Phật giáo là Vô thường »

* Bài phỏng vấn của nữ ký giả Béatrice HOPE

Lời giới thiệu của người dịch: Phật giáo ngày nay không những được phổ biến trong các quốc gia tân tiến ở Âu châu và Mỹ châu mà còn đi sâu vào những vùng xa xôi mà phần đông chúng ta không ngờ đến. Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài báo phỏng vấn một nhà sư người Ðài Loan rất tích cực trong việc hoằng pháp trên lục địa Phi châu. Bài báo được đăng ngày 30.10.09, trên tạp chí L’Express bằng tiếng Pháp của xứ Maurice và trên mạng epaper.lexpres.mu. cũng của quốc gia này.

Lời giới thiệu của ký giả Béatrice Hope: Nhà sư Hui Li đã ghé vào đảo Maurice từ 26 đến 28 tháng 10, năm 2009. Ông dự định mở một tu viện để nuôi trẻ mồ côi tại đây. Nhu cầu nuôi dưỡng và chi phí giáo dục trẻ mồ côi sẽ được chu cấp đầy đủ, đồng thời giáo lý của Ðức Phật cũng sẽ được mang ra giảng dạy cho các em. Ðại đức Hui Li là một nhà sư được nhiều người biết đến, nhất là giới phật tử trong các quốc gia như Ðài Loan, lục địa Trung quốc, Nam Phi. Dưới danh nghĩa Phật giáo Ðài Loan và chùa Fo Guang Shan (Phổ Quang Sơn ?), chính ông đã đứng ra xây dựng ngôi chùa đầu tiên và và cũng là ngôi chùa lớn nhất trên lục địa Phi châu vào năm 1992, ngôi chùa này mang tên là Nan Hua và cũng là nơi dùng để giảng dạy Phật Pháp. Ngôi chùa Nan Hua tọa lạc trong vùng Bronhorstpruit, Nam Phi.

Thưa ông, ông thuộc vào trường phái Phật giáo nào ?

Tôi là đệ tử của Hòa thượng Hsing Yun, người đã thành lập ngôi chùa Phổ Quang Sơn ở Ðài Loan. Tôi thuộc học phái Thiền tông, tiếng phổ thông gọi là Chan và tiếng Nhật gọi là Zen, đó là một học phái chú trọng đến sự suy tư và nhập định.

Những sinh hoạt của ông hiện nay là gì ?

Ngoài ngôi chùa Nan Hua, tôi còn xây dựng được nhiều trung tâm khác ở Phi châu để nuôi dạy trẻ mồ côi. Tôi xây dựng trung tâm đầu tiên Amitofo Care Centre (Trung tâm Bảo dưỡng A-Di-Ðà) vào năm 2003.

Hiện nay thì tôi đang quản lý tất cả năm Trung tâm như thế : hai ở Malawi, một ở Zimbabwe, một ở Lesotho và một ở Swaziland . Tôi cũng đang dự tính thành lập thêm nhiều trung tâm khác trên phần lục địa này. Có khoảng 3000 trẻ em đang được nuôi dững trong các trung tâm A-Di-Ðà trên đây. Các em thuộc vào lứa tuổi từ 4 đến 15. Chúng tôi chăm sóc chúng như con nuôi vì cha mẹ chúng đã chết vì bịnh SIDA/HIV. Chúng tôi muốn mở ra cho chúng một chút viễn tượng của tương lai.

Ông đã dạy dỗ cho chúng những điều gì?

Các môn như tiếng phổ thông, cách hành thiền và võ thiếu lâm là các môn chính được đem ra dạy dỗ cho các em. Hiện nay, chúng tôi chỉ đủ sức phụ trách giảng dạy đến cấp tiểu học. Tuy nhiên cấp trung học sẽ được mở thêm trong tương lai gần đây.

Ðộng cơ nào đã thúc đẩy ông ghé đến đảo Maurice ?

Tôi nhận lời mời của Ni sư Shi-sen Miow sinh sống ở Maurice. Bà đã ngỏ lời mời tôi nhiều lần, tuy nhiên trước đây tôi chưa tìm được dịp nào thuận tiện.

Ông có dự tính thiết lập một trung tâm hay một ngôi chùa nào ở đây hay không ?

Tôi cũng đang nghĩ đến việc ấy. Tốt hơn hết có lẽ nên thành lập một tu viện tiếp nhận trẻ mồ côi trước đã. Dù sao thì tôi cũng đang bận rộn trong việc quản lý và xây dựng thêm các trung tâm A-Di-Ðà trên lục địa Phi châu... Hơn nữa, còn nhiều trở ngại trong công tác vận động trên phần đất này vì chúng tôi không nói được các ngôn ngữ của quý vị. Ngoài ra còn một điều nữa là chính quyền Maurice có sẵn sàng cấp cho chúng tôi giấy phép xây cất hay không. Hiện nay , tôi chưa có thể tuyên bố gì cả...Còn phải chờ xem sao.

Phật giáo đã hiện diện trên lục địa Phi châu. Vả lại cũng phải nói là Phật giáo ngày càng phổ cập khắp nơi trên thế giới. Vậy ông có thể giải thích thật đơn giản giáo lý của Ðức Phật là gì ?

Phật giáo được thiết lập bởi một người mang tên là Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm. Vị ấy là vị Phật đầu tiên.

Ðối với các tôn giáo khác, Trời chính là vị đã sáng tạo ra Ðịa cầu. Ðức Phật không hề tự gán cho mình cái chức năng ấy. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải tin một cách mù quáng vào các lời giáo huấn của Ngài. Trái lại Ngài chỉ đơn giản khuyên bảo chúng ta hãy đem thực hành những lời giáo huấn ấy trước đã và sau đó tự mình xác định xem có thích hợp cho mình hay không.

Một trong những bài học đầu tiên trong Phật giáo là vô thường. Chúng tôi hiểu rằng tất cả mọi hiện tượng đều đổi thay. Chỉ có chính sự kiện đó [tức là vô thường] là không thay đổi mà thôi.

Chúng tôi cũng quán nhận được là những cảm nhận của chúng tôi về thế giới này được tạo dựng là do những gì đang xảy ra theo từng giây phút một trong con tim của chúng tôi, những phát hiện đó xảy ra một cách thật trung thực trong từng giây phút một.

Chính vì thế mà suốt trong 24 giờ, trong mỗi cá thể con người đều hiển hiện ra 1 000 tư duy khác nhau chung với thật nhiều thể dạng tâm thức khác nhau, tương đương với con số những tư duy.

Mỗi con người đều cảm nhận được sự vui mừng, giận dữ, buồn khổ... Tất cả những giác cảm ấy đều phát sinh từ một con tim duy nhất.

Một bài học khác là sự tương liên của tất cả những gì hiện hữu. Chúng tôi hiểu rằng mỗi vật thể đều được cấu hợp bởi vô số thành phần. Khi đem tách rời các thành phần, thì vật thể ấy không còn nữa. Bởi vì tất cả đều liên kết với nhau.

Tuy nhiên một trong những lời dạy bảo căn bản nhất của Ðức Phật là trong cuộc sống này ta phải luôn luôn canh chừng từng tư duy và từng hành động của mình. Chúng sẽ tích lũy và ảnh hưởng đến nghiệp của chính mình. Vì lý do đó mà chúng ta phải hành động một cách thật chín chắn. Vả lại cũng có thể nói rằng « Phật » chính là sự « Giác ngộ ».

Ghi chú của người dịch:

Nước Cộng Hòa Maurice được chính thức thành lập vào ngày 12 tháng 3 năm 1992 sau khi dành được độc lập vào năm 1962. Thật ra lãnh thổ Công hòa Maurice chỉ là một hòn đảo nhỏ nằm vào phía tây nam của Ấn độ dương bên cạnh đảo Madagascar, thuộc bờ đông nam của lục địa Phi châu.

Ðảo có diện tích 1866 km², dân chúng sống nhờ vào kỷ nghệ trồng mía và trà, vì thế rừng bị tàn phá gần hết chỉ còn lại một vài đốm nhỏ trong các vùng núi. Người Hòa lan tìm ra đảo này trước nhất. Người Pháp tuy đến sau nhưng lại thành lập được thuộc địa tại đây. Dân số hiện nay là 1 268 835 người (thống kê ngày mùng 1 tháng 7 năm 2008).

Trước tiên là người Pháp kéo nhau đổ bộ lên đảo để thiết lập thuộc địa, sau đó đến lượt người Anh và tiếp theo đó là các sắc dân nô lệ do người da trắng đưa từ lục địa Phi châu lên đảo. Sau hết là người Trung hoa và người Ấn độ cũng di dân đến đây. Ngôn ngữ chính gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng créole tức là một thứ ngôn ngữ pha trộn của dân địa phương sinh đẻ trên đảo. Các ngôn ngữ phụ gồm có các tiếng : hindi, bhojpuri, ourdu, tiếng phổ thông, hakka và tamoul.

Hiện nay người gốc Ấn chiếm 68% dân số, trong số này có 16% theo Hồi giáo. Nhóm người này đang tích cực « Ấn hóa » toàn thể đảo Maurice, họ chiếm giữ chính quyền mà trước đây thuộc vào tay của thiểu số người da trắng. Dân lai da trắng sinh đẻ tại chỗ gọi là dân Créole chiếm 27%, số người này theo Thiên chúa giáo. Người Trung hoa chỉ chiếm 3% nhưng lại là nhóm dân tích cực hơn cả, họ nắm giữ thương trường và kinh tế. Sau hết là thiểu số người da trắng gồm 2%, tượng trưng cho tầng lớp « quý phái » của thời kỳ thuộc địa rơi rớt lại.

Bures-Sur-Yvette

* Hoàng Phong.