Câu truyện Giáng Sinh |
Tác Giả: Vũ Văn An | |||
Thứ Hai, 28 Tháng 12 Năm 2009 13:28 | |||
Hàng bao thế hệ qua đi, người Do Thái luôn mong chờ sự xuất hiện của Đấng Được Xức Dầu, người sẽ mang lại ý nghĩa cho lịch sử lâu dài gồm đủ tân toan, đắng cay, hy vọng của họ. Thoạt đầu, họ chỉ có thể hình dung ra Đấng ấy như một ông vua trần thế, giống Đa-vít, người sẽ giải phóng họ khỏi mọi xích xiềng nô dịch. Nhưng với thời gian, một ý niệm vĩ đại dần dần được khai sinh. Giáo Hội Kitô luôn nhìn thấy nơi Đấng Xức Dầu của Dân Do Thái một hình ảnh, thoạt đầu mờ nhạt, của Đấng Kitô, người có sứ mạng không hẳn khôi phục Vương Quốc Israel mà đúng hơn tạo ra một Israel Mới, một dân mới của Thiên Chúa gồm mọi dân tộc và lãnh thổ. Thiên Chúa hứa ban Đấng Được Xức Dầu ấy qua những con người mà Người gọi là tiên tri. Các tiên tri Nói đến tiên tri, nhiều người nghĩ ngay tới các cụ già râu tóc bạc phơ, đầy thịnh nộ lên tiếng rủa nguyền lên án. Quả họ có kêu gọi sám hối thật, một đề tài chẳng mấy ai ưa, nhưng họ không già. Trái lại, phần đông rất trẻ, đầy nhiệt huyết và có tư tưởng cách mạng, chẳng thua gì các thanh thiếu niên cấp tiến ngày nay. Amos (760 B.C.), chẳng hạn, là một người chăn chiên, nhưng đã dạy rằng Thiên Chúa của Israel không phải là Thiên Chúa duy nhất của một mình Israel. Nhiều năm sau đó, Micah đã can đảm lên án các nông dân giầu về tội ăn cướp các nông dân nghèo. Còn về Đấng Được Xức Dầu, thì Daniel bảo rằng: “Tôi thấy một thị kiến lúc đêm khuya. Từ giữa đám mây trời, tôi thấy xuất hiện Đấng giống như Con Người”. Tuy nhiên, Isaiah là người đầu tiên trong các tiên tri đã phát biểu một cách minh nhiên hơn cả. Ông là một chính khách của Giêrusalem, một cố vấn cho mấy triều vua liên tiếp, và nhiều người còn nghĩ ông cũng là một thành viên của hoàng gia nữa. Điều này thì hiển nhiên hơn: ông là một thi sĩ thiên tài, nhờ thế trong bộ Cựu Ước, sách của ông rất nổi bật về tính tươi mát và sáng chói. Mặc dù có phán tai ương, nhưng nói chung ông đem lại sứ điệp tin tưởng và hy vọng: “Dân đang bước trong bóng tối đã nhìn thấy ánh sáng, một ánh sáng chói lọi đang chiếu sáng những ai đang sống trong lãnh thổ tối tăm”. Vẫn là thứ ánh sáng ấy. “Vì một con trẻ sẽ sinh ra cho chúng ta, một bé trai sẽ được ban cho chúng ta, và quyền thống trị sẽ được đặt trên vai em, và đây là tên người ta sẽ đặt cho em: Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Quyền Năng, Người Cha Vĩnh Cửu, Hoàng Tử Hòa Bình”. Còn gì rõ ràng hơn thế. Ấy thế nhưng lời ấy vẫn không giúp nhiều người nhận ra Người lúc Người xuất hiện. Trong suốt lịch sử của ta, xem ra những người được chọn, những người có đặc sủng vĩ đại, thực hiện những công trình lớn lao, gây ảnh hưởng cho muôn thế hệ, đều là những con người “không giống ai”, không đáng được chọn: họ là những người ít tuổi nhất chứ không nhiều tuổi nhất, yếu đuối nhất chứ không mạnh khoẻ nhất, ít chữ nghĩa nhất chứ không thông thái nhất, có khi còn tệ nhất chứ không tốt lành nhất, hoài nghi nhất chứ không tin tưởng nhất. Bởi thế, dù người Do Thái vẫn biết đường lối hành động “kỳ lạ” của Chúa, nhưng làm sao họ có thể áp dụng các danh xưng “Cố Vấn”, “Quyền Năng”, “Người Cha Vĩnh Cửu” và “Hoàng Tử” cho một con người do một thiếu nữ tỉnh nhỏ là Maria thành Nadarét sinh hạ được? Na-da-rét Vào thời Chúa Giêsu, Na-da-rét nằm gọn trên đỉnh đồi, nhưng thị trấn phồn vinh mang tên ấy ngày nay vẫn như xưa với những căn nhà mầu trắng, dọc theo những hàng bách cao thon, những con phố hẹp và những ngôi chợ đông người. Đã đành, ngôi Nhà Thờ Truyền Tin vĩ đại đã được dựng lên, huy hoàng với những kính mầu sáng láng, những tranh ghép khổ lớn trang hoàng cùng khắp, và đã đành là du khách lũ lượt kéo nhau từng đoàn đến viếng thăm mỗi ngày, thị trấn vì thế nhan nhản những hướng dẫn viên du lịch sẵn sàng chào mời những chuyến tham quan bổ ích, nhưng những cửa tiệm nhỏ nhoi, có tính gia truyền vẫn còn đó, bán đủ thứ từ lúa gạo, tới hoa quả và thịt dê… Vẫn còn những con lừa chở đồ, những người đàn ông đàn bà vận đồ Ả Rập, và nhất là cửa tiệm thợ mộc với tường đất sét, với khu vực sinh hoạt dành cho gia đình bác phó, thoáng mát, đây đó là hốc tường để đựng bình đèn dầu, đàng kia là lò nấu than, rất dễ nhận ra đó là chỗ ở của Thánh Gia Thất. Vẫn còn cả một dẫy phố thợ mộc. Vẫn còn những người đàn bà đầu đội vò đi kín nước tại “Ain-sitt Miriam” (Giếng Đức Mẹ), nguồn nước duy nhất của thị trấn mà ngày xưa chắc chắn Đức Mẹ phải tùy thuộc để giải quyết nhu cầu đệ nhất đẳng của gia đình… Thị trấn ấy, vào thời Chúa Giêsu, chẳng có gì hay ho, đến độ Na-tha-na-en, người sau này vinh dự được chết cho người quê Na-da-rét ấy, đã không ngần ngại bảo rằng: có gì tốt đẹp phát sinh từ Na-da-rét đâu! Dù sao, thị trấn này cũng chịu nhiều ảnh hưởng của ngoại giáo Hy Lạp, làm sao có thể giữ được tính chính thống mà cha mẹ của Đấng Được Xức Dầu cần phải có? Mặt khác, Na-da-rét cũng không thuộc Giu-đê-a, nơi mà các bậc trưởng thượng biết rõ Đấng Được Xức Dầu sẽ sinh ra. Há Micah đã chẳng từng tiên báo: “Nhưng ngươi, hỡi Bê-lem Ephrathah, nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giu-đa, từ ngươi sẽ sinh cho ta Đấng cai trị Israel…” Dã sử Làm thế nào các bậc trưởng thượng ấy có thể đoán ra cách thế lạ lùng nhờ đó, Maria thành Na-da-rét được đưa tới Bê-lem? Cha mẹ cô vốn không được các Phúc Âm nhắc tới. Nhưng theo truyền thuyết, tên các ngài là Gio-a-kim và An-na. Họ chỉ được nói tới trong các phúc âm ngoại thư, một thứ văn chương nhà đạo mãi tới thế kỷ thứ 2 hay thứ 3 mới được viết ra để thêm hoa lá cành (embroidery) cho các trình thuật vắn vỏi của Thánh Kinh. Theo các dã sử này, ông Gio-a-kim và bà An-na chỉ có được Maria vào lúc đã trọng tuổi. Lúc lên ba, cô được cha mẹ dâng vào đền thờ, nhưng thay vì ngồi yên tại bậc thứ ba của bàn thờ như lời tư tế dặn, cô đã đứng dậy và múa hát, khiến mọi người mê thích. Các truyện dã sử này tiếp tục đề cập tới lễ đính hôn giữa Maria và Giu-se và việc hạ sinh Chúa Giêsu. Phần lớn cho rằng Thánh Giuse là người góa vợ, tuổi từ 50 tới 90. Các nhà thần học Trung Cổ mau mắn dựa vào các dã sử này để “củng cố” quan điểm của họ về đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ. Nhưng thực ra quan điểm ấy hạ giá cả thánh Giu-se lẫn Đức Mẹ. Vì đức đồng trinh của hai vị chắc chắn sẽ được đề cao hơn khi hai vị cũng trẻ trung như nhau như phần đông các thanh niên nam nữ Na-da-rét hồi ấy. Phần chắc là hai vị thương nhau như những cặp trai gái khác trong thị trấn. Rồi trong nghi lễ đính hôn, hẳn của hồi môn phải bao gồm những cây nến để người vợ đốt lên trong những ngày Sa-bát, rồi quà tặng của hôn phu, và việc ấn định ngày cưới. Tất cả đều phải được giải quyết trong lễ đính hôn, một nghi thức có tính trói buộc và khá long trọng. Trong đó, Maria sẽ hứa hôn với Giuse nghĩa là thề hứa trung thành, trung thực và chung thủy. Truyện thật Nhưng chưa đến ngày cưới, thì thiên thần đã hiện ra với Maria. Ta không biết lúc đó, Đức Mẹ đang ở đâu. Người Chính Thống Giáo cho rằng lúc đó, Ngài đang ở bên giếng nước của thị trấn (Giếng Đức Mẹ). Người Công Giáo chúng ta tin lúc đó, Ngài đang dệt vải trong nhà, tại nơi ngày nay có tấm bảng “Hic Verbum caro factum est” (nơi đây Ngôi Lời đã trở nên nhục thể) trong Đại Thánh Đường Truyền Tin. Thiên thần vốn là tạo vật rất đẹp. Tiên tri Daniel mô tả các ngài có đôi mắt sáng như đuốc sáng. Trong Tân Ước, tại mộ huyệt Chúa Giêsu, mặt thiên thần được mô tả như ánh chớp, áo sống trắng như tuyết, làm cho lính canh ngất vì sợ. Trên thực tế, các thiên thần tới viếng thăm thường bắt đầu sứ điệp của mình bằng câu: “Đừng sợ”. Thành ra cái nét độc đáo nơi Đức Mẹ là Ngài không khiếp sợ, dù lời chào của thần sứ Gabriel: “Xin kính chào, bà là người đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà: bà diễm phúc hơn mọi người phụ nữ” có làm Ngài sửng sốt. Đức Mẹ chắc chắn là người khiêm tốn, nhưng Ngài không mất điềm tĩnh và việc thuận tình của Ngài cũng không ngây thơ. Ngài chỉ thưa lại: Sao có chuyện đó được? Chắc chắn Ngài đã nghe và đã hiểu mọi lời tiên tri, nhất là lời tiên tri của Isaiah, nên không ngạc nhiên chi về việc một trinh nữ sẽ mang thai. Điều khó hiểu chỉ có thể là tại sao một người tăm tối, mạt hạng như Ngài lại được chọn làm người trinh nữ ấy. Nhưng rồi chuyện gì đã xẩy tới đối với một cô gái luôn có dạ kính trọng, khiêm tốn, đáng yêu và trung thành như Thánh Kinh diễn tả về Đức Mẹ khi người ta khám phá ra cô mang bầu trước khi về chung sống với chồng. Cha mẹ cô, nếu còn sống, hẳn phải là những người đầu niên rẫy bỏ cô. Điều chắc là vị hôn phu của cô toan tính bỏ rơi cô cách kín đáo. Phần cô, không một mặc cảm tội lỗi và cũng không thấy nhu cầu cần giải thích. Vả lại, có ai mà tin được dù cô có lên tiếng giải thích mười mươi. Hay cái hoài nghi của Giuse chính là lưỡi gươm thứ nhất đâm thâu qua lòng cô? Dù sao, cô vẫn giữ im lặng, không nói với Giuse điều gì. Trong Tân Ước, Đức Mẹ không nói quá 200 chữ. Thánh Giuse thì không nói chữ nào. Nhưng hành động của các ngài thì nói lên vô chừng. Đức Mẹ hiển nhiên cảm thấy nhẹ nhõm khi thiên thần đến yêu cầu Giuse nhận Maria làm vợ. Chắc chắn Giuse là dụng cụ của Thiên Chúa, hay nói theo kiểu thời nay, là dụng cụ của đấng quan phòng. Không có ông, Maria chắc chắn phải bị ném đá cho đến chết như luật lệ hồi ấy vốn dành cho tội ngoại tình. Sự im lặng của Giuse đã làm im việc đó. Nhưng tại một thị trấn nhỏ như Na-da-rét, sự tò mò không dễ gì dẹp bỏ. Có lẽ đó là lý do khiến Giuse phải đem Maria đi Bê-lem đăng ký kiểm tra dân số. Cứ 14 năm một lần, người Rôma lại tổ chức kiểm tra dân số một lần làm cơ sở đánh thuế, lấy tiền đài thọ đoàn quân, lối sống xa hoa của họ cũng như “bánh ăn và trò xiếc” cho dân họ. Cuộc kiểm tra dân số được Phúc Âm Luca nhắc tới chắc chắn xẩy ra giữa năm 10 và 7 B.C. dưới thời Augustus. Vì cuộc kiểm tra dân số này, Giuse buộc phải trở về Bê-lem, quê cha đất tổ của ông thuộc nhà Đa-vít. Phải đem một thiếu nữ trẻ, đang gần ngày sinh đứa con đầu, làm một cuộc hành trình gian khổ trên lưng lừa suốt 4, 5 ngày đường quả là một việc điên khùng. Nhưng với Maria, sự trùng hợp giữa việc kiểm tra dân số và ngày sinh đứa con trai đầu lòng của mình hiển nhiên là một “chứng thực” khác; nó làm nên trọn lời tiên xưa của Micah về nơi sinh của Đấng Được Xức Dầu. Mấy thế kỷ sau, Dionysius Exiguus, một đan sĩ Rôma, nẩy ra ý tưởng phân chia lịch sử thành 2 thời đại căn cứ vào ngày sinh của Chúa Kitô. Nhưng ngày nay, ta biết năm lịch thứ nhất sau Chúa Kitô không phải là năm Chúa Kitô sinh ra, vì Người sinh ra dưới thời Hêrốt, một người lúc đó bệnh rất nặng và đã qua đời vào năm thứ 4 trước Chúa Kitô. Khi các chiêm tinh gia tới thăm ông, thì chưa có dấu hiệu gì là ông đang bệnh hoạn. Có lẽ Chúa Kitô sinh ra vào năm 7 trước Chúa Kitô. Đây cũng là năm trùng hợp với lời giải thích về ngôi sao của ba chiêm tinh gia. Thánh Giuse và Đức Mẹ có lẽ đã phải băng qua thung lũng Gio-đan, một thung lũng lúc đó không đến nỗi nóng, khô và lởm chởm như bây giờ. Lúc ấy, thung lũng này vẫn còn giữ được nhiều nét mầu mỡ xưa của miền Palestine, và nhiều cánh rừng của nó. Các ngài chắc chắn đã đi theo các đường mòn cho tới Giê-ri-khô, rồi leo đèo lên Giêrusalem, và tiếp tục đi Bê-lem cách đó 5 dặm. Có lẽ các ngài phải đi một mình, một phần để tránh nhiều con mắt tò mò. Và do đó, cuộc hành trình lại càng thêm phần cam go. Trên đường, không thiếu những tên cướp rình rập đâu đó sau những tường dốc của núi đồi. Lừa la di chuyển không nhanh, mà Đức Mẹ lúc đó thì đã đến lúc nở nhụy khai hoa. Đêm hôm, chắc chắn các ngài phải dừng lại nghỉ ngơi tại các quán trọ bên đường, những căn nhà nhỏ một tầng, những chiếc sân có vây tường, với chiếc giếng nằm giữa, những hàng rào sơ sài nhằm ngăn ngừa thú rừng, và nơi nấu nướng làm bằng đất sét hay đào xuống đất. Con lừa có thể phải mang theo đồ làm giường và Đức Mẹ hiển nhiên phải mang theo tã lót. Và sau 4 hay 5 ngày đường như thế, các ngài đặt chân tới Bê-lem Ephrathah, một thị trấn ẩn hiện giữa những mảnh vườn olive xanh ngát. Ephrathah có nghĩa là “nhiều hoa trái”, còn Bê-lem có nghĩa là nhà bánh; Chúa Giêsu sau này ví mình là “cây nho thật” và là “bánh ban sự sống”; và hàng triệu Kitô hữu vẫn tin Người hiện diện mỗi ngày dưới hình bánh và rượu trên các bàn thờ sang hèn khắp nơi trên thế giới. Nhưng đêm đó, tại Bê-lem, không ai chào đón Người cả, không có cả nơi cho Người hạ sinh cách xứng đáng. Một chuồng bò lừa, có lẽ của chính một quán trọ, đã được lấy làm nơi Người sinh ra. Nó thường là một cái hang, vì tại vùng đồi núi Bê-lem, đó là nơi người ta thường dùng để giữ súc vật về đêm. Chắc Đức Mẹ phải sinh con một mình. Nhưng theo một câu truyện ngoại thư khác, Thánh Giuse có đi kiếm một bà đỡ và thế là cả thế giới đứng lặng thinh: Giuse tôi đang bước đi, phải dừng lại… Tôi ngước nhìn lên bầu trời và thấy mọi sự đều đứng lặng thinh, cả chim trời cũng thế. Nhìn xuống đất, tôi thấy một đĩa đồ ăn đã được dọn sẵn, một số công nhân đang nằm quanh nó, tay thò vào đĩa đồ ăn: người đang nhai hết nhai, người đang lấy thức ăn không lấy nữa, và người đang cho thức ăn vào miệng không cho nữa, mọi người đều hướng mắt lên trời. Và kìa, các con cừu đang được điều khiển, nhưng chúng không tiến tới mà lại đứng lặng thinh; người chăn cừu giơ roi định đánh chúng, nhưng roi giơ lên mà không hạ xuống. Rồi tôi quay nhìn dòng sông, thấy nhiều dê con đang há miệng uống nước nhưng đã không uống. Và rồi bất thình lình mọi vật lại bắt đầu chuyển động… Và này, một đám mây sáng bao phủ cả hang. Rồi đám mây cũng tan đi, nhường chỗ cho một ánh sáng vĩ đại xuất hiện trong hang… rồi ánh sáng ấy cũng từ từ biến đi cho tới lúc một con trẻ xuất hiện… Quả là một bức tranh đẹp cho thấy toàn vũ trụ nín thở. Mục đồng Sự hiện diện của bò lừa đã làm trọn lời tiên tri. Habakkuk từng viết về Đấng Được Xức Dầu: Ngài sẽ được người ta biết đến giữa hai sinh vật. Còn Isaiah thì viết: Bò biết người sở hữu và lừa biết máng của chủ mình. Tại Phương Đông, máng ăn của bò lừa thường làm bằng đất sét hay bằng đá, và dù Đức Mẹ có lấy rơm trải lên, nó vẫn rất lạnh. Truyền thuyết vẫn cho rằng bò lừa thổi hơi ấm để sưởi cho hài nhi. Tại Palestine, người ta ít đi xa đủ mà lại không gặp một mục đồng, đôi khi với một chiên con hay một cừu đực bị thương trên vai ông. Trên chiếc áo dài, ông ta có thể khoác một áo khóac bằng lông dê; ông mang gậy trong tay khi lùa đoàn vật, nói truyện với chúng như hò hát. Mục đồng khá nổi bật trong Thánh Kinh, từ Ápraham với đoàn súc vật, và Đa-vít, người vốn được kêu gọi lúc đang chăn đoàn vật để được xức dầu phong vương, cho tới chính Chúa Kitô. Chúa là đấng chăn chiên tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn gì. Đó có lẽ là thánh vịnh đáng yêu nhất trong Sách Thánh và Chúa Giêsu rất nhiều lần đã kể dụ ngôn để cho biết Người là mục tử nhân lành. Cho nên còn điều gì công chính hơn khi những người đầu tiên đến chiêm ngưỡng hài nhi thánh hạ sinh là chính các mục đồng. Dù thế, việc này vẫn tạo ra khá nhiều tranh cãi. Nhiều thần học gia bảo rằng có lẽ Chúa Giêsu không sinh ra vào mùa đông vì Bê-lem vào tháng 12 lạnh thấu xương và do đó đoàn vật không thể ở ngoài cánh đồng. Người khác thì cho rằng chắc chắn việc sinh ra ấy phải xẩy ra vào mùa xuân vì đó là thời gian chiên con sinh ra, cần các mục đồng canh thức, chứ vào những thời điểm khác, họ để mặc đoàn chiên lúc đêm hôm. Tranh luận gì thì tranh luận, Phúc Âm nói rất rõ: các mục đồng của Đêm Giáng Sinh đang sống ở ngoài đồng. Căn cứ vào đó, có thể kết luận họ thuộc sắc dân Bedouins hay một sắc dân du mục khác; cả ngày nay, ta vẫn thấy quanh Bê-lem những chiếc lều mầu đen của người Bedouins, bất kể là mùa đông hay mùa hạ, và ánh lửa bập bùng về đêm từ những túp lều ấy vẫn chiếu sáng. Vào mùa Giáng Sinh, Bê-lem ngày nay đông đúc du khách, con số lên đến hàng ngàn, khiến các Kitô hữu địa phương không còn chỗ tham dự thánh lễ nửa đêm. Hang đá hay động đá nằm dưới một nhà thờ lớn xây theo kiểu Rôma; hai hàng cầu thang dẫn xuống một động nhỏ dài rộng chỉ một vài thước Anh. Động này nực mùi hương trầm và trang trí tỉ mỉ, với hơn 50 ngọn đèn; nhưng nền động được gắn một ngôi sao lớn, màu bạc của nó đã phai đi vì sự hôn kính của tín hữu, đó chính là địa điểm Chúa Kitô sinh ra, vừa nhắc ta nhớ tới dòng dõi Đa-vít vừa nhớ tới ngôi sao của các nhà chiêm tinh. Ba nhà chiêm tinh Không ai rõ ba nhà chiêm tinh này xuất thân từ đâu, nhưng sự sang trọng trong các lễ vật của họ và sự tôn kính mà triều đình Hêrốt buộc phải tỏ ra với họ, hẳn họ phải là dòng qúy phái nổi danh; theo truyền thuyết bình dân, họ chính là các vị vua. Hiển nhiên, họ từ phương xa lặn lội tới, rất có thể cỡi trên lạc đà và vượt qua nhiều sa mạc. Theo hướng dẫn của một vì sao, chắc họ phải du hành về đêm. Các sử gia và thiên văn gia, trong nhiều thế kỷ, vốn tranh luận xem ngôi sao kỳ lạ kia là ngôi sao nào. Một sao chổi? Tức ngôi sao xuất hiện năm 17 trước Chúa Kitô? Không hẳn, vì ngôi sao này quá sớm; hay ngôi sao xuất hiện năm 66 sau Chúa Kitô, như điềm báo trước cái chết của Nero? Ngôi sao này lại quá trễ. Người Trung Hoa, có tiếng thông thiên văn địa lý, xác nhận ngôi sao chổi xuất hiện có lúc mờ lúc tỏ vào năm 5 trước Chúa Kitô. Hay ngôi sao ấy là một tân tinh (nova), không hẳn một ngôi sao mới, cho bằng một ngôi sao bỗng sáng rực lên lúc tự phát nổ bên trong; tia sáng của một tân tinh có thể hết sức lớn lao. Người Trung Hoa nhận ra một ngôi như thế vào năm 4 trước Chúa Kitô mà họ gọi là “sao chổi không đuôi”. Ngôn ngữ của thiên văn học gọi nó là vẻ đẹp thiên hà. Một sự trùng hợp khác được sự hỗ trợ của cả khoa thiên văn học lẫn chiêm tinh học, là khoa nghiên cứu ảnh hưởng của các ngôi sao và hành tinh đối với con người và công việc của họ. Ta biết: các hành tinh di chuyển trong thái dương hệ của chúng ta đôi khi tới gần nhau đến độ đối với chúng ta, từ hàng triệu dặm xa, xem ra như chạm vào nhau. Năm 1603, nhà thiên văn học vĩ đại người Đức là Johannes Kepler, dùng viễn vọng kính của ông, đã nhìn thấy sự xáp lại giữa Jupiter và Saturn trong chòm Song Ngư, làm ông nhớ lại một điều đã đọc trước đó là: các chiêm tinh gia thuở xưa vốn tin rằng sự xáp lại gần nhau giữa các hành tinh này là dấu chỉ của đêm, trong đó, Đấng Được Xức Dầu xuất hiện, vì chòm Song Ngư tức hai con cá trời nối đuôi nhau chính là dấu chỉ của Người; Jupiter vốn là hành tinh vương giả và may mắn, còn Saturn vốn được coi là sao phù trợ Israel. Nhờ cẩn thận tính toán các ghi chép của mình, Kepler thấy rằng việc xáp lại gần nhau này từng xẩy ra trước đây vào khoảng các năm 6 hay 7 trước Chúa Kitô. Nhiều năm sau đó, khám phá của ông vẫn bị làm ngơ. Nhưng năm 1925, người ta bỗng tìm được nhiều tài liệu xưa tại một Trường Chiêm Tinh Học ở Sippar thuộc Babylon; tại đó, dưới hình thức chữ hình nêm của Babylon, một hiện tượng xáp gần nhau đã được ghi chú rõ ràng và được quan sát suốt 5 tháng liên tiếp trong năm 7 trước Chúa Kitô: đó chính là sự xáp lại gần nhau của Jupiter và Saturn trong chòm Song Ngư! Quả không còn bài bác vào đâu được… Nhưng đối với những người thông thái như ba chiêm tinh gia ngày xưa, thì sự xáp lại gần nhau ấy dẫu có gần đến đâu đi nữa, cũng đâu có thể trở thành một ngôi sao?...Còn điều này nữa: dù có giải thích là nhiều vì sao, hay sao chổi Trung Hoa hay tân tinh đi chăng nữa, thì tại sao chúng hiển hiện ở Babylon và khắp Đông Phương, tới tận Trung Hoa, mà ở Palestine, không ai nhìn thấy chúng, cả thầy cả thượng phẩm và các luật sĩ của Hêrốt, và cả dân thành Giêrusalem cũng thế, không ai thấy chúng hết. Cả lúc các chiêm tinh gia nói với họ về chúng, họ vẫn tỏ ra mù tịt. Tại sao? Về vấn đề này, bộ Thánh Kinh Giêrusalem, có tiếng biết chú trọng tới việc loại bỏ các chi tiết tưởng tượng và luôn cố gắng tách chân lý ra khỏi dã sử, đã ghi chú như sau: “hiển nhiên phúc âm gia (một Mátthêu sử gia thận trọng) nghĩ tới một ngôi sao lạ; nhưng đi tìm một giải thích tự nhiên là điều vô ích”. Vả lại, thị kiến luôn có yếu tính này: chỉ những ai nó có ý nói với mới nhìn thấy nó mà thôi. Không hề có ghi chép nào cho thấy ngoài Gioan Tẩy Giả ra, đâu còn ai khác nhìn thấy chim bồ câu xuất hiện lúc ông làm phép rửa cho Chúa Giêsu; trên đường đi Đa-mát, đâu có ai khác ngoài Thánh Phaolô thấy được thị kiến, dù ánh sáng chói lọi từ thị kiến ấy khiến thánh nhân bị lòa một thời gian. Thị kiến nào cũng thế. Ngôi sao phương đông của ba nhà chiêm tinh cũng vậy, chỉ có họ mới thấy mà thôi. Điều kỳ lạ là ở chỗ ấy. Đối với Đức Mẹ, việc những người khách vĩ đại từ phương xa đến kính viếng, qùy lạy con trai mình, quả là điều không có tính trần gian chút nào. Nhưng các món quà thì quả là có tính trần gian, dù chúng hơi lạ đối với một trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các nhà chiêm tinh gia vốn có óc nhìn xa trông rộng: họ dâng vàng vì vương đế của Người, dâng nhũ hương vì Thiên Tính của Người và dâng mộc dược vì cái chết và nỗi thống khổ của Người. Nỗi thống khổ ấy chẳng bao lâu sẽ xẩy tới. Trong lịch sử, không có con quái vật nào khủng khiếp bằng Hêrốt, là người Flavius Josephus từng viết về: “Ông ta không phải là một ông vua mà chỉ là một bạo chúa tàn ác từng lên ngôi báu. Ông ta cướp bóc chính thần dân mình, hành hạ trọn từng cộng đoàn; hầu như ngày nào, cũng có xử tử một người, kể cả bạn bè ông, kể cả tư tế và gia đình ông, cả vợ cả con”. Nhưng không có gì khủng khiếp trong suốt cuộc đời khủng khiếp của ông cho bằng việc sát hại hàng trăm trẻ sơ sinh, các anh hài, dưới hai tuổi, quanh vùng Bê-lem. Chúa Giêsu được cứu thoát nhờ hành động mau mắn và đức vâng lời của Thánh Giuse đối với lời báo mộng của thần sứ Thiên Chúa, vâng lời ngay tức khắc, không cần chờ tới sáng. Nhưng còn Đức Mẹ thì sao, phải chạy qua Ai Cập để lại sau lưng không biết bao sinh mạng trẻ thơ bị tước đoạt? Cuộc hành trình dưới bóng bạo tàn ấy quả là dài thăm thẳm, dài hơn từ Na-da-rét tới Giu-đê-a nhiều lắm, đến 250 dặm, theo lộ trình nam Hebron, tây Gaza, rồi dọc theo duyên hải, phần lớn qua vùng núi non hiểm trở và cát bụi ngập trời, đến lừa có khi cũng phải chết dọc đường. Bên kia biên giới, cách bắc Cairo chừng vài dặm, là làng El Matariya. Theo tương truyền, Thánh Giuse đã dẫn Chúa Hài Đồng và Mẹ của Người đến đây tị nạn. Các khách hành hương ngày nay vẫn tới đây để kính viếng Nhà Thờ Thánh Gia… Phải tới khi được tin Hêrốt qua đời, Thánh Giuse mới đưa Thánh Gia trở lại quê hương Na-da-rét. Theo Thánh Kinh, câu truyện chung quanh việc Chúa sinh ra đời chấm dứt ở đây. Nhưng như thế cũng đủ để xác nhận lời tiên báo của Amos rằng Thiên Chúa không phải chỉ của riêng Israel.
|