Home Đời Sống Tôn Giáo Năm Thánh 2010 tạo mối cảm thông với Chính quyền?

Năm Thánh 2010 tạo mối cảm thông với Chính quyền? PDF Print E-mail
Tác Giả: Gia Minh, phóng viên RFA   
Thứ Năm, 26 Tháng 11 Năm 2009 10:28

Vào hai ngày đầu tuần rồi, người CG tại VN tổ chức khai mạc năm Thánh tại Sở Kiện, Hà Nội.

Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Theo họ đây là một sự kiện lớn trong đời sống tinh thần, và trong thực tế giới quan sát cho rằng cuộc tập trung vào hôm đầu tuần qua của giáo dân Công giáo Việt Nam là lần tụ họp đông đảo thứ nhì chỉ trong vòng mấy tháng qua, so với lần gần nửa triệu giáo dân giáo phận Vinh tập trung hôm ngày 15 tháng 8 vừa rồi ở Tòa Giám mục Xã Đoài.

Vậy những người tham gia những sinh hoạt khai mạc năm Thánh của người Công giáo Việt Nam trong hai ngày 23 và 24 tháng 11 vừa qua có những nhận định thế nào và họ gặt hái được gì qua sinh hoạt tôn giáo đó?Cũng như trong thực tế thì quan hệ giữa chính quyền Hà Nội và Vatican được cải thiện đến đâu?

Gia Minh trình bày thông tin liên quan trong phần sau.
   
Tổ chức thành công lễ khai mạc Năm Thánh

Rất nhiều người đều đồng ý rằng công tác tổ chức một cuộc tập trung đông đảo với mấy chục ngàn người tham dự đến từ nhiều địa phương khác nhau như tại lễ khai mạc Năm Thánh của người Công giáo Việt Nam tại khu vực Nhà thờ Sở Kiện, thị trấn Kiện Khê, tỉnh Hà Nam trong hai ngày đầu tuần qua đều không phải là một việc dễ dàng gì.

Tuy nhiên theo những người tham dự thì mọi việc đã diễn ra tốt đẹp không có những sơ suất đáng nói nào. Những lý do để có thể đạt đến điều mà người tham dự cho là ‘tốt đẹp’ đó được đánh giá là có sự tham gia của tất cả mọi thành phần, cũng như một yếu tố tinh thần cần thiết.

Chị Tùy, một nữ tín hữu ở Hà Nội trình bày:

Mỗi một xứ hoặc mỗi một nơi người ta chịu trách nhiệm về một chương trình nào đấy, chẳng hạn như là ca đoàn, các thầy chịu trách nhiệm làm trật tự. Tất cả ở dưới khán đài ngồi rất là trang nghiêm, không có gì là xáo trộn nên buổi lễ diễn ra rất sốt sắng.

Một thanh niên khác là anh Nguyễn Tiến Đạt cũng có ý kiến:

Về công tác chuẩn bị thì Đức Tổng, cũng như các Đức cha rồi các cha đều vất vả, tập trung vào cho ngày đại lễ này. Các giáo dân rất là nhiệt tình, nhất là các bạn trẻ của các giáo xứ đã được phân công.

Đây là dịp mà các bạn trẻ cũng học ở các Đấng công tác tổ chức.

Linh mục Nguyễn Văn Thật, Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, cho biết phần vụ của ông trong hai ngày khai mạc Năm Thánh:

Chúng tôi được giao cho giữ trật tự và lo cho các anh chị em khác cùng giữ trật tự ở đó.

Hoạt động Năm Thánh của giáo hội Công giáo Việt Nam với khoảng sáu triệu tín hữu trong nước được cho biết nhằm kỷ niệm 350 thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, cũng như 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Trong dịp Năm Thánh như thế thì giáo hội mong muốn tất cả các tín hữu cũng như hàng giáo phẩm, tu sĩ sám hối, tha thứ cho tha nhân để sống tốt hơn.

Sau khi tham dự kỳ lễ về, chị Tùy cho biết điều mà chị gặt hái được:

Chắc chắn sau khi đi dự một buổi lễ như thế về thì mình phải nghĩ lại con người của mình, cách sống, nghĩ về những người đã đi trước… chẳng hạn tối qua trong chương trình tưởng niệm có phần hòa giải giúp nghĩ về cách sống không phải với bạn bè mà còn những người nghèo, người kém may mắn hơn mình.

Anh Nguyễn Tiến Đạt cũng chia xẻ về điều này:

Qua những buổi như thế thì giúp cho mình có động lực để sống đạo tốt hơn, để đức tin của mình vững mạnh hơn. Nhìn chung mọi người đến tham dự đêm Diễn nguyện và thánh lễ đều thấy tự hào về truyền thống mà cha ông để lại. Đọc lại những trang sử hào hùng của giáo hội qua những giai đoạn thử thách. Lịch sử vẫn là lịch sử nhưng có thể có những điều mà người ta trình bày khác đi; đối với sinh viên trong nhà trường thì có những cái người ta không nói đến nhưng đối với giáo hội thì trình bày những gì có thật trong giáo hội để thế hệ trẻ biết được những trang sử mà thế hệ cha anh đã để lại.

Giải tỏa căng thẳng giữa chính quyền và Giáo Hội?

Trong buổi họp báo trước dịp khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Xuân thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ có tham gia họp báo nói về sinh hoạt đó. Vào tối ngày 24 tháng 11,chúng tôi cũng liên lạc với ông để hỏi về nhận xét của ông, nhưng ông hẹn trả lời sau một tiếng đồng hồ:

Bây giờ tôi đang đi giao lưu với anh em, vậy để đến cuối giờ- 10 giờ ông gọi lại.

Đúng hẹn, chúng tôi gọi lại nhưng hơn ba lần máy của ông Nguyễn Thanh Xuân, thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ không thể liên lạc được.

Hãng thông tấn Pháp AFP, trong bản tin vào ngày hôm qua, nêu ra câu trả lời của linh mục Nguyễn Trọng Tĩnh, ở Nam Định nói rằng người Công giáo Việt Nam có một mong muốn thông qua hoạt động khai mạc Năm Thánh sẽ có được sự thông hiểu hơn nữa giữa phía chính quyền và giáo hội.

Một vấn đề được cho biết gây căng thẳng giữa nhiều nơi thuộc giáo hội Công giáo Việt Nam và chính quyền địa phương là vấn đề đất đai, cơ sở bị trưng thu và nay sử dụng cho những mục đích khác ngoài việc phục vụ nhu cầu phúc lợi cộng đồng chung.

Ngay tại Hà Nội, sau khi giáo phận này có tập trung cầu nguyện yêu cầu trả lại Tòa Khâm Sứ, và giáo xứ Thái Hà cũng có hoạt động tương tự để đòi lại khu đất mà chính quyền giao cho các cơ sở kinh doanh làm ăn thua lổ thì chính quyền đã cho chuyển hai cơ sở đó thành hai công viên hồi tháng 9 năm 2008. Một vụ việc khác nữa là cơ sở của Nhà dòng Thánh Phao Lồ ở Vĩnh Long. Cơ sở của Dòng này trước năm 1975 nuôi trẻ mồ côi, vào năm 1977 bị thu hồi với lý do các nữ tu nuôi trẻ mồ côi để chống phá cách mạng, và các nữ tu lúc bấy giờ có người bị bắt giữ, có người bị cho về địa phương.

Sau này cơ sở tu viện bị  phá sạch, rồi  địa phương có kế hoạch xây dựng cơ sở bị thu hồi thành khách sạn, các nữ tu phản đối, và gần đây tỉnh Vĩnh Long thông tin sẽ cho xây dựng khu đất đó thành công viên. Các nữ tu tiếp tục phản đối và đòi hỏi phải xin lổi về lý do nêu ra khi buộc họ phải rời khỏi tu viện và giam giữ những nữ tu phụ trách hồi năm 1977.

Hồi năm 2007, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến viếng thăm được cho là lịch sử đến Vatican và gặp giáo hoàng Bênêđíctô thứ 16. Tin tức cho hay hai phía cũng đang chuẩn bị cho một cuộc viếng thăm của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Vatican vào tháng tới.

Người ta lâu nay cũng đề cập đến khả năng về một chuyến công du của người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã đến Việt Nam, đất nước có số giáo dân đứng hàng thứ nhì ở khu vực Đông Á, chỉ sau Philippines; tuy vậy những trở ngại mà nhiều người cho là căng thẳng nhất trong vấn đề đất đai, cơ sở của giáo hội, cũng như những định kiến còn lại cần phải mất thời gian để đạt được một mối ngoại giao đằm thắm.