Thay Dầu Tay Lái - Power Steering Fluid |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Chúa Nhật, 26 Tháng 7 Năm 2009 08:03 | |||
Tay lái- cũng được gọi là vô-lăng - chẳng phải là một bộ phận xa lạ đối với những người ngày nào cũng phải ngồi ở ghế tài xế, để điều khiển... tay lái (steering wheel). Nhờ tay lái, tài xế điều khiển chuyển động xe theo 3 hướng: Chạy thẳng, rẽ phải và rẽ trái. Ðể giúp tài xế trong việc điều khiển tay lái, nhà sản xuất đã chế thêm bộ phận thủy lực (hydraulic power) cho hệ thống. Nhờ đó, khi muốn rẽ sang bên phải hoặc bên trái, tài xế không cần dụng sức để “bẻ” vô lăng, mà chỉ cần xoay nhẹ bàn tay là vòng bánh lái ngoan ngoãn vâng lời, điều khiển cả một hệ thống chuyển động phức tạp đổi hướng theo ý ông/bà chủ xe. Hoạt động của bộ phận thủy lực đó thường được gọi bằng một từ ngữ phổ thông là “tay lái tự động (power steering). Hôm nay chúng ta nói về cái “linh hồn” tạo ra sự mầu nhiệm ấy trong hệ thống tay lái tự động: Power Steering Fluid (dầu tay lái). I - Có cần phải thay dầu tay lái không? Bao lâu một lần? Không giống như các thứ dầu nhớt khác - chẳng hạn nhớt máy, nước coolant, dầu hộp số... vốn là những chất lỏng bôi trơn và làm hạ nhiệt trong hệ thống - dầu tay lái là một trung gian chuyển lực, và không làm việc dưới tác động của nhiệt. Chính vì vậy, có nhiều người cho rằng không cần phải thay dầu tay lái. Chỉ cần châm thêm cho đủ số lượng, nếu thấy dầu hao ngót, là xong bổn phận. Chủ trương như vậy thì mới đúng một nửa, tức là nửa châm thêm khi thấy hao ngót, nửa còn lại - cho rằng không bao giờ cần thay thế dầu tay lái - thực là một liều lĩnh. Là bởi vì, dù không bị nhiệt ‘nung nấu’, nhưng dầu tay lái cũng là một thứ vật chất có thể bị thoái hóa, bị ô nhiễm trong quá trình sử dụng. Thực vậy, dầu không đứng một mình, nhưng luân lưu qua nhiều bộ phận; những bộ phận ấy đương nhiên hao mòn, rã mục theo thời gian phục vụ, và thải ra những mảnh vụn tan hòa vào trong dầu. Lâu ngày chầy tháng, dầu bị biến chất, và phải được thay thế. Ðó là lẽ biến dịch thường tình của vật chất. Không được thay mới, dầu biến chất sẽ quay ngược lại, tác hại trên những bộ phận liên quan, sinh nhiều thiệt hại tốn kém hơn. Nhưng vì không làm việc trực tiếp dưới nhiệt độ cao, dầu tay lái có thể giữ được tính năng của mình khá lâu. Các nhà nghiên cứu về bảo trì cho rằng, có thể thay dầu tay lái trong khoảng từ 60,000 tới 70,000 dặm. II - Châm Dầu và Thay Dầu Châm dầu là một công tác đơn giản. Thay dầu cũng chẳng phức tạp gì hơn. Dầu tay lái lại rẻ. Có nhiều loại xe - chẳng hạn như Toyota Tacoma, Toyota Corolla... - dùng ngay dầu hộp số (transmission fluid) làm dầu tay lái. Nhưng không phải loại xe nào cũng như vậy. Cần xem lại sách cẩm nang (Owner's Manual) để biết cách sử dụng cho đúng. A - Châm Dầu: Trước tiên, tìm xem bình dầu tay lái ở đâu. Nó có thể là một bình mủ trong (see-through); hoặc một bình kín màu đen. Dù thế nào chăng nữa, nắp bình cũng có chữ “Power Steering Fluid” để nhận diện. Ðiều quan trọng trước khi mở nắp bình là ‘Nhớ Lau Sạch’ bụi bậm rác rến bám đọng lâu ngày trên nắp và chung quanh bình. Sau đó, mở nắp bình và kiểm tra que thăm gắn liền với nắp, xem mức dầu hiện còn đủ ở mức qui định hay không. Que thăm đã ghi sẵn dấu Cold và Hot - có thể một bên ghi Cold và bên kia ghi Hot - để giúp chúng ta kiểm tra. Nếu dầu nằm dưới hoặc ngay vạch tối thiểu (minimum), đó là dấu hiệu có hao ngót, cần phải châm thêm. Khi châm dầu, nhớ châm thong thả qua một cái phễu, và theo dõi mực dầu thường xuyên. Ðừng để dầu vượt lên quá mức tối đa. Nếu lỡ tay đổ quá, phải tìm cách hút bớt ra (Xem phần thay dầu mới bên dưới). Bằng không, tình trạng dầu nhiều hơn mức cần thiết sẽ gây tổn hại cho hệ thống. Lên xe, mở máy nổ tại chỗ và lắc bánh lái qua phải qua trái một vài lượt, để “ợ” bọt khí ra khỏi hệ thống. Sau đó, tắt máy, xuống xe và đóng nắp bình. Cực kỳ cẩn thận đừng để bụi bậm rơi vào bình trong khi mở nắp, nhất là trong khi máy nổ, có thể làm bụi bậm ở Hood (nắp đậy đầu xe) rơi vào. Nhớ luôn luôn ‘Lau Sạch’ chung quanh bình và nắp trước và sau khi châm dầu, để bảo đảm bụi bặm bên ngoài không theo vào trong bình được. Ðiều này rất cần thiết, vì dầu ở trong hệ thống lâu năm, những bụi bặm ngoại nhập ấy có thể đẩy nhanh tiến trình ma sát và hao mòn. B - Thay dầu mới: Có 2 cách thay dầu -Cách thứ nhất: Dùng một cái Turkey Baster (xem hình) để hút dầu cũ ra. Hút hết rồi thì đổ dầu mới vào là xong. Nhưng làm một lần như vậy đương nhiên không thể hút hết dầu khỏi hệ thống. Nếu có giờ, chúng ta có thể lên xe chạy khoảng 20 phút để dầu mới hòa nhập với dầu cũ. Sau đó lại dùng ống Turkey Baster rút hết số dầu đó ra, và thay dầu mới vào. Cứ mỗi lần làm như vậy là chúng ta cải thiện phẩm chất dầu lên được một chút. Làm đến lần thứ 3 hoặc thứ 4 thì có thể yên tâm là đã thay được trọn vẹn chất lỏng trong hệ thống bằng dầu mới. Nếu không đủ giờ làm luôn vào một lèo, bạn có thể để dành sang tuần sau, hoặc giờ nào thuận tiện, làm tiếp... phần 2, rồi phần 3 cũng được. Giống như thưởng thức DVD ca nhạc, Asia hoặc Thúy Nga Paris vậy đó: Mỗi tuần coi một cuốn cũng không sao! -Cách thứ 2: Tháo ống dẫn Bằng phương thức này, chúng ta có thể xả dầu cũ ra hết, và thay luôn dầu mới một lần. Tuy nhiên, phải cần thêm một người giúp. Chuyện này có vẻ hơi khó đối với nhiều bạn: Tìm đâu ra? Kêu “ông nhô con” trong nhà ư? Chắc phải mỏi tay nói chuyện mà chưa chắc ông nhô đã hiểu! Hay là nhờ “bà chủ”? Càng khó hơn! Phạm Ðình biết vậy, nhưng cũng cứ xin trình bày cho có trước có sau: Bước 1: Dùng kích (jack) nâng đầu xe lên, rồi kê con đội vào, giữ cho đầu xe nâng cao. Bước 2: Rút ống dẫn dầu về bình (Return Hose, thường là ống nhỏ, nếu có 2 ống). Gắn một cái ống Plastic trong (có thể mua tại Home Depot) thay vào chỗ đó. Rồi nâng đầu kia của ống plastic lên cao hơn miệng bình. Mục đích: Ðể dầu khỏi chảy từ trong bình ra ngoài. Lưu ý: Ống Return Hose gắn bó với bình khá lâu, nên ngậm vào vòi bình khá chặt. Giờ này, phân cách “họ” ra thật là khó khăn đấy. Nói trước để các bạn kiên nhẫn. Bước 3: Ðặt đầu ống Return Hose (vừa gỡ ra khỏi vòi bình) vào một cái chậu để dưới đất. Chậu này là nơi chứa dòng dầu cũ, sẽ được thải từ trong lòng hệ thống và theo ống chảy ra. Có thể kiếm một đoạn ống Plastic nữa (cũng mua từ Home Depot) để nối dài ống Return Hose xuống chậu đặt bên dưới. Kiếm một vật gì nặng để buộc chặt miệng Return Hose với thành chậu. Mục đích: Ðể dầu khỏi văng bắn tung tóe khi chảy ra. Bước 5: Mở hộp dầu tay lái mới, và để sẵn vừa tầm tay. Bước 6: Nhờ “lính” lên xe, mở máy, và lắc tay lái trọn vòng từ phải qua trái và ngược lại. Ðộng tác này sẽ làm dầu tay lái lưu thông, từ trong lòng hệ thống chuyển qua Return Hose để được đưa về bình. Nhưng vì Return Hose đã được tháo ra, nên dòng chất lỏng giờ đây sẽ được dẫn vào cái chậu đặt trên mặt đất. Bước 7: (thực hiện cùng lúc với bước 6), cùng lúc đó, chúng ta - đã đứng sẵn ở bên bình dầu trước mũi xe - rót dầu mới liên tục vào bình. Một đầu, dầu cũ chảy ra, rót xuống chậu chứa; một đầu, dầu mới rót vào... liên tục như vậy cho đến khi bạn thấy luồng dầu chảy xuống chậu chứa trở nên trong như dầu mới thì ngừng tay! Bước 8: Nói người ngồi trên xe tắt máy. Lắp Return Hose trở lại vào bình. Xiết đai ống cho chắc chắn. Bước 9: Mở máy trở lại, lắc trọn vòng tay lái từ bên này qua bên kia và ngược lại vài lần, để “ợ” bọt khí khỏi hệ thống. Bước 10: Kiểm tra mức dầu. Nếu chưa đủ thì châm thêm cho đúng mức. Bước 11: Ðóng nắp bình dầu. Chạy vài vòng quanh xóm để kiểm tra. Vậy là xong. Hơi lỉnh kỉnh một chút.
|