Home Đời Sống Tài Liệu Kẻ đánh cắp tài liệu mật của Hải quân Anh

Kẻ đánh cắp tài liệu mật của Hải quân Anh PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Hòa (theo Global Security)   
Thứ Năm, 11 Tháng 6 Năm 2009 14:45

Samuel Morrison - thủ phạm đã đánh cắp và tuồn tài liệu mật của NISC cho tạp chí Jane's Fighting Ships. 
Porthsmouth là thành phố cảng biển lớn ở miền Nam nước Anh nằm trên biển Manche. Tại đây còn có căn cứ Hải quân Hoàng gia Porthsmouth, là 1 trong 3 căn cứ hải quân quan trọng nhất của Hải quân Anh (2 căn cứ kia là Davonport ở vùng biển phía tây và Farlane nằm gần thành phố Glasgow ở miền Bắc).

Căn cứ Porthsmouth không chỉ là nơi đặt Sở Chỉ huy Hạm đội Phương Bắc mà còn là nơi đặt trụ sở của Cục Tình báo Hải quân Hoàng gia (NISC). Tại đây, từ năm 1980 đến 1984, đã xảy ra vụ một chuyên viên của NISC đánh cắp và tuồn tài liệu mật của NISC cho nguyệt san Jane's Fighting Ships, một ấn bản của tạp chí An ninh quốc phòng Jane's Defense xuất bản tại Anh.
Samuel Morrison sinh ngày 30/10/1944 tại thủ đô London trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong ngành Hải quân. Người ông tên Samuel Eliot Morrison từng là Đô đốc và là một sử gia chuyên nghiên cứu về Hải quân Anh.

 Còn người cha tên Samuel Loeing Morrison là sĩ quan cao cấp làm việc tại Cục Tác chiến của Bộ Hải quân Anh. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge, theo truyền thống gia đình, Morrison gia nhập hải quân, từng công tác tại Cục Tác chiến của Bộ Hải quân.

 Đến năm 1974, Morrison chuyển sang làm việc tại Cục Tình báo Hải quân (NISC) có trụ sở chính đặt tại căn cứ Hải quân Porthsmouth. Nhiệm vụ của Morrison là phân tích và đánh giá tình hình hoạt động và nghiên cứu các thế hệ tàu chiến mới của Hải quân Liên Xô. Để phục vụ cho yêu cầu của công việc, Morrison được quyền tiếp cận với các thông tin, tài liệu mật của NISC không hạn chế.

Tuy là một chuyên viên tình báo hải quân mang cấp hàm thiếu tá nhưng thu nhập hàng năm của Morrison chưa đến 15.000 bảng nên vẫn không đủ chi tiêu cho gia đình gồm 5 người. Vì vậy, Morrison quyết định kiếm thêm thu nhập bằng việc cộng tác bán thời gian với nguyệt san Jane's Fighting Ships.

 Nhờ công việc này mà Morrison có thêm thu nhập 7.000 bảng hàng năm. Tuy nhiên, việc làm này Morrison không báo cáo cho NISC, mặc dù Morrison biết rằng đây là một hành động bất hợp pháp và nếu bị phát hiện sẽ có nguy cơ bị sa thải hay truy tố.

 

Căn cứ hải quân Nikolaiev 444 của Liên Xô do vệ tinh tình báo KH-11 chụp được đăng trên tạp chí Jane's Fighting Ships số tháng 6/1983.
 Từ năm 1980, bắt đầu xuất hiện trên nguyệt san Jane's Fighting Ships những thông tin, tài liệu và cả hình ảnh nóng hổi về những loại tàu quân sự chưa bao giờ được công bố của Hải quân Liên Xô như tàu vận chuyển quân GT-12 có thể hoạt động cả trên biển, trong đầm lầy và trên đất liền. Đây là những thông tin mà Morrison đã bí mật đánh cắp và sao chụp từ các tài liệu mật của NISC. Cứ sau khi hoàn thành một phi vụ chuyển giao tài liệu cho nguyệt san Jane's Fighting Ships, Morrison lại cẩn thận xóa hết mọi vết tích để tránh bị phát hiện.

Đến năm 1983, nguyệt san Jane's Fighting Ships số phát hành vào tháng 6 đã thu hút sự quan tâm không chỉ của dư luận mà của cả các chuyên gia quốc phòng trên thế giới khi cho công bố những thông tin, tài liệu về việc Hải quân Liên Xô đang đóng mới tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên có tên gọi Kharkov thuộc thế hệ tàu sân bay Kiev.

 Kèm theo thông tin  này là những hình ảnh được ghi nhận bởi vệ tinh tình báo KH-11 của Cơ quan Tình báo thông tin Mỹ (NSA) được chuyển giao cho NISC. Những hình ảnh này không chỉ chụp toàn bộ cảnh quan căn cứ Hải quân Nikolaiev 444 của Hải quân Liên Xô trên Biển Đen mà cả hình ảnh về việc đóng mới tàu sân bay Kharkov tại đây.

 Việc xuất hiện công khai những thông tin và hình ảnh tình báo thuộc loại tuyệt mật trên nguyệt san Jane's Fighting Ships và tiếp theo là trên tạp chí Jane’s Defense xuất bản tại Mỹ và Anh đã khiến Chính phủ Mỹ phản ứng quyết liệt với Chính phủ Anh.

 Ủy ban Tình báo của Quốc hội Anh cũng đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Margaret Thatcher đã lơ là trong công tác bảo mật thông tin tài liệu quốc phòng. Và đây cũng chính là lý do khiến Đơn vị Điều tra nội bộ của Hải quân Anh (NIS) đã phối hợp với Cục Phản gián Anh (MI-5) tổ chức điều tra để tìm ra người đã tuồn thông tin, tài liệu thuộc loại bí mật quốc gia cho nguyệt san Jane's Fighting Ships, mà nghi vấn đổ dồn vào Morrison.

 Ngày 1/10/1984, các điều tra viên của NIS và MI-5 đã thực hiện việc bắt giữ Morrison. Lục soát căn hộ của Morrison trên đường Crofton ở thành phố Porthsmouth, các điều tra viên đã tìm thấy và thu giữ hàng trăm tài liệu mật của NISC do Morrison đánh cắp và chuẩn bị tuồn bất hợp pháp cho nguyệt san Jane's Fighting Ships. Morrison bị buộc tội làm điệp viên nội gián và đánh cắp tài liệu mật của quốc gia.

 Khi bị thẩm vấn, Morrison còn biện hộ rằng sở dĩ y chuyển giao tài liệu của NISC cho nguyệt san Jane's Fighting Ships là để cho "dư luận xã hội nắm bắt được những gì đang xảy ra tại Liên Xô và cũng giúp người dân Anh biết được tiềm lực quốc phòng của Liên Xô để yêu cầu Chính phủ Anh phải tăng ngân sách quốc phòng!".

 Tuy nhiên, những biện minh này của Morrison cũng không cứu được y khỏi bị Tòa án đặc biệt Old Bailey mở ra vào ngày 4/12/1985 tại thủ đô London tuyên phạt 12 năm tù giam về tội hoạt động nội gián, đánh cắp và tiết lộ tài liệu mật quốc gia.

Đến năm 1997, sau khi mãn hạn tù giam, Morrison tiếp tục được nguyệt san Jane's Fighting Ships tuyển dụng rồi sau đó chuyển đến thành phố Bristol làm nhiệm vụ biên tập cho Tập đoàn truyền thông Jane