Hàng triệu xe hơi đi về đâu sau khi trở thành đồ phế thải ? |
Tác Giả: Trang Nguyễn - theo tài liệu của “Popular Science Magazine” | |||
Thứ Tư, 27 Tháng 5 Năm 2009 12:22 | |||
Qua theo dõi, thống kê và nghiên cứu thì người ta đã phát hiện ra một điều lý thú là xe hơi thuộc loại sản phẩm hàng hóa một khi trở thành các món mà dân ta vẫn quen gọi là “đồ phế thải” hoặc “đồ đồng, đồ nát” thì lại là các mặt hàng được hủy đi để tái biến chế nhiều nhất. Ở xứ này thì cái chữ đó hầu như ai nấy cũng đều biết. Nó là chữ “recycle”. Vậy thì sau khi không còn để chạy trên đường nữa thì chúng “chạy” đi đâu? Mỗi năm như thế, người ta đã tính toán là có khoảng 10 triệu chiếc xe bị xếp qua một bên thành đồ phế thải tại Hoa Kỳ. Mà nào có phải tất cả các xe đó đều cũ kỹ gì cho cam! Ở Cuba hiện nay, ngay ngày hôm nay đây, người ta chẳng vẫn thấy các loại xe sản xuất tại Mỹ vào cái thời 1950 chạy ngoài đường là gì? Bởi thế mà nghe đến con số 10 triệu ở trên thì ta rất dễ buông tiếng thở dài: “Ôi, sao lại có thể có chuyện phí phạm như vậy?” Tuy nhiên: Không có lý do gì để buồn phiền! Bởi có không dưới 95% các xe đó được đưa đến khoảng 7,000 cơ xưởng trên cả nước và 75% các bộ phận trong số 95 % đó được hoàn toàn “hóa kiếp”. Và như vậy là đám xe hơi bị phế thải đứng hàng đầu trên thế giới về mặt chủng loại phế phẩm được cho “tái sinh” dưới nhiều hình thức khác. Bây giờ ta thử coi những món được tái biến chế là những món gì! Trước hết: Những bộ phận kim loại Ðối với một chiếc xe bình thường - sở dĩ phải nhấn mạnh như thế là bởi có những xe “xì-po” như chiếc “Lotus” thì sườn làm bằng “formica”- đối với xe bình thường thì 65 % thân xác của nó là bằng thép, sắt cũng như một số hợp kim khác. Bởi thế mà các hãng sản xuất xe bao giờ cũng đỏ con mắt để liệu bề sử dụng lại các món kim loại đó một khi chúng được “nấu lại”. Chuyện khó tin nhưng rất có thật là hóa ra lắm chiếc xe cũ kỹ lại có giá hơn ở dạng “đồ đồng đồ nát” thay vì đem rao bán trên báo theo cái kiểu: “Xe còn tốt, chỉ cần sửa chữa lại chừng 90% là có thể xài được ngon lành”! Bên Trung Quốc thì người ta tìm cách tận dụng số “đồ đồng đồ nát được nấu lại” đó bởi kỹ nghệ xe ô-tô của họ cũng đang trên đà phát triển mạnh. Thiên hạ cứ thế mà rất chăm lo trong việc phanh thây xé xác các xe phế thải để gom nhặt kim loại nhằm chế tạo xe mới hoặc một cái gì khác. Chẳng hạn như sắt thép từ chiếc xe “Camaro” đời 79 của một ai đấy rất có thể sẽ nằm trong sườn nhà cốt thép của một tòa nhà chọc trời nào đấy bên Ấn Ðộ. Bình điện Người ta đã tính toán là có đến 70% tổng số chì được sử dụng hiện nay tại Hoa Kỳ là năm trong các loại bình điện xe hơi. Ta đều biết là chất chì có độc tố nguy hiểm trong đó. Bởi thế mà trong quá trình tái biến chế, người ta lọc các độc tố đó ra để rồi lại đem số chì được tẩy uế đó để sản xuất các bình điện mới. Phát ngôn viên Latisha Petteway của cơ quan “Environment Protection Agency” ( EPA ) - cơ quan chức năng của Hoa Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ mội sinh- đã xác nhận rằng có gần 90% các bình điện sử dụng chất chì đều được “recycled” theo như luật lệ của hầu hết các Tiểu Bang”. Bánh xe Năm 2005, “Hiệp Hội Sản Xuất Mặt Hàng Cao Su” ( “Rubber Manufacturer's Association” ) ước tính, căn cứ vào các tài liệu của Hoa Kỳ, là đã có 299 triệu vỏ xe bị thải hồi. Cứ tính đổ đồng vỏ một bánh xe lăn trên đường lộ trung bình khoảng từ 50 đến 60,000 miles mới mòn vẹt để phải thay thế thì như vậy tống số “miles” do ngần ấy vỏ xe đã lăn trên đường hẳn phải là một con số khủng khiếp. Thế nhưng có tí tin lành là 86% của số vỏ xe phế thải đó đều được sử dụng trở lại qua quá trình tái chế biến. Tuy ngày nay thành phần cấu tạo một vỏ xe là phức tạp chứ không phải chỉ có cao su trong đó thế nhưng người ta vẫn có cách tái biến chế chúng. Chất cao su từ các vỏ xe phế thải được tái chế thành hàng nghìn loại mặt hàng , từ chất liệu để tráng mặt đường cho đến vật liệu để phủ lên các sân chơi. Một số được tái chế biến thành vỏ xe mới, chẳng hạn như năm 2005 có đến 16,285,000 vỏ xe cũ được “đắp” lại, mặc dù ít được sử dụng lại cho xe chở người, vì lý do kinh tế. Chất liệu cao-su qua quá trình “recycling” còn được dùng để làm chất đốt cho các lò nấu trong công nghiệp, ở các nhà máy sản xuất giấy, các lò nấu hắc ín trải đường, Các chất dầu nhớt Trước hết là dầu nhớt (“oil”) mà người ta cứ phải thay trung bình sau mỗi 3,000 miles. Tại Hoa Kỳ này, hàng năm có 380 triệu “gallons” (cứ việc nhân cho 4.54 thì ra số “lít”) được tái biến chế để sử dụng lại dưới dạng dầu nhớt để làm trơn máy móc hoặc các loại cơ phận - không những chỉ đối với xe hơi - cần được làm trơn. Chỉ phiền là thay vì theo luật đinh số dầu nhớt phế thải phải được đem đi đổ cho có nơi có chỗ đàng hoàng thì lắm người tự mình thay lấy dầu nhớt xe rồi bạ đâu đổ đó, miễn đừng bị cảnh sát bắt gặp. Và như thế là “đi tong” không dưới 120 triệu “gallons” vào đất hoặc ra sông ra biển qua các hệ thống cống rãnh, mà không được tái biến chế để số lượng đó trở thành hữu dụng.
|