Home Đời Sống Tài Liệu Những Điều Cần Biết Về Cần Sa

Những Điều Cần Biết Về Cần Sa PDF Print E-mail
Tác Giả: Bs Văn Tân   
Chúa Nhật, 12 Tháng 7 Năm 2009 06:43

Cần sa không làm say như rượu nên người nghiện tưởng là mình vẫn tỉnh táo và cứ lái xe. Nhưng thực ra mắt họ đã kém, dễ bị lóa bởi đèn pha, phản ứng của tay chân trở nên chậm chạp và dễ gây tai nạn trên đường. Trong số thanh thiếu niên chết vì tai nạn xe cộ ở Mỹ, hơn 1/3 có hoạt chất của cần sa trong máu.

Cần sa là một loại cây nhỏ có tên khoa học là Connabis sativa. Phần lá và hoa của nó được phơi khô để hút hay nhai, có thể làm cho say sưa, quên thực tại. Tiếng Tây Ban Nha gọi phần này là morijuana, ngụ ý cần sa có sức quyến rũ như những người đẹp (Mori theo tiếng Anh là Mary, Juana là Jane, những tên thông thường của phụ nữ). Trong cuộc chiến với Mỹ cuối thế kỷ thứ 19, binh lính Mexico đã từ chối ra trận nếu chưa được dùng morijuana. Nhựa ở lá và hoa của cần sa được chiết ra và cô lại thành từng bánh, dùng để hút, có tác dụng mạnh hơn morijuana nhiều lần.

Cần sa có tới 400 hóa chất và khi hút thì 160 chất sẽ theo khói vào phổi và cơ thể. Chất gây nghiện chủ yếu của loại ma túy này là tétrahydro-cannabinol (THC). Chất này qua phổi, vào máu và lên não rất nhanh. Chỉ sau 10 giây, người nghiện đã thấy nhẹ nhõm, sảng khoái, quên đi những ưu tư, khổ tâm, dễ vui vẻ cười đùa, thích ăn uống nhậu nhẹt. Họ có cảm giác nhẹ lâng lâng như đang bay bổng, tim đập nhanh, mắt đỏ, âm thanh qua tai và hình ảnh qua mắt thường bị xáo trộn. Vì vậy, cần sa dễ lôi cuốn giới trẻ muốn tìm cảm giác lạ, muốn đi vào một thế giới ảo tưởng, xa rời thực tại. Sau vài giờ, THC sẽ rời não và tụ lại ở các mô mỡ, tồn tại ở đó cả tháng.

Cần sa là chất độc làm hủy hoại cơ thể và nhân cách

Người hút nhiều cần sa sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện tim đập nhanh, hồi hộp, lo sợ, ưu tư vô cớ, sau đó là trầm cảm, hoang tưởng, không thích giao thiệp hay bạn bè như trước. Khi đã nghiện thì tình trạng càng bi đát hơn: tâm hồn tiêu cực, tính tình thụ động, ít cảm xúc, không muốn đi học hay đi làm, hay cáu giận, khó tập trung tư tưởng, không thiết đến tương lai, luôn sống trong ảo giác.

Chất THC làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên người dùng cần sa dễ bị AIDS hơn. Khi cai nghiện, sức miễn dịch sẽ trở lại mức thường. Cần sa khiến tay chân lạnh vì máu chảy đến kém và làm nặng hơn tình trạng bệnh tim. Loại ma túy mang tên mỹ nhân này cũng làm giảm sự rụng trứng ở phụ nữ và làm yếu tinh trùng ở nam giới, khiến họ rất khó thụ thai. Nếu dùng cần sa khi mang thai, nó có thể làm thay đổi nhiễm sắc thể của tế bào, gây đẻ non hoặc dị tật bẩm sinh cho trẻ.

Khi hút cần sa, lượng hóa chất xâm nhập phổi cao gấp đôi, lượng CO2 trong máu cũng tăng 50% so với khi hút thuốc lá. Vì vậy, người hút nhiều thường ho vì viêm phế quản, sau nhiều năm sẽ bị khó thở, suy hô hấp. Lá cây cần sa được ủ không sạch nên thường có vi sinh vật, đặc biệt là nấm aspergillus làm nám phổi và vi khuẩn salmonella gây đau bụng, tiêu chảy, sốt cao.

Cai nghiện: Ý chí là yếu tố quyết định

Người nghiện ít khi nhìn rõ mình để tự biết là đã mắc nghiện. Họ cũng thiếu can đảm để thổ lộ với người thân. Có thể phát hiện bằng cách thử nước tiểu để tìm THC và chất chuyển hóa của nó. THC tồn tại trong các mô mỡ cả tháng nên rất dễ tìm, dù chỉ được dùng 1 lần vào tuần trước đó.
 
Cai nghiện cần sa dễ hơn cai các ma túy khác vì người nghiện không bị hành hạ bởi các triệu chứng về thể xác, điều quan trọng là phải có ý chí. Gia đình, bạn bè cần cảm thông và khuyến khích. Có thể dùng tâm lý trị liệu để giúp người nghiện lấy lại lòng tin. Nếu có phản ứng tâm lý (như các cơn sợ hãi) hoặc các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, run rẩy, người nghiện phải được điều trị trong bệnh viện.