Home Đời Sống Tài Liệu Để có một Tết vui !

Để có một Tết vui ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Sàigòn Echo   
Thứ Hai, 19 Tháng 1 Năm 2009 11:22

Thế kỷ 21 đã bắt đầu từ hơn 8 năm nay mà còn nói chuyện tục lệ phong tục coi bộ « have been »(1) quá xá !

Tuy vậy, đừng quên rằng chữ Tết quan trọng đến dường nào trong gia đình, xã hội Việt Nam. Mọi người làm việc cật lực cả năm để nghỉ ngơi vui vẻ trong những ngày Xuân Tết.

Tết may mắn thì cả năm cười vui hớn hở, chờ đón tài lộc đổ về. Tết mà bị tiếng này tiếng nọ thì coi như bỏ đi cả năm. Vì vậy, trong số báo mừng tất niên, mục « Bạn có biết? » xin gởi đến bạn một vài điều cần biết với mong muốn sẽ đem đến cho bạn niềm vui, hạnh phúc trong suốt 365 ngày tới.

Tết

"Tết" từ chữ "tiết", nghĩa là mùa, hay hiểu rộng ra là mùa hội. Tết là dịp sum họp gia đình, thăm viếng thân nhân, thờ phượng tổ tiên. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, chơi đùa để chuẩn bị cho một năm mới.

Tết Nguyên Đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, Tết Cả hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam và một số các dân tộc khác chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương Lịch hay Tết Tây, thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch và nói chung kéo dài khoảng 5–6 ngày, tạo điều kiện cho những thành viên gia đình sinh sống làm ăn ở nơi xa có thể về quê vui cảnh đoàn viên ít ngày. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết nằm ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên.

Ngày Tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Trái dưa hấu

 Màu đỏ của trái dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Bổ trái dưa mang màu sắc đỏ thắm ai ai cũng mừng vui, kỳ vọng cho công việc làm ăn cả năm được hưng thịnh. Nhưng nếu trái dưa nó không mang màu tài lộc thì sao, màu vàng, màu trắng chẳng hạn ?

Lời khuyên PT : « Chớ nên bổ dưa hấu ngày mồng một » ! Món trái cây ngày mồng một thường được dùng là bưởi, đu đủ, dừa trong mâm ngũ quả, chẳng có ai quan trọng hóa cái việc màu mè chi hết, màu gì cũng được miễn ngon ngọt là OK !

Riêng các bạn nam nên tránh đem đến nhà người yêu một trái dưa hấu trong Tết cũng như ra giêng, nhiều khi Ba Mẹ nàng lại hiểu lầm!

Còn việc bổ dưa thì để mùng hai vậy! Lau nhà!

Bạn nào ở ngoài Bắc thì biết rõ, chớ có mà làm siêng quét dọn nhà 3 ngày Tết !

Bình thường, nhà có ít bụi là đã bị Ba Mẹ la « Con gái không lo nhà cửa » hoặc « Con trai ở dơ ».

Nhưng mấy ngày Tết thì chẳng sao, chẳng cần quét tước chi cả. Vì người xưa cho rằng quét dọn như thế nhà sẽ sạch sành sanh, dĩ nhiên là đâu có ai muốn trong nhà mình trống huơ trống hoát suốt cả năm cho nên…thôi cứ để vậy. Ăn quà bánh gì thì giấy rác đưa thẳng vào thùng cho sạch sẽ !

Mí lại ở thời buổi này, phải lấy việc gìn giữ môi trường làm đầu, bớt quét nhà, lau nhà hóa ra lại hay ! Cả Nước tiết kiệm được nước lau nhà ba bữa Tết cũng là con số đáng kể có phải không ?

Xông đất

Miền Trung gọi là "đạp đất", tục lệ này vô cùng quan trọng. Cho đến nay, chưa có công trình khoa học nghiên cứu về đề tài chứng minh rằng người xông đất đầu năm sẽ đem đến sự hên xui, may mắn, vận hạn cả năm cho chủ nhà. Tuy nhiên, Ông Bà mình có câu «Có thờ có thiêng, có kiêng có lành», vì thế biết là chuyện không khoa học nhưng cứ theo tục lệ mà làm.

Mồng một ở nhà chúc Tết Ông Bà, Cha Mẹ rồi ở nhà vui vầy với anh chị em, thế mà vui ! Nhất là thời buổi bây giờ, người dưới quê, kẻ thành thị, nhiều người đi làm ăn xa, đi nước ngoài, cho nên hãy tận dụng ngày đầu năm để trò chuyện vui đùa trong gia đình còn hơn đi tới nhà người khác, vui chưa thấy mà nhiều khi còn bị quở trách cả năm !

Mẹo nhỏ : Cho đến nay chưa có quy định về vụ xông đất bằng web cam, thành ra bạn cứ tận dụng tối đa phương tiện kỹ thuật hiện đại này mà xông đất thoải mái nhà bạn bè, người yêu trong khi chờ đợi giờ hoàng đạo để khởi hành chuyện « đạp đất » thiệt sự ! Hái lộc, Hương lộc.

Khi xưa, văn hóa hái lộc, xin lộc thường thấy ở các bạn theo đạo Phật hay ở miền quê…Ngày nay, sau Giao thừa, cúng bái Ông Bà, Trời Đất xong, các bạn trẻ gọi nhau đi chùa đầy cả đường phố như đi ủng hộ đá banh Sea Games.

Lễ lạy xong, lúc trở về, người ta có tục hái nhánh cây gọi là có lấy lộc đầu năm do Trời Đất ban cho. Nhành lộc được rước về nhà và cắm trên bàn thờ cho đến khi héo tàn !?

Xưa kia, trước cổng chùa có ít cây xương rồng, cành xi, cây dương quanh năm tươi tốt, cứ sau phút Giao thừa, thiện nam tín nữ mạnh ai nấy ngắt, nấy hái…đến nỗi trọc lóc luôn ! Thành ra về sau phát sinh ra hương lộc - thay vì ra tay bứt lộc, nhành cây được thay thế bởi những cây nhang to đùng được người cầm hương lộc châm lửa trước sân chùa vái thần thánh bốn phương tám hướng, đem về nhà có khi đến cuối ngày mồng một vẫn chưa tàn.

Lời khuyên : Ai thuộc nhóm bứt cành, ngắt lá thì cẩn thận chỉ nên ngắt ở những cây đa to lớn, nên xin phép quý Thầy trụ trì, đừng đụng đâu hái đấy, nhất là nhà hàng xóm, kẻo mới qua Giao thừa thôi mà bị ăn mắng thì đừng hỏi… « tại sao xui cả năm » ! Còn phe cầm nhang cũng vậy, cúng vái xong đi thẳng về nhà, đừng lạng lách, đừng biễu diễn cầm nhang làm kiếm phang qua, đánh lại như phim Star War…làm mất đi cái không khí trang nghiêm của lễ hội.

Lì xì

Lì-xì là hai chữ Hán-Việt "lợi thị" đọc theo âm Quảng Đông. Đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em.

Ở xứ mình, ngay với đứa con nít, cứ nói đến Tết là đừng có quên cái món lì xì. Ai đã có gia đình thì nên tính toán cẩn thận, trên dưới nội ngoại bao nhiêu trẻ là bấy nhiêu bao lì xì, nội dung bên trong thì cũng còn tùy theo công ăn việc làm năm vừa qua thuận lành hay thất bát.

Đám trẻ con chưa đến mùng một đã nhẩm tính trong đầu sẽ thâu hụi được bao nhiêu cho ba ngày Tết. Nhà nào có người nước ngoài về ăn Tết thì tha hồ vui vẻ, vì phong bì đỏ đỏ kia thế nào cũng khá. Anh nào đang có dự định cắm ở đâu thì đừng quên đếm số lượng đám con nít ở nhà nàng trước khi đi đến quyết định cuối cùng ! Nhiều khi nàng đang phân vân lựa chọn giữa anh X hay chàng Y, đến nhà thăm mà không đúng thủ tục đàng hoàng đừng có trách sao mấy chú nhóc tì không bỏ phiếu cho mình !

Nói chung, người viết bài cho mục « Bạn có biết» của Phía Trước chẳng có gì để chia sẻ ở phần này. Chỉ có một lời chúc với bạn đọc : hai chữ « Good luck !»