Bí mật quanh đồng Euro |
Tác Giả: Nguyễn Thanh Lâm | |||
Thứ Hai, 12 Tháng 1 Năm 2009 01:32 | |||
Câu chuyện tưởng xa vời ở Châu Âu lại rất gần với các quốc gia và doanh nghiệp đang có nguy cơ điên đảo vì tiền : Đồng Euro mạnh lên, sẽ đem đến thuận lợi hay khó khăn gì ? Khu vực đồng Euro đang so găng với đồng Đô là Mỹ như thế nào ? và những bí mật gì đã và sẽ bao quanh đồng Euro ? Vì sao có đồng Euro ? Sau thế chiến thứ II, Châu Âu tan hoang đã vụt dậy như phượng hoàng từ đống tro tàn. Hệ thống tỷ giá hối đoái Bretton Woods dựa vào kim bản vị và chương trình Marshall đã góp phần ổn định các khu vực đồng Bảng Anh, đồng Franc Pháp, đồng Franc Thụy Sĩ và đồng D-Mark ở Tây Đức. Tuy nhiên, Liên minh thuế quan trở thành hiện thực cho Đức và Pháp từ năm 1968, vẫn phải chống chọi với việc tỷ giá hối đoái giao động mạnh do hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ sau sứ mệnh lịch sử của mình, khi sự phát triển của nền kinh tế thế giới gia tốc vươn tới mục tiêu toàn cầu hoá. Năm 1970, lần đầu tiên về một Liên minh tiền tệ Châu Âu được cụ thể hoá, dựa trên kế hoạch Werner, đúc kết dự án Liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu với một đồng tiền thống nhất trong tương lai, do các chuyên viên kinh tế lỗi lạc và Thủ tướng Luxembourg , Pièrre Werner soạn thảo. Lộ trình nhắm đến Liên minh vào năm 1980 thất bại, cũng vì sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods vào năm 1972. Thay vào đó, Liên minh tỷ giá hối đoái Châu Âu được thành lập vào năm 1972 và sau đó là hệ thống tiền tệ Châu Âu năm 1979, nhằm ngăn chặn sự giao động quá mạnh của các đồng tiền Châu Âu. Đơn vị tiền tệ Châu Âu (European Currency Unit-ECU) ra đời như một đơn vị thanh toán vì mục đích này và được xem là tiền thân của đồng Euro. Nhưng mãi đến năm 1988, chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Jacques Delors đã lập ban soạn thảo Báo cáo Delors, lên kế hoạch ba bước tiến tới thành lập Liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu. Jacques Delors Bước đầu tiên bắt đầu từ 1.7.1990 cho phép chuyển vốn tự do hoá giữa các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) Bước thứ hai từ 1.1.1994 khi Viện tiền tệ Châu Âu, tiền thân của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hình thành và tình trạng ngân sách quốc gia các nước thành viên EU được xem xét (*) Ngày 13.12.1996 các Bộ trưởng Bộ tài chính của EU đi đến thoả thuận về Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng nhằm tạo riềng mối kỷ luật về ngân sách các nước thành viên và qua đó bảo đảm giá trị của tiền tệ chung. Bước thứ ba xác định 11 quốc gia thành viên ban đầu của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ theo các tiêu chuẩn hội tụ đươc quy định trước và ngày 1.1.1999 tỷ lệ hối đoái giữa đồng Euro và các đơn vị tiền tệ quốc gia được xác định không thể thay đổi và Euro thành đồng tiền chính thức Tên gọi và mái nhà Có những tên gọi được đề cử cho đồng tiền chung của Châu Âu: Franc Châu Âu, Krone Châu Âu hay Gulden Châu Âu. Những tên nghe khá hay nhưng khá dài. ECU cũng là một lựa chọn. Nhưng cuối cùng, đề nghị của Bộ trưởng tài chính Đức Theodor Waigel đã được hoan nghênh nhiệt liệt: Euro (viết tắt là EUR) Ký hiệu € lấy từ ý tưởng của Arthur Eisenmenger, sếp đồ họa của Cộng đồng Châu Âu EG: một chữ C với hai vạch ngang biến thành chữ E tròn cách điệu: một vạch tượng trưng cho sự bền vững và vạch thứ nhì tượng trưng cho mặt bằng kinh tế Châu Âu. Ký hiệu ấy gợi nhớ đến chữ Epsilon (e) của tiếng Hy Lạp vốn là biểu tượng của Châu Âu cổ xưa. Ký hiệu € được viết thay chữ E của slogan bằng tiếng La Tinh thường xuất hiện trên các chứng từ tiền tệ của EUROPA FILIORUM NOSTRORUM DOMUS (Châu Âu /là/ mái nhà của con cái chúng ta) Mái nhà EU đang có 27 quốc gia hội viên, và 15 nước trong số đó đang sử dụng đồng tiền chung EURO. Anh, Đan Mạch và Thụy Điển đã có quyết định không gia nhập Khu vực đồng Euro (Eurozone). Tại các nước khác trong Châu Âu như Cộng Hoà Séc, Ba Lan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ, bạn có thể trả bằng tiền bằng Euro. Nhưng điều này thường có hai bất lợi: giá chuyển đổi cho đồng Euro thường không hấp dẫn và tiền thối lại thường là tiền bản xứ. Nếu lưu lại đó lâu hơn, bạn nên dùng tiền bản xứ để thanh toán. Nhiều nước ở Miền Tây Châu Phi, vốn thuộc khu vực đồng Franc Pháp trước đây đã gia nhập khu vực đồng Euro qua việc xác định một tỉ giá hối đoái cố định với Euro. Đồng Euro so găng với đồng Đô la Mỹ. Trên lĩnh vực dự trữ ngoại tệ mạnh của toàn thế giới, đồng Đô la Mỹ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất là 63,9%. So với năm 2000, bảy năm trước đây, con số đó còn là 70,5% với niềm kiêu hãnh đặc biệt, bởi các bước đi của hệ thống Bretton Woods và tác động của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cũng như Ngân hàng thế giới ( World Bank) đã tạo thế thượng phong và làm luật cho đồng đô la Mỹ. Một kinh tế gia tầm cỡ đã gọi đó là thời kỳ của giang hồ tài chính quốc tế với những luật lệ áp đặt làm mưa làm gió trên toàn thế giới. Khu vực đồng Bảng Anh hiện đạt 4,7% và đồng Yen là 2,9%. Từ hai năm nay, khối lượng tiền giấy Euro với 592 tỷ Euro đã vựơt qua tổng khối lượng Đô la xanh của Hoa Kỳ là 579 tỷ USD. Tỉ giá hối đoái thay đổi theo hướng Euro ngày càng mạnh và USD yếu sát điểm cực tiểu. Nói cách khác, nếu ngày 26.10.2000 khi tỉ giá Eur/USD là 0.83 và bạn đầu cơ mua vài tỉ Euro thì ngày 23.04.2008 khi bán ra với tỉ giá Eur/USD là 1,594, tài sản của bạn đã tăng gấp đôi, chưa kể lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng. Giá bạn đầu cơ mua bằng tiền đồng Việt Nam , thì chỉ tính rợ thôi, tài sản tiền đồng của bạn đã tăng hơn 300% trong vòng 8 năm. Việc đồng Euro liên tục tăng giá so với USD đã tác động mạnh nhiều đến nền kinh tế, xã hội và đời sống người dân ở Châu Âu. Hàng Châu Âu xuất khẩu đi các nước trở nên đắt đỏ và mất đi nhiều tính cạnh tranh. Khi nhu cầu hàng xuất khẩu không cao, việc cắt giảm nhân công là điều khó tránh khỏi. Vì thế, ECB luôn canh chừng để đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm giảm giá Euro. ECB luôn nhắm mục tiêu ổn định giá cả và giá mức lạm phát dưới 2% (dù mới đây, đã có tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái) Rõ ràng đồng Euro mạnh làm hãng chế tạo máy bay Airbus khó cạnh tranh với Boeing của Hoa Kỳ trong thời gian này. ECB củng cố và tiến hành chính sách tiền tệ, quản lý quỹ dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên, kinh doanh ngoại tệ và nhất là chăm sóc nền kinh tế quốc dân luôn có đủ tiền lưu chuyển thông suốt. Nhờ nguyên tắc tự trị mà ECB đã làm chủ được tình hình phát hành tiền mặt và kiểm soát cả lượng tiền M1, M2, M3 để tránh việc ngân sách quốc gia nào đó thâm thủng và các chính khách, nhà nước tự động in thêm tiền cân đối, nhưng thực chất là biến động tiền mất giá, mất ổn định và dẫn đến lạm phát nghiệm trọng hơn. Đây là bài học kinh nghiệm quí báu cho các nền kinh tế chuyển đổi hay kinh tế mới nổi như nước ta. Trong thời gian trước năm 2002, khi đồng Euro không tồn tại trên thực tế dưới dạng tiền mặt, đồng Euro đã bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, thêm vào đó Cộng đồng Châu Âu lúc bấy giờ gặp khó khăn kinh tế-xã hội và thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, bởi 3 nguyên nhân sau: - Thâm hụt ngân sách và cán cân thương mại trong bối cảnh Hoa Kỳ luôn tăng nợ. - Có nhiều chuyển đổi trong dự trữ ngoại tệ ở các nước khác, nhất là Trung Quốc, Nhật, Nga và Ấn Độ. - Các nước xuất khẩu dầu như Nga tương đối thành công, còn Irak, Iran, Venezuela thì gặp khó khăn trong việc nhận đồng Euro trong thanh tóan buôn bán dầu khí. Đến năm 2004, khi đồng đô la Mỹ chấm dứt vai trò tiền tệ quan trọng nhất cho các loại trái phiếu và công trái với lãi suất cố định và lãi suất thả nổi (Floating Rate Notes), đồng Euro vươn lên vị trí thứ nhì, bỏ xa đồng bảng Anh và Yen Nhật, trong rổ ngoại tệ toàn cầu, và việc bảo hộ tiền tệ (currency hedging) cho các doanh Châu Âu đã không bức thiết như trước đó, mặc dù thương mại vẫn là nguồn chính của tăng trưởng kinh tế. Điều này đã giúp Châu Âu giảm lạm phát và tăng sức mua. Sự trỗi dậy của nền kinh tế Đức trong khoảng một năm gần đây là một ví dụ sinh động cho quá trình nêu trên. Bí mật quanh đồng Euro. Sau mười năm có mặt trên thế giới, đồng Euro đã mạnh lên với nỗi lo của kẻ mạnh sợ lật kèo cùng với sự cẩn trọng cần thiết để kinh bang tế thế. - Tổng thống Pháp đưa ra luận điểm: sự tăng giá của đồng Euro không hẳn là một biểu hiện tài chính vững mạnh mà có thể là tai họa thương mại. - Nhà kinh tế Patrick Artus thuộc Ngân hàng Natixis của Pháp cho rằng: vào thời điểm mới được đưa vào lưu hành, đồng Euro bị đổ lỗi là gây ra lạm phát. Hôm nay nó bị đổ lỗi là làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng lỗi thực sự lại không nằm ở đồng Euro mà ở đồng USD. - Cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu (Finance), khủng hoảng giá lương thực (Food) và giá nhiên liệu (Fuel) nói chung là 3 chữ F phá rối trật tự kinh tế toàn cầu, cộng với sự sa sút, vỡ bong bóng của thị trường bất động sản đã dẫn đến sự thua lỗ của nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư lớn : Citigroup, Credit Suisse, UBS, Merrill Lynch, Fannie Mae, Freddie Mac ... đang biến đồng Euro thành một hằng số biến thiên khó xác định . - Việc kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) hiện nay có thể cản trở dòng chảy của lưu thông phân phối bởi dòng vốn xuyên biên giới. Ở nước ta, lượng kiều hối 8 tỉ USD (ước lượng cho năm 2008) và hàng chục tỉ USD từ đầu tư trực tiếp (FDI) mỗi năm đang là trợ thủ ngăn dòng nhập siêu và đó lại là một câu chuyện khác. - Đồng Euro là một sản phẩm được dày công nghiên cứu và thử nghiệm. Có thể nói là rất thành công. Nhưng một trong những bí mật quanh những đồng tiền mạnh trên thế giới là sự trỗi dậy gần như được lập trình trong tương lai gần của đồng Nhân Dân Tệ( Trung Quốc). - Giá trị đồng tiền quá yếu như đồng USD hay đồng Việt Nam hiện nay là một nỗi lo, nhưng sở hữu một đồng tiền quá mạnh (có thể hơn cả thời “con rắn tiền tệ” trong đường hầm biên độ mở, sau giai đoạn Bretton Woods) thì nỗi lo còn lớn hơn nhiều. Một rổ ngoại tệ tương đối tối ưu sẽ điều tiết kinh tế ngoại thương tiến đến tối ưu, giảm rủi ro, đe dọa thực sự, đối với các ngành xuất khẩu của từng quốc gia, từng khu vực. - Lãi suất đồng Euro có thể tăng nữa nếu tình hình lạm phát không hạ nhiệt. Thời của tín dụng giá rẻ sẽ qua đi. - Thành công của đồng Euro vẫn không che dấu hai thất bại: Thứ nhất là sự thích nghi của các nứơc trong khu vực sử dụng đồng tiền này khác nhau khá nhiều. Nhiều cải tiến hóa thành cải “lùi”. Thất bại thứ hai chính là mặt trái thành công của đồng Euro nói chung, buộc các nước thành viên của khu vực tiền tệ này phải có nhiều điều chỉnh lớn trong chính sách tài khóa và cơ cấu. - ECB có thể là tấm lá chắn chống khủng hoảng tiền tệ chăng?, nhất là cho đồng Euro, vừa là thanh gươm mở rộng vùng ảnh hưởng hay chăng? Bí mật quanh đồng Euro vẫn còn nằm ở phía trước .
|