Ngày Tết nói chuyện ăn uống |
Tác Giả: Lê Bình | |||
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 11:32 | |||
“Miếng ăn là miếng tồi tàn Chiều cuối tuần đầu năm (Dương lịch-Tết Tây) đúng ngay vào thứ Bảy, Chúa Nhật cho nên thiệt là sung sướng. Tuy là mùa Đông nhưng có nắng ấm, có chút gió nhè nhẹ đủ làm se lạnh những ai mang nỗi buồn cô đơn. Nói là vậy nhưng ngày cuối tuần có nắng xuân vàng rớt nhẹ trên mái tóc, vấn vương tà áo áo mấy cô gái du xuân…Tây ở các chùa. Hơi hiếm hoi áo dài vì trời se se lạnh. Một vài nhóm bạn bè cùng nhau nâng cốc ta chúc nơi nơi “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó Á ... a ... a ... a. Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui ” kiểu ông Phạm Đình Chương (Ly Rượu Mừng) Đúng là vui như Tết. Dầu gì thì thì cũng bước vào tháng Chạp rồi, bây giờ chắc là bên nhà không khí Tết (Nguyên Đán-Tết ta) đã tràn ngập phố phường rồi? Cuộc vui sớm nhân cái Tết của Tây bắt đầu ở quán café Paloma có đâu khoảng gần chục người, và người nào người nấy đã đến cái tuổi “nhi nhỉ thuận” hết rồi. Cũng chẳng ai nhắc nhở gì đến Tết nhứt gì ráo. Chỉ là một cử café đầu năm cho vui bạn vui bè vậy thôi. Chủ nhân Linh Nguyễn có mời một ai đó uống café rhum (một chút rhum trắng pha trong ly café sữa nóng) Café rhum uống vào buổi sáng phải nói là tuyệt vời, nhất là buổi sáng mùa Đông…ở xứ người. Sau cử café, có 4 người bạn rủ nhau đón Xuân ở một nơi khác. Bàn tiệc đón xuân có hơn 5 người, có anh Cà Mau, anh Bạc Liêu, anh Trảng Bàng, anh Quảng Ngãi và anh Quảng Nam…Câu chuyện họ kể ra vui như tết. Người nào cũng nhắc nhớ đến quê hương, đến vùng đất đã có một thời thanh bình và cuộc sống ấm no hạnh phúc như lời chúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương “Nhấc cao ly này Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do Nước non thanh bình Muôn người hạnh phúc chan hòa Ước mơ hạnh phúc nơi nơi Hương thanh bình dâng phơi phới”. Ngoài những lời chúc Xuân, bản nhạc của ông nhạc sĩ nầy …dường như có lời tiên tri cho tình cảnh hôm nay: “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già. Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương. Bước con về hòa nỗi yêu thương Á ... a ... a ...” Có bao nhiêu người đang có ước mơ sẽ về thăm mẹ già? Và có bao bà mẹ già chờ mong con về thăm?..Cái điều đáng nói ở đây là tại sao có cảnh “xa quê hương nhớ mẹ hiền” như vầy? Bàn tiệc đơn giản là những món ăn Việt Nam, những món ăn gà, vịt, heo, cá…v.v. Câu chuyện xoay quanh chữ và nghĩa, câu chuyện còn xoay quanh vùng đất quê hương là Vũng Thơm, là Cổ Cò, là SôngTrèm Trẹm, là rừng U Minh…bến bắc Vàm Cống, bắc Cần Thơ…Trảng Bàng, Tha La…là Bornard Rue, đường Tự Do, là Lê Lợi, Bến Thành…những con đường nhỏ, những chuyện “rất xưa” đối với nhiều bạn trẻ. Rồi cũng có lúc chuyện ăn uống được nhắc đến, ca dao tụ ngữ được dẫn chứng…và liên quan đến ăn có câu nầy “Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” không biết xuất xứ từ đâu, năm nào, và nói lên cái gì??? Bàn thì cứ bàn, cãi thì cứ cãi…câu đó bây giờ có còn đúng hay không? Thì vẫn là dấu hỏi. Ông kia nói “Đừng tưởng ở Mỹ thức ăn đầy đủ, dư thừa, sợ mập, ăn kiêng…mà người ta không “lộn gan lên đầu” khi mất “ăn” đâu nhé.” À, thì ra ông nầy nói nghĩa chữ ăn bao la lắm không phải nhai nuốt mới là ăn. Ví dụ ăn ảnh, ăn nắng…ăn hối lộ, ăn mảnh, ăn gian, ăn đằng sóng (nói đằng gió)…và v.v. Ông ta nói “Các ông có biết khi uống rượu muốn không bị say ta ăn gì không?” ai cũng chịu thua; và ông đáp “Ăn gian” vì chỉ có ăn gian mới không say khi ngồi trong tiệc rượu cùng nâng ly. Nhắc đến ăn phải kể đến quán, nhà hàng, tiệm…là nơi bán thức ăn. Ở trong nước có chuyện quán ăn như vầy “Quán bún nằm sâu trong chợ Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ bán từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều hằng ngày nhưng vẫn nườm nượp khách ra vào. Tuy nhiên, quán ở đây rất đỗi kỳ lạ…chính là thái độ phục vụ của chủ quán và nhân viên. Đã đến quán, ít ai quên giọng điệu “thánh thót” của bà chủ: “Để xe kiểu gì vậy? Ăn thì để xe cho gọn vào không thì về luôn đi”. Chủ chửi cứ chửi, xung quanh, khách lẳng lặng ăn, người đợi cũng lẳng lặng đợi, không nói lấy một lời. Hai người khách mới bước vào, đang loay hoay tìm chỗ đã bị bà chủ “rèn luyện tinh thần”: “Đừng đứng chổng mông vào mặt người khác như thế, gọi gì gọi luôn đi, không có hết là nhịn đấy! Ăn gì?”. Chỉ thấy người con gái trả lời lí nhí: “Cho hai bát bún lưỡi” rồi lẳng lặng đi vào phía góc quán…Ngay cả khi tính tiền, bà chủ cũng làm cho không ít khách hàng sợ xanh mặt: “Có 15,000 đồng một bát thôi! Chị ăn mấy bát thì cứ nhân lên mà trả tiền”. Và cái quán nầy người ta đặt tên là quán Bún Mắng”(không phải Bún Măng). Chưa hết, đông khách không thua kém gì “bún mắng” Ngô Sĩ Liên, là quán “cháo chửi”. Bà chủ ở đây không chửi khách mà chửi nhân viên. Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, nơi đây ầm ĩ tiếng mắng, chửi. Nghe bà chủ chửi nhân viên, khách lạ thì cau mặt, khách quen thì cười tủm tỉm cho đây là một “đặc sản”.(Source: Người Lao động) Cũng chuyện ăn, có người muốn ăn “đặc sản” phải tới lui đến 4 lần mới thưởng thức được món chả nhái nổi tiếng ở Khương Thượng, Hà Nội vì 3 lần trước bị đuổi. Còn ăn phở, anh Hoàng và vợ vẫn đều đặn đi gần 30 km mỗi sáng để ăn được bát phở xếp hàng. Vợ chồng anh Hoàng, phải chở nhau lên tận phố Bát Đàn ăn phở. Anh chị phải trải qua gần 30 cây số khứ hồi. Điểm đặc biệt và hiếm có ở chỗ quán mà anh chị thường ăn phải xếp hàng dài lê thê trên vỉa hè, trả tiền trước, rồi phải tự bưng bê lấy, đứng ăn là chuyện bình thường mà giá thì cũng không rẻ. Tuy vậy không những chỉ vợ chồng anh mà còn nhiều người khách khác vẫn cảm thấy hứng thú đến đây ăn. Anh Hoàng bảo: “Chấp nhận vất vả tý nhưng được bát phở ngon. Vợ chồng tôi lại rất hợp nhau trong vấn đề ăn uống” (Theo NgLĐ). Thật là cái “thú đau thương” Nhiều người chấp nhận cái thú đau thương đó để được “ăn”. Nhiều quán khi đến ăn, quá đông mỗi khách đều được phát một chiếc túi to cho giày dép và xách vào trong tự “bảo quản” ngay bên cạnh người. Chẳng qua là tại Việt Nam kẻ gian “ăn” trộm như rươi. Cũng không thiếu những quán ăn nổi tiếng đến độ không cần khách hàng, và sẵn sàng đuổi khách thẳng tay. Báo Việt Nam đưa tin “Bà chủ ở đây hứng chí thì lúc 3 người cũng tiếp, khi có vẻ không thấy thiện cảm thì đuổi luôn“. Khi được vào bàn ăn thì “Vừa nhâm nhi món khoái khẩu trên gác, chúng tôi vừa phải hứng những từ ngữ khó nghe từ phía dưới mà theo nhiều người kể lại đó là chuyện bình thường. Ngoài chuyện bà ấy gọi gia đình tôi là chúng mày và xưng tao thì còn nhiều câu nghe chướng tai, rất chợ búa.” (Source:Trường Giang-NLĐ) Ở Việt Nam bây giờ ăn uống được nâng lên hàng “Văn Hóa Ẩm Thực”. Khi đọc các đoạn tin nêu trên chắc hẳn không thể nào liệt “ăn” vào nền “văn hóa” được. Tuy nhiên, trong mấy chục triệu người Việt Nam cũng còn có những “ẩn sĩ” đem chuyện ăn vào văn hóa như các bài thơ dưới đây: Bánh tráng Trảng Bàng Vấn vương khuôn nguyệt tráng bên thềm Hủ tiếu Mỹ Tho Ai xuôi miệt ấy... ghé về xem... Bánh Lá (bánh nậm Huế) Mời em bên nớ tóc mây bồng Cơm hến Chờ trông thưởng thức gánh hàng chiều Bánh cuốn Thanh Trì Còn kêu văng vẳng giọng rao giòn Bún riêu Thêm mòn con mắt ngóng trông qua Bún thang Hai ba bát nữa nhé cô hàng Mì Quảng Dậy hương khói tỏa ngát bên đàng Bún cá Kiên Giang Mới là sang đó món quê ai Bánh xèo Chưa phai mùi vị bánh xèo ngon Xôi gấc Căng tròn quả gấc đỏ cam tươi Bánh bèo tôm Mê tơi món Huế thật bình dân Cháo vịt Đậm đà mùi vị ... chắc lên cân Bún bò Huế Thổi nóng toàn thân tộ bún bò Bánh tằm bì Bụng hết dò rồi dạ lại ghi Gỏi ngó sen Một dĩa đầy vun chẳng nể vì Chạo tôm Miệng khỏi ghì sang món tuyệt chiêu Cua rang sốt me Mặn, ngọt chua, cay, chấm đủ liều Ốc bung Cực cũng chiều chàng món ốc bung Cua hấp bia Gắp miếng đưa hơi nhậu tới cùng Lẩu mắm Thoả thích dùng nào các bạn ơi Canh chua cá lóc Mắt mũi cay xè lệ chực rơi Vẫn muốn xơi thêm dĩa miến xào Chả giò Mời bạn cùng tôi thưởng thức nào Chả đùm Dọn đãi nhau ăn miếng chả đùm Phở bò Chuyện rùm cả phố gánh hàng đông Bánh canh cua Khiến người trông đợi bánh canh cua Vịt nấu cam Thi đua ai thử món ngon này Chuyện đó là chuyện Việt Nam, còn ở địa phương nầy, thành phố thung lũng không thiếu các món ăn kể trên. Bạn muốn ăn chỉ việc phóng xe đến khu phố Việt là có ngay không vất vả gian nan như người Việt trong nước. Cái ăn cái mặc ở Mỹ quả thật dư thừa hơn Việt Nam nhiều lắm. Ở đây, ở cái Góc Việt nhỏ nầy chuyện ăn không cầu kỳ, không khó khăn nhưng cũng không thiếu chuyện để kể…Như cái quán phở kia rất đông anh hùng hảo hán, tai to mặt lớn đến ăn vì ở đó có món Phở rất đặc biệt. Và cũng ở đó có anh chủ thật “đặc biệt” luôn. Mặt lúc nào cũng “nghiêm và buồn”, mang gương mặt rất “hình sự” khi tiếp khách hàng. Một ông ở Nam CA lên làm việc ở đây kể lại “Tôi mới vừa ngồi xuống, anh bồi (sau nầy mới biết là chủ quán) đem tờ thực đơn ra, tôi mới cầm lên xem, anh ta đứng ở đấy chờ. Tôi nói cho xin đọc chút xíu. Thế là anh ta đi tiếp bàn khác. Đợi mãi trong khi các bàn khác vào sau đã có ăn, không thấy anh ta trở lại tôi mới gọi đến và phàn nàn. Anh ta nói “Tôi tưởng ông muốn đọc, tôi để cho ông đọc cho đã.” Nhiều khách đến ăn cũng đã từng bị “đuổi” và “đọc báo”. Nghe đâu quán đã sang tên. Chưa hết, ở đường Story có một quán ăn có người thu ngân viên (casher) có bộ mặt “nghiêm và buồn” chẳng có lấy 1 nụ cười chào khách khi khách đến trả tiền. Có ông nọ “social talk” trong lúc trả tiền bị bà ta mắng ngay vào mặt “đó không phải là chuyện của ông”. Dường như không thiếu nhiều quán ăn, nhà hàng…chủ nhân và nhân viên có “bộ mặt hình sự” đối với khách hàng. Nói năng kém lễ độ, xẳng giọng, lạnh lùng…v.v. không như câu quảng cáo trên các làn sóng phát thanh “Vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi” hoặc “khách là thượng đế” Nhiều bà nội trợ rất sợ đi ăn “nhà hàng” vì “Vừa tốn tiền vừa mất vui.” Thời buổi kinh tế khó khăn thì ta cứ theo sách “cơm nhà quà vợ” cho chắc “vừa đở đồng tiền, vừa đở tốn công…bực mình”
|