Có lẽ thế hệ cháu chúng ta sẽ không có cơ hội dùng phim nhựa nữa, tất cả sẽ là “digital”. Người viết xin “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” về phim nhựa để ghi lại một chút kỷ niệm với trò chơi chụp hình. Trước khi phim nhựa ra đời, người ta dùng kính tráng hoá chất để chụp hình. Phim nhựa là một sự biến dạng của kính với các hoá chất tương tự và tinh xảo hơn. Phim nhựa phát triển rất chậm từ phim miếng qua phim khổ lớn, chỉ thích hợp với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Mặt khác do kỹ thuật chưa tinh vi, còn bị hạt khi rọi lớn nên phải dùng phim khổ lớn. Phải đợi đến khi phim 35mm ra đời (có tên là 135) và hàng loạt các máy ảnh gọn, nhẹ theo sau, kỹ nghệ chụp hình đã đến tận tay đại đa số quần chúng. Đến độ hầu như nhà nào ở các nước tân tiến cũng có ít nhất 1 máy ảnh. Kỹ thuật tân tiến hơn, phim nhựa được tráng rất mịn nên các nhà sản xuất đã cho ra đời các cỡ phim nhỏ hơn như phim 16mm dùng cho các máy nhỏ Minolta, Minox …đó là chưa kể họ còn sản xuất phim 8mm cho máy quay phim cầm tay. Phim cỡ 135 (35mm) hầu như hoàn toàn thay thế phim cỡ 120/220 tung hoành ngoài trời. Lúc này các nhà sản xuất máy ảnh của Nhật như Nikon, Canon, Minolta, Olympus, Pentax …tha hồ hốt bạc và cạnh tranh ráo riết với các nhà sản xuất của Đức như Leica, Contaflex … Thậm chí hãng Rolley nổi tiếng cũng phải nhảy ra làm máy cho phim 135. Canon, Olympus … còn làm những máy chụp half frame rất thích hợp với giới trẻ. Các hãng làm phim cũng đua nhau cho ra đủ loại phim với độ nhậy và độ mịn khác nhau để phục vụ mọi nhu cầu của người tiêu thụ. Khoảng thập niên 1960, Kodak tung ra thị trường máy ảnh và phim 126 và sau đó là phim cỡ nhỏ 110. Không ai chê phim Kodak mặc dù có Dupont, 3M, Fuji, Konica, Sakura … nhưng phải nhìn nhận máy Kodak chỉ đáng vất thùng rác. Mà quả thật, máy Kodak với lens bằng nhựa được chế tạo để dùng vài lần rồi vất đi. Hình như có 1 hoặc 2 hãng Nhật có làm máy dùng phim cỡ 126 và 110 nhưng qua thập niên 1970 không còn ai dùng 2 loại phim nầy nữa. (Ghi chú: Hiện nay máy Kodak digital dùng ống kính của Schneider, Sony dùng ống kính của Carl Zeiss và Canon bớt dùng ống kíng riêng, quay sang dùng ống kính chung với Leica). Thua keo này, bày keo khác, Kodak lại tiên phong chế ra phim “disk” nhưng Kodak chỉ chế phim slide để khi chụp xong, tráng phim là có thể dùng máy rọi (đặc biệt của Kodak) để chiếu coi. Về phương diện buộc người tiêu thụ theo sản phẩm của mình thì Kodak thua xa Sony sau này. Giữa thập niên 1990, thấy “tài” làm máy ảnh của mình không khá, Kodak đã cộng tác với một vài hãng chế tạo máy ảnh để ra loại phim mới gọi là APS (thực ra phải gọi chung phim và máy là APS system). Máy dùng phim này ghi lại được các chi tiết lúc chụp hình trên phim và khi in ảnh sẽ có thể tự động điều chỉnh để có hình đẹp hơn. Máy và phim loại này hình như sống không đầy 2 năm thì bị digital “giết” chết. Các hãng đầu tư khá nặng vào loại này hầu như chết theo, ngoại trừ Nikon vì Nikon đã mau mắn chuyển sang digital ngay. Một ngày nào đó không xa, phim nhựa sẽ biến mất một khi các phim trường dùng máy digital để quay phim vì rất rẻ và rất dễ ráp nối (edit). Hiện đã có rất nhiều quảng cáo và các đài truyền hình dùng digital. Tiếc thay các máy rọi (projector) chưa đạt được độ mịn cao, nhưng có lẽ chúng ta không phải chờ lâu.
|