Tẩy sạch cặn carbon trong lòng máy xe hơi |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 12 Năm 2008 22:01 | |||
Cách dùng Seafoam Seafoam thì chắc nhiều người không lạ, nhưng cũng có người chưa biết. Phạm Ðình xin nói đại khái như thế này: Seafoam, nghĩa đen là bọt biển, mà nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh mô tả một cách văn chương là “hoa sóng”. Muốn hình tượng hơn, xin mời bạn ra biển, ngắm những con sóng rì rào đuổi nhau ngày đêm; khi đập vào nhau hoặc đánh vào bờ thì bắn bọt tung tóe, như những cánh hoa trắng khổng lồ nở rộ trên mặt đại dương. Seafoam đó. Nhưng miếng “bọt biển” vẫn dùng để chà xát tẩy cạo các vết bẩn trong nhà bếp và phòng tắm thì không gọi là Seafoam. Vật dụng đó người Mỹ đặt tên phân biệt là Sponge. Cái nguyên liệu mà chúng ta nói đến hôm nay chẳng phải là “hoa sóng” trên mặt biển, cũng không là miếng Sponge tiện lợi trong nhà bếp. Ðược các nhà sản xuất đặt tên Seafoam có lẽ chỉ vì một nét tương đồng nào đó như “hoa sóng”, thực ra đây là một sản phẩm 100% dầu khí, bán ngoài thị trường trong những loong thiếc tròn hoặc bình thiếc vuông, với nhãn hiệu “Seafoam” ghi rõ bên ngoài, giá từ $5.99 tới $8.00 một loong. Trong phần dưới đây chữ “Seafoam” là để chỉ thứ nguyên liệu này, cũng như công tác tẩy trừ các lớp cặn carbon đóng tầng trong hệ thống máy, chẳng hạn lòng ống xi-lanh, bộ phận phun xăng (fuel injector), làm sạch nhớt và nhiều thứ khác nữa... Công dụng của Seafoam Ðối tượng duy nhất của SeaFoam là cạo tẩy những thứ cặn bẩn lưu cữu đóng tầng trong lòng máy qua nhiều năm, hầu phục hồi năng lực của máy, giúp xe bớt hao xăng. Những vật liệu cần thiết trong tiến trình “seafoam” máy xe Một cuộc điều trị “tới bến” gồm có 3 phần: điều trị bộ phận phun xăng (fuel injector), điều trị nhớt máy và điều trị lòng xi lanh. Ðể thực hiện cả 3 công tác đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn những vật dụng sau đây: - 2 loong seafoam (xem hình) - 1 loong seafoam deep creep (Xem hình) - 1 tuộc nơ vít (screwdriver) đầu dẹt - 1 kìm (cũng gọi là kềm) - 1 phễu cổ cò (phễu có cán dài, ốm) - Và sau cùng, đủ “đô” để đổ đầy một bình xăng. Lúc này xăng đang xuống giá, đổ đầy một bình xăng 15 gallon chỉ khoảng $30 đô. Tuy nhiên, đây là chi phí sử dụng, dù đắt rẻ thế nào món tiền này cũng không thể kể vào chi phí bảo trì. Và bây giờ, xin mời các bạn, chúng ta cùng tiến hành công tác “tẩy trần” cho cả hệ thống máy. Phần I: Làm sạch bộ phận phun xăng (fuel injector) Có thể nói đây là giai đoạn “ngon ăn” nhất trong công tác seafoam. Nên thực hiện ở trạm xăng, để có thể đổ ngay một bình xăng đầy. Bước 1: Trước hết nên đổ non nửa bình. Bước 2: Lấy một loong Seafoam, lắc đều và mạnh. Bước 3: Ðặt phễu cổ cò vào miệng bình xăng. Bước 4: Mở nắp Seafoam, dốc 1/2 loong vào bình xăng xuyên qua phễu cổ cò. Dù khéo tay cách mấy bạn vẫn nên dùng phễu, kẻo Seafoam loe loét ở miệng bình, hoặc vãi ra tung tóe trên mặt đất. Bước 5: Ðậy nắp bình xe. Lái xe đi vòng vòng khoảng nửa tiếng, để seafoam và xăng trộn đều với nhau trong bình, và seafoam có cơ hội tẩy rửa những cáu bẩn trong bộ phận phun xăng (fuel injector). Lý do chỉ nên đổ nửa bình xăng là để seafoam có đủ độ đậm đặc phát huy hết chức năng. Sau đó, đưa xe về cây xăng, châm thêm cho đầy bình. Những ích lợi khi dùng seafoam cho xăng Có thể làm như trên - tiếp seafoam vào xăng - cứ mỗi lần thay nhớt (từ 3,000 tới 5,000 dặm), và chờ đợi các lợi ích sau đây: - Tẩy sạch cáu bẩn nơi bộ phận Fuel Injector - Bớt tích lũy các tầng carbon mới - Bôi trơn đầu xi lanh - Hút bớt ẩm độ - Ổn định chất lượng xăng Phần II: Tẩy rửa đường luân lưu nhớt Thực hiện việc tẩy rửa đường luân lưu nhớt với seafoam, chúng ta cần ghi nhớ điều này: Seafoam là một thứ nước rửa, giống như nước xà bông trong chậu giặt. Tẩy sạch vết bẩn đi rồi, không ai để quần áo lại trong nước xà bông đã ô nhiễm, mà phải xả bằng nước sạch nhiều lần trước khi mang đi phơi phóng. Cũng thế, sau khi làm xong nhiệm vụ tẩy rửa, Seafoam hòa trong nhớt kéo theo rất nhiều chất bẩn, cần phải được rút ra ngay cùng với lượng nhớt cũ nay đã ô nhiễm trầm trọng. Nhưng trước khi đến phần đó, xin mời các bạn theo dõi từng bước sau đây: Bước 1: Mở nắp crankcase, tạm hiểu một cách giản dị là bình nhớt. Thông thường chúng ta tiếp nhớt ở đâu thì có thể đổ seafoam qua đó. Bước 2: Xem sách hướng dẫn để biết rõ sức chứa của Crankcase là bao nhiêu, thường vào khoảng từ 5 tới 6 quarts. Bước 3: Ðổ seafoam vào bình nhớt (Nhớ dùng phễu) theo tỷ lệ 1.5 ounces seafoam cho mỗi quart nhớt. Như vậy, với một crankcase có sức chứa 5 quarts nhớt chẳng hạn, thì số seafoam phải dùng là 7.5 tới 8 ounces, tức khoảng 1/2 loong seafoam 16 ounces. Lưu ý: Nên đổ seafoam vào bình nhớt khi máy xe còn mát. Không nên tiếp seafoam khi vừa dùng xe xong, máy đã tắt, nhưng còn nóng tới vài trăm độ, để tránh hòa 2 chất lỏng quá khác biệt về nhiệt độ, có thể gây “sốc” cho hệ thống Valves. Bước 4: Như vậy là tạm xong. Chúng ta có thể sử dụng xe như bình thường, để cho seafoam làm việc trong khoảng 75 miles tới 100 miles. Trong thời gian này, seafoam sẽ theo nhớt đi “hỏi tội” các loại rác rến cáu bẩn bám trên thành vách trong máy. Lấy số miles đã có trên đồng hồ cây số khi mới đổ seafoam, cộng thêm khoảng 100 miles, và ghi rõ con số này vào sổ tay. Khi xe đạt tới mức này thì phải thay nhớt mới ngay. Thực ra khi xe chạy được 75 miles là có thể thay nhớt rồi. Nhớ thay cả bộ lọc. Có thể đây là lần thay nhớt đáng giá nhất: Chúng ta sẽ thấy lượng nhớt cũ chảy ra, đen sì và đặc quánh, vì chứa đầy chất bẩn tẩy ra từ hệ thống. Ích lợi khi tiếp seafoam cho nhớt Ðể nâng cao hiệu quả máy xe, chúng ta nên làm như trên - đổ seafoam vào nhớt - cứ mỗi 10,000 dặm, và có thể chờ mong các ích lợi sau đây: - Tăng cường hoạt động RPM - Rửa sạch các bộ phận cáu bẩn ở mặt trên của xi lanh - Hút bớt ẩm độ - Làm sạch hệ thống PCV Valve - Làm tan cặn carbon kết dính các bộ phận lẽ ra phải hoạt động độc lập. Ðừng nên tiếp seafoam cho crankcase ngay sau khi thay nhớt. Bởi lẽ, chẳng bao lâu sau đó, chúng ta lại phải thay nhớt một lần nữa. Như vậy là phí tiền. Tốt nhất là làm công tác này chừng 100 dặm trước khi thay nhớt lần kế tiếp. Phần III: Lau sạch bên trong lòng xi lanh Công tác này có vất vả hơn đôi chút, so với 2 công tác tương đối dễ dàng trên đây. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng đây là giai đoạn hào hứng và ích lợi nhất. Hào hứng hay không là tùy cách nhìn, thời gian và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đây là giai đoạn cho chúng ta cảm nhận rõ nét nhất hoạt động của seafoam, và lý do tại sao nguyên liệu này lại có tên là “hoa sóng”... Trong lòng xi lanh xe hơi Công tác này có vất vả hơn đôi chút, so với 2 công tác tương đối dễ dàng đã nói trong bài trước. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng đây là giai đoạn hào hứng và ích lợi nhất. Hào hứng hay không là tùy cách nhìn, thời gian và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đây là giai đoạn cho chúng ta cảm nhận rõ nét nhất hoạt động của seafoam, và lý do tại sao nguyên liệu này lại có tên là “hoa sóng” (seafoam). Trước hết, xin nhắc với các bạn là cần phải đậu xe trong một nơi THẬT THOÁNG KHÍ, là vì trong giai đoạn này xe sẽ thải ra rất nhiều khói, chứa nhiều chất độc hại. Nếu không thoát được ra ngoài trời cao rộng, khói độc sẽ lẩn quẩn trong nhà, làm ô nhiễm không khí và tổn thương buồng phổi của những người vô tình hít phải. Sau đây là từng bước thực hiện việc seafoam lòng xi lanh. Bước 1: Lần tìm đường ống dẫn vào bộ phận tăng lực thắng. Ðây cũng là đường ống dẫn đến lòng xi lanh chính. Không biết nó nằm ở đâu chứ gì? Trước tiên, bạn tìm bình chứa dầu thắng ở cùng bên tài xế ngồi (driver's side), và bộ phận tăng lực là vật tròn, màu đen, hình đĩa gần đó. Ðây là một bộ phận, ứng dụng nguyên lý chân không, để tăng lực xuất phát từ bàn chân tài xế áp đặt trên bàn thắng. Bạn có thấy đường ống chạy từ bộ phận tăng lực này ra không? Ðó chính là cái đường ống chúng ta đang cần tìm. Xin xem hình đính kèm để xác định vị trí các bộ phận này một cách chính xác hơn. Ngoài ra, cũng cần biết các tên gọi bằng tiếng Mỹ để có thể tham khảo tài liệu hoặc nói chuyện với thợ máy: Bộ phận tăng lực thắng (brake booster), ống nối bộ phận tăng lực và đầu máy (brake booster line), và xi lanh chủ (master cylinder). Kể từ đây trở đi, chúng ta có thể gọi tên các bộ phận này bằng tiếng Mỹ để giúp bạn làm quen với từ ngữ. Bước 2: Tìm ra cái brake booster line này rồi, bạn hãy tạm thời để nó yên ở chỗ đó, và chạy vào phòng máy, hoặc nhờ ai đó mở máy lên. Ðể máy nổ giòn tại chỗ trong khoảng từ 5 tới 10 phút cho tới khi máy ấm thì tắt. Bước 3: Gỡ đường ống brake booster line ra khỏi bộ phận tăng lực. Ðể làm được như vậy, bạn cần một chiếc kềm và cái tuộc nơ vít đầu dẹp (flat screwdriver) và... rất nhiều kiên nhẫn. Là vì, đường ống và bộ phận tăng lực bị hút chặt vào nhau theo nguyên tắc chân không, và “cậu mợ” gắn bó với nhau như vậy đã quá lâu, bây giờ bất cứ ai đòi tách rời “họ” ra thì đương nhiên gặp sự chống đối. Vì thế bạn phải kiên nhẫn. Trước tiên, chúng ta có thể dùng kềm để tháo vòng kim loại xiết quanh ống, hoặc đẩy nó xuống phía dưới ống, rồi dùng tuốt nơ vít mũi dẹt để từ từ lay và bẩy ống ra khỏi bộ phận tăng lực. Xin nói lại, bản thân động tác thì đơn giản, nhưng công việc lại khá gay go, bởi vì ống bám quá chặt. Nếu cần dụng công đôi chút, xin bạn vui lòng chịu khó. Bước 4: Tháo được đường ống ra rồi, bạn sẽ dùng phễu cổ cò để chuyên 'seafoam” vào trong lòng máy. Bạn còn nhớ cái hộp seafoam đã dùng lần trước chứ? Dường như chúng ta đã dùng 2 lần, mỗi lần nữa hộp, như vậy là vừa hết một hộp. Bây giờ phải khui tới hộp thứ 2, và lần này cũng chỉ dùng một nửa. Tốt nhất là bạn nên đổ nửa hộp ra một bình chứa khác, chỉ giữ lại một nửa hộp. Nhưng khoan, hãy để cái hộp seafoam lại đó! Xin nói thêm về công dụng của cái phễu. Có nhiều người không muốn dùng phễu. Họ làm tài khôn, kê ngay miệng hộp seafoam vào miệng ống, và seafoam từ trong đó chạy thẳng vào ống. Chúng tôi không nghĩ rằng đó là một động tác khôn ngoan, nhất là đối với những thợ máy “tay mơ”, năm thì mười họa mới phải ra tay một lần như chúng ta. Bước 5: Cứ để phễu cổ cò trên miệng ống, và nhờ một “tay thợ vịn” khác vào xe, mở máy lên. Khi máy nổ thì phễu sẽ bị hút chặt vào miệng ống, đồng thời kim đồng hồ RPM (một trong những mặt đồng hồ trong phòng máy, có ghi rõ chữ RPM, bên cạnh các đồng hồ tốc độ, đồng hồ cây số...) sẽ bốc lên khá nhanh, có thể tới mức 2000-300 rpm. Bước 6: Người “thợ chính”, là bạn, hiện còn đứng ở đầu xe, tay cầm hộp Seafoam. Bạn chia số chất lỏng còn lại trong hộp Seafoam đó thành 3 phần. Tính nhẩm trong đầu là được rồi. Và từ từ đổ 1/3 hộp vào trong phễu. Bạn sẽ nghe tiếng máy khục khặc, như người hóc hoặc nghẹn cái gì đó trong cổ, làm như muốn tắt máy đến nơi. Nhưng xin đừng để cho máy tắt. Bạn phải đổ Seafoam thật từ từ, thong thả trong lúc máy khục khặc. Tiếp tục đổ từ từ đến 2/3 lượng seafoam trong hộp, và sau cùng dốc trọn 1/3 còn lại vào phễu, làm một cách đột ngột và mau chóng. Phản ứng của đầu máy là bị nghẹn, và ngưng nổ ngay tức thì. Cái ý nghĩa của động tác đánh nhanh rút gọn này là để máy ngưng nổ, nhờ thế số seafoam cuối cùng sẽ được giữ lại ố chưa kịp đốt cháy - trong lòng xi lanh. Nếu ra tay bất ngờ như vậy, mà máy vẫn không chịu tắt, thì bạn phải ra hiệu ngay cho tay thợ vịn đang ngồi trên xe tắt công tắc máy ngay. Xin lưu ý, khói có thể bắt đầu bốc ra mù mịt từ trong lòng máy ngay trong lúc đổ seafoam. Ðó là phản ứng bình thường, không có gì đáng báo động! Bước 7: Cứ tắt máy như vậy, và ngồi chờ ít nhất 15 tới 20 phút, để seafoam có thể thấm kỹ vào trong lòng máy, để rút tất cả những tầng carbon đóng trên thành xi lanh ra. Bước 8: Tìm bộ phận Throttle Body. Ðây là một cái cổng, hoặc một cái cuống họng, chứa Valve điều hòa sự luân lưu khí trời, nằm giữa màng lọc khí (air filter) và bộ phận intake manifold dẫn vào lòng máy. Throttle Body nối với chân gas trong phòng lái. Mỗi khi tài xế nhấn trên bàn đạp gas, thì lưỡi gà nằm trong cổng throttle sẽ chuyển động. Trước tiên, tháo ống (hose) dẫn vào Throttle Body, chúng ta sẽ thấy lộ ra một cái cổng với nhiều cặn bẩn đóng đầy chung quanh thành cổng. Nhờ người “thợ vịn” đạp lên chân gas trong lúc xe KHÔNG nổ máy, để nhìn lưỡi gà chuyển động. Bước 9: Tẩy sạch Throttle Body. Dùng một bàn chải đánh răng mềm, để phủi bớt lớp bụi bám trong bộ phận này. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Lấy hộp Seafoam Deep Creep. Bạn còn nhớ cái loại hộp mà chúng tôi có dặn mua để sẵn trong bài trước hay không? Phạm Ðình xin đăng lại mấy tấm hình về các loại seafoam để giúp bạn phân biệt. Vẩy Seafoam Deep Creep vào Throttle Body, cho thấm vào các lớp cặn bẩn đóng trên thành cổng và trên lưỡi gà. Vẩy cho đều khắp, nhưng không nhất thiết phải làm “ngập lụt” ướt át mọi nơi. Bước 10: Lắp lại các đường ống vừa tháo, Brake Booster Line trở về với bộ tăng lực thắng, Throttle body nối lại với Intake Manifold... Xem lại một lần kỹ càng, để bảo đảm rằng vật nào đã trở về chỗ ấy. Chờ thêm khoảng 15-20 phút nữa để Seafoam Deep Creep làm việc với Throttle Body. Bước 11: Ra lệnh cho thợ vịn nổ máy. Bạn vẫn đứng ở ngoài để chứng kiến những đột phá sắp xảy ra. Tuy nhiên, giai đoạn nổ máy này có lẽ hơi khó. Máy không nổ ngay, vì còn ướt seafoam. Ðây cũng là hiện tượng bình thường, không có gì phải kinh động. Sau vài lần đề máy, rốt cuộc, bạn cũng nghe được tiếng máy nổ. Cứ để máy nổ tại chỗ như vậy khoảng 10 tới 15 phút nữa. Từng lụm khói trắng toát bắt đầu theo nhau phun ra từ trong ống bô. Và đây là chính là hình ảnh dẫn đến cái tên “seafoam”, Phạm Ðình nghĩ thế. Những lụm khói trắng toát, ùn ùn bốc ra, không khác gì những bông hoa sóng tung tóe trên mặt đại dương. Nếu không thấy bao nhiêu khói, bạn có thể đạp nhẹ trên chân gas, nhưng đừng nẹt gas quá nhiều như tên say rượu! Nghĩa là, chỉ nhấn gas cho kim đồng hồ RPM lên tới số 1500 là tối đa. Nếu vẫn không thấy nhiều khói trắng tỏa ra, ấy là vì có thể lòng xe của bạn không đến nỗi dơ lắm. Bước 12: Sau khi xe đã nổ máy tại chỗ như vậy được khoảng 10 tới 15 phút, bạn có thể đưa xe ra đường, chạy vung vít hết tốc lực một lúc. Tốt nhất là đưa xe ra xa lộ. Nhắc lại một lần nữa, chạy hết tốc lực. Nhấn gas cho tới bến, để seafoam len vào trong mọi ngõ ngách của bộ máy. Thật là khoan khoái và hào sảng! Có mấy khi được phóng như điên thế này, với một lý do chính đáng. Nên chở theo tay thợ vịn nữa. Nói hắn quay đầu nhìn lại quãng đường vừa đi qua, để thấy những lằn khói xanh dầy đặc phun tung tóe trên xa lộ. Ðó là xác chết của những “tay lì lợm” có tên “carbon deposit”. Xác chúng bị hỏa thiêu, tan thành khói, rồi mất hút vào thinh không... Kết luận: Sau một đoạn đường kéo mây gọi gió trên xa lộ, giờ đây ống bô không còn phun ra khói xanh. Ðể chiếc xe thảnh thơi bon bánh, không vướng bận, níu kéo. Chiếc kim gas di chuyển nhẹ nhàng, máy kêu êm ái, dừng một chút bên đường mà tưởng đâu máy xe đã tắt. Nhưng không! chiếc xe lại lăn bánh, êm như lướt gió, trước con mắt thán phục của mọi người. Chúc mừng bạn! Hẹn gặp lại “hoa sóng” sau 10,000 dặm đường nữa.
|