Bảo Vệ Hộp Số Trong Xe Hơi |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Thứ Năm, 04 Tháng 12 Năm 2008 12:11 | |||
Ít người trong chúng ta để ý đến dầu trong hệ thống hộp số tự động (Automatic Transmission Fluid), gọi tắt là ATF. Sách vở “thánh hiền” cũng ít đề cập vấn đề này. Nhưng trong các tiệm sửa xe, các trục trặc về hộp số thật không phải là ít. Thậm chí có những tiệm sửa xe chuyên về hộp số làm không hết việc. Nếu chẳng may cái xe bửu bối của bạn bị trục trặc hộp số, đó thật là một xui xẻo khó quên. Vì tiền bỏ ra thay một bộ hộp số không phải là nhỏ. Triệu phú thì không tính. Chứ như đối với bạn và tôi, thì thay một bộ số là mất phéng một tháng lương - $1,500 hoặc $2,000 - chứ không ít. Vì thế, để được bảo vệ tối ưu, chúng ta nên thay dầu số đều đặn, không đến nỗi thường xuyên như thay nhớt, nhưng cũng có một định kỳ, theo ý kiến chung của nhiều người am tường thì cứ khoảng 30,000 dặm là phải thay dầu hộp số một lần. Nếu biết chắc là xe mình dùng loại dầu đặc biệt Dexron III ATF, thì thời gian thay dầu có thể lơi giãn: Chừng một 100,000 dặm mới phải ra tay một lần. Tại sao phải thay ATF? Tại sao phải thay ATF ư? Là bởi vì, nó biến chất, nó thoái hóa theo thời gian sử dụng! Xin biết rằng trong tiến trình vận hành, hộp số phát sinh rất nhiều nhiệt do chà sát: chà sát trong bộ phận chuyển “mô măng” (torque converter), chà sát khi đưa đĩa vào số, và chà sát trong lúc hộp số điều chỉnh theo chuyển động của xe. Nên nhớ rằng, hệ thống số tự động luôn luôn làm việc để thích ứng với vận tốc của xe, cho dù chúng ta không hề đụng chạm gì tới cần gạt số. Chính vì luôn luôn hoạt động như vậy nên ATF tăng nhiệt rất nhanh kể từ khi xe bắt đầu lăn bánh. Lái xe trong điều kiện bình thường, dầu hộp số có thể nóng lên tới 175 độ F. Nhưng nếu chỉ có thế thì ATF sẽ có thể thọ được 100,000 dặm hoặc hơn nữa, bởi vì với mức độ này thì dầu số có thể coi như đang ở trong nhà có gắn... máy lạnh. Thực tế, sức nóng trong đầu máy không dừng ở đó, nó lên cao hơn nhiều. Chính vì thế, khả năng chịu đựng của dầu số (hoặc bất cứ thứ dầu nhớt nào khác) bắt đầu suy giảm. Nên biết rằng ngay cả khi chúng ta lái xe ở điều kiện bình thường thì nhiệt độ mà dầu nhớt phải chịu cũng vượt quá mức độ “an toàn” đó, và rắc rối khởi sự, tức là ATF bắt đầu tiến trình ốc-xít hóa, trở thành mầu nâu, và có múi khét như bánh mì bị cháy. Dưới sự nung nóng của nhiệt độ, độ nhờn của dầu cũng như sức chịu đựng chà sát của dầu bị thoái hóa, dẫn đến hậu quả là các bề mặt tiếp giáp bị chai lại, làm giảm hiệu năng của hộp số. Khi nhiệt độ lên tới trên 250 độ F, thì những dải cao su viền quanh linh kiện bị chai cứng lại và mất tính đàn hồi, gây ra rò rỉ hoặc để cho áp suất thoát ra ngoài. Hậu quả là số có thể bị trợt ra khỏi khớp, tạo ra nhiều cọ sát hơn, tăng nhiệt cao hơn. Cuối cùng là cháy hộp số, toàn hệ thống tê liệt. Ðến nước này thì cách sửa chữa duy nhất là gọi xe kéo về một tiệm sửa xe quen biết hoặc một địa điểm tín nhiệm, để thay toàn bộ hộp số, với phí tổn không dưới $1,500. Chúng ta cần nhớ qui tắc căn bản này: Lấy mức nhiệt 175 độ F làm chuẩn, mỗi khi sức nóng tăng thêm 20 độ nữa, thì tuổi thọ của dầu số bị giảm đi một nửa! Các nhà sản xuất thường mạnh miệng tuyên bố, ATF của họ có thể thọ đến 100,000 dặm. Nhưng điều đó chỉ đúng nếu xe luôn luôn hoạt động ở điều kiện lý tưởng với mức nhiệt tối đa là 175 độ. Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Và chúng ta phải đối diện với thực tế là nhiệt độ cứ tăng, và tăng cao hơn 175 độ lý tưởng đó. Thí dụ: Nếu phải làm việc ở mức nhiệt 195 độ F, tuổi thọ của dầu rút xuống còn 50,000 dặm. Tăng lên 220 độ - là mức nhiệt phổ thông trong điều kiện làm việc của hộp số - thì dầu chỉ còn khả năng chịu đựng 25,000 dặm. Ðó là lý do tại sao nhiều chuyên gia bảo trì đề nghị thay ATF ở con số 25,000 hoặc 30,000 dặm. Lên cao hơn nữa, nếu hoạt động ở 240 độ F., thì dầu số không thể thọ hơn 10,000 dặm. Thêm 20 độ nữa, thì đời sống của dầu xuống còn 5,000 dặm. Nhiệt độ lên tới 295 hoặc 300 độ, thì tối đa chúng ta chỉ xài được khoảng 1,000 dặm hoặc 1,500 dặm trước khi... cháy hộp số. Theo thống kê của Hiệp Hội Những Nhà Tái Sản Xuất Hộp Số Tự Ðộng (Automatic Transmission Rebuilders Association), thì 90% trường hợp hư hộp số là do dầu không còn đủ sức chịu nhiệt, tức là Overheat. Danh từ Overheat thật quá quen, nhưng ai cũng nghĩ rằng đó chỉ là trường hợp nóng máy do thiếu nước Coolant mà thôi, chứ ít khi nghĩ tới overheat ở các bộ phận khác. Và gần như trong mọi trường hợp hư hộp số, lý do chỉ vì dầu không còn đủ sức chịu nhiệt nữa mà thôi. Trong hầu hết mọi loại xe, nhà sản xuất có gắn thêm một dụng cụ làm mát dầu hộp số, gọi là “heat exchanger” bên trong bình tản nhiệt, tức là két nước (Radiator). ATF nóng hổi chảy ra từ hộp số sẽ luân lưu qua một đường ống ngắn nằm ở đáy két nước, và nhờ đó sẽ được “làm mát” trở lại. Thực ra, từ ngữ “làm mát” này chỉ có một ý nghĩa rất tương đối, là vì bản thân nhiệt độ trong bình cũng chẳng “mát” gì với con số 180 độ tới 220 độ F. Trong điều kiện đó, ATF vào bình thì nóng ở 300 độ F, rời bình cũng là 240 tới 270 độ F. Như vậy, nhiệt độ chỉ hạ được từ 10% tới 20%, không thể gọi được là “làm mát”, và cũng chẳng giúp gì tích cực trong việc kéo dài tuổi thọ của dầu hộp số. Các biện pháp bảo trì thực tiễn Vì thế để bảo trì đời sống và sự hữu dụng của dầu số, giới tài xế chúng ta có thể làm được nhiều việc để khỏi đẩy nhiệt độ lên quá cao. Hãy hạn chế các trường hợp sau đây: Kéo rờ mọc đằng sau, cho xe leo núi, lái xe lâu dài ở vận tốc cao trong lúc trời nóng, vừa chạy vừa ngừng trong lúc kẹt xe, di chuyển cần số quá nhiều từ “reverse” (số de) sang số “drive” (số tới) để giải thoát vỏ lốp sa lầy trong tuyết hoặc bùn... Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng hỗ tương. Chẳng hạn, thiếu nước Coolant trong hệ thống giải nhiệt, quạt giải nhiệt bị trục trặc, điều nhiệt kế, bình tản nhiệt bị kẹt... đều làm giảm khả năng làm việc của ATF. Ngược lại, tình trạng “overheat” dầu hộp số cũng ảnh hưởng không tốt cho hệ giải nhiệt. Tất cả những điều này đều nằm trong tầm tay của chúng ta và chỉ chúng ta - người chủ xe và là người sử dụng xe - mới có thể thi hành để kéo dài sự hữu dụng của cái xe, và bảo vệ túi tiền của chúng ta không bị “overheat” trong tình trạng kinh tế khó khăn này.
|