Một trong những mơ ước hàng đầu của bất kỳ một cơ quan mật vụ nào chính là khả năng tiếp cận được với kho lưu trữ của tình báo đối phương. Thừa hiểu được tầm quan trọng của điều này, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã triển khai cả một chiến dịch rầm rộ nhằm săn lùng các quan chức và hồ sơ của tình báo Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức (STASI) vào đúng thời điểm bức tường Berlin sụp đổ.
Những tiết lộ gần đây của một cựu quan chức tình báo Mỹ đã giúp hình dung được phần nào về chiến dịch săn lùng quy mô này.
Khi bức tường Berlin đang có nguy cơ bị phá bỏ từ mùa thu năm 1989, các quan chức tại Langley (trụ sở CIA) từ trước đó đã có kế hoạch tỉ mỉ nhằm tận dụng cơ hội có một không hai này tiếp cận các quan chức, điệp viên và kho hồ sơ lưu trữ của STASI. Cho tới thời điểm đó, những cuộc tiếp xúc tương tự cũng đã được CIA tiến hành với các cơ quan tình báo của Hungary, Ba Lan và Tiệp Khắc. Trong khi đối với STASI – được đánh giá là cơ quan tình báo thành công nhất của Đông Âu – mọi chuyện có vẻ khó khăn hơn nhiều. Đó là lý do khiến CIA phải huy động cả một ban đặc biệt chuyên trách cho nhiệm vụ khai thác thông tin từ STASI. Chiến dịch tiếp cận kho hồ sơ lưu trữ của STASI đã được Giám đốc CIA khi đó là Wiliam Webster đích thân giao chỉ huy Ban tác chiến Steve Weber. Tham gia trong nhóm soạn thảo kế hoạch cho chiến dịch còn có Phó giám đốc CIA Richard Schtoltz, chỉ huy Ban Đông Âu của CIA là Paul Redmond, chỉ huy bộ phận phụ trách phản gián của ban này là John O'Reily và điệp viên kỳ cựu của CIA tại Tây Berlin là David Rolf.
Cuộc săn lùng viên đại tá Stasi
CIA quyết định tìm cửa để "công phá" trực tiếp ngay tại Đông Đức. Sau khi nghiên cứu kỹ danh sách các nhân viên STASI, mục tiêu đầu tiên được chọn lựa chính là chỉ huy Ban phụ trách về nước Mỹ của STASI – Đại tá Jurgen Rogalla. Ông là một trong những người nắm được nhiều thông tin trực tiếp nhất về cuộc đối đầu với tình báo Mỹ: những vụ tuyển mộ các nhân viên mật mã của Mỹ, những vụ bắt giữ các điệp viên CIA cùng một danh sách dài các chiến dịch bí mật của tình báo CHDC Đức mà Langley chắc chắn không thể nắm rõ v.v... Tất nhiên là Giám đốc CIA ngay lập tức chuẩn y kế hoạch này.
Nhưng khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch thì Rogalla bỗng dưng biến mất. Gần như toàn bộ các điệp viên của CIA tại Đức đã phải đổ xô đi tìm kiếm viên đại tá này, trước khi xác định được cựu đại tá của STASI đang làm một nhân viên gác cổng tại Berlin. Điệp viên dưới vỏ bọc nhà báo Ronald Terrier được giao nhiệm vụ chặn Rogalla ngay gần khu nhà ở của ông để nói chuyện. Tự giới thiệu mình là một quan chức thân tín dưới quyền của Giám đốc CIA, Terrier đã không mất nhiều vòng vo để đi thẳng vào vấn đề: "...Nếu như ngài chịu nêu tên tuổi tất cả những công dân Mỹ đã được các ngài tuyển mộ trong suốt sự nghiệp hoạt động tình báo của mình, CIA sẽ trả ơn một cách hậu hĩnh". Số tiền được Terrier đề xuất tất nhiên là gấp nhiều lần tổng số lương mà viên đại tá trên có thể kiếm được tại STASI. Tuy nhiên, Rogalla đã khinh bỉ nhìn thẳng vào mặt Terrier: "Các anh rõ ràng đã biết tôi từng là ai. Cái duy nhất tôi còn giữ được hiện nay đó là danh dự. Tôi không có ý định đánh mất nốt nó". Terrier vô cùng thất vọng và báo cáo sự việc về trung tâm.
Tuy nhiên, CIA vẫn cố gắng thử tìm vận may lần nữa với Rogalla. Họ đã mừng thầm khi được ông này đồng ý, thậm chí còn mời tới nhà riêng. Số tiền mặt được hứa hẹn lần này tất nhiên đã tăng lên đáng kể, kèm theo đó là cả một căn nhà tại California. Sau khi lẳng lặng nghe tất cả những lời đề nghị hậu hĩnh, Rogalla bất ngờ kêu to lên: "Thưa tướng quân, xin mời ngài". Từ phía sau một tấm vách ngăn ngay lập tức xuất hiện một người đàn ông đầu bạc trắng trong bộ veston chỉnh tề – đó chính là Werner Grossman, Giám đốc cuối cùng của STASI. Viên tướng tình báo cũ của CHDC Đức bình thản nói với tay điệp viên CIA: "Chúng tôi biết rõ CIA đang làm gì tại đất nước này. Các ngài đang cố gắng dụ dỗ các cựu sĩ quan của chúng tôi bằng những khoản tiền hậu hĩnh. Đây là một hành động không đẹp chút nào. Nếu các ngài không ngừng ngay chuyện này, chúng tôi sẽ báo cảnh sát. Còn nếu các ngài vẫn cứ tiếp tục, chúng tôi sẽ chuyển những bằng chứng đã có cho báo chí". Tái mặt vì bất ngờ và lo sợ, sứ giả thương thuyết của CIA vội vàng từ biệt và chuồn thẳng.
Tức giận vì thất bại trên, Giám đốc CIA đã quyết định thay thế toàn bộ số điệp viên của mình tại Berlin, nhiệm vụ còn lại được giao hết cho bộ phận phụ trách chung toàn châu Âu của Ban Tác chiến. Tất nhiên, không phải tất cả các cựu nhân viên STASI đều tỏ ra trung thành với chế độ cũ mà mình từng phục vụ. Thực tế này có thể chứng minh bằng một loạt những vụ bắt bớ từ mùa thu năm 1990 tại CHLB Đức. Trước đó từ tháng 4-1990, CIA cũng từng có kế hoạch tiếp cận và tuyển mộ lại toàn bộ mạng lưới điệp viên của STASI tại Rome và Lisbon. Nhưng họ cũng đã đi chậm một bước. STASI khi thấy tình hình có nhiều biến động bất lợi đã triệu tập tất cả số điệp viên trên về nước.
Chiến dịch di tản kho lưu trữ của Stasi
CIA từ trước đó đã không biết được rằng, Werner Grossman – người thay thế Markus Wolf trên cương vị Giám đốc Tình báo CHDC Đức – ngay từ mùa hè năm 1989 đã ra lệnh chuyển giao toàn bộ số vi phim chụp lại kho lưu trữ của STASI cho đại diện KGB tại Đức là Aleksander Prinsipalov. Số phim này có chứa nội dung thông tin về gần 2.000 cái tên của các điệp viên từng hoạt động cho tình báo CHDC Đức trước đây, kèm theo đó là 77 ngàn báo cáo tác chiến của bộ phận tình báo ở nước ngoài, thông tin về 317 ngàn nhân vật đáng chú ý tại CHDC Đức, CHLB Đức và nhiều quốc gia khác.
Một số tài liệu quan trọng khác lại được chuyển đi dưới dạng in ấn qua đường quân bưu dưới sự giám sát của các sĩ quan tình báo, sau đó chuyển tới một máy bay của KGB đưa về Moskva. Toàn bộ số tài liệu còn lại được đưa tới một căn cứ quân sự của Liên Xô tại CHDC Đức và thiêu hủy bằng súng phun lửa. Trong tòa nhà của Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức ở đường Normannensstrasse (Liechtenberg) chỉ còn lại chủ yếu các báo cáo của những người đưa tin, tài liệu về những nhân vật đối lập và thông tin theo dõi người nước ngoài. Đó là lý do khiến tình báo Mỹ đã không thu thập được những phần quan trọng nhất trong kho hồ sơ lưu trữ của STASI
|