Home Đời Sống Tài Liệu Thái Độ Phi Chánh Trị

Thái Độ Phi Chánh Trị PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Bông   
Thứ Tư, 26 Tháng 11 Năm 2008 00:59

Trong những năm qua, tại miền Nam tự do nầy cuộc sinh hoạt chánh trị đã xoay vòng trong mâu thuẫn. Và một trong những mâu thuẫn trầm trọng nhứt có lẽ là thái độ phi chánh trị của đa số công dân và những nhà lãnh đạo trong lúc chính yếu tố chánh trị quyết định sự sống còn của đất nước

 

 Thật vậy, vì chánh trị và nhân danh chánh trị người ta quay cuồng trong những trò chơi khốn nạn, ném đá giấu tay, người ta dám có những hành động bán nước hại dân để rồi, dư luận xảo trá, bịp bợm, xôi thịt, bè phái được gắn liền với danh từ chánh trị. Và từ đó, công dân chán ghét chánh trị cho chánh trị là một địa hạt không liên quan đến mình, trở về cuộc sống riêng tư và chuyên môn, phó mặc sinh hoạt chánh trị cho những “anh hùng chuyên môn tán dóc”. Thái độ thụ động và bàng quan nầy là một trở ngại cho công cuộc chống Cộng hiện nay và nếu còn tiếp tục sẽ có hậu quả không hay cho tương lai nền dân chủ.

 

Nếu sự sống cô đơn là ảo tưởng, nếu mối tương quan xã hội là một dữ kiện không thể tránh của con người ngày nay thì dầu chánh trị có được xem là bệnh dịch hạch hay là địa hạt nào của những xảo trá, xôi thịt, con người không thể thoát vòng kềm tỏa của chánh trị. Và dầu có cố ý sống trong tháp ngà hay vô tình lánh xa xã hội, khung cảnh cũng như trật tự pháp lý và những vấn đề chánh trị vẫn chi phối và quấy nhiễu chúng ta.

 Trong cuộc sinh hoạt chánh trị hiện nay, người ta nhận thấy có hai trào lưu tư tưởng, hai khuynh hướng. Tuy khác biệt nhau, nhưng chung qui chỉ là hai hình thức của thái độ phi chánh trị. Khuynh hướng thứ nhứt đưa đến sự phủ nhận tính cách chánh trị của hoạt động mình. Khuynh hướng thứ hai nhằm đề cao thái độ thụ động của công dân trước thời cuộc.

 

 Vì tầm quan trọng của vấn đề trước viễn ảnh đấu tranh chánh trị, chúng ta thử phân tách và phê bình hai khuynh hướng phổ thông nầy.

 Có những người mà hoạt động của họ cũng như hành vi của họ mật thiết liên quan đến sinh hoạt chánh trị. Nhưng họ quả quyết rằng những hành động ấy không có tánh cách chánh trị, họ phủ nhận những hành động của họ, lập trường của họ không có tánh cách chánh trị. Tại sao?

 

 Thái độ phi chánh trị vừa nêu, nghĩ cho cùng, chỉ là một ảo tưởng. Sở dĩ có như thế là vì những người này có một quan niệm quá hẹp hòi, quá khắt khe về chánh trị, đôi khi lại chống chánh trị. Hoặc họ cho rằng chánh trị là cái gì chỉ liên quan đến chánh đảng, đến bè phái. Vì vậy, khi mà hoạt động của họ có vẻ trên đảng phái hay ngoài đảng phái thì cho đó là những hành vi không có tánh cách chánh trị. Hoặc họ cho rằng chánh trị là cái gì liên quan đến ý thức hệ, đến sự đấu tranh giành quyền lực, cho nên khi hoạt động của họ bề ngoài có tánh cách kỹ thuật, dựa trên kinh nghiệm thực hành, thì không bao giờ họ nhận rằng hành vi ấy là hành vi chánh trị.

 

 Tại sao thái độ vừa nêu là ảo tưởng?

 

 Chúng ta đã biết rằng có nhiều người mà hành vi của họ hoàn toàn có tánh cách chánh trị, nhưng họ quả quyết phủ nhận tánh cách ấy. Tại sao?

 Vì quan niệm quá chật hẹp về chánh trị. Họ không chấp nhận được rằng chánh trị chi phối những địa hạt quan trọng và rộng rãi giữa mối tương quan của con người, chớ không phải vì vỏn vẹn nằm trong lãnh vực định chế và chánh quyền. Họ từ khước việc xem xét, việc cân nhắc những hậu quả chánh trị của hành vi mà họ cho rằng chỉ có tánh cách riêng tư.

 Tâm trạng này là tâm trạng của rất nhiều người.

 

Đó là trường hợp của những đạo sĩ, những vị tu hành. Những vị này, trong những ngày cách mạng, giữa lúc chánh biến, có những hành vi như: góp tiền để giúp tù nhân chánh trị, cho ở trong nhà mình, giấu trong nhà mình những kẻ đối lập chánh trị. Đó là những hành vi hoàn toàn và không thể chối cãi có tánh cách chánh trị. Nhưng vì lòng từ thiện của họ, vì họ cho rằng làm như thế ngoài mục đích chánh trị, mà trái lại vì đó là bổn phận, vì đó là để tránh cho con người những đau khổ. Họ thành thật cho rằng không vì lý do chánh trị, nhưng họ quên rằng những hành vi ấy có hậu quả chánh trị.

 

 Đó là trường hợp của những người cầm bút, của văn sĩ, nghề nghiệp của họ đưa đến một lập trường chánh trị, hoặc có hậu quả chánh trị mà họ không ý thức. Những người cầm bút trong những bộ tiểu thuyết hay những quyển tùy bút, tiểu luận v.. v.. khi họ tố cáo những tệ đoan trong xã hội, khi họ miêu tả chánh giới với những đặc điểm như loạn luân, lãng mạn, những con buôn chánh trị, khi họ tố cáo những thối nát của chánh quyền, thì dù muốn dù không dù cho họ có phủ nhận rằng họ không bao giờ có ý định phán đoán giá trị xã hội mà họ phác họa hay phân tích, dù muốn dù không, hành vi của họ có tánh cách chánh trị, có hậu quả chánh trị, và đôi khi, nhận định của họ có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sinh hoạt chánh trị.

 

 Đó là trường hợp của những nhà BÁC HỌC: khi họ tố cáo thảm họa của thí nghiệm nguyên tử hay chiến tranh nguyên tử, lời tuyên bố hay hành vi của họ hoàn toàn có tánh cách khách quan, trên cả ý thức hệ và đảng phái chánh trị. Vẫn biết rằng hành vi ấy chỉ nhằm mục tiêu cao cả, nhân đạo và sự tồn vong của nhân loại, nhưng họ không thể ngăn cản được sự kiện là lời tuyên bố của họ sẽ được khai thác trên phương diện chánh trị, lời tuyên bố của họ không thể có ảnh hưởng chánh trị và là một yếu tố quan trọng trong lãnh vực bang giao quốc tế.

 Đây là một vài ví dụ tâm trạng thường thường của nhiều người tưởng mình đứng ngoài chánh trị. Lập trường phi chánh trị này dựa trên những hành vi mà người ta cho rằng tự nó không có tánh cách chánh trị, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì, dù tự do không có tánh cách chánh trị, nó vẫn là hành vi có hậu quả chánh trị. Mà tất cả những hành vi có hậu quả chánh trị là những hành vi chánh trị.

 

 Thái độ phi chánh trị này, chúng ta lại tìm thấy được đề cao bởi những tổ chức, nhưng đây không phải là những ảo tưởng: nó trở thành một chiến thuật.

 

 Vì chánh trị có tiếng không tốt cho nên các lãnh tụ nghiệp đoàn, hiệp hội hay tôn giáo ngại rằng có một thái độ chánh trị rõ rệt hoặc dùng những danh từ hơi chánh trị một chút có thể làm sứt mẻ tình đoàn kết của nhơn viên và làm cho họ hoảng sợ. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo khôn khéo luôn quả quyết rằng lập trường của mình hay quyết định của mình chỉ nhằm việc bảo vệ quyền lợi của đoàn thể ngoài mọi tranh chấp chánh trị. Họ cố tránh những danh từ chánh trị và chỉ nêu lên nào là quyền lợi nghiệp đoàn, nào là quốc gia dân tộc. Mặc dầu họ trực tiếp can thiệp vào chánh quyền và sự can thiệp có tánh cách chánh trị không thể chối cãi, họ cũng vẫn tuyên bố chỉ nhơn danh đoàn thể và đứng ngoài đảng phái và tranh chấp chánh trị.

 

 Tuy nhiên, đó chỉ là thái độ phi chánh trị bề ngoài và ai cũng thừa hiểu rằng những tổ chức không mục tiêu chánh trị luôn luôn có những hành vi chánh trị. Sở dĩ nhà lãnh đạo bao trùm lên những hành vi chánh trị một bức màn có vẻ khách quan, trung lập, đó chỉ là một chiến thuật nhằm đạt được kết quả mong muốn mà thôi.

 

 Thái độ phi chánh trị không những là một ảo tưởng hay ngụy trang mà còn là khuynh hướng đề cao thái độ thụ động của công dân trước thời cuộc. Khuynh hướng này rất phổ thông nhứt là sau một cuộc khủng hoảng chánh trị. Người ta tố cáo chánh trị lấn áp sinh hoạt quốc gia và làm hỏng mọi việc. Người ta lý luận rằng con người trong xã hội chỉ lo sống, một cuộc sống hằng ngày, an thân với những lo âu sung sướng cá nhơn hay gia đình của họ. Đó là vấn đề chính của đa số công dân. Còn những ai theo dõi các vấn đề quốc gia, có ý thức chánh trị, cũng như có ý muốn tham gia vào cuộc sinh hoạt chánh trị rất là hiếm có. Và như vậy rất tốt vì, theo lý luận này, quốc gia nào trong ấy công dân tham gia, thảo luận quá nhiều về chánh trị, quốc gia ấy đến ngày tàn.

 Theo khuynh hướng vừa nêu, chánh trị là cái gì cao siêu, phức tạp, khó khăn mà chỉ có một nhóm người am hiểu và đủ thẩm quyền giải quyết. Những kẻ chủ trương thái độ thụ động của công dân là con người dân chủ, hay đúng hơn họ chấp nhận nguyên tắc dân chủ, nhưng họ quan niệm rằng, giữa hai cuộc bầu cử, công dân nên trở về công việc riêng tư, hằng ngày của họ. Tóm lại, thái độ xem sự thụ động của công dân là triệu chứng tốt đẹp của cuộc sinh hoạt chánh trị dựa trên hai ý tưởng chánh:

 

 - QUẦN CHÚNG VÔ THẨM QUYỀN để quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia và, nếu có sự am hiểu đi nữa họ chắc chắn sẽ quyết định theo quyền lợi riêng tư của họ.

- QUYỀN LỰC VÔ CHÁNH TRỊ , tức là một quyền lực tối thượng để giải quyết những vấn đề trọng đại, trên những tranh chấp nhỏ nhen về quyền lợi trong sinh hoạt chánh trị bình thường.

 

 Cần phải khẳng định ngay rằng luận cứ vừa nêu không đứng vững. Quần chúng vô thẩm quyền? Đó là sự xác định vô căn cứ. Thường thường chánh quyền hay bao trùm một màn bí mật trên các vấn đề quốc sự, để rồi núp sau tha hồ định đoạt. Thật ra không có một vấn đề chánh trị nào mà không thể giải thích rõ ràng, và sự kiện quần chúng vô thẩm quyền chỉ là sự bịa đặt hầu gạt sự tham gia của công dân ra ngoài cuộc sinh hoạt chánh trị.

 

 Một quyền lực vô chánh trị, siêu chánh trị để giải quyết những vấn đề trọng đại? Luận cứ chỉ phản ảnh của một ảo tưởng. Cho rằng có thể lấy một quyết định chánh trị và chỉ dựa trên một tiêu chuẩn, hay quan điểm không chánh trị chỉ ảo tưởng. Khi phải quyết định về phương diện chánh trị, tác giả của nó lấy một quyết định chánh trị và đương nhiên là một nhơn vật chánh trị.

 

 Vẫn biết rằng khi mà công dân có một thái độ tách rời chánh trị, không chú ý nhiều đến cuộc sinh hoạt chánh trị, có thể đó là triệu chứng của một cuộc sinh hoạt ổn định. Khi mà guồng máy chánh trị, hành chánh của quốc gia chạy đều và trong nước có thanh bình, thịnh vượng thì lẽ tất nhiên các vấn đề chánh trị kém phần sôi nổi. Vẫn biết rằng nhà cầm quyền cần có một chút tự do, một phần tự trị nào đối với dư luận. Chánh quyền không thể thi hành sứ mạng của mình một cách hữu hiệu nếu dư luận cứ thọc gậy bánh xe, gán cho danh từ “con rùa” khi mới cầm quyền chưa đầy một tháng. Nếu sự tham gia của công dân đưa đến hậu quả như vậy thì sự tham gia nguy hiểm hơn sự bất tham gia. Những chỉ trích việc tham gia chánh trị của công dân làm cho chúng ta phải để ý đến mực tự trị tương đối của chánh quyền. Nhưng không vì lẽ đó mà lại đề cao thái độ thụ động của công dân trước thời cuộc.

 

 Thái độ phi chánh trị là nguyên nhơn của sự suy đồi chánh trị. Rất nhiều chế độ đã bị lật đổ vì đã trốn chánh trị, đã từ khước sự tham gia của công dân. Thay vì giữa chánh quyền và nhơn dân nên có một luồng điện thông cảm và cùng giải quyết các vấn đề, người ta chỉ thấy trong chế độ nầy những diễn văn rườm rà, những danh từ trống rỗng, một tinh thần vô trách nhiệm.

 Sinh hoạt chánh trị tại Việt Nam đã dứt khoát hay chưa với thái độ phi chánh trị nầy.