Home Đời Sống Tài Liệu Sự hình thành hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ

Sự hình thành hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Hồng Sơn   
Thứ Ba, 18 Tháng 11 Năm 2008 14:10

“… George Washington không thuộc đảng phái chính trị nào và vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng chưa có đảng phái chính trị. Điều đó không có nghĩa là mọi người Mỹ lúc đó đều có cùng một chính kiến …”

Khi lên làm Tổng thống, George Washington không thuộc đảng phái chính trị nào và vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng chưa có đảng phái chính trị. Điều đó không có nghĩa là mọi người Mỹ lúc đó đều có cùng một chính kiến. Nước Mỹ lúc đó có nhiều quan điểm chính trị khác nhau, nhưng chưa có một tổ chức nào được lập ra để đưa người ra ứng cử.

Sau đó có hai tổ chức dần dần được hình thành trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của George Washington. Một tổ chức có tên là Người Liên Bang, do bộ trưởng tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo. Tổ chức thứ hai có tên là Người Cộng Hòa, đứng đầu là bộ trưởng ngoại giao Thomas Jefferson. Mỗi tổ chức đều bày tỏ quan điểm chính trị của người đứng đầu.

Hamilton và Người Liên Bang muốn có một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống có nhiều quyền và các tòa án kèm theo. Người Liên Bang có chính sách ủng hộ giới chủ ngân hàng và tầng lớp doanh nhân giàu có. Họ chủ trương thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Anh quốc. Người Liên Bang không thích dân chủ, cái họ thường mô tả là quyền lực của đám dân đen.

Đảng người Liên Bang thành lập sau này cũng do Alexander Hamilton lãnh đạo nhưng không hoàn toàn giống như tổ chức có tên Người Liên Bang trước đó. Tên gọi này cũng được sử dụng để chỉ những người ủng hộ cho việc xây dựng Hiến Pháp mới. Còn những người phản đối Hiến Pháp thì được gọi là Người chống Liên bang.

           

  Alexander Hamilton                    George Washington           Thomas Jefferson

 Một số người trước đây của tổ chức Người Liên Bang, như Alexander Hamilton, sau này đã trở thành đảng viên Đảng Người Liên Bang. Họ là những người có nhiều quyền lực. Họ là những người kiểm soát Quốc Hội suốt thời kỳ George Washington làm Tổng Thống và gần như kiểm soát được cả Washington bằng những ảnh hưởng của Alexander Hamilton.

Thomas Jefferson và Người Cộng Hòa cũng ủng hộ Hiến Pháp như một bản thiết kế chính quyền. Nhưng họ không cho rằng Hiến Pháp trao cho chính quyền trung ương những quyền lực không giới hạn. Người Cộng Hòa có chính sách trợ giúp nông dân và các doanh nhân nhỏ. Họ thúc đẩy quan hệ với người Pháp, những người đang nổi dậy chống lại quyền lực của vua. Người Cộng Hòa đòi hỏi nhiều quyền hơn và nhiều dân chủ hơn cho toàn thể nhân dân Mỹ.

Hai vị lãnh đạo của hai tổ chức này là hai con người rất khác nhau.

Alexander Hamilton thuộc những người Liên Bang quí tộc nhưng lại không được sinh ra trong một gia đình giàu có và ổn định. Ông là con ngoài giá thú, được sinh ra ở West Indies (quần đảo ở vịnh Ca-ri-bê –ND). Tuy nhiên Hamilton được học ở Mỹ và ông đã đạt được một địa vị xã hội khi kết hôn với con gái của một chủ đất giàu có ở bang New York.

Tiền và địa vị xã hội đối với Hamilton là những điều quan trọng. Ông tin rằng sẽ tốt hơn khi người có tiền và có địa vị xã hội nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi Thomas Jefferson - thuộc những người Dân Chủ Cộng Hòa, lẽ ra phải là người được Alexander Hamilton ưa chuộng, nhưng thực tế lại khác hẳn. Thomas Jefferson có họ xa bên ngoại với giới quí tộc Anh. Ông thích ăn ngon, uốn rượu ngon, thích đọc sách và nghe nhạc. Nhưng Jefferson lại rất kính trọng những người nông dân chất phác và những người đã khai phá vùng đất phía Tây cho những người định cư. Ông cho rằng cả hai nhóm người này đều có quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi cả hai, Alexander Hamilton và Thomas Jefferson, đều là những người Mỹ yêu nước, họ lại có những quan niệm hoàn toàn mâu thuẫn nhau trong việc làm thế nào để vận hành một chính quyền.

Những bất đồng cá nhân của họ đã trở thành những cuộc tranh cãi trước công luận khi cả hai người là thành viên trong nội các của Tổng thống George Washington. Tuy nhiên, hai người không phản bác nhau trực tiếp trước công luận, họ thường luận chiến với nhau trên hai tờ báo.

Cả hai đều hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Đặc biệt là Jefferson, ông cảm nhận được sự cần thiết của báo chí đối với dân chủ. Ông tin tưởng rằng báo chí là cách thức duy nhất để công chúng có thể biết được sự thật. Jefferson đã có lần phát biểu: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa một chính quyền không có báo chí và báo chí không có chính quyền, thì tôi sẽ lựa chọn báo chí không có chính quyền”.

Hamilton lại là người đã có kinh nghiệm sử dụng báo chí cho mục đích chính trị. Trong cuộc Cách mạng giành độc lập, khi Hamilton làm trợ lý cho Tổng chỉ huy George Washington. Một trong những nhiệm vụ của Hamilton là đảm bảo tiền và nhu yếu phẩm cho quân đội. Hamilton đã đề nghị chính quyền 13 bang lúc đó và cả Quốc hội (khi đó có rất ít quyền lực) để được giúp đỡ, nhưng gần như không ai đáp ứng. Từ đó, Hamilton nhận thấy hệ thống chính trị do các Điều khoản Liên Bang (thỏa thuận chính trị chung trước khi có Hiến pháp năm 1787-ND) tạo ra yếu và vô tổ chức. Ông cho rằng các bang không cần có quá nhiều quyền lực. Cái nước Mỹ cần, ông nói, đó chính là một chính quyền trung ương mạnh. Nếu không có điều đó, Liên Bang sẽ tan rã.

Hamilton thể hiện quan điểm của mình qua rất nhiều bài báo. Ông không ký tên thật cho các bài báo của mình, mà dùng bút danh “Người Lục địa”.

Không lâu sau đó, Hamilton trở thành một trong những người ủng hộ mạnh nhất cho việc triệu tập một hội nghị để tu chính các Điều khoản Liên Bang. Hội nghị đó đã được tổ chức tại Philadelphia vào năm 1787 và kết quả là tạo ra Hiến pháp Mỹ.

Hamilton là một trong các đại biểu của Hội nghị và sau đó còn là người góp phần vào việc viết các bài báo kêu gọi sự ủng hộ cho Hiến Pháp. Đó là những bài trên tờ báo có tên là Người Liên Bang, viết chung với James Madison và John Jay.

Khi Hamilton trở thành bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống George Washington, ông vẫn tiếp tục sử dụng báo chí cho công việc của chính quyền. Nhưng, duy nhất lần này, Hamilton sử dụng báo chí nhằm cuốn hút ủng hộ cho các chính sách của riêng ông. Hamilton phát biểu qua một tờ báo có tên là Gazette nước Mỹ (Gazette of the United States), tổng biên tập là John Fenno.

Trong khi đó Jefferson cũng được nhiều chủ báo khác ủng hộ, nhưng họ không thuộc phong trào chính trị của ông. Ông cho rằng cần phải có một tờ báo làm ngôn luận riêng cho mình. Sau đó, James Madison đã giúp Jefferson có được một tờ báo, do Philip Freneau, bạn của Madison làm tổng biên tập. Tờ đó có tên là Gazette Quốc gia

Phần lớn những người ủng hộ Hamilton sống tại các đô thị vùng Đông-Bắc. Họ là những chủ ngân hàng, doanh nhân lớn, là những luật sư, bác sỹ và các linh mục.

Jefferson tôn trọng uy quyền chính trị của Hamilton, nhưng ông thấy Hamilton không có được sự ủng hộ rộng lớn từ những người dân thường.

Vào những năm 1790, chín mươi phần trăm dân Mỹ làm trang trại, lao động chân tay hoặc buôn bán nhỏ. Những người này tỏ ra bất bình với chính sách của chính quyền thường chỉ trợ giúp giới chủ ngân hàng, chủ đất lớn và giới doanh nhân giàu có. Họ không có đảng chính trị nào để ủng hộ họ. Đó chính là những người mà Jefferson đang muốn nhắm đến.

Mục tiêu của Jefferson rất khó khăn vì lúc đó nhiều người Mỹ biết rất ít về những gì xảy ra ở ngoài vùng họ đang sống, nhiều người còn chưa được phép bầu cử vì họ không có tài sản. Jefferson nghiên cứu tình hình từng bang và thấy hầu như ở khắp nơi các nhóm chính trị đều phản đối các đạo luật trợ giúp cho người giàu. Đó chính là điều Jefferson đang cần. Jefferson cho rằng, nếu các nhóm chính trị đó được kết hợp với nhau thành một tổ chức ở tầm quốc gia thì khi đó sẽ có một tổ chức đối trọng lại với Đảng Người Liên Bang.

Đảng của Jefferson có cả người giàu và người nghèo, họ cùng liên kết với nhau để phản bác quan điểm sai lầm về sử dụng quyền lực trong chính quyền trung ương của Đảng người Liên Bang.

(còn tiếp) 

(Chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA)

Nguồn: “The making of a Nation”, đài VOA, chương trình thứ 30