Hội An Việt Anh Quốc
LTS. Bài này đã được đăng trên Nguyệt san An Việt tại Vương Quốc Anh số 34 tháng 10 năm 1997 Nay xin đăng lại trên mạng An Việt Toàn Cầu để rộng đường dư luận
Anh Vũ Thiện Hân trong Thông Luận số 106 tháng 7&8 1997 đã viết một bài rất cẩn trọng, công phu, nhan đề “Bản sắc dân tộc và giá trị Tây Phương”. Mục đích tác giả là biện minh cho lập trường dân tộc trong “Dự án Chính trị” của Thông Luận. Dự án Chính trị xác định: “Chúng ta đừng lo sợ chấp nhận những giá trị mới sẽ làm ta mất đi quốc hồn quốc túy. Những giá trị này đã có sẵn trong xã hội ta, chỉ tiếc rằng ta đã không phát huy chúng một cách đầy đủ đến nỗi phải khổ nhục và thua kém như ngày nay. Chấp nhận chúng không phải là tự phủ nhận chúng ta mà chỉ có nghĩa là phát huy cái hay sẵn có trong chúng ta. Vả lại tiến lên và bắt kịp thế giới là điều kiện để chúng ta có thể tồn tại như một quốc gia và giữ được văn hóa và bản sắc dân tộc”. Sau đó tác giả trưng dẫn các cuộc hội thảo và nhiều tác giả đã nhắc nhiều đến các giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc nhưng không ai đã có thể liệt kê để định rõ nội dung được. Tác giả đã dùng hai tác giả nồng cốt là Phan Kế Bính trong “Việt Nam Phong Tục” và Đào Duy Anh trong “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” để trình bày bản sắc dân tộc qua phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, cấu trúc xã hội văn hóa, tín ngưỡng tư tưởng, lịch sử chống ngoại xâm và sau cùng vấn đề dân chủ hóa đất nước.
Phải thành thật mà công nhận với tác giả, có biết bao tổ chức và biết bao tâm hồn đã muốn tìm về các giá trị truyền thống của dân tộc, nhưng tìm qua sách vở Ta, Tàu hay Tây chỉ thấy những chuyện vu vơ mơ hồ, cùng lắm như Phan Kế Bính hay Đào Duy Anh các ông đã cố mô tả phong tục tập quán Việt Nam, dân tộc tính, giá trị truyền thống v.v... qua cái nhìn thường nghiệm, những quan sát về lối sinh hoạt hàng ngày, diễn tả tính tình người Việt Nam hay dở ra sao ... như cố giữ lại những gì đang bị cuốn đi theo làn gió Tây Phương thổi vào trong những thập niên 1930/40 và mong thải hồi những gì không thích hợp trong thời đại mới. Đọc các ông, chúng ta không thấy được văn hóa Việt Nam là gì, ý nghĩa nào ẩn tàng trong các tập tục kia. Về tư tưởng thì như Trần Trọng Kim viết trong bộ Nho Giáo “Vậy thì nói Nho giáo ở nước Tàu tức là nói chung cái toàn thể, vì rằng Nho giáo ở nước Tàu biến thiên ra làm sao, thì các nước kia cũng đều chịu ảnh hưởng như thế cả, chứ không thấy đâu có phát minh ra được cái học thuyết nào khác nữa” (Nho giáo tập hạ, tr 372). Như thế Trần Trọng Kim gián tiếp phủ nhận một nền triết Việt - hay như Vũ Thiện Hân viết trong bài “Bản sắc dân tộc” ... “Nhìn toàn khối, Nho giáo có rất nhiều mâu thuẫn về lý luận nên nếu lấy một câu này hay câu khác trong Kinh Thi hay Luận Ngữ mà suy diễn thì có thể tranh cãi không bao giờ hết.”
1. Truyền thống là gì?
Thường thì người ta hiểu truyền thống là tập tục, là những cái gì lưu truyền từ đời này qua đời khác. Có thứ truyền thống quân đội, truyền thống gia tộc, truyền thống hương thôn, truyền thống tôn giáo v.v... sự thực ra đó chỉ là những tập tục lưu truyền, những thể chế cũ kỹ không đáng gọi là truyền thống. “Truyền thống đích thực là cái nguyên lý thống nhất thâm sâu, nó liên tục và hiện diện cách u linh trong mọi câu nói, bề ngoài coi như rời rạc nhưng thực ra đều nhịp theo một tiết điệu, nó có sức soi rọi và gợi dậy biết bao tiềm lực để phát động một lối suy tư mới, cảm nghĩ khác trước cho hợp với những hoàn cảnh mới xuất hiện” (KimĐịnh, Giáo Dục tr 69). Linh hồn của cái học truyền thống cũng gọi là Nhân bản Tâm Linh.
Nhân bảnlà lấy con người làm gốc. Đông phương đặt con người ngang cùng trời đất = Thiên Địa Nhân - tam tài. Mọi việc chỉ thành đạt khi hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nếu so sánh với các nền văn minh khác, chúng ta mới thấy sự khác biệt sâu xa và ảnh hưởng “sai một ly đi một dặm” - lầm lẫn về văn hóa giết muôn thế hệ là vậy.
Lấy thí dụ nền văn minh Hy Lạp La Mã lấy Thần Linh làm căn bản chẳng hạn. Thần Linh được quần chúng tin tưởng tuyệt đối tới mức độ phải giết người để tế thần. Thần thánh có mọi quyền uy trên con người, phải đặt ra mọi lễ nghi để tế thần, có cả một hàng tư tế đặt ra mọi luật lệ để phụng sự thần, phải tốn bao công sức, tiền bạc, sinh mạng để xây đền thờ thần thánh. Ngày tế thần hàng chục ngàn người phải chết do đấu với thú dữ hoặc đấu với nhau.
Bên Ấn Độ con người cũng lệ thuộc hoàn toàn vào thần thánh. Nếu sinh ra bởi miệng Brahma thì là Tăng Lữ là bậc cao nhất, bởi tay Thần thì là Quân Nhân, bởi bụng là Thương Gia, bởi chân là Công Nông - còn nếu không bởi thần thì là vô loại (Paria) không được tham dự vào đời sống của 4 giai cấp trên. Nếu người vô loại dám nghe lén thánh kinh Veda thì bị đổ chì sôi vào tai. Đàn bà bị coi là sản vật của đàn ông. Chồng chết các bà phải lên giàn hỏa để thiêu sống, chết theo chồng. Tài sản thì thuộc về các Tăng Lữ. Tục lệ này được duy trì mãi tới năm 1820 mới được Phó Vương Lord William Bentik bãi bỏ. (Kim Định, Nhân Chủ 112).
Hết đặt nền tảng con người trên thần thánh (Thiên), người ta lại đặt trên Địa, tức các triết thuyết xây dựng trên ý niệm. Nổi danh là câu định nghĩa về con người của Aristote “Người là con vật biết suy lý.” Con người sống thực trong hoàn cảnh cụ thể bị tước đoạt biết bao yếu tố tư riêng độc đáo cá nhân, tình cảm, tiềm thức. Con người tư duy cứ việc tư duy không ăn nhằm chi tới thân xác, trở thành phi nhân, phiếm diện, cắt đứt mọi mối liên hệ với thế giới thực tại cụ thể. Hậu quả là thân xác, dục tính bị coi nhẹ, bị dồn ép, nguyên nhân của bao bịnh thần kinh. Hãy lấy thí dụ giới tu sĩ là tiêu biểu cho những con người tư duy, chú trọng tới những gì siêu việt mà coi thường đời sống được coi là trần tục. Thân xác là mồ chôn linh hồn, là kẻ thù của duy linh. Nhưng thực ra nó chẳng trần tục tí nào. Nó gắn liền với con người bằng xương bằng thịt với tất cả mọi chiều hướng đòi phải được thỏa mãn trong tư thái điều hòa, quân bình. Đè nén, nó sẽ bùng lên như thí dụ mới tuần rồi, truyền thanh truyền hình loan báo tòa án ở Texas Hoa Kỳ ra lệnh Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bồi thường 172 triệu Mỹ Kim cho các vụ Linh Mục làm tình với thanh thiếu niên. Tại Ái Nhĩ Lan một Linh mục cũng bị kết án 9 năm tù ở về những bê bối tương tự, còn biết bao vụ khác chưa ra ánh sáng? Bao nhiêu tôn giáo, tổ chức thanh tịnh khác cũng duy lý tương tự. Tâm lý bị dồn ép khía cạnh này thì bùng nổ ra dưới nhiều hình thức khác làm băng hoại con người.
Tới Marx thì con người hoàn toàn là công cụ cho sản xuất. Nền tảng triết lý đặt trên Địa được đẩy đến tận cùng. Con người được định nghĩa là con vật sản xuất. Hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng kiến trúc. Con người làm việc ngày không đủ tranh thủ làm đêm với công an và súng kè kè bên hông thế mà vẫn đói dài. Tất cả mọi tự do khác của con người đều bị tước đoạt toàn diện. Thiện chí của Marx lúc viết Tư Bản Luận nhằm cứu gỡ thợ thuyền Âu Châu thế kỷ 18 bị tư bản bóc lột tận cùng tới nỗi Thánh Gandhi mô tả đó là địa ngục trần gian thì Marx lại dẫn đưa con người đến một hỏa ngục khác khủng khiếp hơn là chủ nghĩa cộng sản. Thế cho hay rằng có thiện chí không chưa đủ, còn phải có Minh Triết mới đặt nổi những vấn đề nền tảng nhằm thỏa mãn ngay những nhu cầu tần thường nhất là ăn mặc, nghỉ ngơi, giải trí, tính dục v.v ... cho con người.
2. Nhân Bản là gì?
Như trên chúng tôi đã lược qua nền văn minh La Hy và Ấn Độ đã đặt nền tảng con người dựa trên Thiên và nền văn minh Tây Phương cận đại và hiện đại đặt nền tảng con người trên Địa, còn nền văn minh Đông Phương Nho giáo nguyên thủy đặt nền tảng con người trên Nhân tức lấy con người làm nền tảng. Con người phải cư xử với nhau, làm tốt cho nhau vì họ cùng là người chứ không phải vì ta phải thương người khác vì họ cùng là thành phần của Ahlah (Hồi giáo) hay họ cùng bởi thần Brahma (Ấn giáo) hay họ cũng như ta là thành phần dân tộc được chúa chọn (Do Thái giáo). Vậy những người khác không ở trong những thành phần đó thì là dân ngoại đạo, không được cứu rỗi. Sự chia rẽ giữa hữu thần với vô thần khởi từ đây gieo bao nhiêu máu và nước mắt, chia rẽ ngút trời khắp trên hoàn cầu từ bao đời đến tận hôm nay. Dân đói mặc, trường học, bệnh viện thiếu, đền thờ cứ được xây dựng nguy nga. Đến cộng sản thì hô hào “Hỡi những người vô sản hãy đoàn kết lại”. Sau đó hàng triệu người “hữu sản” phải gục ngã!
Nét rỉ máu thứ hai của văn minh tây phương là tư bản và vô sản. Tư bản bóc lột tận cùng các người nô lệ kể cả mạng sống của họ rồi chuyển sang thợ thuyền Âu châu thế kỷ 18 sau này tròng lên đầu lên cổ các dân tộc thuộc địa, cuối cùng bóc lột lên đến tuyệt đỉnh là chủ nghĩa cộng sản. Con người đã mất tất cả do những thế lực kia thế mà các nhà trí thức không biết lên án hay tìm ra cơ nguyên những sự thực kia, mà lại trút lên căn nguyên lạc hậu là do Nho giáo. Dân ta khổ nhục và thua kém không phải do văn hóa mà là do nô lệ, bóc lột. Dân ta được diễn tả rất đúng là “sù xì da cóc trong bọc trứng tiên”. Nhìn ở ngoài đầy dẫy những tật xấu như chia rẽ, ăn cắp vặt, cẩu thả ... nhưng đó chỉ là do hoàn cảnh lịch sử quá khắc nghiệt lâu đời tạo nên như quán tính của người Việt. Nhưng nếu cuộc sống được nâng cao, con người có tự do và được giáo dục, lại biết tài bồi cho truyền thống nhân bản tâm linh của dân tộc, những thứ sù xì đó sẽ mất dần đi để lộ ra cái bọc trứng tiên của mẹ Âu cơ tinh ròng. Hãy nhìn chỉ mới 20 chục năm dưới chế độ cộng sản, bao nhiêu anh em ruột thịt chúng ta ngày xưa đẹp cả hồn lẫn xác bao nhiêu thì nay đã biến đổi tới cỡ anh chị em không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Ngược lại chỉ mới 20 chục năm ở nước ngoài, cách cư xử của người Việt đã biến đổi, cao lên nhiều lắm, nhất là thế hệ thứ hai, con cháu chúng ta. Cụ thể là những lời cám ơn luôn trên cửa miệng mà trước đây hầu như vắng bóng. Mức hội nhập của người Việt ở nước ngoài rất mau. Chỉ thế hệ sau là chúng ta đã như người tây âu về lối sống văn minh. Vấn đề là có còn giữ được hồn Việt nữa không chứ đừng lo không bắt kịp đà tiến văn minh kỹ thuật tây phương. Anh Nguyễn Gia Kiểng than “Việt Nam không có những nhà tư tưởng lớn để hướng dẫn nghe theo”. Lớn tới mức Platon, Aristote, Karl Marx là cùng. Họ đã hướng dẫn nhân loại tới vực thẳm với chủ nghĩa hữu và vô, tư bản với vô sản mà hậu quả hàng trăm triệu người đã gục ngã vì những chủ nghĩa giết người kia. Nếu trí thức biết rõ được dòng tư tưởng tây phương như vậy thì không còn ai mộng để họ hướng dẫn nữa. Còn sự phồn vinh của tây phương hiện tại là do khoa học kỹ thuật mới phát triển từ một thế kỷ nay đem lại sự phồn thịnh về vật chất vô ngần nhưng về tinh thần đã đem đến một xã hội băng hoại. Họ đang tìm một nền nhân bản trung thực cứu vãn sự suy vi. Văn hóa Việt Nam không có những nhà tư tưởng lớn hàn lâm trường ốc như tây phương mà chỉ toàn các triết nhân là những người biết sống đúng là người, biết trị nước dựa trên lòng nhân ái bằng chế độ cầu hiền và tuyển lựa nhân tài qua các cuộc thi mà con dân cũng được làm quan chứ không chỉ có con nhà quí tộc, dòng dõi thần thánh. Dân chúng tuy có nghèo nhưng không đói bằng phép công điền công thổ. Địa vị phụ nữ được đề cao chứ không phải là đồ chơi cho đàn ông. Đến thời Pháp thuộc vua quan làng xã ngày một mất quyền, ruộng đất dần dần về tay những chủ điền. Xã hội phân ra chủ nô như tây phương, nỗi bất hạnh chia rẽ bắt đầu. Về phương diện văn hóa, các nhà truyền giáo tây phương đã xác nhận ở Việt Nam rất nhiều triết nhân, càng về miền quê càng nhiều. Các nhà tư tưởng của chúng ta là những nông dân tầm thường chất phác đã sống một cuộc sống bình dị nhưng lòng thì đầy một đức trung trinh, có đủ nhân, trí, dũng. Những con người như vậy do nền nhân bản tâm linh đem lại. Các cụ ta cũng không chịu nhục nhã làm nô lệ cho Tàu, Tây mà đã bao cuộc vùng lên dũng mãnh.
Con người trong văn hóa Đông phương chính vì được quan niệm là nơi tụ hội của trời cùng đất “âm dương chi giao, quỉ thần chi hội” nên con người là Nhân Hoàng, giữ vai trò trung gian phối hợp trời cùng đất. Vua quan ta có quyền phong thần hoặc phế bỏ thần thánh. Truyện xưa kể Lý Công Uẩn khi còn ở chùa, thích nghịch ngợm, một ngày kia ăn trộm oản. Phật báo mộng Sư Cụ, Lý Công Uẩn bị đòn. Hôm sau Lý Công Uẩn viết vào lưng Phật “hãy cút về Thiên Trúc”. Phật lại báo mộng Sư Cụ phải làm hòa. Còn dân gian thiếu gì cảnh coi trời bằng vung! Tất cả nhằm tô tạo cho đạo sống luân thường phải lấy tiêu chuẩn nơi con người mà định đoạt, phục vụ cho con người, không để cho những ý tưởng ngoài con người sai sử . Hết mọi sinh lực phải dồn vào việc đào tạo những đức tính làm người. Nhân nghĩa phải ở trên vụ lợi. Lễ Gia tiên chính là đạo thờ nhân tính như một trong tam tài = thờ trời, trọng đất, thờ người. Con người phải được thờ vì con người chính là nơi tụ hội đức của trời đất hay nói khác đi con người “chí thành như thần”. Nhưng không vì vậy mà con người tỏ vẻ bất kính với thần linh. Sách Xuân Thu nói: “Tế nhiều quá thì phiền hà mất cả tôn kính. Bỏ lâu quá thì tỏ ra lãnh đạm chểnh mảng, nên người quân tử hợp theo đạo mà tế Xuân Thu nhị kỳ”.
3. Tâm Linh
Nét đặc trưng thứ hai của truyền thống Đông Phương là Tâm Linh. Tâm linh là một điểm quang linh ẩn trong sâu thẳm con người, nó chính là Thiên lý tại nhân tâm. Nó nhỏ đến nỗi không còn gì ở bên trong mà to cũng đến nỗi không còn gì ở ngoài (Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài). Nó là cõi vô cùng, tuyệt đối. Có thể gọi là Thái cực hay Vô cực có tiềm lực huyền diệu vô cùng. Đấy chính là “Tâm đại dương” tuôn ra bảy dòng nước mênh mông lai láng mà kinh Rig Veda nói đến. Đây chính là “Chân không diệu hữu” mà Lão Tử nói “vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh vô” (Muôn vật sinh ra do cái có, cái có lại do cái vô). Cùng một ý như câu “tự vô hữu phát sinh tinh thần, tinh thần sinh ra chúa muôn vật, sinh thành vạn vật” (Du non être fut émis l’esprit émit le Maitre des Créatures, le maitre des Créatures émit les créatures). Tait: Br II, Renou Payot p. 114. ( Kim Định- Di Biệt 112).
Vì cái Tâm bao la bao trùm khắp như vậy nên phải từ bỏ cái nhìn độc hữu, giới hạn, cho mình là người duy nhất nắm được chân lý đồng thời tỏ ra khoan dung đại độ, coi trọng kinh nghiệm của từng người, kính trọng tự do của người khác. Đó là đức tính đầu tiên của con người đi đúng đường về tuyệt đối chân thực.
Một hình ảnh khác biểu thị sự hiện diện cùng khắp của Tâm linh, của tuyệt đối là hình ảnh bánh xe với tất cả các đũa xe cắm vào nòng xe. Thiếu nó bánh xe không thể chạy được. Đó là thiên lý đi vào mọi vật, hay nói đúng hơn, mọi vật do đó mà có. Nên khi ta thấu được vào đến tâm thì ta liền thấu hiểu mọi vật “Tri tâm tắc tri Thiên”. Giáo sư Glassenapp kết thúc quyển Triết Học Ấn Độ của ông bằng những dòng sau đây: “Bầu khí triết lý tâm linh của Ấn Độ cũng như của Viễn Đông có thể chuyển sang cho những người chuyên chú học nó được một hương hỏa thiêng liêng mà rất ít nhà tư tưởng có thể chuyển sang cho cái Âu Châu náo động hoài và luôn luôn bị lay chuyển bởi chứng sốt rét nối tiếp lên cơn. Hương hỏa đó là sự êm đềm thư thái và siêu thoát thường phản chiếu trên dung nhan những vị đại trí tuệ, những vị đã chiến thắng được thế gian” (Philosophie l’Inde, P.349 - KĐ Dị Biệt 119). Karl Jaspers, một tư tưởng gia thượng thặng của Đức trong tác phẩm thời danh của ông “ Triết Học Nhập Môn” đã viết: “Thế giới tâm linh của Trung Hoa và Ấn Độ đối với ta đã trở nên cái gì không thể thay thế được, và không phải chỉ vì nó khác với ta mà thôi. Người nào đã thở luồng gió đó, không bao giờ quên được, cũng không thể thay thế bằng một cái gì chúng ta có ở bên Tây này ... Mỗi lần quay lại học các tác phẩm Đông Phương, quay lại sách thánh, kinh điển, ta nhận được cái gì thâm trầm ... vì sự phong phú không thể so sánh, vì sự thong dong của lý trí, sự kinh nghiệm, tiến hóa với một biện chứng trọn vẹn ... Chúng ta đoán được đó là sự chinh phục quyết định, một chân lý không thể nhảy xa hơn và là nguồn suối, một sự bình an thâm sâu hơn cái bình an mà người Aâu Châu không thể đạt tới.” (Philos. Ind p.350). Đó là gia sản tinh thần tiên hiền gây dựng cho ta, đã tự ba bốn ngàn năm nay, ta mất dần ý thức và ngày nay đang phung phí những đức tính còn sót lại bằng cách lao đầu trọn vẹn vào cái học hữu vi, cầu lợi, nhằm vinh thân phì gia.
4.Truyền thống dân tộc biểu lộ qua số.
Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy lược sơ đôi nét về truyền thống nhân bản tâm linh của dân tộc được biểu lộ qua bộ số căn bản là số 2, số 3 và số 5 . Bộ số này cũng được cha ông nhắc nhở con cháu trong dịp Lễ Cưới và Lễ Gia Tiên.
Lễ cưới là lễ quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người, quan trọng nhất cho cuộc sống gia đình và xã hội. Nho giáo đã đưa lên hàng Đạo của người Quân tử. (Quân tử chi đạo tại đoan hồ phu phụ - Đạo của người quân tử bắt đầu tự đạo vợ chồng) Tổ tiên Việt tộc đã gói trọn nghi lễ này trong Bộ Khai Hộp cho con cháu ghi nhớ. Nó nằm ẩn trong triết lý Ngũ Hành. Người Việt vẫn giữ các tục lệ của lễ cưới nhưng ý nghĩa đã không còn được hiểu một cách sâu sắc.
Trong lễ cưới, nhà trai đem lễ vật tới nhà gái xin rước dâu. Lễ vật được đựng trong Bộ Khai Hộp: - Hộp lớn, hình tròn bằng kim loại, đựng đồ trang sức ( tượng trưng Thái Cực Trời) - Hành Kim. - Hộp nhỏ, hình vuông (tượng trưng đất) - đựng 2 chung rượu, 3 miếng trầu. Rượu hành thủy - Trầu cau hành mộc - vôi hành thổ. Tròn vuông còn nói trong ý nghĩa “mẹ tròn con vuông”, viên mãn, đầy đủ. - Một đôi đèn cầy - hành hỏa. Triết lý ngũ hành là đường vận chuyển của âm dương, của thiên địa, của con số 5. Số 5 thành bởi số 3 và số 2 “tham thiên lưỡng địa” (3 trời 2 đất). Một con số rất quan trọng đến nỗi làm nhà cũng phải làm nhà 3 gian 2 chái. Aùo mặc cũng có 2 cúc trên, 3 cúc dưới. Lễ thì 3 lạy trời, 2 lạy đất. Đỉnh hương có 3 chân 2 tai. Cây Việt trên có 2 giao long, dưới có 3 người đeo lông chim. Sách Ước có 2 trang hỏa và 3 trang mộc ...
Số 2 là số toàn diện, không thể lìa nhau (cả âm cả dương, cả vợ cả chồng - “nhất âm nhất dương chi vị đạo” - số 2 là nét song trùng nhưng lưỡng hợp, luôn luôn đi độc lập song song nhau nhưng lại hòa với nhau. Con số này nói lên rõ nhất sự cá biệt của mỗi người, phải kính trọng cái sở trường và sở đoản của mỗi người, không ai toàn diện, phải biết kết hợp bổ túc cho nhau như âm và dương để làm nên mọi sự. Ngôn ngữ Việt Nam hay nói nước non, sông núi, tiên rồng, chợ búa, cơm nước, học hành ... là nói lên nét song trùng này. Còn số 3 là nhân chủ (tam tài - thiên địa nhân). Số 5 là tâm linh. Số trung cung, hành thổ.
Hành là đi. Đi ra phải có hướng, có nơi tìm về. Đi ra phải hướng về trung tâm (thổ). Ngũ hành gồm có Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - 5 yếu tố căn bản làm nên vũ trụ vật chất và con người, nó là những cái gần gũi thiết yếu cho đời sống. Nó rất uyển chuyển như nước với lửa. Nó cao thấp như kim và mộc - chỉ những hoàn cảnh khác biệt - do đó đạo xử thế phải rất uyển chuyển, tùy thời nhưng luôn luôn phải trung tín với tâm của mình (thổ). Sống ở đời họa hiếm mới có người gặp hoàn cảnh như ý, còn hầu hết đều gặp những hoàn cảnh hạn hẹp khó khăn, nhưng phải chấp nhận để rồi sửa đổi, và làm đà tiến đến chỗ thực hiện đạo tâm. Có khó khăn như thế mới có dịp mài dũa óc linh hoạt, luyện tập óc tinh anh. Vì tài ba không là chi khác hơn là biết chấp nhận những thách đố của hoàn cảnh mà lòng vẫn an nhiên tự tại. Quân tử là người hiểu biết và hiện thực nổi triết lý ngũ hành. Tuân theo ngũ hành cũng là tuân theo trời vậy.
Lễ Gia Tiên linh hồn của nó là chữ Hiếu. Có nhiều dân tộc đã có lễ gia tiên như Hy Lạp La Mã cứ gì dân tộc ta nhưng khi văn minh của họ sụp đổ thì kéo theo cả sự thờ tổ tiên vào nấm mồ đô thị cổ xưa. Trái lại bên Viễn Đông sự thờ tổ tiên đã được duy trì suốt mấy nghìn năm tới tận ngày nay. Sự khác nhau căn bản là bên ta có bài vị gọi là Văn Tổ để giữ bốn bài vị của Cao, Tằng, Tổ, Nỉ, xếp theo khung ngũ hành, nghĩa là đặt ở 4 phương, còn trung cung dành cho văn tổ như sau: (hình vẽ). Chính sự xếp đặt này nói lên một cuộc cách mạng vĩ đại đã xẩy ra ở miền Việt Nho: nó biến đổi tục thờ ông bà theo kiểu ma thuật (tin ông bà về ăn của dâng) để vươn lên đợt tâm linh gọi là lễ Gia Tiên mà ý nghĩa cao nhất là thờ nhân tính, và chỉ ở đợt này mới có lối xếp bài vị theo cơ cấu ngũ hành. Nhờ quan niệm về con người là “nơi qui tụ đức của trời đất” (Nhân giả kỳ thiên địa chi đức) mà con người được tôn thờ như trời cùng đất. Đó là cái cột trụ cho nền nhân chủ Việt Nho đã được biểu lộ vào khung ngũ hành.
Cũng theo triết lý ngũ hành thì chỉ thờ tổ đến bốn đời tính từ mình trở lên, rồi tính trở xuống cũng kể bốn đời: con, cháu, chút, chít là thôi. Trở lên cũng như trở xuống mình vẫn là trung cung (hành thổ). Nhưng cũng không được chỉ biết có cha, ông, tằng, tổ mình nhưng phải vươn tới tổ trên hết các tổ, cực tinh ròng gọi là Văn Tổ (L'Ancêtre parfait) rất linh thiêng có tính cách phổ biến như trời cùng đất. (Xem Kim Định - Hồn Nước Và Lễ Gia Tiên).
5. Kết luận
Giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc đã được gói gọn trong 4 chữ Nhân bản và Tâm linh . Bốn chữ này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên cửa miệng mỗi người nhưng đã trở nên mất hết ý nghĩa hoặc người ta không hiểu được ý nghĩa của nó. Vậy bổn phận chúng ta và các tổ chức phải làm phục hoạt lại ý nghĩa tinh ròng mà tổ tiên Việt tộc đã để lại cho con cháu. Chúng ta biết ơn tiên tổ khôn cùng đã để lại cho chúng ta một truyền thống nhân bản tâm linh tinh ròng. Các ngài không đặt cứu cánh con người trên Thiên như Do Thái giáo hay Hồi Giáo hoặc trên Địa như cộng sản, mà đặt trên con Người. Giá trị trường tồn này con người ngày nay đang cố vươn tới. Dù sống theo hoàn cảnh mới trong một xã hội dư dả vật chất như tây phương hiện tại, chúng ta dù có “hoàn toàn theo mới” đi chăng nữa, chủ đạo Việt là Nhân Bản và Tâm Linh vẫn là gốc căn cơ cho chúng ta thì chúng ta chẳng bao giờ sợ mất giá trị làm người, sợ theo Tây mất gốc. Hãy sống theo ngũ hành, đi ra với nhân quần xã hội, tiếp thu học hỏi mọi cái hay cái dở của người, nhưng lúc nào cũng trở về với cái tâm bản lai diện mục của mình, đó là cái gốc, cái đạo vậy. Phải học hỏi, tiếp thu nhiều của văn minh Tây phương vì họ nhờ phú quí sinh nhiều lễ nghĩa, trong cách xử thế đã làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhưng họ thiếu nền tảng tâm linh như ta, họ chỉ có tôn giáo đặt trên thiên, nay họ bỏ tôn giáo trở nên bơ vơ lạc lõng, không có nhà để trở về. Phải học hỏi lối suy luận khoa học của tây phương dựa trên diễn ịch hay qui nạp để khai thác các giá trị nhân bản của Đông Phương hoặc trình bày Đông Phương cho thế giới ngày nay. Anh Vũ Thiện Hân có nói tới “ý niệm Nhân Quyền của tây phương đã được đặt một cách rõ ràng và có cơ sở pháp lý để có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu hơn”. Nhận xét đó rất đúng và là một ví dụ. Nhân quyền của tây phương xét tới cùng cục vẫn không cao hơn được quan niệm về con ntrong Đông Phương đặt ngang cùng trời và đất. Đó là nền tảng về con người không thể nào cao hơn được nữa. Xã hội mỗi ngày mỗi tiến bộ, biến đổi, con người sẽ có nhiều khám phá mới, nhiều cố gắng mới để phục vụ con người. Nhưng nếu có chân lý nền tảng, chúng ta không thể nào đi trật đường. Cũng như nếu nắm được truyền thống nhân bản tâm linh, chúng ta sẽ có cơ sở để gạn lọc cái gì là Nho giáo nguyên thủy qua bao ngàn năm đã bị lớp bụi mù thời gian che lấp đi cái “trứng tiên” tinh tuyền kia, tránh được cảnh tranh luận vô ích mà anh Hân cho là “Nho giáo có nhiều mâu thuẫn về lý luận nếu lấy một câu này hay câu khác trong Kinh Thi hay Luận Ngữ mà suy diễn thì có thể tranh cãi không bao giờ hết”.
Cuốn “Cửa Khổng” hay Nho Giáo nguyên thủy của Kim Định mới được tái bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ do nhà Lĩnh Nam PO Box 29683 New Orleans LA 70189 giúp những ai muốn trở về cội nguồn dân tộc phân biệt được đâu là Nho giáo, đâu là Hán Nho để có căn cơ tìm về truyền thống dân tộc, tránh được những tranh cãi thiếu nền tảng và hại hơn nữa muốn đoàn kết mà chẳng tìm đâu ra một mẫu số chung để đoàn kết. Chỉ có trở về căn bản tâm linh của đạo Việt mới mong tìm ra hướng đi cho tương lai đất nước.
|