Đối Thoại Chiến Lược |
Tác Giả: Trần Khải | |||
Thứ Tư, 15 Tháng 10 Năm 2008 00:46 | |||
"Trong 20 năm tới, chúng ta sẽ có thể nói rằng ... hơn 75% thành viên Nội Các VN đã được giáo dục tại Hoa Kỳ." (ĐS Michalak) Nhìn lại các diễn tiến quan hệ với Việt Nam, có vẻ như Hoa Kỳ đã có sẵn một lộ trình làm việc, trong đó vấn đề ổn định Biển Đông là ưu tiên, và sau đó mới tùy thuận các mục tiêu khác. Chính sách này dường như được cả Bạch Ốc, tức cơ quan Hành Pháp Hoa Kỳ, và Quốc Hội, tức cơ quan Lập Pháp Hoa Kỳ, phối hợp nhịp nhàng, bất kể những dị biệt đảng phái giữa Dân Chủ và Cộng Hòa lúc nào cũng sôi sục ở Washington D.C. Trong khi nhiều vị dân cử Hoa Kỳ, như Thượng nghị sĩ Barbara Boxer của tiểu bang California hay Dân biểu Loretta Sanchez luôn luôn lớn tiếng, đòi hỏi Mỹ dùng bàn tay sắt để ép CSVN tôn trọng nhân quyền, thì các Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ như ông Kimmitt vừa nói trên, và ông John Negroponte hồi đầu tháng 9-2008 lại bay tới Hà Nội biểu diễn màn "lăng ba vi bộ", ca ngợi nhà nước cộng sản này đã chịu cải thiện về các quyền tự do tôn giáo. Tuần này, Đại Sứ Mỹ Michael Michalak cũng đi tới nhiều thành phố Hoa Kỳ, những nơi đông người Mỹ gốc Việt, để nói về chính sách Mỹ với VN và chắc chắn, cũng như nhiều lần trước ông Michalak đã từng nói, mời gọi người Mỹ gốc Việt góp sức về VN để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa VN, tất nhiên là dân chủ hóa tiệm tiến, trong đó ưu tiên giáo dục là một phương tiện - như ông Michalak đã nói khi gặp người Mỹ gốc Việt tại buổi hội thảo ở Quận Cam, "Trong 20 năm tới, chúng ta sẽ có thể nói rằng chúng ta không vào VN chỉ vì kiếm tiền, mà chúng ta sẽ có thể nói rằng hơn 75% thành viên Nội Các VN đã được giáo dục tại Hoa Kỳ." (nguyên văn: "Twenty years from now we’ll be able to say we’re not just in Vietnam for money, we’ll be able to say that over 75 percent of the Vietnamese Cabinet has been educated in the United States of America.") Tất nhiên nhiều người nóng ruột. Không chỉ các nhà dân chủ hay các nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, mà cả các vị dân cử Hoa Kỳ ở các vùng đông dân Việt. Cụ thể như dân biểu Loretta Sanchez, người tổ chức buổi hội thảo vừa nói, đã nhắc tới trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Thực tế, cụ thể, các vị dân cử này thấy rõ là họ chỉ nói lên tiếng nói của cử tri gốc Việt, vì đó là vai trò của họ, nhưng họ không lấy đó làm điều cản trở cho quan hệ ngoại giao hai nước. Tương tự, như Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer, tiểu bang California, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ tuần trước vừa đệ nạp Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam S.3678-ngay trên nhan đề ở một tờ dân báo độc lập (http://www.govtrack .us/congress/ bill.xpd? bill=s110- 3678), chuyên về quan sát công quyền, đã ghi rõ "S. 3678: A bill to promote freedom, human rights, and the rule of law in Vietnam" (S. 3678: Một dự luật nhằm thúc đẩy tự do, nhân quyền, và pháp trị tại Việt Nam). Như thế thôi. Tất nhiên là bà Boxer không hài lòng về hồ sơ nhân quyền tại VN, dù là đại sứ Michalak nghĩ là CSVN đã có tiến bộ. Câu thần chú thường gặp của các nhà ngoại giao trong các trường hợp tương tự đều điển hình là, "nhà nước độc tài này [thí dụ, Saudi Arabia hay CSVN] đã có tiến bộ về nhân quyền, có cởi mở thêm về quyền tự do tôn giáo, nhưng tất nhiên là vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết nữa." Chắc chắn, chúng ta đã nghe các câu nói tương tự như thế ở các buổi điều trần của các nhà ngoại giao Mỹ trước Quốc Hội. Đặc biệt lần này, thượng nghị sĩ Boxer là người duy nhất đưa dự luật S.3678 ra, mà không có một thượng nghị sĩ nào khác ký tên đồng bảo trợ. Vì sao dự luật này lại có chữ ký cô đơn như thế? Dự luật S.3678 mà TNS Boxer trình lên có nhắc tới trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý, người bị kết án 8 năm tù, và "nay, chúng ta lại chứng kiến thêm một cuộc đàn áp khác - lần này nhắm vào các giáo dân Công Giáo tại Hà Nội khi họ tổ chức những buổi cầu nguyện để đòi lại các tài sản đất đai đã bị tịch thu sau khi chính quyền cộng sản lên nắm quyền vào thập niên 50. Chính quyền VN đã phản ứng lại những cuộc cầu nguyện phản đối này bằng những biện pháp đe doạ, bạo lực, và bắt bớ." Bà Boxer đòi mạnh tay với CSVN, thí dụ như đòi ngăn VN tiếp cận với chương trình Generalized System of Preferences (GSP) của Hoa Kỳ cho tới khi Nhà nước VN cải thiện những tiêu chuẩn về lao động... Nhưng rồi bà cũng nói rõ: "Tôi xin khẳng định rõ rằng tôi ủng hộ mối quan hệ song phương bền chặt giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Nhưng chính quyền Việt Nam phải cải thiện rất nhiều tình trạng nhân quyền thì mối quan hệ giữa hai nước mới có thể phát triển được." Có phải, như dường TNS Boxer đang muốn vuốt ve các chức sắc nhà thờ Công Giáo Hoa Kỳ, vì bà đã nằm trong danh sách bị nhà thờ xem là thù nghịch với nhà thờ [về nhiều quan điểm]? Cũng không hẳn, bởi vì tới năm 2010 bà mới phải ra tái ứng cử, chứ bầu cử năm nay thì không có gì mà bà phải quan ngại. Nhưng qua bài phỏng vấn loan tuần này, ngày 9-10-2008, trên đài RFA do ba phóng viên - Thanh Trúc, Trà Mi và Nguyễn Khanh - thực hiện, ông Michael Michalak, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, đã nhắc lại những gì mà chúng ta đã nghe, đã đọc. Nghĩa là chính sách "đối tác chiến lược" vẫn thực hiện giữa Mỹ-Việt, còn mọi chuyện khác chỉ là "chiến thuật," kể cả các dự luật nhân quyền Việt Nam? Nếu đúng như thế, Hành Pháp Mỹ và Lập Pháp Mỹ chỉ là một dàn đồng ca vĩ đại, trong đó Bạch Ốc loa kèn nhấn mạnh về an ninh Biển Đông và tăng cường giao thương, thì dàn nhạc đệm sẽ gõ nhịp trống nhân quyền, vân vân? Ông Michalak trả lời các phóng viên đài RFA, trích như sau: "Tôi nghĩ giáo dục là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang làm việc với chính phủ Việt Nam. Từ trước ngày tôi sang Việt Nam, chắc quý vị cũng biết tôi có đặt ra 3 mục tiêu cần thực hiện là nhân quyền, kinh tế và giáo dục. Khi nhìn những thành quả đáng kể mà Việt Nam đạt được về kinh tế, tôi thấy ngay điều đang thiếu chính là phát triển giáo dục. Vì thế ngay từ buổi điều trần tại Quốc Hội trước khi được chuẩn thuận làm đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, tôi đã nói một trong những mục tiêu sẽ làm là số sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học sẽ tăng gấp đôi. Hiện giờ số visa cấp cho sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ học đã tăng vượt mức 50%, và tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng đường, để đạt được mục tiêu mà tôi đặt ra. Cùng lúc với sự phát triển của Việt Nam, cùng lúc với số vốn đầu tư của người nước ngoài và những người Việt trong nước tiếp tục bỏ vào đầu tư, Việt Nam cần những người tài ba để điều hành kinh tế lẫn chính quyền, và cuối cùng nhờ đó mà lợi nhuận kinh tế đem lại sẽ được phân phối cho tất cả mọi người Việt. (...) KHANH: Tuần trước ở Hà Nội, cuộc Đối Thoại Về Chính Trị, An Ninh Và Quốc phòng giữa hai chính phủ đã diễn ra. Muốn hỏi ông Đại Sứ những điểm gì đã được đưa ra bàn thảo? Chúng tôi thảo luận với nhau về nhiều vấn đề. Cuộc đối thoại diễn ra trong lúc tôi lại có mặt ở Mỹ, nên tôi không biết rõ các chi tiết, nhưng tôi được biết là những đề tài như Việt Nam tham gia vào lực lượng bảo vệ hòa bình toàn cầu đã được nói đến, vì Việt Nam bây giờ là hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nên đương nhiên mọi người đều nghĩ Việt Nam sẽ có trách nhiệm hơn, như gửi quân tham gia vào Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình. Nhưng trước khi điều này xảy ra, còn có nhiều điều khác liên quan đến mặt kỹ thuật phải được bàn đến, chẳng hạn như chuyện huấn luyện cho binh sĩ Việt Nam. Chúng tôi đã bàn thảo những cách để thực hiện. Chúng tôi cũng thảo luận với nhau về cách hợp tác giữa quân đội đôi bên trong các công tác cứu hộ khi thiên tai xảy ra, cũng như những vấn đề khác nữa. Chúng tôi tin là cuộc thảo luận thành công, và trông đợi vòng thảo luận kế tiếp. (...) Vấn đề Trung Quốc KHANH: Ông Đại Sứ là một chuyên gia về Trung Quốc, có khi nào Việt Nam xin ông Đại Sứ đóng góp ý kiến không? Có, chính phủ Việt Nam nhờ chúng tôi đóng góp ý kiến về rất nhiểu lãnh vực. Có, chúng tôi có nói chuyện với nhau về Trung Quốc, vì đây là quốc gia lớn nhất trong khu vực và chúng tôi cũng chia sẻ với nhau quan điểm, kể cả quan điểm liên quan đến Trung Quốc. Có, chúng tôi có nói chuyện với nhau về Trung Quốc. KHANH: Liệu có thể xin ông Đại Sứ chia sẻ một trong những đề nghị, ý kiến, ông đã trình bày với chính phủ Việt Nam không? Không, tôi không thể chia sẻ với ông được. Tôi chỉ có thể nói là chúng tôi thảo luận với nhau về nhiều chuyện, từ kinh tế đến chính trị. Vấn đề Thái Hà Trà Mi: Về căng thẳng tranh chấp đất đai giữa Giáo hội Công Giáo với chính quyền tại Việt Nam. Quan điểm của ông đại sứ như thế nào? Vâng, chúng tôi biết rằng có rất nhiều vụ tranh chấp đất đai đang diễn ra tại Việt Nam. Theo tôi, đất đai là một trong những vấn đề phức tạp nhất và nhạy cảm nhất tồn tại ở Việt Nam hiện giờ, đặc biệt là vấn đề tranh chấp đất đai liên quan đến Giáo hội Công giáo. Và chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình, không phải là đối với vấn đề tranh chấp đất đai, vì chúng tôi không đứng về phía nào trong việc này, mà chúng tôi theo dõi để đảm bảo là quyền tụ tập ôn hoà và bày tỏ quan điểm của công dân được tôn trọng. Trên thực tế, có trường hợp được tôn trọng, nhưng cũng có trường hợp không, và lúc ấy thì chúng tôi sẽ tìm cách nêu vấn đề lên với chính quyền Hà Nội. Trà Mi: Chúng tôi biết rằng mới đây ông đại sứ có cuộc tiếp xúc trực tiếp với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt của Hà Nội. Ông đại sứ có thể chia sẻ thông tin gì liên quan đến cuộc gặp này không? Tôi và Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã có một buổi gặp gỡ tốt đẹp. Chúng tôi bàn về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đức Tổng nhận xét rằng rõ ràng có những tiến bộ trong lĩnh vực tự do tôn giáo ở Việt Nam mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết. Chúng tôi cũng trao đổi về vấn đề tranh chấp đất đai đang diễn ra, và Đức Tổng cũng cho chúng tôi biết quan điểm của Ngài về chuyện này. Chúng tôi nói với Ngài rằng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến tình hình, nhưng cố gắng không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp đất đai. (...)" Như thế, chính sách rõ ràng như thế. Mới nói năm trước, năm nay lập lại. Vấn đề là, những người quan tâm về dân chủ VN có thể mượn sức chính phủ Hoa Kỳ để tăng tốc tiến trình dân chủ quê nhà hay không? Hoàn toàn không có một lộ trình dân chủ nào cho Việt Nam do chính phủ Mỹ vẽ sẵn, mà mọi chuyện chỉ chờ giáo dục cho đủ 75% số lượng cán bộ trong nội các chính phủ CSVN, nghĩa là mơ hồ hy vọng vào lòng tử tế (và khát vọng dân chủ?) của các cán bộ lãnh đạo tương lai ở VN? Tất nhiên, phong trào dân chủ VN đã, đang và sẽ còn dựa nhiều vào các nhà dân cử Hoa Kỳ để làm áp lực với Hà Nội. Thực tế, nếu không có các áp lực thưởng (như gỡ cấm vận, lập bang giao, đưa vào LHQ, ký thương ước song phương Việt Mỹ, cho gia nhập WTO, tăng visa du học...) và áp lực phạt (như đưa vào sổ hung thần CPC, thuế phạt chống phá giá...) hẳn là đất nước VN đang nằm ở một cõi chúng ta bây giờ khó thể hình dung nổi. Nhìn ngược lại từ chiều bên kia, có phải đảng CSVN cũng bày trò tương tự, giả làm như phe bảo thủ gốc Bắc và phe cấp tiến gốc Nam đang giằng co lôi kéo hướng đi của cả dân tộc? Tới câu hỏi này thì đúng là, xin mượn câu thơ của thi sĩ Du Tử Lê, hằn phải là một "cõi nhân gian không thể hiểu..." Nhân quyền, có đúng là một cõi ẩn mật hay không? Trần Khải
|