Olympic London 2012, Chiếc Huy Chương và chuyện tiền bạc |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh | |||
Thứ Sáu, 03 Tháng 8 Năm 2012 08:11 | |||
Có rất nhiều điều cần phải nói về thành phố London và Olympic. Hơn một thế kỷ trước đây, thành phố này vinh dự lãnh trách nhiệm tổ chức cuộc tranh tài 1908 chỉ vì Italy bị thiên tai, thủ đô Rome quyết định nhường chỗ để dồn tất cả ngân sách tổ chức cho công tác cứu trợ.
Lịch sử thể thao thế giới còn ghi trong cuộc thi thể thao quốc tế đầu tiên ở London, môn kéo dây nằm trong danh sách những môn tranh tài, và đó cũng là lần cuối cùng môn thể thao này xuất hiện trong những cuộc thi mang đẳng cấp quốc tế. Nhưng để bù lại, Liên Đoàn Olympic Quốc Tế (IOC) đưa ra một quyết định đến giờ vẫn được thi hành: các lực sĩ dự thi môn chạy marathon phải chạy quãng đường 26.2 miles, là chiều dài của đoạn đường từ lâu đài Windsor Castle đến trước chỗ ngồi danh dự dành riêng cho Hoàng Gia Anh ở sân vận động. Đến 1948, London lại được chọn để tổ chức Olympic, lúc đó cả Châu Âu vừa thoát khỏi Thế Chiến Thứ Hai, quốc gia nào cũng bị tàn phá, cũng nghèo, người dân sống trong cảnh rất khổ cực, ngày ngày phải xếp hàng lãnh thực phẩm, nên cuộc thi dù mang ý nghĩa của sự vùng dậy (sau chiến tranh) nhưng đồng thời cũng được hiểu là phải chia sẻ nỗi khó nhọc vì thành phố London không có phương tiện lo cho mọi người, kể cả phương tiện tối thiểu cho các đoàn lực sĩ tham dự. Ban Tổ Chức lúc đó dặn dò các lực sĩ nhớ mang theo khăn tắm, xà bông dùng mỗi ngày, và nếu có thể thì mang theo cả thức ăn, nước uống cho thời gian có mặt ở London tranh tài. Không ai quên được hình ảnh các lực sĩ Anh Quốc chia nhau từng miếng thịt cá mập (thời đó được xem là món ăn có nhiều protein nhất), đoàn lực sĩ Mexico đem theo món đậu để chia sẻ với người khác, các lực sĩ Đan Mạch đến Anh mang theo những thùng trứng gà để chia sẻ với dân chúng, và ngay cả Trung Quốc cũng gửi tặng những thùng măng tươi muối trộn chung với dầu ăn… Mỗi người góp một bàn tay, cuối cùng mọi chuyện đều tốt đẹp. Lần này, London nhận lãnh trách nhiệm vào đúng lúc kinh tế thế giới đang gặp sóng gió. Phải nói cho đúng là hồi 2004 khi IOC quyết định chọn London, lúc đó quốc gia nào cũng ở trong thời kỳ thịnh vượng, chuyện bỏ ra vài tỷ bạc để đón lực sĩ và du khách là chuyện… nhỏ như con thỏ! Nào ngờ ngay sau Olympic Bắc Kinh 2008 thì mọi chuyện đều xuống dốc, tình thế trở nên khó khăn hơn, nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, Ban Tổ Chức Olympic London 2012 nhất định đi đến cùng, kể cả chuyện phải bỏ ra số tiền nhiều hơn dự tính. Với các phái đoàn lực sĩ và ngay cả du khách, góp mặt ở Olympic luôn luôn là ước mơ của mọi người. Tổng cộng 10,490 lực sĩ đại diện cho 204 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện diện, cộng với 9 triệu du khách đổ về London để hưởng không khí đặc biệt của Olympic, xem những cuộc tranh tài được tổ chức ở 34 địa điểm khác nhau. Tất cả các vận động trường đều được xây mới hay tân trang lại, kỹ thuật tối tân nhất được Ban Tổ Chức sử dụng để mọi người hài lòng, đặc biệt nhất là tuyến xe lửa tốc hành Javelin mỗi ngày chở hàng chục ngàn người từ trung tâm thành phố đến sân vận động mà chỉ mất có 7 phút đồng hồ, thay vì mất khoảng 1 tiếng nếu đi những chuyến xe lửa khác. London cũng là nơi có những đổi mới. Lần đầu tiên nữ võ sĩ boxing tranh tài, các võ sĩ dự thi môn taekwondo sẽ mặc áo và đeo đôi tất “điện tử” để giúp trọng tài ghi điểm cho thật đúng (tranh chuyện tranh cãi, thưa kiện thường xảy ra), có hệ thống phát thanh để tất cả các lực sĩ điền kinh nghe được tiếng súng phát lệnh của trọng tài cùng một lúc (trước đây lực sĩ đứng sát trọng tài nghe tiếng súng trước người đứng xa nhất khoảng 1/1000 giây đồng hồ), những chiếc máy chụp hình đặt dọc theo đường đua mỗi giây đồng hồ có thể chụp 2000 tấm ảnh… Tất cả những kỹ thuật này đều nhắm vào mục đích giúp cuộc thi công bằng hơn, trọng tài bớt sai sót, người thắng hân hoan, người thua cũng hài lòng. Quan trọng nhất của tất cả các cuộc thi thể thao vẫn là chuyện thắng bại. Mặc dù Ban Tổ Chức, tôn chỉ của IOC và các lực sĩ hiện diện đều nói “góp mặt ớ Olympic là điều hãnh hiện nhất”, thắng thua “chỉ là chuyện phụ”, nhưng hình ảnh được trình chiếc khắp thế giới cho thấy lý tưởng đó không đúng với những người dự thi. Kình ngư Michael Phelps với khuôn mặt sửng sốt khi đội bơi Hoa Kỳ thua Pháp ở cuộc đua 400 mét tiếp sức; nữ kiếm thủ Nam Hàn Shin A Lam ngồi bệt giữa sàn nức nở khóc như mưa, miệng lẩm bẩm bị trọng tài xử ép nên mới thua ở vòng bán kết, hay nữ lực sĩ Paula Radcliffe nổi tiếng thế giới của bộ môn marathon cũng đưa tay chùi nước mắt khi loan báo cho mọi người biết tin chân vẫn còn đau, “không thể nào dự cuộc đua”, bỏ giấc mộng chiếm huy chương vàng Olympic. Điều đó chứng tỏ chiếc huy chương là “phần thưởng quý giá nhất của một lực sĩ” như cô Lolo Jones của Hoa Kỳ từng nói, hoặc “là phần thưởng chứng tỏ những cố gắng đã bỏ ra trong 4 năm trời dẫn về Olympic” như lực sĩ cử tạ Wang Mingiuan của Trung Quốc nói với mọi người trong cuộc tiếp xúc ở Làng Thế Vận. Nhưng trị giá vật chất của mỗi chiếc huy chương là bao nhiêu? Câu trả lời không ai có thể ngờ: chiếc huy chương đồng trị giá chỉ có 5 dollars, chiếc huy chương bạc khoảng 350 dollars và chiếc huy chương vàng trị giá khoảng 600 dollars. Ban Tổ Chức cho biết những chiếc huy chương “có giá trị cao quý về tinh thần” nhưng rẻ về vật chất vì làm bằng chất liệu rẻ tiền, thí dụ như chiếc huy chương vàng chỉ có 1.34% là vàng 18K, 92.5% là bạc và phần còn lại là đồng. Chiếc huy chương đồng còn tệ hơn: làm bằng kim loại rẻ tiền nhất, chỉ tráng một lớp đồng thật mỏng trên mặt. Không biết có phải vì nghe tin giá trị vật chất của chiếc huy chương London 2012 “quá bèo” hay không mà nhiều chính phủ thông báo sẽ dành những khoản tiền thưởng khổng lồ cho các lực sĩ, cầu thủ chiếm huy chương. Lực sĩ cầu lông Wei Chong Lee của Malaysia sẽ có 600,000 dollars bỏ trong ngân hàng nếu chiếm huy chương vàng, chính phủ Italy dù đang gặp khó khăn về tài chánh cũng hứa tặng 250,000 dollars cho những ai mang huy chương vàng về Rome, ngay cả các lực sĩ Mỹ cũng nhận được lời hứa tưởng thưởng bằng tiền bạc: mỗi chiếc vàng có được sẽ thưởng 100,000 dollars, lấy được huy chương bạc cũng ăn sáu, bảy chục ngàn chứ không phải ít. Thế còn nước chủ nhà Anh Quốc thì sao? Sở Bưu Điện Anh cho hay sẽ in tem thư đặc biệt có hình lực sĩ đoạt huy chương, xem đó là “cách hay nhất để ghi nhớ Olympic London 2012”.
|