Home Đời Sống Tài Liệu Ngành Dược không còn như xưa? Kỳ 1: ‘Lạm phát’ dược sĩ

Ngành Dược không còn như xưa? Kỳ 1: ‘Lạm phát’ dược sĩ PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang & Trực Ðoàn/Người Việt   
Chúa Nhật, 17 Tháng 6 Năm 2012 07:38

“Nhiều dược sĩ quá!”

WESTMINSTER -“Nhiều dược sĩ quá!” Ðó là nhận định của bà Afton Yurkon, phó giám đốc Hiệp Hội Dược Sĩ Toàn Quốc (National Community Pharmacists Association - NCPA).

 

Số dược sĩ ra trường và sinh viên theo học ngành Dược ngày càng tăng, liệu các tân dược sĩ có nên bi quan cho tương lai? Hình minh họa. (Hình: William Thomas Cain/Getty Images)

Trả lời phỏng vấn của tổ chức “Student Doctor Network” hồi cuối năm ngoài, bà nói: “Hiện giờ, sinh viên ngành Dược mới tốt nghiệp phải tìm việc lâu hơn trước. Số dược sĩ ào ạt ra trường ảnh hưởng lên ngành Dược một cách rõ ràng.”

 Cung nhiều hơn cầu

 Theo bà Yurkon, mức độ gia tăng nhanh chóng của số trường dược và số dược sĩ tốt nghiệp trong bối cảnh ngành này đang trải qua nhiều thay đổi đã khiến các tân dược sĩ gặp khó khăn khi tìm việc so với các lớp đàn anh.

Tạp chí Pharmacy Times vẽ lên một bức tranh u ám hơn, khi trích lời ông Ron Cameron, chủ tịch “The Pharmacists' Registry,” một hãng chuyên tuyển dụng nhân viên cho ngành Dược toàn quốc. Ông Cameron cho biết nhu cầu tìm dược sĩ năm ngoái của các hãng “giảm từ 10% đến 17%,” tùy theo vùng.

“Chỉ mới vài năm trước đây, lương dược sĩ từ $60 đến $80 một giờ. Hiện nay, họ may mắn lắm mới kiếm được $50 đến $60 một giờ. Không những thế, công việc sẽ có nhiều áp lực hơn, và ít uyển chuyển hơn.”

Tại buổi hội thảo của Hiệp Hội “American Society of Health-System Pharmacists” (ASHP) vào Tháng Giêng năm ngoái, hai ông Henri Manasse, giám đốc điều hành ASHP và Tom Menighan, giám đốc điều hành American Pharmacists Association (AphA), cùng bày tỏ sự quan tâm về hiện tượng “ngày càng có quá nhiều trường dược.”

Trước đó, Manasse và Menighan công bố một tài liệu, kêu gọi giới hữu trách xét lại sự gia tăng nhanh chóng số lượng sinh viên tốt nghiệp dược sĩ. Câu hỏi được nêu lên là: Liệu chúng ta có cần thêm trường dược không?

Tài liệu nói trên viết rằng: “Trước năm 1987, Hoa Kỳ có 72 trường dược, con số tương đối ổn định trong một thời gian dài. Kể từ đó, trường dược mọc lên như nấm. Vào tháng 7 năm 2010, danh sách trường dược lên tới 115. Tới Tháng Mười Hai, 2009, sinh viên ghi danh học tại 127 trường dược, ngoài ra còn có 20 trường khác đã lập xong hồ sơ, sắp mở cửa.”

Trong số 127 trường dược tính đến Tháng Giêng năm 2012, 64 là trường tư, 63 có trợ cấp chính phủ.

Dĩ nhiên số trường tăng nhanh chóng là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên, đa số chọn ngành Dược vì viễn ảnh ra trường là có việc làm lương cao, và nhiều phúc lợi khác.

Theo thống kê của Hiệp Hội Các Trường Dược Hoa Kỳ (American Associations of Colleges of Pharmacy - AACP), số sinh viên ghi danh học ngành Dược liên tục gia tăng, trung bình 5% mỗi năm, trong suốt 11 năm liên tiếp. Cùng lúc, số sinh viên ra trường tăng từ 7,000 lên hơn 8,000 từ năm 2001 đến năm 2005. Sang đến năm 2009, số sinh viên tốt nghiệp trường dược là 10,998. Tăng 57% chỉ trong 8 năm!

Ðáng chú ý, chỉ trong 4 năm, từ 2005 đến 2009, tỷ lệ số dược sĩ ra trường tăng đến 33%. Chỉ riêng khóa học mùa Thu 2011, đã có 58,915 sinh viên nhập học, hơn 12,000 dược sĩ ra trường, và cứ với đà này, người ta dự đoán số sinh viên dược ra trường năm 2014 có thể vượt 14,000!

Trong bài phân tích có tựa đề “Phải làm gì với mức cung dược sĩ quá thặng dư?” (The Oversupply of Pharmacists and What Needs to Be Done About It?), đăng Tháng Mười Hai, 2011, chủ bút tạp chí Pharmacy Times, Dược Sĩ Fred Eckel, viết: “Có lẽ lớp dược sĩ tốt nghiệp năm 2012 sẽ khó mà kiếm được việc làm. Viễn ảnh này khiến tôi phải nặn óc tìm ra một giải pháp, và cố lạc quan nghĩ rằng, có thể tình trạng thặng dư dược sĩ khiến các sinh viên dược mới ra trường bắt buộc phải tìm cách áp dụng khả năng chuyên môn của mình vào những lãnh vực mới, và hy vọng sẽ nới rộng được thị trường việc cho ngành dược nói chung.”

Sinh viên học dược: Tăng 5%/năm, liên tiếp 11 năm

2005-2009: Số tân dược sĩ tăng 33%

Sinh viên ghi danh học Dược 2011: 58,915

Dự đoán: Hơn 14,000 dược sĩ ra trường năm 2014

Thời huy hoàng đã qua?

 Tình trạng “cung” nhiều hơn “cầu” trong ngành Dược hiện nay tạo khó khăn về công ăn việc làm cho cả dược sĩ sắp ra trường lẫn những dược sĩ đã làm việc lâu năm.

Cô Sara Dixon, vừa tốt nghiệp từ UNC Eshelman School of Pharmacy khóa mùa Thu, 2011, tâm sự: “Số cung thặng dư quá mức không phải là một cụm từ chúng tôi nghĩ đến khi bước chân vào trường dược. Một trong những lý do khiến tôi chọn ngành này là vì tin rằng sau khi tốt nghiệp tôi có thể tìm được việc ở bất cứ nơi nào tôi muốn. Thế nhưng, như nhiều bạn học cùng lớp của tôi đã khám phá ra, những ngày đó đã qua rồi.”

Thực thế, trong nhiều năm qua, trước bối cảnh phát triển của ngành Y tế, Dược khoa được xem là một nghề rất “hot.” Hằng năm, các công ty dược hay các bệnh viện đến tận trường để săn đón các dược sĩ tương lai.

Không chỉ dễ kiếm việc, lương của dược sĩ mới ra trường khá cao, thường là hơn $100 ngàn một năm, lại thêm tiền thưởng hậu hĩ.

Nhắc lại một thưở vàng son, Dược Sĩ Tài Huỳnh kể: “Vừa ra trường năm 2006, tôi được Tyco, một hãng dược chuyên về ung thư, tuyển nhận ngay. Tuy tôi chưa có bằng hành nghề, họ trả tới $50 một giờ, $100 tiền ăn mỗi ngày, bao luôn chỗ ở lẫn thuê xe.”

Theo anh Tài, thời đó, sau khi ký hợp đồng, các tân dược sĩ được thưởng từ $30,000 đến $50,000. Nhiều nơi còn giúp trả cả tiền nợ lúc đi học hay tặng luôn cả... xe Lexus.

Ðiều ấy nay không còn! Dược Sĩ A.L, cựu nhân viên của Rite Aid, tâm sự: “Năm 2011, tôi vừa làm cho Rite Aid tại Los Angles được 2 tháng thì bị cho nghỉ việc.” Lý do là vì Rite Aid không muốn mướn nhân viên toàn thời gian nữa.

Dược Sĩ T.N, làm cho PharmAmerica, một hãng dược lớn chuyên làm thuốc và gửi qua bưu điện (mail order), cũng bị cho nghỉ dù T.N có gần 10 năm kinh nghiệm. Hãng bị mất nhiều hợp đồng thì việc cắt nhân viên, giảm chi phí, là điều phải làm.

Trong khi đó, Dược Sĩ S. làm việc tại một bệnh viện vùng Los Angles cho biết: “Sau vài tháng cắt giờ, nay sếp tôi tuyên bố sẽ cắt nhân viên vào Tháng Bảy này.”

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những lý do tạo ra hiện tượng cung nhiều hơn cầu, khiến dược sĩ mới ra trường khó kiếm được việc làm, là vì kinh tế suy yếu.

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Rebecca Morgan, giám đốc truyền thông của AACP, phát biểu:

“Suy thoái kinh tế, và tỷ lệ thất nghiệp đi kèm hiện nay, cộng thêm số lượng người đã mất bảo hiểm phải cắt giảm việc mua thuốc khiến thị trường việc làm cho dược sĩ nhỏ hẳn so với ba thập niên qua.”

Nhiều nhà phân tích khác có cái nhìn toàn cảnh hơn, cho rằng lý do kinh tế không quan trọng bằng và không tạo ảnh hưởng lâu dài trên ngành Dược bằng chính sự thay đổi đang diễn ra ngay trong ngành, như việc áp dụng các hệ thống tự động hóa việc phân phối thuốc và bán thuốc theo toa qua bưu điện hay online.

* Xem tiếp kỳ 2: Tương lai sẽ khá, nếu...