Nước Anh kỷ niệm 60 năm Nữ Hoàng Elizabeth lên ngôi |
Tác Giả: Lê Hải / Đức Tâm | |||
Thứ Hai, 06 Tháng 2 Năm 2012 16:27 | |||
Đây là lần thứ ba nước Anh rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm Công tước xứ Edimbourg và Nữ Hoàng Elizabeth II trong lễ lên ngôi 1953
Đúng 60 năm trước, ngày 6 tháng Hai năm 1952, đương kim Nữ Hoàng Elizabeth đệ nhị lên ngôi sau cái chết của cha bà, vị vua George đệ lục. Năm nay nước Anh rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm cầm quyền của bà, một con người mà bản thân cũng chính là biểu tượng của nước Anh. Đây là lần thứ ba nước Anh rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm. Hồi năm 2002 là lễ kỷ niệm 50 năm trị vì, và trước đó là lễ kỷ niệm 25 năm. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là buổi lễ đăng quang, cũng là buổi lễ Hoàng gia đầu tiên được truyền hình trực tiếp đến toàn thế giới. Chính xác ra thì lễ đăng quang diễn ra vào ngày 2 tháng Sáu năm 1953, tức là 59 năm trước, và là vào đến tận tháng Sáu chứ không phải bây giờ. Nhưng chính phủ chọn giải pháp trung hòa là sẽ tổ chức lễ kỷ niệm chính vào tuần lễ đầu tiên của tháng Sáu năm nay. Một trang mạng riêng biệt được lập ra trên trang mạng của chính phủ Anh để hướng dẫn và chỉ đạo về sự kiện này. Thế nhưng với mỗi người dân Anh thì tùy theo tình cảm với Nữ Hoàng hay tư tưởng bảo hoàng mà vẫn có riêng những kiểu kỷ niệm của mình và không ngại đối đầu với chính phủ để thể hiện quan điểm. Từ đầu năm đã rải rác các sự kiện đón chào và có những buổi lễ có mặt Hoàng gia, mà nổi cộm nhất là sự kiện quận Greenwich ở London được phong danh hiệu Hoàng gia, thành Royal Borough of Greenwich. Và chỉ cần một thông báo từ điện Buckingham là Nữ Hoàng sẽ đến khai trương bảo tàng con tàu Cutty Sark mới được phục chế trở lại là đã đủ để báo chí London chạy tin hàng đầu. Trước đó thôi, chuyện một xưởng đóng tàu làm ra chiếc thuyền rồng cũng liên tục được truyền hình tường thuật và báo chí tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để tranh cãi và phục dựng lại cả một đoạn sông tấp nập thời ngày xưa. Và cũng có rất nhiều vụ ăn theo không chỉ không nằm trong chương trình chính thức mà còn bị khuyến cáo là lừa đảo, như một cuộc thi tác phẩm nghệ thuật được cảnh báo trên trang của chính phủ. Hay ít nhất, cũng phải chờ các đài truyền hình tổng kết mới biết được bao nhiêu người ngồi ở nhà xem tường thuật lễ hội. Và cũng có thể thấy rằng không phải tự nhiên mà chính phủ Anh kéo lễ kỷ niệm sớm lên một năm so với ngày đăng quang, và lại dời ngày tổ chức đi cho đúng dịp cận 1 tháng trước Olympics London, với hi vọng sẽ tận dụng tối đa mối quan tâm của truyền thông quốc tế. Nếu quí vị thính giả quan tâm đến lịch sử Hoàng gia Anh trong vòng 100 năm trở lại đây thì sẽ thấy rõ mối quan hệ rất mật thiết với truyền thông. Khởi đầu từ vị vua George đệ lục là cha của Nữ Hoàng hiện nay, câu chuyện sử dụng radio đã đem lại cho các nhà làm phim nhiều giải Oscar cho bộ phim King Speech. Nhưng nay với hệ thống bầu cử dân chủ thì Nữ Hoàng Anh chỉ còn là một biểu tượng mà thôi, và do vậy, tầm mức ảnh hưởng vào cuộc sống văn hóa của người dân kể cả ngay trong nước Anh vẫn còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Với một nước Anh đang trong cơn suy thoái kinh tế như bây giờ, người ta không ngần ngại than phiền về chuyện phải chi quá nhiều tiên cho một buổi lễ kỷ niệm như vậy. Nhưng có vẻ như chuyện chi tiêu xa xỉ cho một biểu tượng đã trở thành văn hóa của chính phủ Anh. Ví dụ như công trình xây dựng chiếc lều vĩ đại Dome để đón mừng thiên niên kỷ mà cho tới bây giờ người ta vẫn chưa thực sự biết sẽ dùng để làm gì. Ví dụ như các thành viên Hoàng gia luôn có tước hàm trong quân đội và về mặt danh nghĩa thì Nữ Hoàng vẫn là chỉ huy cao nhất của quân đội Anh, hàng năm chủ trì lễ duyệt binh danh dự. Khi Hoàng tử Harry theo lữ đoàn xe tăng và hỏa lực mạnh sang Iraq thì dân chúng cũng quan tâm hơn đến tình hình chiến sự tại đó. Mới đây, Hoàng tử William đã bị Argentina chỉ trích nặng nề về bộ quân phục đã mặc trong chuyến công du sang vùng đảo trước đây từng nổ ra cuộc chiến giữa hai nước, mà Anh gọi là Falklands còn Argentina là Malvinas.
|