Home Đời Sống Tài Liệu Kontum, ngôi làng bên hồ

Kontum, ngôi làng bên hồ PDF Print E-mail
Tác Giả: Đinh Yên Thảo   
Thứ Tư, 25 Tháng 1 Năm 2012 13:21

Những chiếc dù xanh đỏ, những quán cà phê chạy dọc bờ sông Dakbla, ngay phía nam cửa vào thành phố Kontum, trở thành điểm hẹn của cặp tình nhân khi thành phố lên đèn.

Những tốp thanh niên hay các đôi tình nhân ngồi bên nhau và nói với nhau những câu chuyện của riêng họ. Về tương lai hay những điều gì đó. Nhưng chắc chắn không phải để nhắc lại, hay nói đến nơi họ đang ngồi đã từng là những chiến địa đẫm máu của một thời khói lửa. Dakto, Tân Cảnh, Kontum, Pleiku, đường 14 hay những con sông Dakbla, Poko…, với những trận đánh khốc liệt, mở màn cho một “Mùa hè đỏ lửa”-mùa hè 1972. Gần 40 năm sau, thành phố cùng những làng quê hiền hoà tại vùng cao nguyên núi rừng dường như vẫn còn một cuộc chiến âm ỉ khác.

Gần 40 năm trôi qua. Thật khó cho một thế hệ trẻ trong nước sinh ra sau chiến tranh còn biết đến những gì đã xảy ra tại những địa danh này của một thời binh đao. Và giá như không có những “Người ở lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh hay một “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam, có lẽ những cái tên khác ngoài Charlie như Yankie, Delta, Hotel, Metro …, những cứ điểm quân sự quan trọng vùng Tân Cảnh, Kontum trong giao tranh mùa hè 1972 cũng đã không được thêm nhiều người biết đến, ngoài những người tham chiến từ cả hai bên. Và một thung lũng của giòng sông Poko nằm dưới chân đồi Charlie, nơi Trung tá Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Dù Nguyễn Đình Bảo đã anh dũng hy sinh và để lại sự thương tiếc trong ca khúc “Người ở lại Charlie”, lại càng là cái tên xa lạ hơn.

Cùng với sông Dakbla, giòng Poko đổ vào hồ Yaly, là nơi một trong những hồ thủy điện lớn tại cao nguyên VN hiện nay. Nhưng năm qua, giòng sông Poko lại trở nên quen thuộc hơn, từ trong nước ra đến hải ngoại. Theo dõi thời sự, người ta sẽ thấy báo chí, truyền hình đăng hay trình chiếu hình ảnh những em nhỏ, người dân ngày ngày đã phải đu dây ròng rọc sang sông, vì cả làng không có một chiếc cầu qua lại. Hồn nhiên như một gánh xiếc. Mạo hiểm như những sô truyền hình đại loại như “Fear Factor” hoặc “Survivor” ăn khách tại Mỹ. Kontum hay các vùng đất Tây nguyên vẫn đang chậm chạp trở mình. Cho dù ở những mặt nổi thoáng qua.
   


Từ Sài gòn ra Kontum, chúng tôi đi phi cơ cánh quạt của hãng Hàng không VN. Nghe dăm người thuyết phục rằng những chuyến xe đêm chở khách đi lại giữa Sài gòn-Kontum bây giờ mới lắm, an toàn và thoải mái lắm, tôi đã toan xiêu lòng. Nhưng cũng qua những câu chuyện kể rằng, có tài xế ngồi nhậu cho “tỉnh người” (!?) trước khi cầm lái đêm khuya, tôi lại đổi ý định. Khởi hành 6-7 giờ tối mỗi đêm, ngủ một giấc, sáng ra đã đến nơi. Đến nơi cần đến hay nơi chưa muốn đến, còn là điều rủi may và sự “tỉnh người” của những người tài xế đó. Dăm người đùa chọc tôi rằng “giày dép còn có số” mỗi khi tôi lưỡng lự chuyện đi lại. Tôi vẫn cười thầm và tự nhủ, “Quả thật, có thể có vận số. Nhưng số giày hãy đo bằng chân mình chớ không phải đặt vào chân người khác”. Nên thôi đi bằng phi cơ chỉ một tiếng đồng hồ, dù chỉ đến được phi trường Pleiku còn cách Kontum thêm chừng năm chục cây số. Và vì tôi nghe rằng báo chí chỉ hay phanh phui các vụ phi hành đoàn của HKVN thường buôn lậu chứ không uống rượu khi bay, nên có lẽ an toàn hơn.

Kontum, thị xã cực bắc vùng Tây Nguyên, cách Sài gòn khoảng 600 cây số là một thành phố cao nguyên bé nhỏ, từng là trung tâm hành chính vùng Tây Nguyên thời Pháp thuộc. Những nhà truyền giáo phương Tây đến đây từ giữa thế kỷ 19 nên không ngạc nhiên khi thành phố này có chủng viện, những nhà thờ có kiến trúc đẹp mắt. Nhà thờ Gỗ Kontum được một linh mục người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 quả thực là một công trình kết hợp đặc sắc giữa kiến trúc phương Tây và văn hoá bản địa. Và dường như phong cách này trở thành khuôn mẫu cho những nhà thờ lâu năm hay mới xây tại Kontum. Người công giáo khá nhiều, đi vào sâu hơn nữa, đạo Tin Lành cũng phát triển mạnh. Không ồn ào, xô bồ như vài thành phố lớn hay thành phố du lịch khác, Kontum vẫn giữ nét hiền hoà, đơn sơ.

Đây là thành phố có khá nhiều quán cà-phê rất đẹp, trang trí theo kiểu cách Tây nguyên hay kết hợp các kiến trúc và trang trí bắt mắt, dễ chịu. Nghe nói hai năm qua, tỉnh Kontum, một trong những tỉnh có mật độ cư dân thấp nhất VN hiện nay, khi dân số chỉ dưới 500 ngàn người, đã được công nhận chuyển từ thị xã trở thành “thành phố” và các làng buôn trở thành “phường xã”. Một hình thức “đô thị hoá” trên mặt giấy tờ hành chính, dù đời sống nói chung vẫn cứ là buôn, là làng, là quê. Hay là thị trấn, như ngay chính tại thành phố Kontum.

Sống đôi tuần tại một làng nhỏ, dù nay đã được “nâng cấp” thành “phường” và chỉ vài cây số đã qua đến thị xã, nhưng tôi được sống thật sự trong đời sống những người dân quê với những con đường làng nguyên sơ. Nếu đoạn đường của quốc lộ 14 băng ngang qua Pleiku hay Kontum đã được xây dựng, mở rộng khang trang to lớn, thì ngay trong thành phố hay vào sâu hơn nữa, các phường xã buôn làng, đã không có sự phát triển như các thành phố khác. Chỉ vài con đường được trải nhựa đi qua vài nơi, khó có thể coi đó là những sự đổi thay lớn lao. Nhưng ngược lại, nhà cửa người dân đã hoặc đang được đập phá, xây cất lại nở rộ hơn cả các thành phố khác.

Đi qua một dãy phố, cứ vài ba nhà lại có một nhà đang xây. Vào bên trong các làng xã cũng vậy. Từ Pleiku, qua Kontum, lên Tân Cảnh, Dakto…, nhà cửa hai mặt tiền rõ ràng khang trang hơn nhiều. Phần nhiều là những tiệm ăn, là các điểm dịch vụ, bán xe honda hay cơ quan công sở chính quyền. Những du khách đến hay tìm về những nơi này chỉ là những cựu chiến binh, người Việt hay Mỹ, đến và hồi tưởng lại một thời sống chết và hào hùng của họ, hơn là nhìn và tìm lại cảnh xưa. Vì đã gần 40 năm, dấu vết chiến tranh nếu có còn sót lại, ắt đâu đó trên những ngọn đồi kia, chỉ là những trái mìn, trái bom chưa nổ.

Cứ ngỡ ai cũng ăn nên làm ra để có tiền của bỏ ra tân trang hay xây nhà. Nhưng té ra cơn sốt đất đai đã lan đến các tỉnh cao nguyên vài năm qua. Có người đất đai bị giải toả hay bị trưng dụng và được bồi thường nên xây nhà mới. Người dân thường thì nhờ đất đai hương hỏa, đất thừa kế cha mẹ, ông bà để lại. Cứ cắt một miếng hay một nửa mà bán để xây nhà. Ở tỉnh lỵ hay thôn quê, không nghe chuyện bạc tỉ, mà chỉ đôi ba trăm triệu, chừng 10 đến 15 ngàn đô la, đã có ngôi nhà gạch lợp tôn, sơn vôi sáng sủa. Xây dựng đơn giản, cứ bề ngang 4.5 mét, chiều dài đến 20 mét hay hơn. Thẳng đuột, xây thêm vài bức tường ngăn, đã ra phòng khách, phòng ngủ và phòng ăn. Lại có thêm nhà vệ sinh. Nhưng đặc biệt hơn là các dĩa vệ tinh thu sóng truyền hình, được bắt tại hầu hết mọi gia đình, dù vẫn còn là căn nhà mái tranh hay cũ kỹ vì không đủ tiền xây nhà. Người dân quê không mong gì hơn ngoài những điều như vậy.

Nhưng ngoài một căn nhà mới, cái truyền hình màu để coi đủ đài suốt ngày, hay khá giả hơn là một giàn karaoke ngày càng thịnh hành hơn tại các vùng quê, thanh niên lớn lên không có nhiều chọn lựa về nghề nghiệp hay việc làm, nên việc kiếm sống còn là điều vất vả. Đó là cuộc sống những người Kinh, những người thuần Việt, trong khi tỉnh Kontum thì hơn một nửa là người dân tộc thiểu số. Các báo cáo dân số tại VN cho biết: có đến 35 sắc dân thiểu số sống tại tỉnh Kontum, chiếm đa số như sắc dân Sê-đăng, Ba-na, Giẻ-triêng, Gia-rai, Ê-đê… , mà đời sống và ánh sáng văn minh đô thị với họ còn là điều xa vời.

Đời sống nửa quê nửa tỉnh lỵ là một điều khó khăn với thanh niên vùng quê nói chung. Họ quen thuộc và thích nghi, hay thích hưởng thụ những tiện nghi, xa hoa thành thị khá nhanh, nhưng lại không có nhiều cơ hội, hoặc không đủ khả năng, để làm việc trong môi trường kỹ nghệ hoá. Dù không ít người lại chán cảnh ruộng rẫy, vườn tược. Nên làm gì ngoài chuyện… nhậu. Dân nhậu có những câu chuyện trên “bàn nhậu”. Dân nhậu tự trào bằng câu chuyện vui rằng “Việt nam ta làm việc gì cũng khoa học, có khuôn phép trên dưới trước sau. Đến nhậu cũng còn có… chủ xị”.

Nhậu sáng, nhậu trưa rồi nhậu chiều. Mới 10 giờ sáng, bốc điện thoại thì chỉ chừng 30 phút sau đã có đủ mặt “bá quan văn võ” mà tôi được gặp qua các mối quan hệ bắt cầu. Có người là thầu xây dựng hay thợ điện. Có tay là công an, thuế vụ. Có người buôn bán hay chủ đồn điền cao su. Có khi là thầy giáo và tay buôn qua Lào, Campuchia. Rồi tôi có dịp dự đám cưới bên phố hay “xin” cùng đi dự “đám cưới trên đường quê”, dựng chòi xây rạp trước nhà. Có đám cưới, khách dự uống cả một hay hai ngàn chai bia chỉ là chuyện rất thường.

Nếu ngồi nghe và chỉ chêm dăm câu hỏi, rằng mình đang nghe và muốn biết điều họ nói, bạn có thể nghe được khá nhiều câu chuyện qua những lời kể. Nếu so sánh chắt lọc, bạn cũng có thể có thêm đôi thông tin về đời sống chung quanh. Không phải không ít chuyện thú vị. Sống dăm tuần và “lăn lóc” trên các “độ nhậu” như cái cớ, quả thật những sự gặp gỡ, trò chuyện cùng hàng trăm người đủ nghề nghiệp khác nhau đó đã ít nhiều cho tôi dăm nhận xét về con người, sinh hoạt và suy nghĩ nói chung về nơi mình đi qua.

Người dân quê ở đâu cũng hiền hoà, chân chất. Nhưng những vùng đất chẳng được ưu ái như miền Tây, đời sống ít nhiều kham khổ hơn đã tạo nên những tính cách khác biệt. Tôi vẫn tin rằng địa thổ hay điều kiện sống của cả một vùng có thể quyết định lên cá tính người dân sống ở đó. Nếu những em nhỏ vẫn hồn nhiên và một lớp thanh niên mới lớn vẫn còn giữ được thói nhà hơn cả thanh niên thành thị, thì người dân quê bây giờ dường như kèn cựa, so bì, vật chất nhiều hơn. Họ dễ hờn dễ giận. Chỉ dăm điều không hài lòng tại một đám ma chay hay cưới hỏi, họ chê trách cả tuần.

Một câu nói hay cử chỉ không được vừa lòng, họ ấm ức vài ngày. Nên chẳng lạ gì khi cơn sốt đất đai lan truyền đến các vùng quê, những vụ kiện tụng, tranh giành xảy ra khắp mọi nơi. Cha mẹ từ con cái, anh em kiện nhau, cô dì không nhìn mặt con cháu. Một thực tế đáng buồn tại một số vùng nông thôn VN, và không còn là điều lạ lẫm nếu đọc thêm từ báo chí quốc nội.

Theo chân những người thợ gỗ hay những người làm phu rẫy, đồn điền cao su hay chạy xe dọc theo đường mòn Hồ chí Minh, vào chỉ dăm chục cây số sâu hơn ánh sáng văn minh đô thị, bạn sẽ thấy đời sống của các những sắc dân thiểu số xem ra còn đầy vẻ sơ khai. Không phải những già làng mang xà-rông mới tinh hay nhà rộng còn thơm mùi gỗ cho du khách nước ngoài chỉ trỏ, chụp hình. Mà là những già làng và đời sống thật sự rải rác khắp nơi. Những già làng mang áo quần cũ như người Kinh, có thể trò chuyện lưu loát bằng tiếng Việt, hay thậm chí được những người chủ vườn cao su mua cho điện thoại di động để nhờ họ góp phần chăm nom ruộng rẫy, cùng những khuôn mặt trẻ thơ hằn rõ sự đói nghèo. Nhìn máy chụp hình đưa lên, nhiều em sợ hãi chạy trốn hay che mặt.

Tôi không rõ các em có được đi học, hoặc giả đi học ở đâu và bằng cách gì, khi hầu hết các em đều không lộ vẻ hiểu được tiếng Việt. Phải còn nhiều năm nữa, hoặc giả cũng chẳng biết đến bao giờ, những em bé này sẽ hưởng đôi phần bé nhỏ trong sự phát triển chung tại VN. Hãy nhìn câu chuyện thời sự về những chiếc ròng rọc đu dây sang sông Poko để hiểu hơn về đời sống của họ. Rất may còn những nhà truyền giáo đã phần nào mang ánh sáng đức tin và sự giúp đỡ vật chất hạn chế đến những vùng này. Nghe các thợ xẻ gỗ bảo tôi rằng, nhiều thanh niên dân tộc chỉ “nhậu” với nước ngọt khi có dịp, vì họ là tín hữu Tin Lành.

Ngay tại trung tâm thành phố, cô nhi viện Vinh Sơn là nơi đầy những đôi mắt to tròn hồn nhiên của những trẻ em cô nhi người dân tộc thiểu số được các nữ tu chăm sóc, bằng nguồn tiền từ thiện khắp nơi. Tôi có cơ hội gặp và trò chuyện một nhà hoạt động từ thiện vui vẻ người Anh đã chọn Kontum làm nơi sinh sống trong vài năm qua. Có lẽ đã nghỉ hưu và đang làm việc cho một tổ chức từ thiện nước ngoài, ông đến VN bằng một tấm lòng nhân ái và xem là ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Kể chuyện về chuyến đi, một anh bạn của tôi hỏi rằng “Tại sao gọi là Kontum?” và đề nghị đem giải thích này vào trong bài viết. Nó giống như khi tôi hỏi nhiều người về chữ “Dak” trong những ngày Kontum về những Dakbla, Dakto, Dak Glei, Dak Hà, Daklăk… Tôi vẫn thích tìm hiểu, từ sách vở và từ những câu chuyện với người bản địa về bất cứ nơi nào mình đi qua. Kontum là tiếng Ba-na, với Kon là Làng và Tum là Hồ, nên Kontum tức là Làng Hồ. Một ngôi làng bên bờ hồ, theo ý nghĩa từ những ngày xa xưa.

Trong khi “hồ” theo tiếng Ê-đê lại là Lak và Dak là “nước”, như trong Daklak hay Đắc Lắc, được Việt hóa. Hoặc giả như Ban Mê Thuột hay Buôn Ma Thuột cũng theo trong tiếng Ê- đê có ý nghĩa là “Bản làng của cha Thuột”, người được truyền tụng là vị tù trưởng giàu có và quyền uy A-ma Thuột của vùng này từ xa xưa. Và tên gọi này được những nhà truyền giáo giữ nguyên khi thành lập giáo phận công giáo này (Dioecesis Banmethuotensis). Quả là những điều thú vị về văn hoá và lịch sử của những vùng đất Tây nguyên này, mà bạn hay tôi muốn tìm hiểu, không phải là điều khó khăn gì cho bất cứ ai. Nhưng để hiểu hơn về đời sống của người dân Tây nguyên, nơi họ đang chiến đấu cùng đói nghèo và bịnh tật, quả là điều ngoài tầm tay của nhiều người.

Vì thật khó có thể hình dung được, hàng ngày người dân hay con cái của họ phải đu ròng rọc qua sông để mưu sinh hay học dăm chữ. Rất khó. Khi chỉ nhìn và biết đến những quán xá, cao ốc, siêu thị sầm uất, nhộn nhịp tại các thành phố lớn của VN hiện nay.