Home Đời Sống Tài Liệu Vai Trò Của Lê Quý Đôn Trong Việc Đúc Tiền Ở Thuận Hóa

Vai Trò Của Lê Quý Đôn Trong Việc Đúc Tiền Ở Thuận Hóa PDF Print E-mail
Tác Giả: Bs Nguyễn Anh Huy   
Thứ Năm, 06 Tháng 10 Năm 2011 04:38

Tiền Thương kiểu mới nay cần đúc, Đồ Nguyễn ngày xưa phá lấy đồng.

                      tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo
                (sưu tập của Nguyễn Toàn Thắng)

 Theo lời Lê Quý Đôn kể, năm 1776, khi ông trên đường vào nhận chức ở Thuận Hóa, đi ngang qua xã Yên Định, (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) thì có một người học trò (nhà nho) tên là Lê Viết Trinh, 53 tuổi, dâng thư rằng : “Gia thế tôi vốn theo nghiệp nho, tài sơ học cạn, không được nước cũ dùng, ẩn náu ở Phú Xuân, chuyên dạy học trò, xuân thu thấm thoát đã quá năm mươi tuổi. Từ tháng giêng năm giáp ngọ, trông thấy quân nhà vua tới cõi, mới trở về làng, chính muốn trộm nhàn để được gội lấy giáo hóa mới. Nhưng vì liền năm đói kém, mất kế sinh dinh, chính là “Lòng lo gạo củi trời khôn hiểu, vận gặp ba đào mộng cũng kinh”, thường muốn trở về dinh Phú Xuân để cúi bày một vài ý kiến nhỏ bé, nhưng bởi tráng sĩ hổ thẹn về nỗi hết tiền, khó mà thực hiện được kế ấy. Nay lại thấy xe thiều phó nhiệm, đi qua địa phương, bất giác quên mình quê mùa, viết thành ba bài thơ luật để ngụ ý nhỏ dâng cần hiến bộc. Nếu có nhờ ơn dung nạp, không bỏ lời quê, thì dù không phải là gươm Thanh Bình ngọc Kết Lục, nhưng cũng nhờ giá cao ở cửa Tiết Chúc Biện Hòa vậy…”(1).
 
Trong 3 bài thơ kèm theo thư trên, bài thơ thứ 2 có nội dung liên quan đến việc đề nghị đúc tiền, tôi xin lấy bản dịch(2) sau :
Nam Bắc mừng nay họp lại cùng,
Tiền tiêu nỡ để chẳn lưu thông.
Tiền Thương kiểu mới nay cần đúc,
Đồ Nguyễn ngày xưa phá lấy đồng.
Vật hạng không còn cao vọt giá,
Dân sinh tự khắc thỏa thuê lòng.
Cứu thời xin trổ tay thầy giỏi,
Chổ gấp trừ ngay bệnh mới hòng.
 
Vì sao Lê Viết Trinh cho rằng nên phá đồ đồng của chúa Nguyễn để bắt chước vua Thương (Trung Quốc) mà đúc ra tiền mới ?, chúng ta cần xem lại bối cảnh sử dụng tiền tệ của chúa Nguyễn(3)…

Kể từ năm 1746, chúa Nguyễn Phúc Khoát nghe lời người nước Thanh họ Hoàng mua kẽm trắng của Tây đúc ra tiền kẽm mà “Lúc mới đúc, tiền rất cứng, dày, tuy có thể đốt chảy nhưng không thể bẻ gãy được. Lại nghiêm cấm đúc riêng nên tiền ít khi mỏng quá, việc công việc tư đều tiện tiêu dùng. Thế rồi, người ta cất chứa tiền đồng, không cho phát ra. Lâu dần, người quý thế tranh nhau xin đúc đến hơn trăm lò… trộn cả chì vào, tiền càng ngày càng nhỏ mỏng có thể bẻ gãy được, dân gian hiềm tiền xấu, mua bán không thông. Trước một đồng ăn một đồng, đến nay thì ba đồng mới ăn một một đồng mà vẫn còn chọn bỏ…”(4).

Để cứu nạn lạm phát này, Dật sĩ Thuận Hóa là Ngô Thế Lân đã viết một bài Luận tiền tệ để dâng lên chúa Nguyễn có nội dung như sau: “Trộm nghe khi tiên chúa mở mang đất còn hẹp, dân còn thưa, phía Nam chưa có đất Gia Định màu mỡ, phía Bắc còn có việc phòng thủ Hoành Sơn, liền năm chinh chiến mà dân không đói kém, nhà nước thừa tiêu. Ngày nay thiên hạ bình tĩnh đã lâu, đất rộng dân đông, những đất trồng lúa đã khai khẩn hết. Hơn nữa, ruộng ở Phiên Trấn và Long Hồ lại không bị hạn lụt bao giờ. Thế mà từ năm mậu tý tới nay, giá thóc cao vọt , nhân dân đói kém là cớ làm sao ? Thần trộm nghĩ không phải do thiếu thóc mà chính vì tiền kẽm gây nên vậy.

Phàm dân chạy về chỗ lợi cũng như nước chảy xuống thấp, thế không thể ngăn được, cho nên tuy rừng sâu có độc lam chướng, có nạn hùm beo, biển lớn có nguy sóng gió, có nạn kình ngạc, mà người ta vẫn thường đến mà không sợ, đó là vì thấy lợi mà quên hại vậy. Huống chi lợi đúc tiền kẽm lại gấp bội lợi khác, mà không có cái lo về lam chướng hùm beo, sóng gió kình ngạc, dẫu có phép cấm, nhưng từ khi dùng tiền đến nay, chưa nghe có ai vì đúc trộm tiền mà chết bao giờ. Cho nên từ khi việc đúc trộm tiền kẽm ở Ba Xắc hoành hành thì giá thóc ở Gia Định cao vọt, là bởi kẻ đúc trộm tiền kẽm được lợi rất nhiều, nếu chở đi nơi khác thì sợ lộ việc gian, cho nên không kể hàng đắt hay rẻ, đều tùy tiện mà mua lấy, giá thóc bèn nhân đó mà đắt lên. Thóc đắt thì dân sợ đói, sợ đói thì tranh nhau mua để chứa, tranh nhau chứa thì thóc ngày càng đắt, thóc đắt thì mọi vật trong thiên hạ cũng theo đó mà đắt lên. Huống chi tình người ai chẳng thích cái bền chắc mà ghét cái chóng hỏng. Nay lại lấy đồng tiền kẽm chóng hư mà thay cho đồng tiền đồng bền chắc, cho nên dân tranh nhau chứa thóc mà không chịu chứa tiền. Thời Hán Cao Tổ hiềm tiền bán lạng của nhà Tần nặng, đổi đúc giáp tiền, vật giá cao vọt, một thạch gạo là một vạn đồng, đó là vì tiền mỏng nên thóc phải đắt, đã có kinh nghiệm rõ ràng. Vả từ khi có Gia Định, dân ở xứ ấy chưa từng lấy sự chứa thóc làm lợi. Nay ở phủ Gia Định nhà nào cũng chứa thóc, chẳng những ở Gia Định mà cả ở Phú Xuân và các phủ, không kỳ đắt rẻ, nhà buôn, nhà nông có tiền tranh nhau mà chứa thóc, vậy mà muốn cho thóc khỏi đắt thì có được không ? Ở Gia Định thóc đắt thì thóc ở các phủ không thể không đắt; thóc ở các phủ đắt mà dân ở Phú Xuân không đói sao được ? Phàm tình người một ngày không ăn hai bữa thì đói, suốt năm không may áo thì rét, đói rét thiết thân thì không đoái liêm sỉ, cho nên gian tà nổi mà trộm cướp sinh. Có câu nói rằng “Một bữa không có ăn thì cha con không có nghĩa nữa”; Cha đã không giữ được con, thì vua sao giữ được dân ? Tuy nhiên cái tệ tiền kẽm đã lâu rồi, nay muốn đổi đi thế là rất khó, mà nạn đói của dân lại rất gấp. Thần trộm nghĩ phương kế ngày nay không gì bằng phỏng theo phép nhà Hán, đặt kho thường bình, mỗi phủ một kho, đặt quan phụ trách, tùy phủ mà định giá thường bình, thóc rẻ thì theo giá mà đong vào, thóc đắt thì theo giá ấy mà bán ra. Như thế thì giá thóc không đến rẻ quá để hại nhà nông đến nỗi phải bỏ nghề, cũng không đến quá đắt để làm lợi cho bọn phú thương mà dân nghèo thì đói. Rồi sau sẽ dần đổi cái tệ tiền kẽm. Như thế giá hàng sẽ được bình ổn.
 
Xin trình bày thể lệ về phép kho thường bình như sau : Ví như phủ Gia Định giá thóc thường bình mỗi hộc 5 tiền, Bình Thuận, Diên Khánh, giá thóc mỗi hộc 6 tiền, Phú Xuân, Quy Nhơn giá thóc mỗi hộc 7 tiền, Quảng Ngãi, Thăng Hoa, Điện Bàn, giá thóc mỗi hộc 8 tiền, Thuận Kinh, Quảng Bình, Bố Chính, giá thóc mỗi hộc 1 quan. Như gặp ngày mùa ở các phủ thì cho dân theo giá thường bình mà mua bán, nếu thóc không chạy mà giá rẻ thì hữu ty y giá thường bình mà mua; hoặc nhà có thóc giữ giá không chịu bán thì hữu ty cũng y giá thường bình mà mua, khiến họ cũng không dám giữ giá; rồi sau lấy thuyền vận chở tới Kinh, còn dư thì để chứa xứ ấy để phòng năm mất mùa mà phát chẩn cho quân dân. Phép ấy lập nên thì thóc Gia Định đến Kinh phải được lợi gấp đôi, thóc Bình Thuận, Diên Khánh tới Kinh thì lợi 4 phần sáu, Phú Yên, Quy Nhơn thì lợi 3 phần 7, Quảng Ngãi, Thăng Hoa, Điện Bàn thì lợi 2 phần 8. Như thế thì hằng năm không phải sai quân đòi thuyền thóc ở các phủ tới Kinh nữa mà các thuyền thóc ở các phủ cũng tranh nhau tới Kinh vậy. Phép ấy đã không hại của lại không hại dân, cho nên vua Tuyên Đế nhà Hán dựng lên phép ấy thì người ta đều cho là tiện cả”(5).

Bài biểu của Ngô tiên sinh tuy chỉ đề nghị lập kho thường bình, đã không được chúa Nguyễn xét đến; thì ý tưởng phá đồ đồng của chúa để đúc tiền chắc chắn càng không thể được đồng ý, cho nên trong thơ gởi Lê Quý Đôn, Lê Viết Trinh cũng có nói “không được nước cũ (tức chúa Nguyễn) dùng”!

Chính những điều này đã làm xã hội Đàng Trong hỗn loạn, tạo thời cơ cho chúa Trịnh đánh chiếm Thuận Hóa năm 1774 như chúng ta đã biết.

Khi quân Trịnh vào Thuận Hóa, các chiến lợi phẩm bằng đồng, và cả tiền đồng, Lê Quý Đôn cho biết “rốt cuộc chưa có cách tiêu hủy được”(6). Nhưng sau đó, “Mùa xuân năm Bính Thân [tức là năm 1776], vâng truyền rằng phàm bắt được súng đồng ở Thuận Hóa, nòng súng đã rộng không dùng được, cùng là đồ đồng, tấm đồng nặng lớn không dùng được và không chở đi được thì nên đem phá hủy gấp mà đúc tiền cất chứa, đồng tiền nặng 1 đồng cân, đề chữ Cảnh Hưng Thuận Bảo rồi xem đúc được bao nhiêu, làm khải đệ lên, để chứa dùng vào việc ngoài biên… mở xưởng đúc tiền ngay ở bên hữu trấn dinh, lấy người am hiểu các xã làm thợ… Ngày 22 tháng 2 bắt đầu làm, ngày 30 tháng 6 thì xong… cọng được 30.362 quan…”(7).
 
Ngày nay, tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo (景興順寶) – chữ “thuận” dùng để ghi nhớ chiến công Bình Nam được Thuận Hóa của chúa Trịnh Sâm – không phải là di vật hiếm lắm. Xem kỹ, dù là tiền do quân Trịnh đúc, nhưng có chất liệu khác hẳn các loại tiền Cảnh Hưng đúc ở Đàng Ngoài, còn về đặc điểm thì do “Lấy những người biết đúc tiền ở các xã [ở Phú Xuân] làm thợ”(8) nên chắc chắn là mang đặc điểm tiền xứ Đàng Trong.

Sử gia triều Lê, trong Đại Việt sử ký tục biên, nhận xét rằng “Bấy giờ triều đình bàn sai quan đúc tiền. Cũng đúng như lời Lê Duy Trinh đoán trước”(9). Tôi không nghĩ rằng lời của Lê Viết Trinh là tiên đoán như dạng một lời sấm, mà cho rằng ý kiến của ông rất có thể đã được chúa Trịnh thực thi qua trung chuyển của Lê Quý Đôn.
Trong Phủ biên tạp lục cũng không nói rõ việc đúc ra tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo có phải do Lê Quý Đôn đề đạt lại ý kiến của Lê Viết Trinh không ?, mà chỉ ghi “vâng truyền rằng…”; tuy nhiên, sự thật lịch sử đã diễn ra đúng như trong thơ của Lê Viết Trinh gởi Lê Quý Đôn!
Huế, tiết Đại Thử, 2011.
NAH

CHÚ THÍCH:
(1) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB KHXH, 1977. Tr. 313-314.
(2) Đại Việt sử ký tục biên (Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng dịch, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính), NXB Văn hóa Thông tin, 2011, Tr 407-408. Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn nói tên người học trò này là Lê Viết Trinh, còn trong Đại Việt sử ký tục biên chép là Lê Duy Trinh, tôi lấy theo lời kể của Lê Quý Đôn.
(3) Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Chính sách phát triển tiền tệ của các chúa Nguyễn: nguyên nhân và hệ quả”.
(4) Lê Quý Đôn, sđd. Tr. 221-222.
(5) Lê Quý Đôn, sđd. Tr. 300-302.
(6) Lê Quý Đôn, sđd. Tr. 222.
(7) Lê Quý Đôn, sđd. Tr 223.
(8) Đại Việt sử ký tục biên, sđd, Tr 407-408.
(9) Đại Việt sử ký tục biên, sđd, Tr 407-408.