Đặng Tiểu Bình là một nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế kỷ 20 mà hầu như không ai-trừ phi họ là người dân Trung Quốc—biết đến.
Nguyên bản: Christian Caryl, “The Skeletons in Deng’s Closet,” Foreign Policy Magazine, September 13, 2011. Christian Caryl là chủ biên Hoa Thịnh Đốn của Radio Free Europe/Radio Liberty. Ông cũng là một biên tập viên của Tạp chí Foreign Policy và học giả thâm niên của Trung Tâm MIT về Khoa Học Thuật Quốc Tế (MIT Center for International Studies).
|
Khách du lịch Trung Quốc đứng trước chân dung vĩ đại của Đặng Tiểu Bình căng truớc quảng trường ở Thâm Quyến, Quảng Đông |
Đặng Tiểu Bình là một nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế kỷ 20 mà hầu như không ai-trừ phi họ là người dân Trung Quốc—biết đến. Trong lúc hầu hết mọi người dân Trung Quốc công nhận thành tích Đặng Tiểu Bình là vị lãnh đạo đã cứu họ ra khỏi nạn nghèo đói, đồng thời mang Trung Quốc vào hàng ngũ các quốc gia đứng đầu trên thế giới về mặt kỹ nghệ, đối với thế giới bên ngoài Mao Chủ Tịch mới là người có khuôn mặt được in trên áo T-shirt của dân du lịch. Không nghi ngờ gì nữa: ở ngoài quê hương ông, Đặng Tiểu Bình, người qua đời vào năm 1997, chắc phải là người ít được tôn sùng nhất trong số các chính khách thành công nhất của thời hiện đại.
Có nhiều lý do cho điều này. Mao đã trở thành một biểu tượng hoàn cầu bởi giáo điều Cách Mạng Văn hóa do ông khởi xướng ăn khớp thần sầu với cuộc nổi loạn khắp thế giới của giới trẻ chống lại chính quyền, tạo cho ông ánh hào quang thời thượng, tồn tại bất kể chuyện thế giới đã tiếp nhận một kiến thức sâu đậm hơn về hậu quả trầm trọng của tội ác lịch sử mà Mao đã gây ra. (Trong một vài nhóm nào đó, sự cuồng nhiệt của Mao trong chiến dịch bạo hành tập thể có thể đã tạo thêm sự thu hút cho ông.) Những cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, ngược lại, có tính chất bảo thủ và tích lũy, không khác những bài diễn từ về kinh tế ở Davos chứ không phải là những cuộc diễn hành đầy khí phách. Phải mất một thời gian mới thấy tác động của chúng, và những thành quả, cho dù đáng khâm phục, đã không được tạo dựng để gây xúc cảm mạnh.
Dù sao, Đặng Tiểu Bình đã có một cuộc sống ly kỳ và dài lâu, với nhiều tình tiết gay cấn và ý nghĩa hoàn cầu, xứng đáng được mổ xẻ từng chi tiết. Vì vậy, chúng ta phải cảm ơn giáo sư Harvard Ezra Vogel đã dành một phần lớn sự nghiệp hàn lâm của mình để hoàn thành một quyển tiểu sử đồ sộ, Đặng Tiểu Bình và Sự Chuyển Đổi của Trung Quốc (Deng Xiaoping and the Transformation of China), có thể coi là một tài liệu biên khảo công phu nhất về họ Đặng từ trước đến nay. Khi thực hiện quyển tiểu sử này, Vogel đã làm một công việc phi thường. Coi bộ như ông đã hấp thụ tất cả mọi tài liệu, từng mỗi hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1921. (Tôi không thể nói rằng tôi ganh tị với ông ở nhiệm vụ này, cũng may mà có người như ông đã làm một việc như vậy.)
Đã có một số tiểu sử về Đặng Tiểu Bình trước đây – của sử gia bẳn tính Benjamin Yang, nhà cựu ngoại giao bặt thiệp Richard Evans, chuyên gia chỉn chu Michael Marti – nhưng Vogel có thể được coi là bao quát nhất về mặt thông tin. (Maurice Meisner đã viết một cuốn sách kỳ diệu về Đặng Tiểu Bình và thời đại của ông, nhưng nó không bao gồm đủ chi tiết của một quyển tiểu sử.) Vogel không bỏ qua một điều gì, và điều này trên hết là một điểm tốt. Nhưng đôi khi trong một cuốn sách 928 trang với những chương khô khan như "Điều chỉnh kinh tế và cải cách nông thôn, 1978-1982" –nó làm người đọc mệt đừ. Nếu bạn muốn biết những chi tiết cụ thể về sự nghiệp của Đặng Tiểu Bình, bạn sẽ được phục vụ hoàn hảo, nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về đời sống của họ Đặng, bạn có thể phát cáu. Vogel có thể biện minh rằng sự nghiệp của một chính khách là đề tài quan trọng nhất, và tất nhiên đó là sự thật – đến một mức nào đó. Tuy nhiên, một cuốn tiểu sử, bởi chính bản chất của nó, cũng nên là một thiên tiểu thuyết – tốt nhất là một thiên tiểu thuyết không bị kiểm duyệt. Sự thẳng thắn tàn nhẫn là một thiết bị cốt yếu của văn chương. Trước thời giáo sư Vogel, sử gia William Taubman đã thiết lập những tiêu chuẩn lý tưởng qua chân dung Khrushchev, trong một quyển tiểu sử có nhiều giá trị nghiên cứu nhưng cũng đầy những tình tiết châm biếm tuyệt vời. Vogel, ngược lại, có vẻ hơi hấp tấp trong chuyện lờ đi những khía cạnh đen tối hoặc khiếm khuyết trong quá khứ người hùng của mình. Những nghi vấn vĩ đại, những tình tiết éo le với đầy dẫy sự kinh ngạc, và cái mùi nồng nồng cay cay của ông lãnh đạo vùng Tứ Xuyên dường như chưa được sống dậy từ những trang giấy.
Vogel du lịch thường xuyên sang Trung Quốc từ thập niên 1960, và qua nhiều năm đã tạo dựng được mối quan hệ gần gũi với những người thân của Đặng Tiểu Bình và các viên chức lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ hội này dĩ nhiên đã tạo sự phong phú cho cuốn sách. Nhưng khi Vogel tường thuật một điều mới mẻ về đối tượng của ông, nó thường không phát xuất từ một tài liệu, mà là vì người được ông hỏi chuyện đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của họ. Lời phát biểu độc đáo nhất được xuất phát từ con trai út của Đặng Tiểu Bình: "Cha tôi nghĩ rằng Gorbachev là một tên ngốc."
Bạn có thể lập luận rằng lời nhận xét gần như tình cờ này chính là nền tảng của toàn diện câu chuyện về Đặng Tiểu Bình và hai khuynh hướng rất khác biệt giữa Trung Quốc và Liên Xô. Vào năm 1956, sau khi đã có 30 năm kinh nghiệm trong sự nghiệp chính trị sôi động, Đặng Tiểu Bình là người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc đến Moscow trong dịp Đại hội Đảng thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi Nikita Khrushchev đã phát biểu "bài diễn từ bí mật" lên án chính sách tôn thờ cá nhân Stalin. Như những thành viên từ nước ngoài đến tham dự, Trung Quốc thực ra đã không có mặt ở trong hội trường khi Khrushchev công khai nhìn nhận tội ác và những thất bại cá nhân của Stalin, nhưng họ đã sớm biết được nội dung bài diễn từ.
Ở thời điểm bài diễn văn của Khruschev, Gorbachev vẫn là một thanh niên đầy nhiệt huyết, nhiều năm sau đó đã áp dụng những nỗ lực của Khrushchev để cải cách về mặt chính trị nhưng không hề thiết kế một đường lối kinh tế hữu hiệu nào cho nước Nga. Đặng Tiểu Bình – tại thời điểm của bài phát biểu đã là một công chức trải qua nhiều thập kỷ của các cuộc đấu tranh đẫm máu chính trị – đi đến kết luận ngược lại với Gorbachev. Nếu hệ thống chính trị của một quốc gia tôn sùng các nhà lãnh đạo của nó như các vị thần, ông nhận định, kéo họ xuống tầm mức của thường dân chắc chắn sẽ gây nhiều ảnh hưởng rối loạn. Tốt nhất cứ để các vị thần an tọa trong lúc người lãnh đạo ở hậu trường tập trung sức lực vào việc cải thiện đời sống hàng ngày của nhân dân. Khi ông nắm quyền vào cuối thập niên 1970, Đặng Tiểu Bình đã quyết định xem kinh tế như yếu tố hàng đầu. Mặc dù ông và hàng triệu người khác đã trực tiếp hứng cơn thịnh nộ của Mao Trạch Đông trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ông đã tận dụng mọi nỗ lực để đảm bảo vị trí của Mao Chủ tịch như một siêu anh hùng của Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Đó là một kế hoạch nảy sinh những thành công diệu kỳ. Những cải cách mà Đặng Tiểu Bình và các đồng chí liên minh đề xướng vào năm 1979 là chiến dịch bài trừ nạn nghèo đói lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 33 năm vừa qua, kế hoạch thị trường của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vogel viết, "Khi Đặng Tiểu Bình đã trở thành nhà lãnh đạo ưu việt vào năm 1978, thương mại giữa Trung Quốc và thế giới đạt tổng cộng dưới mức $10 tỷ, trong vòng ba thập kỷ qua, nó đã phát triển gấp trăm lần." Dĩ nhiên, Đặng Tiểu Bình đã từ đó nới rộng các lĩnh vực tự do cá nhân cho người dân Trung Quốc, ngay cả khi ông tàn nhẫn bảo vệ sự toàn trị của Đảng Cộng sản và trì trệ những cải cách cơ bản về dân chủ. Trong tháng 6 năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã chọn đường lối đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên Bắc Kinh và các thành phố khác với những chỉ thị tàn bạo làm hoen ố tiếng tăm ông từ đó. Nhưng cuộc cải cách kinh tế vẫn tiếp tục – phần lớn vì ông đã chứng minh cho các viên chức bảo thủ những nỗ lực của mình như một hậu vệ của Đảng Cộng sản. Như Vogel đã tinh tế phân tích, Cuộc Tham Quan miền Nam của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992, khi họ Đặng nhiệt liệt ủng hộ các Khu Kinh Tế Đặc Biệt mà ông đã khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1970, đã tác động các nhà cải cách kinh tế và giúp họ giành được một vị thế quan trọng về tầm chính trị ra khỏi tay đối thủ. Từ đó, người dân Trung Quốc chưa bao giờ phải quay về quá khứ, và ngày nay thế giới phải khâm phục những kết quả của họ.
Đặng Tiểu Bình đã dành nửa phần đầu của sự nghiệp dài 76 năm làm tông đồ của Mao – và ông đã theo sát gót người chủ mình trong chính sách coi rẻ mạng sống con người. (Như Vogel đã ghi chú, trong những năm dài làm chính ủy quân sự, Đặng Tiểu Bình đã nổi tiếng là người không ngần ngại kết thúc mạng sống những người lính dưới quyền của mình khi thời cơ đòi hỏi.) Tuy nhiên, trong một lúc nào đó- có lẽ trong chiến dịch Đại Nhảy Vọt thảm khốc đã giết hại khoảng 45 triệu người vào cuối thập niên 1950 – Đặng Tiểu Bình mất ảo tưởng về sự bất khả ngộ của Mao Chủ tịch. Năm 1961, họ Đặng có một bài diễn từ trước các tín hữu Đảng, trong đó ông tuyên bố triết lý “mục đích biện minh cho phương tiện” với một câu tục ngữ cổ của Tứ Xuyên: "Không quan trọng chuyện mèo đen hay trắng dài miễn là nó bắt được chuột." Đây là cách họ Đặng muốn Đảng đặt kế hoạch kinh tế lên trên tinh thần cách mạng – một kế hoạch mà Mao hiểu xác đáng như sự thách thức đối với khuynh hướng chính trị của mình. Đó chính là sự khác biệt về quan điểm mà sau đó đã suýt gây “tử nạn” cho Đặng Tiểu Bình trong thời Cách mạng Văn hóa, và một lần nữa sau cái chết của Chu Ân Lai vào năm 1976. Tổng cộng Đặng Tiểu Bình đã bị thanh lọc ba lần bởi những kẻ thù của mình –sau mỗi lần ông lại về nắm quyền hành thậm chí còn lớn hơn thời trước khi bị thanh lọc. Vogel rất có lý trong việc chú trọng đến thời điểm sau lần trở lại thứ ba vào năm 1977 của Đặng Tiểu Bình, sau khi những viên chức cột trụ của Đảng đã lật đổ góa phụ cuồng tín của Mao là Giang Thanh và các đồng minh của bà trong Tứ Nhân Bang. Theo sự ước tính của tôi, Vogel dành riêng 263 trang trong một quyển sách dày 928 trang chỉ để mô tả các sự kiện trong hai năm 1978-1979, khi Đặng Tiểu Bình đạt được địa vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và bắt đầu khởi xướng công cuộc cải cách. Không cần phải nói đâu xa, họ Đặng đã tiếp nhận bài học kinh tế từ các nước Đông Á khác đã tiên phong trên con đường hiện đại hóa theo chính sách độc tài với định hướng thị trường, bao gồm (mỉa mai thay!) quần đảo ly khai Đài Loan.
Người Mỹ theo bản tính thường liên kết thành quả của thử nghiệm và cải cách với tuổi trẻ, nhưng Đặng Tiểu Bình đã hơn 70 khi ông tác động công cuộc thay đổi khá ngoạn mục này. Vogel đã làm một công việc bậc thầy khi xây dựng lại rất nhiều những chi tiết chính trị tỉ mỉ đã tạo nên sự chuyển đổi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Vogel lại vụng về khi thuật lại những khoảnh khắc không mấy đẹp của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Chỉ cần nêu ra một thí dụ: phong trào Chống Cánh Hữu vào năm 1957 – lúc Đặng Tiểu Bình giám sát mệnh lệnh của Mao Trạch Đông –được Vogel tả là một "cuộc tấn công tàn ác vào khoảng 550.000 nhà trí thức đối lập bị chụp mũ cánh hữu” do đó đã “hủy diệt những trí óc khoa học và kỹ thuật ưu việt của Trung Quốc đồng thời gây chia rẽ nhiều thành phần khác." Dù sao, theo Vogel, Đặng Tiểu Bình đã theo lệnh Mao diệt trừ thành phần đối lập chỉ vì ông “bị khó chịu về chuyện một số nhà trí thức đã ngạo mạn và không công bằng trong cách chỉ trích các quan chức đang hết sức cố gắng thi hành nhiệm vụ phức tạp và khó khăn của họ." Hả? Không chỗ nào Vogel giải thích rằng các nạn nhân của chiến dịch Chống Cánh Hữu đã bị tra tấn, bức tử, bị đày đi các trại lao động hoặc bị quản thúc tại gia, có vài trường hợp kéo dài đến nhiều thập niên sau mới chấm dứt.
Dĩ nhiên, người viết tiểu sử có lý do chính đáng khi chú trọng vào cách đối tượng của họ tiếp nhận thế giới- chúng ta sẽ không hiểu rõ câu chuyện về Đặng Tiểu Bình nếu chúng ta chỉ về phe những người chỉ trích ông. Vấn đề ở đây là Vogel đã gồng lưng quá mức để biện minh cho lý lẽ của Đảng trong cuộc đàn áp Thiên An Môn hoặc vấn đề Tây Tạng, đến nỗi người đọc phải nghĩ rằng không ai có phép nghĩ khác ông. Một ví dụ khác vào đầu thập niên 1980, khi Đặng Tiểu Bình gay gắt bác bỏ những đề nghị nới rộng tự do cá nhân từ nhóm trí thức trong Đảng, Vogel nghiêm nghị nhận xét,"Khái niệm phương Tây về một Thiên Chúa tiên nghiệm với quyền chỉ trích những nhà lãnh đạo trần thế không hề có trong truyền thống Trung Quốc." Có lẽ tôi đã thiếu sót điều gì trong kiến thức của mình, nhưng có phải Đặng Tiểu Bình và các đồng chí của ông đã dành suốt cuộc đời của họ để định hình lại xã hội Trung Quốc theo các lý thuyết bí truyền của một nhà trí thức Đức gốc Do Thái? Truyền thống Trung Quốc? Có cái lạ là bất cứ lúc nào Vogel thảo luận về đề tài này, chính Đảng mới là thực thể với thẩm quyền định nghĩa truyền thống và phẩm giá Trung Quốc. Các nhà đối lập, ngược lại, không có quyền định nghĩa truyền thống hay phẩm giá quốc gia của họ.
Không phải lúc nào Vogel cũng giữ phép. Ông cũng đề cập đến một vài khía cạnh đen tối của câu chuyện. Chỉ có điều là ông hơi hăng hái trong việc “nhón chân” xung quanh những vấn đề nhạy cảm. Vogel mô tả quá trình lên ngôi của Đặng Tiểu Bình trong thời điểm 1978-1979 – hoàn toàn không một chút mỉa mai – là lúc "họ Đặng bắt đầu đẩy Hoa Quốc Phong ra ngoài lề vì lợi ích chung của Đảng và nhà nước." Vogel thuật lại rằng có một số tuyên thệ chỉ trích chính quyền đã được công khai dán lên bức tường Dân chủ ở Bắc Kinh, nơi tinh thần chính trị đa nguyên đã được cho phép phát triển mạnh trong một vài tháng khoảng cuối năm 1978: "[những bích chương] được niêm yết bởi những người trẻ lấy cảm hứng từ tinh thần tự do mới phát hiện của họ, nhưng vì sống trong một xã hội khép kín, đã không có đủ kinh nghiệm và sự khôn ngoan để hướng dẫn hoặc dung hòa khuynh hướng của họ." Báo Nhân Dân không thể viết khá hơn!
Chắc chắn giáo sư Vogel là người đi xa hơn ai hết từ trước đến nay trong việc kể lại câu chuyện về họ Đặng. Ở khía cạnh này ông đáng được khen ngợi; đây là cả một kho tàng giá trị về tư liệu mà chúng ta sẽ không hề biết đến nếu ông đã không thực hiện công trình đồ sộ này. Nhưng nó chưa hẳn là một câu chuyện toàn diện. Tôi không biết đến lúc nào một câu chuyện như vậy sẽ đuợc kể lại?
|