Một số các kỹ thuật đã có từ lâu để kiểm soát mưa bằng cách gieo vào bầu khí quyển những hạt nhỏ ...
(LiveScience.com) - Các khoa học gia cho rằng tia laser có thể giúp làm mưa và có thể cung cấp độ ẩm cần thiết cho những vùng khô cằn trên thế giới.
Tia laser có thể giúp làm mưa và cung cấp độ ẩm cần thiết cho vùng khô cằn. (Hình minh họa: STR/AFP/Getty Images) Các đám mây tạo ra mưa hình thành khi những túi hạt li ti trên không ngưng tụ hơi nước chung quanh chúng. Với đủ những hạt giống mây này, bạn có những đám mây và rồi mưa. Một số các kỹ thuật đã có từ lâu để kiểm soát mưa bằng cách gieo vào bầu khí quyển những hạt nhỏ gồm các hợp chất như đá khô (dry ice) và iodide bạc (silver iodide) mà những giọt mưa có thể phát triển chung quanh. Tuy nhiên, những kỹ thuật điều chỉnh thời tiết đã gây ra nhiều ngờ vực. Sự tranh cãi này là do những câu hỏi về hiệu quả của việc gieo rắc mây như vậy. Những kỹ thuật này sẽ lan truyền các hóa chất rất rộng rãi, do đó, vì đặc tính dễ biến đổi của bầu khí quyển, có thể rất khó để phán đoán chúng có thể đã thực sự ảnh hưởng lên bầu khí quyển như thế nào, theo vật lý gia Jerome Kasparian tại Ðại Học Geneva ở Thụy Sĩ. Thay vào đó, ông Kasparian và các đồng nghiệp của ông tiết lộ việc kiểm soát độ ẩm bằng cách sử dụng laser.
Trong những thực nghiệm với tia laser hồng ngoại trên sông Rhone ở Geneva, sử dụng nhiều nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí quyển khác, các nhà khoa học khám phá rằng những tia laser có thể kích thích việc phát triển những giọt nước nhỏ cỡ micron (một phần triệu của mét) dù ở một độ ẩm tương đối thấp là 70%, tuy chưa phải là những giọt nước đủ lớn để có mưa. “Ở độ ẩm như vậy, sự ngưng tụ không xảy ra trong các điều kiện thiên nhiên, nơi cần phải có độ ẩm tương đối là 100%,” ông Kasparian nói với LiveScience. Sự bí mật của những tia này nằm trong vấn đề bằng cách nào chúng làm cho những hóa chất như acid nitric - chất có thể đóng vai các hạt giống tạo ra mây - sẽ hình thành trong không khí. Những hạt này có khuynh hướng kết hợp với các phân tử nước, đóng vai một loại keo có tác dụng giữ các giọt nhỏ với nhau trong những điều kiện tương đối khô mà bình thường sẽ làm cho chúng bốc hơi đi. Sự kiện các nhà nghiên cứu có thể hướng các tia laser của họ vào một mục tiêu được kiểm soát và ở những thời điểm được xác định rõ rệt cho phép những so sánh để xem các tia laser thực sự hiệu nghiệm như thế nào trong việc kiểm soát độ ẩm, không như các kỹ thuật điều chỉnh thời tiết hiện nay, ông Kasparian nói. “Chúng tôi vẫn còn xa mới thực hiện được việc làm mưa bằng tia laser,” ông Kasparian nói. “Tia laser có thể tạo những hạt nước và cho phép chúng phát triển, nhưng cỡ của chúng hiện nay chỉ lên tới vài microns. Chúng phải lớn hơn từ 10 đến 100 lần mới thực sự sản xuất được mưa.” “Giả sử người ta vượt qua được những thách đố trên, việc làm mưa sẽ không cần các hệ thống laser ở trên không,” ông Kasparian nói. “Loại laser mà chúng tôi đang sử dụng có thể đạt tới độ xa hữu dụng vài kilo mét, do đó người ra có thể kích thích bầu khí quyển bằng cách sử dụng các tia laser phóng từ mặt đất.” Một lo ngại liên quan đến việc kiểm soát thời tiết như vậy là liệu một vùng có thể sử dụng laser để cướp độ ẩm có thể bình thường bay tới những vùng khác cần nó hay không. Theo ông Kaspariank, tia laser chỉ có thể ngưng tụ một phần nhỏ độ ẩm từ không khí, do đó nguy cơ một nước này lấy hết nguồn nước mưa từ không khí không nghiêm trọng như những gì xảy ra với nước trên bề mặt, nơi về mặt kỹ thuật có thể bơm phần lớn nước từ một con sông trước khi nó chảy qua một biên giới. (n.n.)
|