Home Đời Sống Tài Liệu Chín Mươi Chưa Phải Đã “Già”

Chín Mươi Chưa Phải Đã “Già” PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ xuân Tê   
Thứ Tư, 13 Tháng 7 Năm 2011 19:08

Ngày xưa thọ đến tuổi 70, 80 thường cho là hiếm. Chính vì ‘thất thập cổ lai hy’ nên con người đến tuổi này hoàn toàn được nghỉ ngơi, được con cháu người thân phụng dưỡng chăm sóc, hoặc tùy hoàn cảnh được xã hội, bà con chòm xóm giúp đỡ cưu mang.

 
Ngày nay do sự tiến bộ về kỹ thuật y học, về phương pháp phòng bệnh chữa bệnh, chế độ ăn uống dinh dưỡng, cùng phong cách sống và hỗ trợ tâm linh, nên tuổi thọ con người càng kéo dài hơn. Ở Việt nam cũng như ở Mỹ, các cụ ông cụ bà bước sang tuổi 90 không còn là hiếm, thậm chí tuổi thọ trung bình của các nước Bắc Âu đã đạt trên 80.

Ngay ở quê ta, một bản làng thuộc vùng trung du Phú Thọ, trong một thôn dân số chưa tới vài ngàn mà đã có nhiều cụ bà thọ trên 90 tuổi, tròm trèm 100, 6 cụ đã 100 -110, và điều lạ là các cụ vẫn còn ru cháu, lo phụ việc nhà và bẻ bắp trên nương!

Nhân tản mạn chuyện người già, một đề tài tôi hay góp ý thì nay lại xin kể một cụ bà chín mươi hai tuổi mà vẫn còn…gân! Chuyện đựơc đăng trên tờ báo CĐPL Recorder (tháng 2/2011) do một phóng viên của ANN tường thuật.
Cụ Gladys Burrill, một nữ tín đồ Cơ đốc ngụ tại bang Oregon (Mỹ), hay ví cuộc đời như một cuộc thi việt dã marathon và chính cụ được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là phụ nữ đầu tiên trên thế giới ở tuổi 92 đã hoàn tất quãng đường 26.2 miles (42 km) tại cuộc đua marathon tổ chức ngày Dec.2 tại Honolulu vừa qua. Đáng chú ý là cụ đã qua mặt phụ nữ người Anh về tuổi tác khi bà này cũng đã vượt qua mức đến tổ chức tại London mấy năm trước nhưng ở tuổi…90. Cụ Burrill cán mức sau 9 tiếng đồng hồ 53 phút 16 giây. Đây không phải lần đầu tiên cụ dự cuộc đua, mà  từ 7 năm nay cụ tham gia đều đặn trong đó có một lần cụ phải  bỏ cuộc (vào năm 2008 chỉ còn thiếu một mile) do cụ ông mới mất nên cụ bà bị…chia trí!

Năm ngoái vì chứng co thắt dạ dày nên cụ chỉ đi được 16 miles, sang năm nay cụ quyết tâm hơn, thậm chí cụ phải dừng lại mất 2 phút để cầu nguyện Chúa cho cụ tới mức vì đã đuối sức khó có thể đặt chân lên mức đến dù chỉ còn có…vài trăm thước.

Tấm gương vận động và nhẫn nại của cụ Burrill ở tuổi đại thọ đã gây niềm hứng khởi cho nhiều thế hệ cả trẻ lẫn già để thấy tuổi tác không hẳn là giới hạn làm cản trở những mơ ước và phong cách sống trong xã hội ngày nay khi nạn béo phì ở trẻ em và chứng sơ vữa động mạch ở người lớn tuổi đang là những vấn nạn đe dọa cho sức khoẻ loài người.

Được hỏi cụ giữ sao cho thân thể lành mạnh, cụ chỉ có một lời khuyên đơn giản, “hãy ăn uống lành mạnh và chịu khó tập thể dục… nhiều người vẫn coi thường chuyện vận động, hãy để ‘chân nọ phía trước chân kia’… tất nhiên trí thể phải đi đôi với nhau, luôn suy nghĩ về những điều tích cực, lạc quan là điều cần chú ý.” Cụ cũng nói thêm cuộc sống không loại bỏ những mơ ước, cứ mơ những điều thấy không thể làm được, nhưng cố gắng để làm cho được.

Khi bà cụ còn trẻ, bà mơ được bay vào không gian (có thời bà đã lái máy bay) và chinh phục đỉnh Klimanjaro ở Phi châu. Về già, biết không đạt được mục tiêu bà quay sang dùng hình thức đi bộ tham gia các cuộc đua nhằm gây quĩ từ thiện giúp người nghèo khó.

Lần đua này, những người tổ chức đã nhân danh bà tặng cho quĩ tương trợ người nghèo tại địa phương số tiền 2,500 đô la. Thị trưởng thành phố thủ phủ bang Hawaii đã vinh danh bà bằng một công lệnh trong một buổi lễ riêng tại tòa thị sảnh. Sách Guiness đã công nhận kỷ lục của bà. Bà cho biết sẽ tham gia cuộc đua kỳ tới, dĩ nhiên nếu Chúa cho bà còn sống. Cũng hay là các con cháu chắt của bà mỗi lần đua đều chia nhau mỗi đứa một đoạn đi theo cạnh bà cố để động viên cổ võ cho dù chúng ở khắp nơi trên đất Mỹ!

Có ai ngờ là hồi thơ ấu bà đã bị chứng sốt tê liệt suýt làm bại cả hai chân, sau cố gắng tập lại bằng thóí quen leo dốc trên ngọn đồi gần trang trại của nhà. Sau này đi bộ đã trở thành nếp vận động giúp bà bảo dưỡng được sức khoẻ ăn ngủ điều hòa ở tuổi chin mươi.

Cũng chuyện tuổi già, sống lâu trên đất quả là một ơn phước, nhưng sống sao cho sống chứ cứ lây lất bệnh tật, đi đứng khó khăn, uống ăn hạn chế thì quả thật nhiều cụ mình chẳng ai muốn. Nhưng điều này lại là cái lộc của Trời cho ai nấy hưởng muốn cũng chẳng được, chẳng vậy mà người ta hay kèm ba yếu tố ‘Phước,Lộc,Thọ’ luôn đồng hành với nhau. Cái thọ thì cụ thể bằng tuổi tác, cái phước cái lộc thì khôn lường khó mà cân đo đong đếm, cứ như sách Truyền đạo dạy người ta biết sống thỏa lòng, có gì ăn nấy, có sao ở vậy, vui với con với cháu, quên cái hận cái đau, chín bỏ làm mười, xuôi chèo mát mái, mọi chuyện cuối đời đều trở thành hư không bon chen chi cho mệt.
Viết tới đây tôi lại thương một cụ già theo báo Tuổi trẻ, cụ đang sống ở Huế, 93 tuổi rồi nhưng vẫn còn đạp xích lô kiếm sống, ngày ba cọc ba đồng kiếm tiền về nuôi hai vợ chồng già, bà cụ nay cũng trên tám mươi. Khổ là khó kiếm mối vì người ta không dám để cụ chở mà cụ thì không muốn nhận tiền qua sự thương hại của khách qua đường.
Nhìn tấm hình trên cái mâm gỗ có độc một tô nhỏ thức ăn, cụ ông gắp cho cụ bà móm mém chẳng hiểu thứ gì, nhưng còn an ủi là hình như họ chấp nhận số phận và tình thương yêu nghĩa vợ chồng vẫn còn phủ quanh đâu đó.

Có điều ngược đời là bà cụ Burrill ở Mỹ dự cuộc đua marathon trong niềm vui thể hiện phong cách sống lành mạnh ở tuổi về chiều, thì người ta lại đưa cụ ông ở Huế lúc đã ở tuổi 85 tham dự cuộc đua…đạp xích lô rồi cuối cùng vinh danh cụ ‘dũng sĩ xích lô’ trong số những người đồng nghiệp cùng về tới đích!
(Viết theo báo Recorder & TT)