Đáy đại dương : trữ lượng lớn về đất hiếm |
Tác Giả: Đức Tâm | |||
Thứ Tư, 06 Tháng 7 Năm 2011 08:20 | |||
Một số vùng ở Thái Bình Dương giàu trữ lượng đất hiếm và có thể trở thành những khu mỏ lớn về các kim loại rất cần thiết cho việc chế tạo những sản phẩm công nghệ cao. Đó là kết luận của một nhóm chuyên gia địa chất Nhật Bản, trong một công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Nature Geoscience của Anh, ngày 03/07/2011. Điện gió, xe hơi điện, màn ảnh phẳng, đĩa cứng máy tính điện tử, máy nghe MP3… tất cả những sản phẩm này đều cần đến đất hiếm và 17 loại kim loại khác nhau có trong đất hiếm, đặc biệt là yttrium. Đáy biển ở vùng Andaman (Getty Images) Mặc dù Trung Quốc chỉ có một phần ba trữ lượng nguồn đất hiếm trên thế giới nhưng lại sản xuất tới 97% khối lượng toàn cầu. Việc khai thác một cách thô sơ, thủ công nguồn đất hiếm tại Trung Quốc đã gây ra những tổn hại to lớn đối với môi trường và cư dân. Thế nhưng, đất liền không phải là nơi duy nhất có nguồn đất hiếm. Các trầm tích ở đáy đại dương lại chứa nhiều khoáng sản. Do không có nghiên cứu để xác định chính xác vị trí của những khu vực này, nên đáy đại dương chỉ được coi là nguồn tiềm tàng về các loại đất hiếm. Trên cơ sở nhận định này, các chuyên gia Nhật Bản đã lấy khoảng 2000 mẫu trầm tích biển ở nhiều nơi trong Thái Bình Dương. Theo kết quả phân tích được công bố thì đáy đại dương là một nguồn lớn về đất hiếm và chất yttrium. Một số khu vực như ở phía đông của bắc Thái Bình Dương và vùng giữa của nam Thái Bình Dương, có mức độ tích tụ và tập trung cao về đất hiếm. Các tác giả công trình nghiên cứu cho biết, tại một trong những địa điểm được lấy mẫu trầm tích, có một khu vực diện tích khoảng một cây số vuông có thể đáp ứng tới một phần năm tổng nhu cầu hiện nay của toàn thế giới về đất hiếm. Hơn thế nữa, các thí nghiệm mà giới chuyên gia Nhật Bản tiến hành cho thấy có thể dùng acide sulfurique hoặc acide chlorhydrique pha loãng để trích xuất dễ dàng các loại đất hiếm từ bùn đáy đại dương. Quy trình này không làm ô nhiễm môi trường vì không thải acide pha loãng ra đại dương. Tuy nhiên, phần lớn những khu vực giàu có đất hiếm lại nằm ở độ sâu từ 4000 đến 5000 mét. Do vậy, câu hỏi được đặt ra là về kỹ thuật, thì có thể khai thác được hay không và nếu làm được thì hiệu quả kinh tế ra sao ? Chuyên gia Yasuhiro Kaoto thuộc đại học Tokyo, thành viên nhóm nghiên cứu, thừa nhận đây là câu hỏi khó, nhưng ông cũng cho biết là cách nay khoảng ba chục năm, một công ty khai thác quặng của Đức đã thành công trong việc lấy được trầm tích đại dương ở đáy Hồng Hải. Vẫn theo chuyên gia này thì cho đến nay, chưa một công ty nào quan tâm đến những nghiên cứu nói trên bởi vì không ai biết là trong bùn đáy đại dương lại có nhiều đất hiếm đến như vậy.
|