Home Đời Sống Tài Liệu Rạch Gía Ký Ức Một Quê Hương

Rạch Gía Ký Ức Một Quê Hương PDF Print E-mail
Tác Giả: Võ Ngô .   
Chúa Nhật, 26 Tháng 6 Năm 2011 06:53

Miên họ rất hiền , nhưng họ để bụng và thù rất dai , khi bị người Việt hay Tàu hà hiếp họ . Những khi Miên "dậy phản", họ đi "cáp duồn"

Khi chúng ta ra đi rời khỏi đất nước thân yêu , trên đôi vai chúng ta đều có mang một quê hương . Quê hương của chúng ta đó , cho dù có là những khu xóm thôn nghèo xơ xác , hay những ruộng đồng bát ngát thẳng cánh cò bay . Hay là những nơi thị thành phồn hoa náo nhiệt , Bắc , Trung , Nam , Hà Nội , Huế , Sài Gòn hoặc Cần Thơ , thì ai đó trong chúng ta cũng có một quê hương để mang theo . Còn tôi mang theo quê hương của tôi là một quê hương nước mặn đồng chua Rạch Giá .

Rạch Giá là quê hương của tôi , một quê hương với hai mùa mưa nắng . Một quê hương với nước mặn đồng chua , dưới đôi tay của những người dân quê lam lũ , với một tâm hồn chấc phác thuần lương , với con trâu đi trước chiếc cày theo sau , chồng phác cỏ , vợ chế , con gom giồng . Và sau đó cấy trồng lên những cây lúa , chờ ngày gặt hái những hạt mầm , kết tụ cho những cuộc sống tầm thường thấp bé nằm xa ngoài xã hội văn minh và tiến bộ . Quê tôi có hai mùa mưa nắng . Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống mảnh vườn thửa ruộng vào những tháng 4-5 , để tưới lên cánh đồng bao la những lượng nước đáng kể . Và đồng thời những đàn cá nương theo đó mà di cư từ sông rạch , lên đồng gây giống tạo nòi . Chúng sống , và chúng cũng nuôi dưỡng những người dân quê tôi , có được miếng ăn cùng với cái mặc . Những đứa trẻ như tôi được đi ra đồng giăng câu , đặt lờ , nom , bắt những con cá , những con cá bị bắt , được đem ra chợ xã , chợ quận hay chợ tỉnh , thậm chí những khu chợ chồm hổm , chúng được đổi chác những phần bánh , vải , hay những loại cần dùng trong nhà , xà bông nước mắm , đường , sữa e.t.c .

Quê tôi những người dân pha trộn lẫn nhau để mà sống, người Khờ Me là người nguyên gốc bản xứ Thuỷ Chân Lạp xưa và là Miên thuở bấy giờ . Người Hoa , có người Hẹ , Hải nam ,Triều Châu , Phúc Kiến , Quảng Đông , Người Việt Nam có người Bắc người Trung vào khai khẩn sinh sống , cộng với một số người Chăm (Chà Và ) thiên di . Tạo cho một khu vực có những nền văn hóa hỗn hợp , trong một vùng đất mới khai khẩn , từ hoang sơ rừng chàm nước ngập , thành những mảnh ruộng đồng bao la bát ngát những thành thị nhỏ nhoi mọc lên lổm chổm khắp nơi . Quê tôi có hai mùa nước đến nước đi , nước đến từ biển hồ , qua miệt Tân Châu , Hồng Ngự , chuyền qua sông Hậu rồi đi ra biển (Vịnh Thái Lan) . Và người dân bản xứ Thủy Chân Lạp xưa nay thường có một lễ hội gọi là đưa và rước nước .

Mỗi mùa đưa nước, dân Miên ở các địa phương xa xôi như :- Cù Là , Minh Lương , Xóm Đập , Chùa Phật Lớn , Phi Thông , Máy Nước, Gò Quao, Giồng Riềng , Chắc Kha , Sóc Xoài ,Vàm Răng , Tri Tôn, Hòn Sóc, Tà Mọt , Lỳnh Quỳnh , Kiên Lương e.t..c họ gom tụ về nơi thị xã Rạch Giá .

Họ mang những chiếc ghe Ngo đến để cùng nhau đua trên giòng sông Kiên bắt đầu từ sân vận động Kiên Giang đua về cầu Tàu Mỹ . Những tiếng reo hò "dô ta" rền vang dưới mặt sông , những tay chèo đưa đẩy nhịp nhàng ,những thân hình trùng trục đen đủi bóng loáng dưới lớp mồ hôi nhễ nhại cố gắng đưa mái chèo đẩy chiếc ghe vượt nước . Như con khủng long vẫy vùng trên mặt nước , người đứng trước mũi ghe cố gắng nghiêng vai , lắc thân hình theo nhịp điệu , để đưa đẩy dắt dẫn những tay chèo cố gắng hết sức để đến chiếm được mục đích của cuộc đua là Cầu Tàu Mỹ . Chiếc ghe Ngo nào thắng là mang đến một vẻ vinh quang và huy hoàng cho người cư ngụ nơi xóm thôn làng đó . Những người hùng chiến thắng được những cô gái Miên choàng vòng hoa tay lên cổ .

Rồi thì đến dịp xuân về tết đến , những người Minh Hương Hoa Kiều lập những gánh múa Lân chúc tụng nhau được vinh thân, được phì gia, gia đình được phát đạt, và để tống cựu nghinh tân . Hầu hết mọi người sinh sống nơi quê tôi , đều có một tục lệ là múa Lân , cho nên hầu như tất cả mọi người , muốn được lân múa thì phải có treo tiền quà trước cửa , để được lân múa làm vui , vừa góp vui , vừa làm sung cho gia đạo. Vừa thưởng cho Lân múa , vừa làm cho vui cửa vui nhà . Lân dưới quê tôi khi múa có thêm Ông Địa với gương mặt tròn trĩnh , với cái quạt trên tay lúc nào cũng phe phẩy, chỉ trỏ, những gói quà, những gói tiền mà gia chủ treo để được múa tại nhà mình . (Quà) lớn múa lâu một chút, nhỏ múa nhanh, qua sự điều tra, của ông địa mặt tròn, khó nuốt , hay dễ ngậm . Những gói quà tiền đó người treo cũng đâu có cho con Lân dễ dàng lấy đựơc , tiền càng nhiều thì việc lấy tiền càng nhiêu khê . Lúc đó dãy chợ nhà lồng chúng tôi , từ tiệm cà phê ông hai vợ (2 căn) , bọc vòng hình cánh cung tới tiệm Công Trường Xuân thì dãy phố đại đa số là nhà có hai tầng , ngoại trừ khách sạn Phú Sĩ , Nam Mỹ , và Công Trường Xuân có những tầng lên cao . Nhà 2 tầng nó đã cao rồi mà chủ gia còn treo lên nhánh tre hay trúc những gói quà tiền mầu đỏ ở trên ngọn cây tre hay trúc , vậy thì đâu phải dễ dàng cho đoàn múa lân lấy được phần quà đó , đoàn lân phải tìm trăm phương ngàn kế , để lấy cho bằng được, đôi khi cũng có trả gía , bằng đôi tay xụi lơ đôi chân què quặt vì sơ sẩy . Khi thì làm cây cột dài cao, lân phải leo bằng chân lên lấy , khi thì làm những cọc từ thấp lên cao , để lân nhảy lên đầu cây mà lấy phần quà . Tiếng trống của ông Tàu già nhịp nhàng đưa dẫn cho lân từng bước một , không nhanh mà cũng không chậm . Làm sao cho vừa lòng người bỏ ra của , làm sao cho vừa sức của kẻ múa lân được nhận .

 

Triều Kê

Triều Kê là một điệu hát nhạc của người Miên , không như hát bộ , chẳng phải cải lương , vì đó là môn nghệ thuật , hát và nhảy là những đặc thù của người Thủy Chân Lạp ( Miên ) . Cạnh xóm tôi ở vào lúc đó là xóm Rạch Giồng , có chùa Phật Lớn tọa lạc về hướng Bắc của Thị Xã Rạch Gía mà lại là hưóng Nam xóm tôi ở . Hình như là mỗi tháng đều có gánh hát Triều Kê từ phương nào đó về hát ở chùa Phật Lớn . Những đoàn người Miên từ Xóm Đập ,Tân Điền , Mỹ Lâm , Sóc Xoài lũ lượt đi xem . Và những anh chị người Việt lớn hơn tôi dăm ba tuổi cũng vin vào đó để đi chơi , hẹn hò nhau đi nói chuyện tình yêu Nam Nữ . Còn tôi thì bé tí 9-10 tuổi biết gì về tình yêu , biết gì về Triều Kê , hay tiếng Miên , mà cũng tập tành vui chân đi theo cho có bọn , (để mà phá , để mà giỡn ) . Những cô gái Miên ăn mặc áo quần sắc mầu sặc sỡ , má trét phấn dầy như tấm mề đay , môi thoa son đỏ chét , tay khuyên vòng kiềng vàng óng ánh rực rỡ đi muốn không nổi , cộng thêm đôi chân chưa quen với các loại giầy dép , nhìn tướng đi lom khom lọm khọm trông mà buồn cười . Nhưng xem ra họ lại rất là vui vẻ líu lo những ngôn ngữ của họ (Tâu na "Đi đâu" , Un salanh bòn tê ? "em thương anh không ?") Khi thì lót dạ vài ba câu tiếng Việt . Nói thật ra thì tất cả người Miên sống chỗ tôi ở , họ đều biết nói tiếng Việt , ít hay nhiều , nói hay không nói mà thôi . Người Miên họ có một điệu nhảy cũng vui lắm , đó là điệu nhảy tam phol hay lam thol gì đó chữ nầy tôi thua không biết viết hay gọi . Họ nhảy với nhau từng đôi từng cặp mông lắc tay xòe , xê qua xàng lại . Tay cô gái vân vê tà áo , lắc lắc chiếc quần không đáy (xà rông) , khi thì họ kéo nguyên đoàn người ra trên sàn nhảy . Một điệu nhảy rất vui , Không như Lambada của Mễ , không như luân vũ Valse của Áo , không như Tango của Á Căn Đình , không trữ tình như slow mùi Mông Cổ , không bước kỹ như Boston Pháp , không nhảy kiểu như pasodoble của xứ đấu bò . Mà họ nhảy qua tiếng hò hòa lẫn trong tiếng ca cùng chung nhau vui vẻ , hồn nhiên . Cái thật thà cái chấc phác đã nói lên bản tánh của họ . Người Miên họ rất hiền , nhưng họ để bụng và thù rất dai , khi bị người Việt hay Tàu hà hiếp họ . Những khi Miên "dậy phản", họ đi "cáp duồn" (chém Việt) là phần chính cũng vì họ bị chèn ép và thua thiệt , nó vẫn ẩn tàng trong đầu họ , nếu có dịp , hay có ai khơi nguồn thì họ sẽ dễ dàng bộc phát ..
Những tình cảm dân gian thơ mộng hay không thơ mộng được nhìn qua mắt , những cảnh sống êm đềm hay chẳng êm đềm của những con người mộc mạc nơi quê hương tôi , được thể hiện phần trên . Còn đây là những mùi vị quê hương mà tôi có dịp thưởng thức nơi đã sinh tôi ra và được lớn lên ở đó .

Sau tết Mậu Thân 1968 , xứ Rạch Giồng làng tôi là con đường rút lui của Việt Cộng tấn công Thị Xã Rạch Giá không thành công , chúng len lỏi vào những khu vườn của dân chúng để trốn tránh những đợt oanh tạc của máy bay . Khu vực Chùa Phật Lớn là khu vực cây cối rậm rạp nhất , những cây xoài lớn nối vòng tay 3-4 người , những cây Sao , cây Dầu cao ngất ngưởng , những chòm mả của nguời Hoa , những ụ đất mả to tổ chảng , coi như những giao thông hào chúng len lỏi mà rút lui . Hay những miếng vườn ổi của xóm Vàm Chư , nhánh cành đan nhau chằng chịt , cũng là nơi để cho chúng dựa nương , cho qua đợt càn quét cuả 4 chiếc trực thăng , thay phiên nhau chặn đường rút lui của chúng , cộng với 4 chiếc F5 từ sân bay Trà Nóc về đó xung kích và thả bom , làng tôi lúc đó bị tàn phá khủng khiếp , không còn cái nhà nào nguyên vẹn , nhà tôi bị san bằng thành bình địa , cũng may chúng tôi được di tản trước đó vài giờ , theo ngõ Xóm Ðập qua cầu số 2 , rồi dọc theo đường kinh xáng Hà Tiên , đến Mỹ Lâm tá túc nhà một người bác thứ hai . Trận chiến tàn , thì ba mẹ tôi bỏ luôn xứ sở Rạch Giồng về Hòn Tre mua đất lập vườn làm rẫy cấy trồng để sinh nhai . Chúng tôi sinh sống tại Hòn Tre kể từ đầu năm 1968 cho đến 1975 . Tuy chỉ có 6 năm nhưng trong tôi đầy ắp những kỷ niệm .

Hòn Tre là nơi trong tôi có nhiều kỷ niệm nhất , là nơi với tuổi đời vừa mới lớn , vừa mới biết yêu thương những con người lạ hoắc , và từ đó có biết bao nhiêu là kỷ niệm trong tôi . Hòn Tre là một thiên đường của tôi từ dạo đó , không có chiến tranh , không có tiếng súng vang rền mỗi đêm . Bãi trước người dân gọi là xóm Nhà Lầu , có một căn cứ Hải Quân , và có một đồn lính, một trung đội Nghĩa Quân thì phải .Lúc đó gia đình tôi mua một miếng đất 10 công của ông 6 Phuông ở xóm giữa là 130.000.00 đó là tất cả gia tài của ba mẹ tôi , bán trâu sang đất , và số tiền dành dụm của ba mẹ gom lại hết mới có đủ để mua miếng đất đó . Đất đã có 6 công trồng mãng cầu , đã có trái , còn 4 công chưa khai khẩn.

Sau nầy gia đình chúng tôi khai khẩn và trồng hoa mầu các loại hoa mầu ,bí đao ,bí rợ , cà tím cà phổi , khoai môn , chuối , hay các loại rau cải .Chuyến tôi ra Hòn Tre đầu tiên , vào lúc trường nghỉ hè , lúc đó trời đã bắt đầu nhen nhúm những cụm nước , sắp sửa thả xuống cánh đồng chua nước mặn của quê tôi . Lần đầu tiên ra hòn , và cũng là lần đầu tôi biết thế nào là nhổ cỏ dại , chặt những cây rau mui , biết soi lỗ tỉa hạt giống .

Ốc núi

Những cơn mưa bất chợt làm chúng tôi bị ướt sũng , vì không thể nào chạy kịp về trại để tránh mưa , thì những cơn mưa đó cũng giúp chúng tôi có những bữa ăn khó quên là món ốc luộc . Sau những cơn mưa rớt xuống vội vã , khi mưa dứt , thì chúng tôi đi lụm những con ốc núi , chúng đang bò lểnh nghểnh đi kiếm ăn , đem về thả chúng vô trong cái thùng , cho chúng xả đất và nhớt , rồi bỏ chúng vô nồi xếp vài ba cọng sả , hay lá ổi . Xếp chúng lên trên phần của lá sả hay ổi , rồi nổi lửa luộc. Khi thấy mày ốc rớt ra là ốc đã chín . Lể thịt chúng ra và chấm chúng với nước chấm cơm mẻ , ôi thôi nó ngon tuyệt cú mèo . Tôi dạo đó nào có biết uống rượu uống chè gì , chỉ có ăn , còn chú năm Thơm (người phụ gia đình tôi làm vườn) vừa ăn vừa nhâm nhi vài ba ly rượu đế , tôi thấy chú có chiều hả hê lắm .

Sóc Nâu

Sóc là loại sinh sống trên cây , thân hình chúng mầu nâu hay vàng lợt , chúng ăn chỉ toàn trái và lá cây . Mãng cầu , chuối xoài là những loại chúng khoái khẩu nhất , cho nên khi trái mãng cầu hột vừa có mầu đen là chúng bắt đầu ăn . Chúng khoét lổ từ trái nầy qua trái khác , làm cho người làm vườn như chúng tôi thất thu rất nhiều . Làm bẫy mà bẫy chúng cũng đâu có dễ dàng gì . Ðuổi chúng , chúng không đi . Chúng tôi làm ná (nạng giàn thun) bắn chúng , chúng cũng chẳng sợ , mà chúng tôi bắn có trúng chúng đâu mà chúng sợ . Một hôm tình cờ tôi ghé chành lúa của người dì bà con xa , ở đầu voi kinh xáng Hà Tiên thấy ngưòi cậu làm cái lồng để bẫy mấy con chuột đói gom về vựa lúa để ăn . Và từ đó chúng tôi nghĩ ra cách bẫy mấy anh chị sóc . Chúng tôi mua lưới chì , làm khung hình chữ nhật , gắn hai cái lò xo , một cái móc gài , ở miếng mồi , khi anh chị sóc tha miếng mồi thì bẫy bật và nhốt anh chị vào trong đó . Sau khi đến cuối tuần tôi trở lại Hòn Tre chúng tôi bỏ gần một ngày trời làm được 4 cái lồng , mang lên vườn để bẫy chúng . Chúng tôi lấy hai trái chuối chín cắt hai thành 4 miếng , chúng tôi móc vô cái cò bẫy , gài sẵn đem ra mấy tảng đá lớn bằng phẳng đặt bẫy , rồi chúng tôi trở lại trại nấu cơm chiều ăn . Ăn xong chúng tôi ra thăm bẫy , 4 lồng thì có 4 anh chị sóc ở trong đó . Chúng tôi cũng chẳng biết làm sao với các anh chị mới tóm cổ được , giết chúng cũng thấy tội nghiệp , thả ra thì uổng công tôi làm lồng . Tôi định mang về khu vực nhà dưới bãi thả chúng , khi đi ngang qua nhà chú hai Chòi , chú gọi lại hỏi tôi mang sóc về có bán không , nếu bán chú mua .

Tôi trả lời :

- Cháu tính mang nó xa miếng vườn của cháu rồi cháu thả nó ở dưới nầy .

Chú hai nói :

- Cậu bắt được nó , rồi cậu thả nó ,nó không còn phá vườn cậu nữa thì nó đi phá miếng vườn của người khác . Vậy cậu nghĩ sao có nên hay không nên , loại nầy là loại phá hại mùa màng , cây trái , bắt được thì ăn , không ăn thì cũng giết chúng , để chi cái loài ăn hại nầy .

Tôi trả lời :

- Ăn chúng thì cháu chưa ăn bao giờ , làm thịt chúng thì cháu cũng chẳng biết , cho nên cháu mới nghĩ cách là mang về đây thả chúng mà thôi .

- Cậu có thấy miếng đất nầy là của Ông Tư Răng , dừa xoài , cam quýt và loại sóc nâỳ , đã phá hoại cây trái của ổng rất nhiều rồi , nay cậu còn mang về thêm để thả vào nữa , theo cậu ông Tư Răng ông ta có phiền cậu không ? . Thôi thì cậu bán cho tôi đi , ít ra cậu cũng có vài đồng đi uống cà phê . Còn hoặc giả cậu đưa tôi làm , tôi nấu chín gọi cậu qua nhâụ , được không .

Tôi cứng lưỡi , không trả lời được đành giao 4 cái lồng có sóc cho chú , rồi về nhà , tắm rửa xong rồi sang xem chú làm sóc và nấu sóc.

Việc đầu tiên là chú đem 4 cái lồng có sóc , ném xuống dưới khe suối . Chú bắt nồi nước sôi , đâu khoảng 4-5 phút các anh chị sóc đã chết ngộp , nồi nước cũng vừa sôi , chú nhúng các trự sóc vào , rồi đem ra dùng sống dao cạo lớp lông cuả sóc . Rồi chú lấy lá dừa khô đốt lên thui lớp da ngoài cho cháy hơi vàng , chú mới mổ bụng lấy ruột gan phèo phổi ra hết , chú chặt cái đâù trước , rồi thì chặt theo chiều xuôi xương sống sóc , rồi đùi rồi tay sóc , phân thây sóc thành chín mười mảnh . Chú ướp ngũ vị hương , tương hột , bột nghệ ,cùng với nước cốt dừa , chú xào nấu theo kiểu xào lăn thịt rừng .Chấm với nước chấm , nước cốt dừa , tương giã nhuyễn , đậu phọng rang vàng đâm nhuyễn , hòa cùng với xả bầm , mùi thơm bay tận chín tầng mây . Chú nhâm nhi với dăm người bạn , và đốn ngả một chai 1 lít đế , chú hả hê bạn chú no bụng , còn tôi lấy mắt nhìn , lấy lỗ mủi để ngửi chớ tôi nào có dám ăn .



Khỉ

Khỉ là loại sống trên cây , chủng loại của chúng cũng chỉ ăn trái, lá cây và các loại củ . Loại nầy còn dữ dằn hơn loại sóc nhiều. Chúng đi đến đâu rẫy vườn điêu tàn xơ xác đến đó . Hòn Tre chỉ là một hòn đảo nhỏ nhoi , nhưng tôi không biết ở đâu mà nhiều khỉ đến thế . Khỉ mẹ , khỉ con , khỉ chồng , khỉ vợ , từng bầy từng nhóm , có bầy vài chục con , có bầy nhiều đến cả trăm . Loại nầy nó khôn như người , chúng nó đi có quy tắc đàng hoàng , không có lang thang như mấy trự sóc phần trên vừa kể . Khỉ có con khỉ đầu đàn gọi là khỉ đột , nó như một ông vua , hiên ngang và oai dũng , mắt sâu răng nanh dài , tướng đi bệ vệ oai hùng , hai bên có hai con khỉ theo hầu .

Đầu năm 1969 gia đình chúng tôi khai 4 công đất còn lại để trồng khoai môn cà tím , và bí đao bung (loại bí đao to trái để làm mứt bí) bí đao trồng ở mé rộp (rừng) . Tôi thì mỗi cuối tuần mới được về hòn để phụ giúp gia đình . Cho nên mọi công việc rẫy vườn thì chú Năm Thơm làm cả . Hôm đó tôi lên ngủ trại sáng thức dậy tôi chưa làm gì , kể cả việc vệ sinh cá nhân , tôi nhìn về phía rừng , viền của miếng vườn tôi , thì ôi những nhánh cây đầu heo , rừa , da , miên , kén rung động lao xao cả một vùng mấy chục thước vuông , tôi không biết chuyện gì , tôi mang giầy thật nhanh (*) , tôi chạy xuôi theo hàng chuối ra mé rộp , để xem chuyện gì , khi đế nơi thì ôi thôi hàng trăm con khỉ đang nhăn nhăn nhố nhố , con móc ba sườn , con gãi tai , con thì đung đưa theo mấy rể cây rừa lòng thòng chạy giỡn , hú hí vang cả một góc vườn . Nhìn xuống đám khoai mì , thì ôi thôi lăng nhăng lố nhố mười mấy trự khỉ đang lui cui bươi móc củ mì . Con thì leo lên cây mì , đu đưa , năm bảy con chạy quanh gốc , vừa chạy vừa đái vào gốc cây . Tôi nhìn chúng tôi bắt cười vì tôi cho chúng nó là loài khỉ chỉ có phá . Nhưng có ngờ đâu đó là cách thức của chúng đi ăn trộm khoai mì của tôi . Chúng chạy , chúng đái vào gốc cây , một con lắc ngọn chưa thấm , rồi hai con , rồi ba con trèo lên lắc , thế là .. cây mì gốc bằng cổ tay , củ bằng hai gang tay ráp lại , gốc bị trốc , củ lòi lên thì chúng gọi nhau chí choé đến chia phần chiến lợi phẩm và phân thây cây mì cuả tôi vừa bị bật gốc , tích tắc dăm ba phút chúng xơi tái hết nhẵn các củ ở cây mì . Trong tay tôi chẳng có cây , hay dao gì để làm vũ khí đuổi chúng , cho nên tôi lấy mấy cục đá ném vào chúng và la để đuổi chúng , lúc đó .. mấy con khỉ nhỏ chạy về rừng , hai con khỉ đột từ rừng chạy ra , vừa bảo vệ lũ khỉ con , vừa hầm hừ với tôi . Như chúng bảo với tôi là , thằng nhóc tỳ mầy nhỏ thế chúng tao nào có sợ mầy đâu . Khi đàn khỉ con vào rừng hết thì hai con khỉ đột cũng ung dung bước đều chễm chệ về rừng . Nó xem tôi chẳng ra gì , như một con khỉ khô đứng nhìn nó vậy .

Tôi tức giận cành hông cái lũ ăn cướp 4 chân nầy , nhưng cũng chẳng biết phải làm sao , đành ngậm bồ hòn về trại trong lòng thật ấm ức và tức tưởi . Chú năm lên , tôi kể với chú nghe chuyện vừa qua .

Chú nói :

- Bọn khỉ chúng nó rất thường xuyên đến đây , khoai lang , khoai mì , kể cả bí đao bung , có trái nặng hơn 10 kg mà chúng còn khiêng đi nữa ,chú cũng chẳng có làm gì được nó hết , chú đuổi thì nó đi , chú đi thì nó trở lại , đành chịu mà thôi .

o O o


Xiêm Lo

Đêm đó tôi miên man suy nghĩ , không biết làm cách gì để xua đuổi mấy lão tề thiên phá hại nầy , rồi tôi cũng đánh một giấc ngon lành cho tới mặt trời đã ló lên mặt biển 3-4 sào . Chú năm đã ra vườn làm từ lâu , tôi bắc vội ấm nước , đánh răng xong trở lại thì nước cũng vừa sôi , pha nhanh ly cà phê uống vội vàng để ra rẫy làm phụ công việc lặt vặt với chú . Khi trưa trở lại trại chú năm có mang về hai cái bắp chuối cùng với một nắm lá bứa , chú hì hục chặt nửa miếng thịt khô và đầu khô cá rách , chú đem ngâm nước.

Tôi hỏi chú :

- Chú làm gì vậy .

Chú nói :

- Chú nấu canh Xiêm Lo .

Tôi hỏi :


- Chú năm ơi canh gì nghe lạ tai quá vậy ?

Chú trả lời :

- Canh nầy là canh chúng ta bắt chước Thái Lan . Khi xưa Chúa Nguyễn Ánh oánh lộn không lại và thua quân nhà Tây Sơn chạy qua Xiêm cầu viện , nhưng khi quân Xiêm sang Việt Nam lại bị quân Tây Sơn oánh cho mấy trận te tua 10% chết 7% chỉ còn 3% , chúng cố gắng chạy cho thoát thân về nước . Giống dân Thái phần đông ăn uống đều là khô cá . Vì thế chúng đi đâu cũng mang theo cá và khô . Thịt cá khô chúng ăn trước hết rồi , nay chỉ còn là đầu khô cá thiều , cá rách , cá rún . Chúng phải đành lấy hoa chuối với lá bứa , nấu chung lại thành một món canh , không chua , không mẳn . Vì chúng sợ quân Tây Sơn tìm gặp bắt giết chúng , cho nên chúng vừa ăn nhanh , chúng vừa sợ chết , cho nên dân mình mới gọi là món canh Xiêm Lo là thế.

Tôi nói :

- Trời ơi món canh mà cũng có một lịch sử dài thòong như thế kia à .

Chú bảo im lặng để cho chú nấu , đừng bận rộn chú , vì trời đã trưa rồi .

Cách nấu món Xiêm Lo :

- 2 bắp chuối lột phần già của bẹ , cho đến khi thấy phần bẹ trắng là được . Cắt bắp chuối theo dạng chuốt viết chì , bề dầy khoảng hai đốt tay . Lấy luôn cùi chuối đừng bỏ , vì cùi chuối sau khi nấu chín ăn bùi lắ.

- Lá bứa cắt sợi mỏng .

- Đầu thịt khô cá , chặt miếng thành ô vuông bàn cờ , hay hình chữ nhật gì đó thì tùy người thích . Vuông , dài gì thì khoảng hai ngón tay là đượ.

- Bắt nồi nước đun cho thật sôi , thả bắp chuối trước , đợi khi nước sôi lại mới thả khô vào , và cũng đợi khi sôi lại mới thả lá bứa vào , nêm nếm xem có đủ chua hay không , nếu không đủ thì thêm lá bứa . Nếu đã đủ chua bỏ thêm tí đường , tí bột ngọt , đem xuống bếp là ăn được . Một món ăn đơn giản không cầu kỳ , nhưng nó đầy đủ hương vị . Từ vị chát của bắp chuối , từ vị chua của lá bứa , từ vị mặn của khô , từ vị ngọt của đường , lắng sâu trong lòng bột ngọt , cho nên nồi canh cũng rất đậm đà , khi mà hương vị quê hương có phôi pha và lạt lẽo nơi môi lạnh của xứ người , trong lúc chúng ta những kẻ tha hương đã nế.

Mới đó mà cũng đã hết một cuối tuần , tôi phải thu xếp về nhà và còn phải nhảy gành lên xóm Nhà Lầu , nằm , ngồi chờ đến 3:00 sáng ghe mới xuất phát trực chỉ đi vào Thị Xã Rạch Giá , để mà mài cái đũng quần cho mỏng , để nhét dăm con chữ vào đầu . Ôi nhiêu khê cho đứa học trò nghèo , cuộc đời luôn luôn phiêu bạt , cuối tuần Hòn Tre đầu tuần về nơi thị xã .

Chiều thứ hai , rất may cậu tôi đi lưới về , có làm buổi tiệc thết đãi , mấy người ngư phủ đi chung tàu gom lại nhậu với cậu . Rượu vào lời ra , anh , chú ngư phủ ỏm tỏi , nói chuyện huyên thiên , trời trăng mây nước , có Trung , có Bắc , có Nam , kẻ thì họa lũ , kẻ thì ôn o , kẻ thì nàm nhớn , kẻ thì tâu tắng tâu đen , kẻ cá gô nằm trong cái gổ . Sự chung vui sự hòa cùng nhịp điệu 3 Miền qua tiếng nói , nơi quê tôi , sao mà nó đậm đà và tha thiết . Sau khi buổi tiệc sắp tàn , tôi có nói về chuyện phá phách của mấy trự Tề Thiên nơi miếng vườn của tôi . Thì có rất nhiều chú anh ngư phủ chỉ cách xua đuổi , hay gài , bẫy , bắt các chú khỉ.

- Có người chỉ cách nên trồng mè , vì lá mè nó có nhựa , khỉ đụng đến nhựa sẽ dính tay , dính lông ,cho nên khỉ không dám ghé lại để phá nữa .

- Có người chỉ cách đào hầm , mở nắp , dựng cây cà bắp (dừa nước) ngay chính giữa , bắc cầu cho khỉ tuột xuống , giựt nắp hầm đậy lại mà bắt chúng .

- Có người chỉ , làm chuồng khỉ hình vuông một đầu mở miệng , bỏ thức ăn vào trong đợi khỉ vào , thả vỉ rơi xuống khóa miệng chuồng là bắt khỉ .

Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười .

Mới đó cũng đã qua suông một tuần lễ học , tôi được trở về lại Hòn Tre .

Chiều đến tôi ghé qua nhà chú tư De , cháu gọi Ông chủ Le Nestour bằng cố , vì tôi có nghe qua chú rất thù và ghét khỉ , vì thiếm , vợ chú có lần bị mấy con khỉ xé toạc cả quần áo, định hãm hiếp thiếm , may là chú về kịp đuổi chúng nó đi .

Tôi kể cho chú nghe mọi chuyện ở nhà người cậu tôi , cách làm chuồng , cách gài bẫy khỉ , chú đồng ý cùng tôi làm chuồng bẫy để gài khỉ . Khu vườn tôi có rất nhiều bụi tre gai , bụi nào bụi nấy to tổ chảng , cây tre to bằng 3 gang tay nối lại , cao mười mấy 20 thước , tôi cùng chú đốn tre để làm chuồng bẫy . Trước khi đốn tre phải dọn chà tre , đã gọi là tre gai , cho nên mình mẩy chúng toàn là gai , chỗ nào nơi chúng cũng là gai cả , gai ơi là gai , gai tùm lum tá la , bùm xùm , chúng móc rách cả quần áo , lẫn thịt da , nếu chúng ta chạm vào gai chúng . Chúng tôi phải dùng loại rựa tra cái cáng thêm thật dài để móc nhánh , và dọn chà tre . Lui cui tôi với chú cả ngày mới đốn được đâu chín mười cây , tạm đủ cho việc làm chuồng bẫy khỉ . Cắt khoanh tre , chẻ tre ra thành miếng đủ để làm chuồng thì coi như chết tiệt hai ngày thứ bẩy chủ nhật của tôi . Trên đỉnh núi mặt trời đã nhắm mắt không muốn nhìn chúng tôi nữa ,vậy đành thôi , chúng tôi thu xếp đồ , về xóm bãi . Đường dốc núi quanh co , thoai thoải , từng bước chân đi như có người xô mình xuống , đôi chân phải gắng gượng để lấy quân bình cho cái đầu đang chúi , cho nên cặp gối đôi khi không sợ mà phải phát run . Nhìn tôi , xét lại mấy người khuân vác tôi thấy tội cho họ vô cùng , vì nghèo nên phải cố gắng làm việc vất vả . Mấy người thợ khuân vác , ở đây đại đa số là những người trốn lính (trốn đi quân dịch), nếu gọi là "đào binh" cũng đúng thôi . Kể cả người làm vườn của gia đình tôi là chú năm Thơm cũng vậy . Xóm tôi ở hình như hết 80% là dân trốn lính . Ngoại trừ những người trẻ tuổi như tôi , hay gìa như ba tôi , thì không phải , còn lại thì hình như là hoàn toàn người trốn lính . Kể luôn cả chú tư De , 3 Bull cháu ông Le Nestour cũng là dân trốn quân dịch . Nhưng Việt Cộng thì lúc đó chẳng có ai lộ diện . Sau nầy tôi mới biết là có hai người rể của ông năm Đực , là Ba Cứng & Tư Thuật ,vào lúc có chiến dịch Phụng Hoàng và nhổ cỏ U Minh hai trự chịu không nổi mới chui ra hòn, nương nhờ bên vợ , còn có thêm một người nữa là con trai thứ hai của ông hai Tịch tức hai Bình không có trốn ra hòn ở , và sau nầy tôi nghe nói hắn là thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cơ động của Việt Cộng gì đó .

Tôi với chú tư De về ngang quán cà phê nhà 5 Hội , lúc đó đèn cũng vừa lên mọi người xúm xít lại cùng nhau , kẻ uống trà người uống cà phê , rồi đánh lô-tô , đó là một trò chơi nghèo nàn mà vui nơi quê hòn xa thị trấn của chúng tôi .

Chiếc lồng bẫy chưa làm xong , thì tôi phải trở lại Rạch Giá vì một cuối tuần dành cho tôi đã hết . Tôi lại phải khăn gói nhảy gành lên Xóm Nhà Lầu , nằm chờ để được về lại Kiên Giang .

Năm ngày học tuần nầy sao mà nó dài đăng đẳng , thời gian nó như một sợi dây nối liền nhau bất tận làm mắt tôi không nhìn được đoạn cuối của sợi dây . Có lẽ một sự chờ đợi , đã làm cho cọng thời gian khoanh tròn lại, và chúng không muốn duỗi thẳng ra để bước đi , làm cho một ai đó .. chờ , mắt và lòng được kéo dài lê thê theo nhịp gõ của chiếc đồng hồ. Nhưng chuyện gì đến , thì nó sẽ đến , rồi cũng đến cuối tuần tôi như thường lệ cũng khăn cũng gói , cũng cái gùi (ba-lô) trên vai với chồng sách nặng chình chịch .

Chuyến về Hòn kỳ nầy tôi được về sớm hơn mọi lần trước , vì tôi quá giang được chiếc ghe Hải Thuyền vào thị xã , cho nên chưa đến 4 giờ chiều tôi đã về được nhà . Mới bước vô nhà , thằng em thứ sáu của tôi , nó nắm tay tôi , nó chỉ phía bên kia suối nó nói :

- Khỉ , Khỉ , Khỉ .

Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra , tôi chạy vào nhà hỏi mẹ tôi , thì mẹ tôi cho biết là hôm nay người đằng xóm cùng chú năm bắt được khỉ , và người ta đang làm thịt khỉ ở nhà ông bảy Nhuần . Tôi đem cất vội vàng cặp sách , ba chân bốn cẳng chạy nhanh về phía nhà ông bảy Nhuần . Lúc đó tôi thấy hai Hí & bảy Mập đang lui cui lấy là dừa khô đốt thui da khỉ . Tôi thấy hai con khỉ bị xỏ cây ngang , từ miệng trổ về hậu môn , nằm trên 4 cây nạng chéo , da mặt thì nhăn , răng thì nhe ra lòi cả nướu răng , da chúng bị đốt lem lổ . Tôi hãi hùng nhìn chúng , thì chúng có khác chi một đứa con nít bị con người làm thịt ,nhìn hình chúng nào có khác chi con người , có khác chăng là cái đuôi và lớp áo lông choàng bên ngoài cơ thể , nếu chúng ta lột bỏ hết . Miệng tôi cảm thấy tanh tanh và muốn ói , nhưng trong bụng tôi lúc đó có miếng thịt , miếng cá , miếng cơm nào đâu mà ói ra cho được . Chỉ có nước , không biết nước từ đâu mà nó trào ra miệng tôi nhiều thế , bắt tôi phải nhổ ra , càng nhổ ra , thì nước miếng đưa lên càng nhiều , những cơ thịt bụng co thắt ,tôi muốn nôn nhưng lại nôn không được . Lúc đó chú tư De với chú năm Thơm đi lại bên tôi khoe chiến công , bắt khỉ hiển hách của hai chú . Lỗ tai tôi lúc đó bị lùng bùng tôi nào có nghe các chú nói gì , qua công trạng đó .

Tôi thất thểu trở lại nhà , trèo lên tấm ván ngựa , gác tay lên trán mà suy nghĩ vẩn vơ . Nằm trằn trọc mãi cũng chẳng làm được gì , tôi bật dậy , soạn những sách vở nào cần để học cho tuần tới , bỏ vô ba lô , dăm món thức ăn đủ hai ngày hai đêm ở trên trại , tôi lê từng bước một rời nhà , khi đi ngang qua nhóm người đang đánh chén , tôi nghe có tiếng ai đó gọi mời , có tiếng của ai đó kêu lại ăn , đôi chân tôi vẫn bước đều , đầu tôi không ngoảnh lại . Tôi lên tới trại , lúc đó trời cũng nhá nhem tối , tôi nghe bụng tôi cồn cào réo gọi đòi ăn , biết tôi cả ngày nay không có chi bỏ vô cái bụng . Nhìn lên cái kệ để đồ ăn khô , thùng mì hai tôm , còn lại dăm ba gói . Tôi thổi lửa đun nước , bỏ mì vô tô ra chỗ trồng rau hái dăm cọng hành thả vô tô , cũng xong một buổi ăn chiều đạm bạc . Trăng trung tuần vừa ló lên trên mặt biển , trải ánh sáng vàng vằng vặc , lên cây Ngô Đồng sắp sửa trổ hoa trước cửa trại của tôi . Tiếng cú than đêm vọng lên từ bên kia phía rộp . Tiếng dơi quạ tìm mồi cánh đập vội vã bên khóm chuối chòm Miên (**) , vài con dơi sen đang co xòe cánh vờn quanh bắt muỗi . Hòa cùng tiếng mèo rừng nghêu ngao gọi bạn trong đêm . Âm thanh rừng về khuya , nếu lòng vui , thì đó là một điệu nhạc đưa hồn người tiêu diêu thoát tục . Nếu lòng buồn thì đó là một điệu nhạc trầm cảnh đến thê lương . Trời trong , khung trăng vành vạnh , những làn mây áp núi bay vẩn vơ , đang bao quanh bụi tre già đang phơi sương cong mình duới ánh nguyệt . Trời càng về khuya mây áp núi càng dầy , tôi bụng bảo dạ ngủ thôi khuya rồi , mai còn phải làm biết bao công chuyện .

o O o

Buổi sáng tinh sương vầng hồng ở phương đông chưa tỏ rạng , thì chú năm đã lên tới trại rẫy , chú lui cui nấu nước pha cà phê , chú làm động tác nhẹ thật nhẹ , có lẽ chú sợ những va chạm mạnh mẽ sẽ đánh thức tôi dậy . Nhưng chú có biết đâu chú vừa mở cửa là tôi đã hay chú lên rồi , tôi ngồi dậy tìm đôi dép , thì không thấy , tôi đang loay hoay kiếm tìm.

- Chú hỏi tôi tìm kiếm gì vậy .

- Tôi nói đôi dép , đêm hôm qua tôi để đây , bây giờ sao không thấy .

- Chú nói , tại vì cậu đóng cửa không kín , nên mèo chui vào được , và nó đã tha đi mất , có thể ngoài tảng đá bằng đằng kia , hay dưới hang rộp nằm bên gốc cây vong , mai sáng cậu đi tìm không mất đâu mà sợ .

Chú quay lại nhìn tôi và hỏi :

- Sao hôm qua cậu không ăn thịt khỉ , cậu có biết không thịt khỉ nó tốt và bổ dưỡng lắm đó , nó vừa bổ nguyên khí , tráng dương bổ thận trị phong thấp và chữa khỏi người bị suy nhược thần kinh . Còn óc khỉ thì chỉ có những bậc vua chúa thời xa xưa , mới ăn được . Và nay mấy người Hoa Chợ Lớn họ rất muốn mua khỉ sống để ăn óc khỉ , vừa tẩm bổ đầu óc để mở mang trí tuệ , vừa tẩm bổ cơ thể được cường tráng . Chiều hôm qua có ông chệt Lèn ở xóm Nhà Lầu xuống , đặt mua mỗi con khỉ sống , không bị thương tật là một chỉ vàng tương đương bằng năm trăm đồng một con đó , câụ có biết không ? Tôi với tư De , bảy Nhuần đã hứa với ông ta bắt mười con khỉ giao cho ông ta vào tuần tới , cậu cũng có phần trong nầy , vì cậu cũng có công nghĩ cách bắt khỉ .

Tôi nhìn chú tôi lắc đầu :

- Chú Năm à , chuyện bắt khỉ là chuyện của mấy chú , tôi không muốn chia phần đó vì trong lúc các chú đi bắt khỉ tôi chẳng có đi theo , vì tôi còn phải ra chợ mỗi tuần để học , tôi chẳng muốn chia chác , vì mình chẳng có công cán. Chuyện làm lồng bẫy , cũng là một chuyện tình cờ tôi được người ta chỉ , chớ tôi nào có nghĩ cách nghĩ chước để bắt gì đâu . Tôi không cản mấy chú chuyện bắt khỉ hay khuyên mấy chú không nên bắt khỉ , vì lợi nhuận của mỗi con khỉ không phải là nhỏ , mà đây là một số tiền rất to lớn , làm gì các chú có được trên ngàn đồng một tuần ở cái xứ nầy . Nhưng tôi cũng khuyên mấy chú ; tiền tuy là mạch máu nơi cần cổ , nhưng tiền cũng sẽ làm khổ cho mình , khi mình có những đồng tiền nhiều trong tay .

Chuyện bắt khỉ , ba chú , Nhuần , De , Thơm xúc tiến làm cũng rất suông sẻ khoảng trên dưới 6 tháng , Khỉ rừng sinh sống cạnh rẫy tôi không còn khuấy phá nữa . Ngày xưa , từng đàn 5-7 chục con, thậm chí cả trăm con , nay vẫn còn bầy khỉ lui tới bên vườn tôi , nhưng chúng chỉ còn dăm ba con , bị bịnh xà mâu ghẻ lở hay già yếu .

 

Dơi Quạ

Đầu năm 1970 , Bác ba Trước (Nguyễn Kỳ Hoa) đến ba mẹ tôi gạ bán 9 công đất chưa khai thác, cạnh mấy miếng đất như sau :

- Trên đầu núi hướng Bắc giáp đất Tư De ,sáu Đạo

- Bên hông đất hướng Tây giáp đất Tám Tương

- Bên hông đất hướng Đông giáp tư Tặng

- Dưới triền dưới giáp Út Hưng .

Bác ra giá mỗi công 7.000.00 , ba mẹ tôi nói , nếu bác đồng ý bán , thì bây giờ gia đình tôi chỉ đặt cọc 10% , tới giữa năm là sau khi thu hoạch mãng cầu , chồng thêm 50%, tới cuối năm mới trả tiền hết . Vì miếng đất coi như đất hoang không có huê lợi gì hết , chớ không phải ba mẹ tôi neo giá , để trục lợi . Nếu bác đồng ý bán ba mẹ tôi mua , nhưng phải có sự thỏa thuận của bác ba gái , cùng với các anh chị : Chị Diệp , anh Thẫm , Điền . Có sự đồng ý của tất cả mọi người thì coi như chuyện mua bán đã xong .

Và mọi chuyện mua bán coi như xuôi chèo mát mái , chẳng có một chướng ngại nào .

Năm đó sau lúc nghỉ hè , tôi tối tăm mặt mũi vừa lo hái trái mãng cầu ,vừa phụ chú Năm trông nom 12 công rẫy . Cho nên tôi đóng đô luôn trên trại , ít có khi về dưới xóm bãi nhà , có chăng là những giao dịch mua bán với người lái mua mãng cầu , ăn ngủ tắm gội gì đều ở trên trại hết . Lúc vào mùa mãna cầu rộ , thì tất cả mọi người đều lo hái trái, lo chuyên chở , lo phân phối đi các nơi , nhất là Thành Phố Sài Gòn . Cả xóm rộn rịp như hội chợ , người khuân vác , kẻ chạy se cua , người hái trái. Từ khắp 4 vùng chiến thuật , người nghèo đi làm mướn thu gom về đó rất nhiều , cộng với sau đợt tổng động viên 1968 , người bị bắt đi lính , người bị bắt đi làm sĩ quan , một thời gian . Người sợ chết thì trốn lính , kẻ không muốn giết người thì đào binh , cũng gom về đó sinh sống. Có phải đất lành chim đậu hay không , thì tôi không biết , chớ đi tỵ nạn súng đạn thì đó là việc rõ ràng trước mắt .

Cứ mỗi chiều , khi cơm nước tắm rửa xong , trời cũng vừa chạng vạng tôí , tôi cùng hai thằng em , một , thằng em ruột Mạnh , hai , thằng em họ bạn dì Lễ , lấy nạng giàn thun , lên rẫy chú bẩy Mập , ngồi bên gốc cây Bồ Đề , không phải là tôi tu đâu nhé , ngồi đó là để bắn mấy con dơi quạ sà xuống ăn trái bồ đề . Trời vừa nhá nhem tối , dơi rời hang ổ trong rộp đá , chúng bay ra đen cả một bầu trời , có con đi tìm chuối để ăn , có con đi tìm mãng cầu hái sót chín cây để ăn , có con đi tìm mít chín cũng để ăn , và cũng có con bay đến cây bồ , lột da trái ăn , bỏ hột bồ đề lại cho người lụm đem về làm xâu chuỗi .

Trời về đêm mọi thứ âm thanh rừng rú , tiếng hú tiếng kêu , tiếng la của bọn thú rừng choảng nhau hòa lại cũng thành một điệu nhạc làm rờn rợn ngoài da . Chúng tôi ba thằng cầm ba cái ná , thấy con nào sà xuống thì thả từng cục đạn đá bay lên . Chúng tôi bắn trăm phát trăm trúng , nhưng mà chỉ có trúng cái màng cánh của các anh chị dơi mà thôi . Ðạn đá xuyên qua da cánh , nghe một tiếng bụp , chúng tôi thấy một mắt chị hằng ló ra nhìn tôi , còn con dơi thì vẫn bay đều đặn , viên đạn đá chẳng có làm tổn thương chi nó cả . Hoặc giả chúng tôi bắn trúng ngay cái mình , cục đạn vô mình nó kêu cái bịch , dơi bay đi còn đạn thì rớt xuống . Còn như chúng tôi bắn trúng ngay cái đầu dơi , thì cục đạn chạm đầu dơi kêu nghe cái cốc , dơi vẫn bay đi , đạn thì ở lại . Chỉ có bắn trúng một chỗ là con dơi chịu rớt mà thôi . Là bắn ngay tay cánh của nó , gãy cánh thì chúng rớt, hết bay , vì cánh xụi lơ làm sao mà nó vỗ bay đi được .

Đạn bắn hơn trăm viên , họa hoằn lắm mới có dăm ba con dơi đem về nấu cháo là may mắn lắm rôì . Ăn cháo khuya , nhìn lửa chài của đạn bom xuyên qua xẹt lại , nơi các vùng miệt thứ , Phi Thông , Mái Nước , Hòn Me , Hòn Đất mỗi ngày những viên đạn đồng đen nối xâu đuôi cày sâu xuống khắp 4 vùng của quê hương đất nước . Chiến tranh đã giết chết biết bao nhiêu người , chiến tranh đã tàn phá biết bao nhiêu , căn nhà , mảnh vườn , thửa rộng . Chiến tranh cũng đã giết biết bao nhiêu mối tình nam nữ , kể cả những người nữ hay nam , chết cho chiến tranh , được gì khi tay họ xuôi , khi mắt họ nhắm lại . Trả thù ai ? khi miệng chúng ta bị khóa chặt từ lâu , bằng chiếc khóa , không xâu , không chìa , không ổ . Chỉ có những con người làm khổ cho những con người mà thôi . Còn như hòa bình kiểu Việt Nam hiện nay , 34 năm rồi thì phải . Những người dân được hưởng lợi gì trong cái hòa bình đó , có chăng là những thảm cảnh đau thương khắp cùng trên non nước . Trăm vạn người có đôi mắt sáng , lại hoá thành mù , trăm kẻ mù đang nắm vận mạng của nước non , thử hỏi non nước sao tránh khỏi cảnh điêu linh và khốn khổ . Những con dơi quạ , chúng nó mù khi đem chúng ra giữa ban ngày có ánh sáng , nhưng đem chúng ra giữ đêm khuya thì chúng lanh lẹ vô cùng . Như những con người sống ở cõi đời nầy , cứ mãi tính chuyện đi đêm , cứ tính mãi chuyện dối trá ,và lừa gạt thì cuộc đờì họ sẽ làm được gì cho xã hội .

Trở lại chuyện dơi , dơi là một loại có đời sống ngược ngạo hơn với các loài khác . Ngày chúng ngủ , đêm đi ăn , ngủ đít chổng lên trời , đầu chúi xuống đất , đầu như đầu chồn (đèn), chồn có chân , dơi không có . Mình như mình chim , chim có lông chim , dơi có lông chuột . Dơi biết bay , chim biết bay , chim đẻ trứng , dơi đẻ con .

Thịt dơi người ta làm đủ mọi kiểu cách để ăn: Nấu cháo , xào lăn , ướp xả ớt muối chiên , xào hẹ , xào mướp , xào củ hành tây . Thịt dơi làm thông khí huyết , chữa thận khí suy , huyết ứ , chữa được bệnh mắt đỏ , mắt cườm , mắt mờ . Muốn ăn dơi phải biết làm dơi , vì trong châu thân dơi có 6 cục sạ ( xạ) 4 ở đôi cánh trên và hai ở đôi chân dưới . Nếu không lấy ra thịt dơi sẽ hôi ăn không được .

o O o

Những con khỉ nơi quê tôi , đôi chân chúng mang đôi giầy thiên lý chạy nhanh chạy lẹ lên Sài Gòn . Thì những con Tắc Kè cũng đang may áo quần mới chuẩn bị đi thăm viếng Thủ Đô , sau chuyến du hành mua bán của mấy người Hoa từ Rạch Giá lên Sài Gòn bán khỉ , thì những đợt người Hoa từ Sài Gòn xuống quê tôi gạ mua :

Tắc Kè (Cắc Kè)


Con tắc kè là loại bò sát , chúng nhỏ hơn con Kỳ Đà , lớn hơn con Kỳ Nhông , Rắn Mối .Thân hình chúng có bông hoa , màu sắc có thể thay đổi theo bối cảnh nơi chúng ở . Chúng đẻ trứng , trứng dính vào đá , sau một thời gian trứng nở con . Tắc Kè mẹ lẫn cha không có lo cái ăn cái mặc chi cả , chúng tự sinh tự sống , chúng tự tìm mồi , rồi chúng lớn dần theo năm tháng . Có con to nặng vài trăm gram , nghĩa là có con bằng cổ tay .

Người đặt mua Tắc Kè , con Tắc Kè phải còn nguyên vẹn , không bị què chân tay , nhất là phần đuôi , không được đứt , hoặc mất . Nếu đứt hoặc mất họ không mua , nếu như người bắt chúng mạnh tay lỡ để chúng mất đuôi thì còn có nước đem về nhà mà ăn chúng . Lúc đó mấy người trẻ tuổi quê tôi xôn xao , kẻ làm cần câu đi câu chúng , kẻ làm cầu vòng , đi vòng cổ chúng . Từ rừng núi , từ hang động , từ hốc đá trong vườn , quý anh chị nhỏ cũng phăng lần tới . Mỗi con tắc kè gía từ 20.00 $ cho tới 50.00$ tuỳ theo lớn nhỏ , tôi không biết những người Hoa họ mua tắc kè họ làm thuốc gì . Chớ thịt tắc kè ăn cũng ngon lắm , nhất là món xào lăn , nhậu với rượu đế thì , gà , vịt , chồn , chó , mèo , thua xa chúng . Thịt chúng trắng hơn thịt gà , dai hơn thịt vịt , thơm hơn thịt chó , ngọt hơn thịt mèo , đó là bấy nhiêu tôi nghe người kể lại .

Cách Làm & Cách Nấu :

Khi chúng ta bắt được tắc kè đem về nấu nồi nước sôi , nhúng chúng vô , cạo sạch lớp vẩy của chúng . Mổ bụng lấy hết phần ruột gan phèo phổi bỏ , chỉ để lại cái gan mà thôi .

Chặt tắc kè theo hình thể ô vuông hay ô nhựt gì đó , không nhất thiết , phải cho đều đặn , ướp ngũ vị hương , bắc chảo phi mỡ tỏi hành tím , xáo thịt cho săn . rồi đổ nước cốt dừa , bột nghệ cà ri nếu thích , đốt lửa nhỏ , đừng đốt lửa to , khi vừa thấy nước lóng còn xâm xấp thì , bỏ củ hành tây cắt lác , hay cần tàu cắt khúc , trộn đều , rải tí đậu phọng rang vàng đâm nhuyễn lên , là chúng ta có một bữa tắc kè xào lăn rồi đó .

Dưới hốc đá trước cửa trại tôi , cạnh cây Vong Vang (Ngô Đồng) có rất nhiều cục đá dựng đứng , tạo thành những cái hang ngách chạy vòng , cho nên đó là nơi mà các anh chị tắc kè làm nơi cư ngụ . Có lẽ lâu đời lắm rồi, không biết là bao lâu , không biết thời gian nào chúng về đó cư ngụ . Những lớp trứng của tắc kè dầy lên theo ngày tháng , trải một lớp trắng trên chóp đầu đá của chiếc hang . Ở đó tôi phỏng đoán chừng trên dưới trăm anh chị tắc kè . Cứ mỗi sáng , mỗi trưa , anh chị cất tiếng kêu vang lên từng tràng dài tắc , tắc kè . Những người dân địa phương họ từng đếm theo tiếng kêu đó để định cho việc hên xui , lẻ xui chẵn hên gì đó . Thông thường tắc kè kêu từ 7-12 tiếng , còn bao nhiêu tiếng sau , chúng ta chỉ còn có nghe è.. è .. è , mà thôi . Dăm tháng truy lùng bắt tắc kè , mấy anh chị con nít quê tôi kiếm cũng bộn tiền , thế nên năm đó tết đến hàng loạt những trò chơi dành cho mấy anh chị nhỏ vui hưởng . Như :

- Bầu Tôm Cá Cọp .

- Bông vụ ,

- Tài Xiủ , nở như hoa trên cái xứ vốn dĩ đã là đìu hiu hút gió , nay bỗng dưng nhộn nhịp yêu đời quá xá .

 

Ong: Mật Ong Ruồi

Sau khi sang được miếng đất của bác ba Trước , năm đó ba tôi xúc tiến dọn rừng để cho kịp cho mùa mưa, gieo hột mãng cầu , và cấy trồng dăm thứ hoa mầu , để bán kiếm tiền trả nợ, cộng với xây xài . Tôi thì chẳng phụ giúp cho ba tôi được gì nhiều , chỉ có mỗi cuối tuần về phụ mà thôi . Miếng đất mới sang tuy là đất hoang, nhưng chung quanh kế cận đã có người canh tác , cho nên miếng đất đó thu gom về khá nhiều con vật hoang dã . Ong là nhân vật chính trên miếng đất của tôi , đủ các loại ong , ong lá ong bần , ong vò vẽ , ong ruồi . Chúng làm tổ tùm lum tá la , đâu đâu cũng có tổ chúng , dọn rẫy , không thấy chúng trước dọn đến tổ chúng chúng túa ra oánh chạy vắt giò lên cần cổ . Ong dữ dằn nhất chỉ có ong vò vẽ thôi , nếu bị nó chích , người bị chích , xưng tay chân là chuyện thường , có thể bị sốt cao , và cũng có thể chết luôn . Nọc của nó độc vô cùng , chúng len lỏi vào thịt da đau nhức khó tả . Tôi bị nó đánh một lần , nghỉ học luôn cả tuần , vì đi không nổi , tối ngày cứ muốn lủi vô chăn trùm cho kín đầu , kín đít . Ong ruồi hiền hơn , mà tổ chúng lại có mật , cho nên nó cũng là miếng mồi ngon cho các anh chị con nít , và người lỡ con nít lỡ người lớn như tôi nữa . Đi tìm bắt chúng không khó , mùa xuân tìm những chỗ có hoa , mùa hè tìm những nơi có nước , anh chị ong thợ thường đi kiếm nước , kiếm hoa , để tha về tổ chúng . Chúng ta muốn theo dõi chúng phải theo dõi cho kỹ , chúng cũng biết đánh lạc hướng những kẻ thù rình rập chúng lắm .Thông thường chúng uống nước cho no , hay ăn hoa cho đầy bụng , việc đầu tiên là chúng cất cánh bay thẳng lên , rồi bay về một hướng trá hình nào đó , để đánh lạc hướng người theo dõi , sau đó chúng mới tà tà bay về tổ , nếu hoa thì chúng "pump" vô túi mật , nếu nước chúng rải cho lũ ong con hay chuyền cho cho cô nàng ong chúa . Rồi cứ thế con bay đi , con trở về ,tạo thành một thứ âm thanh vi vu vo ve quanh tổ chúng . Bắt ong ruồi dễ thôi , một điếu thuốc phà hơi chúng cũng bay tán loạn , và bỏ tổ . Nhưng ong ruồi có pha lẫn ong sắt , hút thuốc phì phà vô ổ chúng coi chừng bị nó chơi một phát cái mỏ thành mỏ Chư Bát Giới .

Hai thằng em tôi Mạnh & Lễ một hôm chúng nó đi tìm bắt tắc kè , di chưa bao lâu chúng nó chạy về nhà, hớt ha hớt hải , chúng nó nói là chúng nó gặp cọp .Tôi nói với chúng là ở hòn nầy không có cọp , vì làm sao cọp ra được nơi đây . Chúng nó quả quyết là con cọp , nó đang nằm trên cây , nó thấy con cọp sừng lông nữa . Tôi kêu chúng nó dắt tôi đi , chúng nó sợ không đi , tôi nói hai em cứ đi đến xa xa để chỉ anh , không cần phải đến gần . Tụi nó nghe tôi thuyết phục riết chúng nó chịu đi , chúng nó dắt tôi đi xuyên qua miếng đất của chệt Quang , lủi vô chòm cây đầu heo qua mấy khúc rộp đá , đến gần tới nó chỉ đằng kia kìa , dưới tàng cây đầu heo , nằm bên chòm cây miên và kén đó . Chúng nó không đi nữa , và chúng nó đòi về , tôi bảo ừ hai em về đi .Tôi len lỏi qua từng tảng đá , từng nhánh cây , từng đoạn dây bằng lăng , khoanh tròn thò ra những đóa hoa mầu tím , tỏa những luồng hương nhẹ nhàng , tôi thấy lòng mình thanh thản lạ lùng , như mình lần dò tìm được động tiên , mà các nàng tiên nữ đang chờ tôi nơi phía trước . Đến nơi , khu vực chòm cây miên và kén , chỗ đó có một khoảnh đất chu vi khoảng 9-10 thước vuông . Những hạt của trái Miên lũ dơi ăn nằm đầy dưới đất , trái của kén trải một lớp thảm dầy , mầu tim tím (vì trái kén khi chín nó có mầu tím, phía ngoài thân trái có một lớp lông rất mịn màng . Cây Miên gọi theo tiếng dân hòn , chớ thật ra cây Miên là loại nhãn rừng , trái bằng đầu ngón tay cái , và chúng có thể tương đương với loại nhãn kim bây giờ có bán ở Phố Tầu , mầu hơi nâu , chớ không vàng như loại nhãn kim . Trái của chúng ăn cũng như là nhãn không khác tí nào) . Đến nơi tôi cũng dè dặt đi quanh quẩn kiếm tìm , chân bước rất nhẹ , nhìn quanh tôi nào có thấy chi đâu , khi mắt tôi hướng về phía rộp có một cây miên nghiêng theo chiều thân dựa lên một tảng đá lớn , cái nhánh hai chìa ra , thì tôi thấy trên nhánh một cục rằn ri hình bán nguyệt , đang chớp chớp . Tôi đến thật gần trông kỹ , thì đó là một tổ ong mật to thật to , những con ong thợ đi về lũ lượt , chúng xoay chuyển , cánh chúng chớp , tạo thành một mầu rằn ri vàng , mới nhìn tương tự như là cọp sừng lông . Nhìn tổ ong thật lâu , để định làm sao đuổi chúng và lấy mật , mật trong tổ ong nầy 5 - 7 lít mật như chơi .Tôi về nhà , rủ chú năm Thơm và hai thằng em đi gom xác vỏ của trái dừa khô , chúng tôi làm những cây đuốc dừa thật to , là để hong khói cho thật nhiều xua đám ong đang xây tổ . Mạnh & Lễ đòi theo chú năm không cho vì sợ , khi ong vỡ tổ chúng bay loạn xạ chích chúng nó .

Đến nơi tôi , chú bật hộp quẹt , đốt bùi nhùi phía ngoài tất cả cây đuốc cho bén lửa , chúng tôi gom lại để ngay phần dưới của tổ ong , chúng tôi chạy ra xa , cách tổ ong 8-9 thước . Ong bị khói bay túa ra ,chúng tìm xem ai dám lại chơi khăm chúng bằng cách đốt ổ . Chúng bay chúng xoay vòng tròn như bông vụ ,có những con bay lạc , chúng tìm được chúng tôi , và rồi bọn chúng rủ nhau cùng tấn công tôi và chú năm , từng đàn ong xung phong ,tôi nghe trên đầu tôi kêu lụp bụp lốp bốp , vì cái nón tôi đội vải hơi dầy kim chúng chích không lọt hay lọt vô được tôi lúc đó nào có biết , còn chú năm Thơm đầu không nón , bọn ong nó bu lại lại oánh thấy mà thương , chú bảo chạy ở lại ong oánh chết , chúng tôi tắt ngang đất sư cô Lan , nhảy ùm xuống biển , bọn ong vẫn còn bám theo truy kích , tôi có cái xoong đội lên đầu , chú năm có cái thau , định đi hứng mật ai ngờ lấy đó mà che đầu máu trở về . Vậy mà lũ ong còn bay theo đáp trên cái thau và xoong ,chúng đáp xuống taọ ra những tràng âm thanh ngân lên nghe boong boong ,trên cái thau và xoong chúng tôi lần theo gành đá trở lại nhà , mặt tôi với chú mặt người nào cũng như mặt thủ vĩ lợn . (Đầu Heo)

Tổ ong vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt ,những con ong thợ vẫn hiên ngang đi về , cho đến khi ông tư Răng đi chuyến lưới Quàng về mới bày kế bắt tổ ong đó được . Nhắc tới tổ ong mật , xương sống tôi còn lạnh cho tới bây giờ .

==================

Võ Ngô, tên thật là Ngô Quang Võ, một thân hữu hiện sống ở Toronto, Canada.
Anh là một tay năng nổ trong các sinh hoạt cộng đồng thuộc nhóm Ái Hữu Rạch Giá gồm nhiều hội viên và thân hữu.

* xứ Hòn Tre có một loại từ có gai như gai cây bướm , nếu không mang giầy sẽ bị gai đâm chân , cho nên tất cả mọi người phải mang giầy , dép để đi .