Bài tranh luận của Dân biểu Chris Hayes tại Quốc hội Úc (lên tiếng thay cho Cộng đồng Việt Nam tại Úc Châu)
Dân biểu Chris Hayes (Đơn vị Fowler - Dân biểu đặc trách tổ chức đảng tại quốc hội) (Giờ phát biểu: 21:50) Ngày 23 tháng 5 năm 2011
Tôi có vinh dự được Cộng đồng Việt Nam mời tham dự cuộc biểu tình hôm 30 Tháng Tư tại thủ đô Canberra để đánh dấu 36 năm ngày Sài Gòn thất thủ và cũng là dịp để tôi bày tỏ sự kính trọng đối với các cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi cám ơn ông Nguyễn Văn Thanh và các thành viên trong Ban chấp hành Cộng đồng đã cho tôi cái vinh dự này. Nhân quyền là một vấn đề mà tôi cho là rất quan trọng đối với hầu hết chúng ta ở đây, bởi vì chúng ta coi trọng sự sống cũng như phẩm giá của con người. Tại cuộc biểu tình ở Canberra, tôi ghi nhận sự hiện diện của hai người bạn Việt Nam, mà sự từng trải của hai vị này có ảnh hưởng to lớn đối với tôi - cả hai đều là những người lính VNCH, một là sĩ quan tác chiến và người kia là một sĩ quan quân y. Cả hai đều trải qua nhiều khổ đau dưới chế độ cộng sản, và cũng như nhiều người Úc gốc Việt khác, hai vị đều là người tỵ nạn. Tôi muốn nói đến ông Võ Đại Tôn và Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến (Huân chương cao quý Úc Đại Lợi OAM), là một cựu chủ tịch cộng đồng Việt Nam. Tôi biết rõ hai vị này và câu chuyện về bản thân của họ. Cùng với nhiều quân nhân VNCH khác đã từng chiến đấu để bảo vệ miền Nam, họ đã phải chịu nhiều khổ cực, đày ải trong các trại cải tạo tập trung. Niềm tin của họ vào tự do và dân chủ rất mãnh liệt và lòng quả cảm của họ không chỉ có sức truyền cảm mạnh mẽ mà còn rất là khiêm tốn. Mặc dù đã trải qua nhiều gian nan như vậy, nhưng cả hai vị đã đóng góp rất nhiều vào đất nước đã cưu mang mình, Úc Đại Lợi. Do đó, gần đây khi được biết đến lời đề nghị để cựu quân nhân Úc diễn hành chung với các cựu cán binh Việt Cộng trong cuộc diễn hành năm tới tại Hà Nội, thì tôi đã nghĩ ngay đến hai người bạn này và nhiều người Việt tỵ nạn khác. Cho dù đó là ý tốt đi chăng nữa thì tôi vẫn xem điều này không thể chấp nhận được khi xét đến tính chất của cuộc chiến và quan trọng hơn hết là nhân quyền vẫn bị chà đạp ở Việt Nam. Tôi đã viết thư cho Thủ tướng Úc và ông chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân Úc (RSL) để bày tỏ mối quan tâm của tôi về sự việc này. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Cộng Sản Việt Nam đã hành xử man rợ đối với những ai mà chúng cho là không tuân phục. Cách hành xử này đã xua đẩy hàng triệu người bỏ xứ ra đi để mưu cầu sự tự do và bình an. Thảm thương thay, hàng ngàn người đã bỏ mạng trong cuộc hành trình này. Những sự kiện này không thuộc về lịch sử lâu đời hay là những ký ức đã nhạt phai, mà là mới chỉ xảy ra trong vòng 36 năm nay thôi. Tôi thật sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Tôi thật sự kinh ngạc với con số hơn 400 người hiện đang bị cầm tù tại Việt Nam chỉ vì những người này muốn thực thi những quyền con người căn bản nhất. Tội của họ chỉ là ủng hộ các tổ chức chính trị không được nhà nước công nhận, chỉ trích chính sách nhà nước, kêu gọi mở rộng dân chủ và giúp các vấn đề pháp lý cho các nhà bất đồng chính kiến tại tòa. Hôm 11/05, tôi có được vinh dự giúp tổ chức một buổi điều trần tại quốc hội cho nhiều dân biểu, nghị sĩ để bàn thảo về việc thực thi các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam. Tôi phải nói rằng, có một cảm nhận rõ rệt là, mặc dầu có sự can thiệp ngoại giao mạnh mẽ cũng như sự giao thương rộng lớn, nhưng việc thực thi các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam vẫn không tiến triển, và có người còn cho rằng thậm chí bị giật lùi. Các thành viên Khối 1706 có mặt hôm đó đã tường trình đầy đủ vấn đề nhân quyền đến các vị dân cử Úc. Được đặt tên theo ngày ra đời 1/7/2006, Khối 1706 là một tổ chức đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam, tiếp tay với phong trào đấu tranh do Khối 8406 phát động trong nước trước đó. Trước và sau khi phong trào này ra đời, nhiều nhà đấu tranh bị bắt và bỏ tù. Một điều rất đáng chú ý mà Khối 1706 đã làm là giúp đỡ tài chánh cho gia đình của những nhà đấu tranh bị bắt bỏ tù để họ có thể tiếp tục sống. Mới đây, họ cũng đã giúp đỡ thân nhân của ba nhà hoạt động công đoàn độc lập bị kết án chín năm tù chỉ vì giúp công nhân một hãng giày tổ chức đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Nên nhớ là nhiều tổ chức công đoàn ở Úc, bao gồm Công Đoàn Giao thông Vận Tải (TWU) và Công đoàn Lao Công Úc (AWU) đã mạnh mẽ lên tiếng bênh vực cho ba nhà hoạt động công đoàn độc lập này. Trên hết, Tổng Liên Đoàn Lao Công Úc (ACTU) đã đưa ra một nghị quyết lên án nhà cầm quyền Việt Nam qua việc bỏ tù ba người này. Thông qua đài Việt Nam Sydney Radio (VSR) tôi đã có cơ hội nói chuyện với một số vị đã từng ở tù chỉ vì muốn thực thi những quyền con người căn bản. Tôi đã nói chuyện với hai vị linh mục Công giáo đã từng bị cầm tù ở Việt Nam, đó là Cha Nguyễn Văn Lý và Cha Phan Văn Lợi và mới đây là cô Luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân. Cô ấy chỉ có mỗi tội là giúp đỡ dân oan khiếu kiện. Tôi cũng cám ơn bà Bảo Khánh và ông Đoàn Kim đã cho tôi cơ hội nói chuyện trực tiếp với những người này, và trên hết họ là những người Việt Nam yêu nước và cũng như chúng ta, họ đặt niềm tin vào tự do và phẩm giá của người Việt Nam. Suốt mấy năm qua, trong các cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc-Việt, chính phủ Úc đã bày tỏ sự quan tâm đối với các tù chính trị. Được biết các nhà ngoại giao của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin phép thăm tù chính trị ở Việt Nam, nhất là đối với những người không phải là công dân Úc, và câu chuyện xảy ra mới đây đối với một dân biểu Hoa Kỳ và một dân biểu Úc thuộc đơn vị Cowan (Luke Simpkins). Nhưng nếu chúng ta thật tâm muốn thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam thì chúng ta cần đòi hỏi phải được thăm các nhà đấu tranh hiện đang bị ngược đãi trong tù. Tôi xin phép nói sơ qua về Chương trình Hợp tác Kỹ thuật về Nhân quyền (HRTCP), một chương trình hướng tới việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Đọc trên trang web của cơ quan Viện Trợ Hải Ngoại AusAID, thì tôi thấy Bộ Công An Việt Nam là cơ quan nhận được sự giúp đỡ tài chánh từ chương trình này. Tôi thật sự muốn biết tại sao đồng tiền đóng thuế của người dân lại được giao cho một bộ chuyên trách các vụ bắt bớ, giam cầm và ngược đãi các nhà đấu tranh ôn hòa. Nhân quyền không phải là những thứ mà chúng ta bàn thảo, nói đến và rồi cho vào quên lãng. Nhân quyền sẽ chẳng có nếu nó không được người ta tôn trọng. Nếu người dân bị bỏ tù chỉ vì dám lên tiếng bênh vực các quyền căn bản của con người, thì rõ ràng là nhân quyền chẳng hề tồn tại. Vì lý do đó mới đây tôi đã gởi thư cho ông bộ trưởng Ngoại Giao về việc Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị bỏ tù với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước. Ông Vũ bị bắt năm 2009 sau khi ông tính kiện nhà nước về việc cấp giấy phép cho công ty Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Một năm sau đó ông Vũ lại bị bắt vì dám thách thức tính hợp hiến của luật pháp trước tòa. Ông ấy là người muốn thực thi những gì mình hiểu biết về luật pháp. Tôi thật sự quan tâm đến trường hợp của ông Vũ vì người ta kết án ông 7 năm tù và 3 năm quản chế trong một phiên tòa chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Rõ ràng là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để chắc chắn rằng sự giúp đỡ tài chánh của chúng ta sẽ đem lại những cải thiện đáng kể đối với hồ sơ nhân quyền ở Việt Nam và để thúc đẩy việc thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà chính phủ Việt Nam đã ký vào năm 1982. Chúng ta, một quốc gia hiện đang có giao thương với Việt Nam, cùng với nhiều quốc gia phát triển khác, có quyền yêu cầu những điều khoản được ký kết trong Công ước phải được thực thi và tôn trọng. Mặc dầu tôi luôn ủng hộ và tôn trọng mọi nỗ lực để củng cố mối quan hệ, nhưng tôi cho rằng với những gì hiện đang xảy ra tại Việt Nam thì một cuộc diễn hành của các cựu quân nhân Úc bên cạnh các cựu cán binh Việt Cộng sẽ gởi đến các chế độ độc tài một thông điệp sai lạc, rằng họ có thể tiếp tục chà đạp nhân quyền trong khi vẫn ngửa tay nhận tiền của chúng ta.
|