Vài dòng về tính đúng giờ của người Nhật |
Tác Giả: Ngô Khôn Trí | |||||||
Thứ Năm, 03 Tháng 3 Năm 2011 07:15 | |||||||
Nếu có cơ hội sinh sống ở Nhật lâu, chúng ta đều thấy rằng người Nhật rất khiêm nhường, lễ độ, thành thật, có trách nhiệm, sạch sẽ và rất đúng giờ.
Xã hội phát triển thì ý niệm về giờ giấc cũng phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Giữ đúng giờ hẹn là một đức tính công nghiệp rất cần thiết trong xã hội văn minh, nó nói lên độ tin cậy và tinh thần tôn trọng những người chung quanh ta. Người có tính đúng giờ là người biết xếp đặt công việc cho cuộc sống của mình, là người không lười biếng, là người có trách nhiệm và tôn trọng người khác. Có thể nói đức tính tôn trọng giờ hẹn nói lên trình độ văn minh của người đó. So với nhiều dân tộc khác, người Nhật rất tôn trọng giờ hẹn, đi làm đúng giờ, đến dự tiệc hay tham dự 1 buổi họp cũng rất đúng giờ. Bởi vì người Nhật rất nghiêm khắc với việc trễ giờ. Được biết 80 năm trước đây, vào những năm đầu thời vua Minh Trị (1867 – 1912), khi mà người Nhật phải thuê mướn kỹ sư ngoại quốc đến Nhật để dạy nghề cho kỹ sư và công nhân của mình. Người Nhật cũng đã từng bị chê bai là làm việc không tôn trọng tính đúng giờ. Vào thời đó xã hội Âu châu đã sớm phát triển, đã hình thành ra những quy tắc đúng giờ và được coi như là một giá trị đạo đức cùa xã hội. Ông Jean Calvin, nhà thần học người Pháp nỗi tiếng, đã tạo ra ý tưởng giáo dục này, gây ảnh hưởng sâu đậm và loan rộng ra khắp nơi bên Âu châu, đặc biệt là tại Thụy Sĩ, nơi mà ông đã dành gần hết cuộc đời của mình sống tại Geneva (1536-1538 và 1541-1564). Thế nhưng, Người Nhật đã khắc phục được tính đúng giờ là nhờ: -Sớm áp dụng hệ thống thời gian hiện đại của Tây phương. -Phổ biến đồng hồ và áp dụng luật đúng giờ. -Áp dụng phương pháp quản lý khoa học của Mỹ. -Qui định “Ngày kỷ niệm của Giờ” -Bản tính dân tộc của người Nhật : Điềm tỉnh (?)
Ở Nhật, kể từ khi xe điên Shinkasen (Đường sắt cao tốc “Tân Cán Tuyến”) xuất hiện vào năm 1964 đến nay , nếu trễ hẹn trên 1 phút thôi là bị khiển trách ngay. Trong khi đó ở các nước khác như: ở Ý là trên 15 phút, ở Anh là trên 10 phút, ở Đức là trên 5 phút. Còn ở Việt Nam mình thì sao? Trên 30 phút ? hay 1 tiếng ?... thì mới bị nói là trễ hẹn. Cặp danh hài Quang Minh và Hồng Đào có nói 1 câu cười châm biếm như sau: “Không đi trễ không phải là người Việt Nam”. Thật thấm thía vô cùng, không biết vui hay buồn đây?. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết về tính không tôn trọng giờ giấc trong những buổi tiệc cưới hay những buổi sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam mình. Đi trễ đã trở thành 1 thói quen , nhiều người nghĩ rằng đến trễ nói lên sự quan trọng của mình, để được những người đến trước chú ý đến mình hơn. Một số người thành công trong cuộc sống, trở nên giàu có, bằng cấp cao, tự hào là người văn minh nhưng vẫn giữ nguyên thói xấu này là không tôn trọng tính đúng giờ. Đó là 1 trong những tính xấu mà con cái của chúng ta không kính phục, chúng cảm thấy xấu hổ khi mời bạn bè ngoại quốc tới tham dự các buổi tiệc hay các buổi sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam mình. Nếu có cơ hội sinh sống ở Nhật lâu, chúng ta đều thấy rằng người Nhật rất khiêm nhường, lễ độ, thành thật, có trách nhiệm, sạch sẽ và rất đúng giờ. Người Nhật luôn khiêm nhường khi làm việc chung, nghiêm túc về giờ giấc, làm tròn nhiệm vụ được giao phó và có trách nhiệm với việc làm của mình. Điều mà Việt Nam mình, từ trên xuống dưới đều phải học của Nhật? Montréal ngày 27/2/2011
|