Quần Jean, từ bình dân tới thượng lưu |
Tác Giả: Tạp Ghi Quỳnh Giao | |||
Thứ Sáu, 14 Tháng 1 Năm 2011 11:43 | |||
Người Mỹ tin rằng cái quần phong sương đó là một đặc sản Hoa Kỳ Hai chục năm trước, Quỳnh Giao được nghe rằng những nàng ngổ ngáo lập dị có thể mặc quần “jean” rất bụi ở dưới, trên khoác áo lông đắt tiền và từ xe Mercedes bước ra thì mới người sành! “Ðứa bé ăn xin với mẩu bánh” - áo vải jean từ năm 1655. Họa phẩm “A Beggar Boy With A Piece of Pie” trong cuộc triển lãm “The Master of the Blue Jeans.” Còn phải nói thêm rằng cái quần “jean” bụi đời ấy nay là loại đắt tiền, từ vài trăm trở lên... Ở trong nước, khi người ta gọi cái quần “jean” đó là cái “quần bò” thì chúng ta nên cười bò nếu mình biết ra xuất xứ. Nó xa xưa như từ thời Vua Lê Chúa Trịnh. Ngày nay, nó là thời trang quý tộc, của dân đài các. Những tay vẽ kiểu của các nhà Valentino, Céline, Derek Lam hay Stella McCartney đã đưa thứ vải vóc bình dân này lên đỉnh danh vọng và làm người Mỹ hãnh diện về cái quần “jean” của nhà Levi, nghe nói rằng lần đầu tiên xuất hiện là tại California, vào năm 1873... Người Mỹ tin rằng cái quần phong sương đó là một đặc sản Hoa Kỳ. Quần Jean làm họ nhớ tới Marilyn Monroe, James Dean hay các tay súng hào hùng thời Viễn Tây... Tuần tới thì họ sẽ ngỡ ngàng đi vào khu triển lãm “Danh Sư của Blue Jean.” Họ ngỡ ngàng vì biết sau dân Paris mất ba tháng, rằng quần áo bằng vải “jean” như vậy chưa chắc đã là của Mỹ. Còn lại, dân Ý và dân Pháp có quyền tranh nhau chủ quyền qua tên gọi. Nghĩ lại thấy cũng lạ! Vì có thuyết thì cho rằng quần vải xanh của lính thủy từ hải cảng Genoa của Ý, đọc theo tiếng Pháp là “Bleu de Gêne” ra cái “Blue Jean.” Dân Pháp thì cãi lại! Rằng vì sao lại đọc tên một sản phẩm Ý theo tiếng Pháp khi mà cái quần vải bông đó được một gia đình kinh doanh tại thành phố Nimes nhuộm xanh thành loại vải “Serge de Nimes.” Vì là vải Pháp nên dân Mỹ mới gọi là “Denim”! Nghe cũng có lý... Cách đây hai năm, trên cột Tạp Ghi này Quỳnh Giao còn gây thêm nhiễu sự khi viết rằng quần Jean có khi là cái quần... gốc Ðức, từ đất Bavara anh hùng mà ra. Ðó là bài “Tâm Sự Cái Quần... Din” trên số báo đầu tháng 12 năm 2008! Chẳng qua là ông Levi Strauss là di dân gốc Ðức, qua tới đất Cali thì cải tiến cái quần da Lederhose thổ sản của Ðức và dùng vải bông rất dầy, loại Denim, đóng thêm khuy sắt cho chắc. Quần Jean trở thành biểu tượng của những kẻ bạt mạng, tiên phong đi tìm vàng tại California và những tay khai phá đất Hoa Kỳ. Nghĩa là đất Bavara không chỉ cho ta loại xe “Beamer” của hãng BMW mà còn cho ta cái quần nữa! Ngần ấy thuyết đều có vẻ đúng nhưng bị một họa sư miền Bắc nước Ý quăng xuống nước xanh. Chẳng là vào năm 2004, một tay chơi tranh gốc Ý là ông Maurizzio Canesso có phòng tranh tại Paris đã mua được mấy bức cổ họa Ý nên tò mò tìm lên xuất xứ. Cùng lúc đó, bà quản thủ viện bảo tàng tại Vienna là Gerlinde Gruber cũng tìm hiểu vì sao có một tay danh họa Bắc Ý lại vẽ rất nhiều tranh tả đời sống lam lũ của dân Ý vào giữa thế kỷ 16, có một tấm đích xác là vào năm 1655. Trong mấy bức tranh này, nổi bật là màu xanh từ loại vải bông rất dầy của những người cùng khốn thời đó. Loại vải “Blue Jean” như ta gọi ngày nay. Bài viết của bà Gruber vào năm 2006 như gãi đúng chỗ ngứa của ông Canesso. Ông bỏ tiền ra tìm mua được gần chục bức tranh của bậc danh họa mà bà Gruber gọi là “Danh Sư của Blue Jeans.” Tại Pháp, nhà Girbaud chuyên trị về thời trang và hai vợ chồng là tác giả của những kiểu quần Jean nổi tiếng, kể cả loại giặt bằng đá cho bạc màu. Họ thấy rằng màu xanh “indigo” trong tranh cổ thật giống như màu vải hiện đại họ đang sử dụng. Tổ sư về loại quần “stonewash” là Francois Girbaud bèn hợp tác cùng nhà chơi tranh Canesso và bà quản thủ Gruber để tổ chức cuộc triển lãm tranh hồi tháng 9 vừa qua tại Paris. Ngày 20 này, cuộc triển lãm ấy sẽ mở màn tại New York cho tới Tết Ta. Chúng ta ở vào thế kỷ 21, tìm ra mấy bức tranh cổ của thế kỷ 17, trong đó một họa sĩ ghi lại sinh hoạt của tầng lớp bần cùng tại Ý. Mới đầu, người ta tưởng là tranh của hai danh họa Diego Velazquez hay Geordes de La Tour, mà không phải. Những hình ảnh đó còn cho thấy dáng thanh nhã êm đềm của những người cùng khốn lam lũ, kể cả một đứa bé đi ăn xin có nét đẹp của một thiên thần trong tấm áo rách. Quỳnh Giao xin chọn bức tranh này để giới thiệu. Nhưng ly kỳ hơn cả là loại vải của người xưa được bảy bức tranh này ghi lại cho hậu thế. Hóa ra loại vải xanh indigo của hải cảng Genoa mà ta gọi là Bleu de Genes sau này đã bành trướng qua các thị trường Anh, Mỹ song song cùng vải Serge de Nimes. Nhìn ngược lại thì từ thế kỷ 17, tầng lớp lao động bình dân đã mặc áo quần rất “mốt” như các kiểu thời trang sang quý của thế kỷ 21! Nói về thời trang thì nhìn tấm áo của “Cậu Bé Ăn Xin” năm xưa, chúng ta thấy chẳng khác gì cái áo đúng điệu và đắt tiền thời nay. Ðúng điệu và đắt tiền là phải làm cho phai cho bạc, cho rách cho sờn! Còn lại là khuôn mặt và dáng vẻ của người mặc. Bậc danh sư để lại những bức cổ họa này quả là có cái nhìn tiên tri về thời trang và tâm lý khi vẽ nhân vật lầm than với dáng uy nghi chững chạc. Nhà Valentino thời nay cũng dùng loại vải bình dân đó với phong cách quý phái cho các phu nhân. Nhà Céline năm nay rất đài các với váy dài bằng vải bông xanh. Và thời trang mùa Xuân của Derek Lam thì ngợi ca California với màu xanh rất Jean bằng váy trong và áo khoác ngoài... Năm xưa, các phu nhân quý tộc tại Genoa thì chẳng xài loại vải Bleu de Genes của bá tánh. Cái thứ tầm thường chỉ là khăn là màn cho dân lao động lấy làm quần áo cho bền. Ngày nay thì công nương quận chúa nào cũng muốn lấy vải đó choàng lên tấm thân ngàn vàng của mình. Chỉ tiếc rằng chúng ta vẫn chưa biết tên tác giả các họa phẩm kỳ diệu này là ai.
|