Home Đời Sống Tài Liệu Bí ẩn trầm hương - Kỳ chót

Bí ẩn trầm hương - Kỳ chót PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Hải Vân   
Thứ Bảy, 08 Tháng 1 Năm 2011 07:48

Kỳ 4:  Hãy cứu những cánh rừng có trầm

Ông Ưng Viên giới thiệu một đoạn gỗ trầm - Ảnh: Tấn Tới

Hiện nay, dó bầu tự nhiên ở độ cao từ 1.000 mét trở xuống đã hoàn toàn bị hủy diệt. Khi đã khai thác hết trầm, người ta còn đốn sạch cả những cây dó chưa có trầm mang về nấu dầu xuất khẩu. Cứ băm ra 1 tấn cây dó mới nấu được 1 lít dầu trầm…

Ông Ưng Viên có quan điểm y học khá độc đáo: trị bệnh là trị riêng cho từng người, không có thứ thuốc sản xuất hàng loạt nào có thể hoàn toàn chữa đúng bệnh. Cùng một thứ bệnh, nhưng ở người này có biểu hiện khác với người kia. Cùng một loại vi khuẩn, khi xâm nhập vào cơ thể người này sẽ cho triệu chứng khác với khi xâm nhập vào cơ thể người khác. Chẩn đúng bệnh và cho đúng thuốc, là quan điểm chữa bệnh nhất quán của ông.

Ông Ưng Viên kế thừa y lý chân truyền của dòng họ, ông cũng được tiếp thu những tài liệu y học cổ truyền Trung Hoa từ thời Hán - Đường. Các phương pháp “chân truyền” và những sách vở về Đông y đang được lưu hành nhiều khi rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn. Sở dĩ có tình trạng như vậy, là do tương truyền vào thời cuối nhà Thanh, khi phương Tây tấn công Tử cấm thành, triều đình sợ những tài liệu của tổ tông của họ bị “lọt vào tay địch” nên cất giấu đi, thay vào đó là những quyển sách được “viết ngược”, tức là y lý đã bị đặt lộn tùng phèo, giống như Đoàn Dự đã chép lộn ngược Cửu âm chân kinh giao cho Cưu Ma Trí để ông này luyện mà tẩu hỏa nhập ma trong truyện của Kim Dung. Các danh y trong lịch sử thường được sư phụ trực tiếp truyền thụ, vì những bí quyết thực sự không bao giờ nằm trong các sách vở trôi nổi. Thầy phải chọn trò có tư chất, có tư cách để truyền bí quyết.

Trong các bài thuốc của ông bao giờ cũng có hai vị căn bản: trầm và… tre. Ông bảo cây tre có giá trị y học không kém gì trầm. “Không có bài thuốc nào tổ tiên tôi để lại mà không dính tới cây tre”, ông quả quyết.  Ngay cả tre ngâm bùn cũng có thể làm thuốc chữa được chứng hoại tử. Theo ông, trầm và tre là hai thứ bảo đảm nền tảng cho sức khỏe. Nguyên lý của tre: điều hòa khí mạch; nguyên lý của trầm: điều khí bình huyết.

Ông khuyên tôi nên viết nhiều về cây tre, còn đối với trầm thì viết in ít thôi, vì trong một thời gian dài báo chí quá đề cao sự mắc tiền của nó nên đã góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của trầm. Tôi hiểu sự bức xúc của ông.


Ông Ưng Viên lưu ý: Trên thị trường cả nước hiện lưu hành 4 loại trầm là trầm dó bầu, trầm dó dây, trầm niệt (còn gọi là trầm nghiệt), giả trầm hương. Trong 4 loại đó, chỉ có trầm dó bầu mới có giá trị trong chữa bệnh. Nhưng phân biệt giữa chúng là rất khó, phải có kiến thức mới biết được. Vì vậy, phải hết sức cảnh giác để tránh tiền mất tật mang.

Ông cho rằng, hiện nay các bệnh viện nhi mỗi ngày có rất đông bệnh nhân bị bệnh về khí phế quản và tiêu hóa, nếu phương thuốc giản đơn của dân tộc từ trầm được thẩm định để đưa vào chữa bệnh thì chi phí có thể giảm được đến hơn 90%. Ông chỉ cho tôi một cây trầm cao khoảng 2 mét, đường kính khoảng 20 cm dựng trong xưởng trầm nhà ông và nói: “Nếu mỗi ngày chữa cho 10 người bệnh thì phải 100 năm mới hết cây trầm này. Thực ra dùng trầm để chữa bệnh như dùng muối nêm vào canh, không tốn nhiều tiền mà hiệu quả. Vấn đề là xã hội phải thay đổi cách phòng và chữa bệnh, biết tận dụng các phương pháp hiệu quả mà cha ông ta đã trải nghiệm hàng ngàn năm nay”.

Nhưng dù dùng trầm “như muối nêm” thì cuối cùng nó vẫn hết nếu không có cách khai thác phù hợp. Cho nên vấn đề cấp bách nhất là phải nhanh chóng chặn đứng sự tàn phá để giữ và khôi phục những gì còn sót lại trên những cánh rừng có trầm.

Hiện nay, dó bầu tự nhiên ở độ cao từ 1.000 mét trở xuống đã hoàn toàn bị hủy diệt. Khi đã khai thác hết trầm, người ta còn đốn sạch cả những cây dó chưa có trầm mang về nấu dầu xuất khẩu. Cứ băm ra 1 tấn cây dó mới nấu được 1 lít dầu trầm, để bán lấy 15.000 - 20.000 USD một lít, người ta đã hủy diệt gần xong một nguồn tài nguyên quý giá của dân tộc. Trữ lượng dó bầu tự nhiên hiện còn không nhiều và chỉ có ở độ cao trên 1.000 mét. Tại độ cao đó cây dó mọc rất thưa, hiện tượng ăn trầm ít.

Theo ước tính của ông Viên, nếu như Nhà nước có biện pháp cứu những rừng có dó, lệnh cấm rừng được thực thi triệt để, 50 năm nữa thiên nhiên mới có thể tái tạo lại rừng có trữ lượng dó bằng khoảng 23 - 35% của thời kỳ trước năm 1975. Cùng với việc cấm rừng, phải cấm triệt để việc xuất khẩu trầm tự nhiên theo CITES (Quy ước thương mại quốc tế về những loài động vật và thực vật hoang dã lâm nguy).

Ngày xưa, mỗi năm chỉ duy nhất một lần, nhà Nguyễn chọn những người có hiểu biết, có tư cách để cho vào rừng khai thác trầm trong vòng 1 tháng, luật của triều đình chỉ cho phép lấy trầm tại những cây dó đã chết rũ, tuyệt đối cấm lấy trầm trên những cây còn sống. Điều đáng lưu ý là sau này khi người Pháp sang cai trị nước ta, quy định đó của nhà Nguyễn vẫn được áp dụng một cách nghiêm ngặt. Bởi vậy mà dù các rừng trầm hàng ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn, nhưng người dân mỗi khi cần vẫn có trầm hương để dùng với giá không quá mắc.

Con người hiện tại là những kẻ kiêu ngạo với thiên nhiên, nên cái giá phải trả là rất đắt. Đã đến lúc chúng ta nên tỏ ra khiêm tốn. “Thiên nhiên sẽ tha thứ nếu con người biết phục thiện”, ông Ưng Viên nói.