Home Đời Sống Tài Liệu Cô Năm Chanel

Cô Năm Chanel PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạp ghi Quỳnh Giao   
Thứ Năm, 23 Tháng 12 Năm 2010 15:38

 Người ta nói rằng trên thế giới, cứ 15 phút thì đâu đó lại có một ban nhạc tấu lên bài “Boléro” của Maurice Ravel.

Với cách hòa âm thông dụng thì nhạc khúc này dài ít ra là 15 phút.
 

Marilyn Monroe và Chanel No. 5 - “Hay là em gói mây trong áo...”
 
Tức là trên mặt địa cầu, nơi này chưa dứt hồi trống bàng hoàng thì nơi kia đã vi vu nổi lên giai điệu dẫn vào cõi ảo huyền của một điệu vũ.

“Âm nhạc là một kiến trúc bằng âm thanh”, một tác giả nào đó có nói như vậy.

Kiến trúc của “Boléro” là một tòa lâu đài trong truyện cổ Ðông phương.

 Nàng vũ nữ dẫn ta vào một hành lang lung linh mờ ảo. Cứ thế mà khách lạc từ nơi này qua nơi khác theo đôi tay ẻo lả và nhịp chân mê hồn, ngày càng dồn dập thê thiết. Lên tới đỉnh cao rực rỡ nhất thì ánh sáng tắt lịm, nàng biến mất. Khiến cho khách mất lối về...

Chúng ta cũng có thể tưởng tượng như vậy về hương thơm của “Chanel Numéro Cinq”.

Ðây là một mùi nước hoa nổi tiếng nhất thế giới. Tại Hoa Kỳ thì sau này còn nổi tiếng hơn nhờ Marilyn Monroe. Khi được hỏi rằng nàng mặc gì để đi vào giấc ngủ thì người đẹp buông nhẹ một câu: “Chanel Số 5!” Nếu có gói mây trong áo thì cũng không thể tình tứ hơn được...

Vào mùa lễ lạt, chúng ta thấy truyền hình quảng cáo rất nhiều về quà cáp. Trong loại sản phẩm xa xỉ mà lại là cần thiết cho những người có tiền thì các ông ngó vào đồng hồ, các bà để ý đến hiệu nước hoa.

Trên cõi ảo đó, nổi bật nhất là hiệu “Chanel Number Five”. Vốn thích nước hoa, mà thật ra không xức mùi này, Quỳnh Giao vẫn nhớ về “Cô Năm Chanel” theo lối gọi nghịch ngợm của bằng hữu.

Ðây là mùi nước hoa quốc tế nhất, quốc tế đến độ mình chỉ có thể tưởng tượng ra ở trong một truyện hư cấu. Chuyện thật ở ngoài đời thì còn hư ảo hơn gấp bội.

Ban đầu, mùi thơm được chế cất để tôn vinh Nữ Hoàng Catherine của Nga, một đại đế phụ nữ sinh tại Ðức! Vào năm 1914 mà đưa nét tráng lệ của Nga hoàng có mùi Ðức vào Pháp thì e là Paris sẽ bị biểu tình! Phải đổi giai điệu và hòa âm thì mới ăn khách.

 Vì vậy, Chanel Số Năm chuyển cung bậc từ Catherine qua một điệu gì khác, “một nghệ thuật hiện đại và trừu tượng hơn”, theo lời yêu cầu của tác giả nói với tay pha chế đã từng hành nghề bên Nga là ông Ernest Beaux.

Nhưng, như đã tiên tri thấy lời phát biểu của Marilyn Monroe sau này, tác giả đòi khoác cho phụ nữ một mùi ảo như tấm xiêm y.

Mùi hoa hồng thì mệnh phụ quá, mùi hoa nhài hay linh lan - hoa muguet - thì lẳng lơ quá. Hãy chế cất thêm một hợp chất hóa học nào đó! Kết quả là nghệ nhân chế ra mười mùi khác nhau để trong mười cái ve nhỏ và bà chủ chọn ve số năm!

“Cô Năm Chanel” ra đời tại Paris... Năm đó là 1921...

Rồi hương thơm của nàng đã tỏa ngát địa cầu. Và còn chạy loạn nữa chứ.

Trong Thế Chiến Hai, hiệu Chanel Số Năm được sản xuất tại Hoa Kỳ, ở tiểu bang New Jersey, mà ít ai biết. Ðến lúc các chiến binh Mỹ hát khúc “Khi tôi về” thì từ Paris họ gói “Cô Năm Chanel” vào trong ba lô đem về tặng vợ hay tình nhân.

Từ đó, một biểu hiệu của Paris đã chinh phục người Mỹ, đến khi phả hương thơm lên thân hình Marilyn thì có lẽ Cô Năm đã thành nữ hoàng trong lòng dân Mỹ.

Nhưng trong mấy năm tao loạn ấy, tác giả của hương thơm, nàng Coco Chanel phải sống ở đâu?

Nàng ngự trong khách sạn Ritz tráng lệ ở giữa Paris.

Kinh đô ánh sáng thì bị quân Ðức chiếm đóng nhưng Coco Chanel lại rất yên lành trong vòng tay bảo vệ của một sĩ quan Ðức! Còn được người tình dẫn đi thăm thủ đô Bá Linh của quân thù nữa chứ.

 Nhưng mặc dù có lúc nàng Gabrielle “Coco” Chanel bị dân Pháp coi là “Cách mạng Ba mươi” và hợp tác với kẻ thù, hương thơm của Cô Năm Chanel không hề bị uế, vẫn tiếp tục được thế giới ưa chuộng.

Vào một thời khác, ở xứ khác, có lẽ nàng Coco Chanel đã được lên giàn hỏa thiêu và châm lửa bằng mùi Chanel Số Năm!

Gabrielle “Coco” Chanel sinh năm 1883, từ một gia đình bần hàn, mồ côi mẹ khi còn nhỏ và bị người cha bỏ rơi. Nàng lê lết trong viện dục anh cho tới ngày làm thợ khâu, rồi bước ra ánh sáng với lời tâm niệm là sẽ làm đẹp cho phụ nữ theo phong cách riêng của mình.

Từ đấy, Chanel trở thành đồng nghĩa với nét đẹp thanh lịch quý phái của đàn bà Pháp. Cho đến bây giờ, trang phục Chanel vẫn giữ phong cách đó ở những nơi lịch lãm.

Người ta kể lại rằng Coco là thiếu nữ đầy nét quyến rũ, có nhiều nhân tình hơn khuy áo. Nhưng toàn là loại khuy áo đắt tiền như kim cương nạm vàng.

Triệu phú Anh, mật vụ Ðức hay nghệ sĩ Pháp. Nàng trở thành một trung tâm tỏa sáng cho thế giới Paris hoa lệ, với các nhạc sư, họa sĩ, những nhân vật thời thượng nhất của Âu Châu trong nửa đầu của thế kỷ 20, từ Erik Satie tới Picasso hay Toulouse-Lautrec và Marcel Proust... Ðấy là chuyện đời của nàng, được viết thành sách, dựng thành phim và cho đến nay vẫn chưa hết phần hư ảo.

Chuyện “Cô Năm Chanel”, mùi nước hoa nổi tiếng kia, thì cũng hư ảo không kém.

Coco Chanel biết là mình muốn gì khi ngẫm nghĩ và đòi hỏi một hương thơm rất mới. Không cứ lấy lại mãi các mùi hoa mà phải sáng tạo ra cái gì khác, giả cũng được. Kỹ nghệ hóa học tiến đến đâu thì phải tìm đến đó.

“Cô Năm Chanel” vì vậy là hiệu nước hoa đầu tiên của nhân loại đã dùng rất nhiều hóa chất để tôn vinh và gìn giữ hương thơm của hoa cỏ. Vừa xuất hiện là đã làm mọi người điên đảo.

Thế rồi có lúc “Cô Năm Chanel” bay khỏi vòng tay của Coco Chanel khi “Nữ hoàng của Paris” bán chi nhánh nước hoa của mình cho một hãng khác và hai người tỏa sáng ở hai nơi.

 Sau này, Coco Chanel rất ân hận về quyết định kinh doanh đó, cho đến khi tạ thế mà vẫn tiếc. Nhưng thật ra, rất ít người để ý đến những khúc mắc rắc rối này. Người ta vẫn phục Coco Chanel và vẫn yêu mùi Cô Năm Chanel, cứ coi như hai nàng là một.

Bây giờ thì đã sau chín chục năm tròn, “Cô Năm Chanel” vẫn sống trong không gian thơm phức của chúng ta với sức quyến rũ không hề thay đổi.

 Coco Chanel thì mất cách đây bốn chục năm nhưng cứ thấy hiệu Chanel thì mình không quên được người đàn bà đã làm thay đổi cách xuất hiện của phụ nữ.

Nàng vũ nữ trong điệu Boléro năm xưa đã trở lại với dáng vẻ mới, trong hương thơm mới và đưa trí tưởng tượng của chúng ta đến một cõi khác...