Rachel Corrie: Hy sinh cho lý tưởng đấu tranh |
Tác Giả: Edmund Senders/ Mai Phương | |||
Thứ Sáu, 26 Tháng 11 Năm 2010 11:21 | |||
Ngày Thứ Năm trung tuần tháng 10 tại Haifa, Do Thái, người tài xế lái chiếc xe ủi đất đã cán chết Rachel Corrie tại dải Gaza, lần đầu tiên ra truớc Tòa để lấy lời khai. Rachel Corrie là một nữ sinh viên người Mỹ, 23 tuổi, thành viên của phong trào “quốc tế hành động”. Cô nghỉ học một năm để sang Palestine tranh đấu cho người dân xứ này trước sự đàn áp của chính quyền Do Thái. Ngày 16/3/2003, Rachel bị xe ủi đất cán chết, khi cô đứng ngay phía trước mũi xe, dang hai tay, và la lớn tiếng, cản chiếc xe đang tiến tới phá hủy nhà cửa của người Palestine, để xây khu định cư cho dân Do Thái. Người tài xế lái chiếc xe ủi đất là một người Nga, 38 tuổi, định cư tại Do Thái. Ngay khi tai nạn xảy ra, phát ngôn viên của chính quyền Do Thái đã tuyên bố: “chính Rachel Corrie và các đồng chí của cô trong nhóm “quốc tế hành động” phải gánh trách nhiệm về cái chết của cô, vì đã xâm nhập vào vùng đang tranh chấp và tự dấn thân vào vòng nguy hiểm khi dùng thân mình cản trở xe ủi đất đang san bằng các nhà cửa ở dải Gaza”. Chính quyền Do Thái không kết án người tài xế lái xe ủi đất. Hiện nay, anh đang phục vụ tại một công ty thực phẩm Do Thái với chức vụ “đốc công quản lý dụng cụ.” Trên 4 tiếng đồng hồ trả lời những câu hỏi tại Tòa án, người tài xế được ngồi phía sau một bức màn để che dấu nhân dạng. Tên anh được gọi là “Y’ để giữ kín danh tính. Dưới bức màn, người ta chỉ nhìn được đôi giày kiểu thể thao bằng da màu nâu, khoảng số 9. Đôi giày này nằm bất động trên sàn nhà. Khi gặp câu hỏi khó khăn thì đôi giầy khẽ nhúc nhích, hoăc đập nhẹ trên sàn nhà. Người tài xế khẳng định rằng anh chỉ nhớ chút ít về sự kiện xảy ra hôm đó. Ngay cả tên cô, anh cũng ấp úng: “Rachel….gì đó”. Anh chỉ biết cô là một người Mỹ. Kể từ khi tai nạn xảy ra, cho đến nay là đã 7 năm, anh không hề theo dõi các tin tức diễn biến trên báo chí hay truyền hình. Cho tới 6 tháng trước đây, khi được biết sẽ phải ra tòa để lấy lời khai, do gia đình Rachel khởi tố kiện chính phủ Do Thái, anh ta mới bắt đầu chú ý. Trước tòa, người tài xế xe ủi đất quả quyết rằng khi đó, anh không hề nhìn thấy Rachel đứng trước mũi xe, cho tới khi các bạn cô ào ạt chạy tới để bươi đất lấy cô ra. Anh ta cũng không nhớ được đó là lúc nào trong ngày, khi xe ủi đất của anh cán qua thân hình Rachel, rồi lùi lại, cán qua cô thêm một lần nữa. Joe Carr, một thành viên của nhóm “quốc tế hành động” công tác chung với Rachel tại Gaza đã viết bải tường thuật như sau: Khi đó Rachel mặc áo khoác gắn lân tinh màu cam. Cô qùy xuống đất, cách đầu xe ủi đất khỏang 15 mét, vẫy mạnh hai tay và gọi lớn tiếng, giống như các người chống đối khác đã làm trong ngày hôm đó. Khi xe ủi đất tiến tới gần và bắt đầu xúc đất dưới chân cô, Rachel leo lên đống đất đã được vun cao. Đầu và 2 tay của cô cao hẳn hơn tầm của cảng xúc đất. Như vậy thì tài xế nhất định là phải thấy cô rõ ràng. Thế mà, xe ủi đất cứ thản nhiên tiến tới, làm cô té ngược về phía sau, ra khỏi tầm nhìn của người tài xế. Rachel kinh hoảng và cố sức lùi, nhưng rồi biến mất. Tất cả chúng tôi chạy lại, vừa vẫy tay, vừa la hét. Nhưng xe ủi đất cứ tiến tới cho đến khi thân thể của Rachel nằm ngay dưới phần giữa của xe. Nghe tiếng la hét, người tài xế ngừng lại, và lùi xe ra phía sau, cán qua thân thể Rachel một lần nữa. Khi nội vụ xảy ra, Tổng Thống Hoa Kỳ Georges Bush đã lên tiếng đòi hỏi chính quyền Do Thái phải làm sáng tỏ việc này. Thủ Tướng Do Thái, Ariel Sharon cam kết sẽ mở một cuộc điều tra sâu rộng, công bằng, và minh bạch. Giám định tử thi Rachel ngày 24/3/2003 tại Tel Aviv bởi giáo sư Yehuda Hiss, kết luận rằng: Rachel chết là do áp lực trong lồng ngực với các xương sườn, xương sống, xương ngực và xương quai xanh đều bị gẫy, phổi bên phải bị rách và xuất huyết trong màng phổi. Tờ báo Jerusalem Post xuất bản ngày 26/6/2003 ghi lại lời của phát ngôn viên quân đội Do Thái: “Sau những cuộc điều tra tỉ mỉ và kéo dài, với đầy đủ các chứng cớ và phương tiện, chúng tôi kết luận là: “vì Rachel đứng phía sau đống gạch ngói đổ nát, nên người tài xế trong xe với tầm nhìn giới hạn, không tài nào nhìn thấy cô. Giám định Y khoa chứng thực rằng cái chết của Rachel là do gạch ngói đổ xuống mình cô, chứ không phải vì xe ủi đất cán qua.”
Gia đình Corrie muốn được nhìn mặt người tài xế lái xe ủi đất, nhưng tòa án không chấp nhận. Cái chết thảm khốc của Rachel Corrie đã làm rung chuyển dư luận thế giới lúc đó. Người dân Palestine tổ chức các cuộc biểu tình kết tội Do Thái, và dơ cao hình ảnh của Rachel. Thủ Tướng Yasser Arafat của Palestine goị điện thoại chia buồn với cha mẹ Rachel. Ông nói: “cô ta là con gái ông bà, nhưng cũng là con gái của dân tộc Palestine, và cả của tôi nữa.” Arafat cũng hứa sẽ lấy tên Rachel Corrie đặt cho một đường phố ở Gaza (tuy nhiên cho tới nay chưa thực hiện). 30 bài hát được viết lên từ khắp nơi trên thế giới để tưởng niệm Rachel. Tuy nhiên cũng có những lời phê bình, chỉnh trích về hành động “nông nổi, và lập trường ủng hộ “những kẻ khủng bố” của Rachel. Năm 2008, cha mẹ Rachel tổ chức một buổi lễ tưởng niệm 5 năm qua đời của Rachel tại thành phố West Bank thuộc tỉnh Nablus, Palestine. Có vào khỏang 150 ngưòi Palestine, và nhiều người ngoại quốc tham dự lễ tưởng niệm này. Mai Phương phỏng theo Edmund Senders (SF Chronicle 10/22/10) Wikipedia
|