Home Đời Sống Tài Liệu Vài kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Vài kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Tất Tiến   
Thứ Bảy, 13 Tháng 11 Năm 2010 19:08
 Hầu như những người miền Nam thuộc lứa tuổi trung niên trở nên, đều đã từng thưởng thức giòng tân nhạc Nguyễn Văn Đông nở rộ trong thập niên 60. Mỗi khi nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người ta nhớ ngay đến “Chiều Mưa Biên Giới” với những câu triết lý bất hủ: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều, anh ơi!” Với những ai mê nhạc thính phòng, bản “Về Mái Nhà Xưa” của Nguyễn văn Đông cũng là bản gợi lên những cung điệu tha thiết, trữ tình: “Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn, về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn...” Hoặc nghe câu: “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người, chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ...” lại thấy “Nhớ một chiều xuân”. Tuy nhiên, một điều mà rất ít người mê những bản nhạc lừng danh dưới bút hiệu Phượng Linh như trong Dạ Sầu: “Hết rồi người ấy đã xa ta, những ngày vui cũng theo qua...” hay “Khi Đã Yêu thì mơ mộng nhiều...” và những vở kịch cải lương của Đông Phương Tử lại không biết rằng “Phượng Linh” hay “Đông Phương Tử” cũng chỉ là những bút hiệu khác của Nguyễn văn Đông. Ngoài ra, khán giả của những vở kịch viết bởi kịch tác gia Hoàng Dũng do Nghệ Sĩ Kim Cương thủ diễn đã làm cho bao giọt nước mắt rơi, bao nụ cười muốn vỡ tung rạp như “Dưới Hai Mầu Áo”... cũng không bao giờ nghĩ rằng những vở kịch đó đều có sự tham dự của ngòi bút Nguyễn văn Đông, người nhạc sĩ đã được cấp bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc Pháp. 

 

                                    

               Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với hai đệ tử Nancy Tâm Huy và Giao Linh

Riêng với tôi, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông vừa là người anh đáng kính vừa là người Thầy với tất cả ý nghĩa cao đẹp của hai chữ ấy trong khi tôi lại là một đứa học trò không nên thân. Khi tôi gặp anh sau 1978, anh đã bệnh nặng. Anh không đi, đứng được vì xương đầu gối biến dạng. Tất cả các ngón tay của anh bị chứng phong thấp làm cho co quắp. Các đốt xương ngón tay sưng to đến nỗi anh không còn cầm được đũa nữa. Anh chỉ có thể cặp đũa vào giữa hai lóng tay để đưa thức ăn lên miệng một cách khó khăn. Dĩ nhiên, anh không thể nào cầm bút. Điều quan trọng là người nhạc sĩ đa tài ấy đã chấp nhận bệnh tật và những cơn đau một cách thản nhiên. Chưa bao giờ tôi thấy anh nhăn mặt hoặc kêu đau một tiếng, khi tôi dư biết anh đang lên cơn đau lắm. Nhất là vào mùa lạnh, những trận gió ban đêm làm cho chứng thấp khớp có cơ hội hành hạ anh kinh người. Những “cục” vôi ở xương đầu gối, bàn tay, lưng... đè lên giây thần kinh nhất định đã tạo cho anh những cơn đau buốt như dao cắt. Nhưng, dù cho giọng nói anh có khàn đặc và mệt mỏi, anh vẫn chứng tỏ cho đàn em thấy bệnh tật không thể hủy hoại ý chí anh. Những cái nhếch môi thay cho nụ cười không bao giờ tắt.

Lúc ấy, tôi đã tập tành viết được một số bài hát. Trong một lần ăn cơm chung, tôi hứng chí khoe anh và hát cho anh nghe. Vừa nghe xong, anh nhăn mặt: 
-Viết vậy mà cũng đòi viết! Chẳng có quy luật hòa âm gì cả!

Rồi anh quặp lấy đũa, chỉ cho tôi những sai sót trong tiến trình của các âm giai, và bắt tôi viết lại. Vì trước đó, tôi đã từng học lõm bõm nhiều thầy, và ghi nhớ từ mỗi thầy một chút, nhạc lý của tôi cộng lại thành một mớ hỗn tạp, nên sau khi sửa lại, tôi vẫn mắc nhiều lỗi. Anh la tôi rất nặng, rồi kiên nhẫn dậy lại cho tôi từ căn bản. Khi giảng, anh ngồi xổm trên giường, dùng ngón chân cái và ngón kế của bàn chân phải, kẹp lấy cây bút chì rồi nguệch ngoạc những chữ to gần bằng viên bi trên tờ giấy. Nhìn anh cố gắng với những chữ viết quẹo qua quẹo lại, tôi thấy lòng dâng lên một xúc động khôn tả. Vì vậy, tôi cũng hết sức cố gắng học tất cả những gì mà người Thầy đầy thiện chí kia dậy bảo.

Sau khi thấy những bản nhạc tôi viết ra dần dần ít lỗi, anh đột nhiên bảo tôi: 
-Anh thấy em nên học thêm vọng cổ!

Tôi đớ người: 
-Em... dân Bắc Kỳ ăn cá rô cây, làm sao học vọng cổ được?

Anh nhếch môi: 
-Anh có bảo em ca vọng cổ đâu mà vội chối? Viết vọng cổ cho người ta hát thì đâu cần Bắc Kỳ hay Nam Kỳ! Miễn là em thích viết!

Nghe anh nói thấy hay hay, tôi vội “dạ”. Từ đó, anh bắt đầu dậy tôi những cung bậc “hò, xừ, xê, xang, cống...” Tuy sức khỏe anh rất kém, anh vẫn cố hát từng câu, từng đoạn, lặp đi lặp lại cho tôi hát theo. Sau một thời gian, anh bảo tôi viết sáu câu vọng cổ cho anh duyệt. Tôi vâng lời, vừa viết vừa hát. Nghe tên học trò Bắc Kỳ hát vọng cổ, anh cười: 
-Em hát nháp cho ca sĩ thứ thiệt hát theo thì được, em mà ca biểu diễn chắc bị khán giả xúm lại đánh quá!

Hai anh em cười vui. Nhưng bất ngờ, đang cười, tôi chợt nhìn thấy một giòng máu nhỉ ra từ khóe môi của anh. Tôi vội kêu lên cho anh biết, anh bình tĩnh lấy tay áo chùi đi và tiếp tục dậy nữa. Quá lo sợ cho sức khỏe của anh, tôi xua tay: 
-Thôi! Thôi! Anh nghỉ đi! Đang chẩy máu miệng mà!

Anh lắc đầu: 
-Không sao! Kệ nó! Học tiếp đi!

Tôi nhất định không học, và ép anh phải nằm nghỉ. Anh thở dài, nhìn tôi: 
-Em chưa học xong, lỡ anh có mệnh hệ gì, thì anh cũng không an tâm. Bệnh của anh như thế này rồi, biết đâu còn thì giờ dậy em nữa!

Những lời nói chí tình của một người Thầy như thế làm tôi nghẹn ngào. Tôi cố nuốt từng giọt lệ, không cho rơi xuống tờ giấy viết nhạc mà anh vẫn dùng ngón chân cong queo để viết từng chữ một cách khó khăn. Những giòng chữ như nhẩy múa trước mắt tôi. Những giọt máu vẫn chầm chậm ứa ra từ khóe môi của anh như chẩy ra từ trái tim một người nghệ sĩ chân chính. Tôi không thể nào quên được hình ảnh đó, và hình ảnh anh được chở trên băng-ca ra bệnh viện điều trị ngay hôm sau. Dáng anh mảnh khảnh lọt trong lòng chiếc băng-ca trông cô đơn làm sao...

Nhiều năm tiếp theo, đến thăm anh trong các bệnh viện khác nhau, thấy anh ngồi lên được, tôi đã mừng. Rồi anh về nhà và đi điều trị thuốc Nam, thuốc Bắc. Không biết loại thuốc nào đã làm anh dần dần khỏe lại và đi lại được, dù chống gậy, nhưng dáng đi của anh vẫn chắc chắn và điềm tĩnh như ngày nào.

Thời gian trôi qua. Nghe tin một số bản nhạc của anh đã được hát lại trong thành phố, những bản nhạc không già với thời gian; không phân biệt Nam, Trung, Bắc, hải ngoại hay trong nước, lòng tôi rộn lên như chú bé được mẹ cho quà. Giòng nhạc của anh lại bắt đầu chẩy mạnh trong lòng dân tộc.

Chu Tất Tiến

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông trả lời trong một phỏng vấn: "Cô Hà Thanh hát hầu hết các tác phẩm của tôi. Bài nào tôi cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà tôi không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng cô. Tôi nhớ lại một chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa chiến tranh như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến, Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt ..vân vân, đều rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và cô hát rất thành công. Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật. "

                     (hình trong bìa: Ca sĩ Hà Thanh)

Thôi nhé ! Về đi em buồn chi 
Lưu luyến càng thêm đau người đi 
Một trời tang khó nhuốm đau thương 
Người trai chốn sa trường hàn gắn tình mến thương.

Anh biết người em yêu sầu bi 
Nhưng trách người trai kia làm chi 
Một lời giao ước lúc xa nhau 
Người em má hoa đào xin chớ phụ lòng nhau.

Hỡi ! Hỡi người em mến yêu ơi ! 
Mắt buồn lệ thắm rơi 
Ôi ! Khối tình càng lắm tơ vương 
Mối sầu thêm đắm đau thương

Hỡi ! Hỡi người em nữ sinh ơi ! 
Áo màu xanh ước mơ 
Ôi ! Mối tình trong trắng trinh nguyên 
Chưa lần đau xót tơ duyên.

Nơi ấy dù bôn ba đời lính, 
Anh vẫn còn yêu thuở học sinh 
Trời chiều biên giới hết mưa bay 
Người đi chóng quay về 
Em gắng chờ đợi nhau.

>> Hà Thanh hát: Lời Giã Biệt

       (hình trong bìa: Nguyễn Văn Đông)

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng 
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê 
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông 
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa

Bao ước mơ, giữa khung trời phiêu lãng, 
Chờ mùa Xuân tươi sang, nhưng mùa thắm chưa sang 
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây, 
Chốn phương trời ấm lạnh, hòa chung mái nhà tranh

Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi, theo đường mây, 
Tóc tơi bời, lộng gió bốn phương, 
Nước non còn đó một tấc lòng, 
Không mờ xóa cùng năm tháng, 
Nhớ ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên,

Khoác lên vòng hoa trắng, 
Cầm tay nhau đi anh! 
Tơ trời quá mong manh 
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh, 
Giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếp nghìn xưa

                     >> Hà Thanh hátMấy Dặm Sơn Khê

                       

              

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại: “Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. 
Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muới sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”

                                >> Trần Văn Trạch hát: "Chiều Mưa Biên Giới"

                                                     

                                                      Nguyễn Văn Đông, Trần Văn Trạch, Lê Thương

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Nhạc và hình ảnh: từ các trang websites, nhất là từ http://khanhly.net/phoxua/; Nhạc Sĩ Thanh Trang; Hồ Đình Vũ; Nguyễn Tường Vân 

2. Các chương trình phát thanh của: Thy Nga (RFA), Hoài Nam (SBS Radio-Úc Châu), Bcíh Huyền (VOA)

3. Các bài viết của: Lê Hữu, Chu Tất Tiến, Du Tử Lê, Trường Kỳ