Người tiêu dùng châu Âu cảnh giác với thực phẩm chiếu xạ |
Tác Giả: Thụy My / RFI | |||
Thứ Hai, 18 Tháng 10 Năm 2010 19:47 | |||
Sau khi tấn công vào việc phổ biến các giống bắp đã biến đổi gien, thịt bò nuôi bằng thực phẩm có chứa hormone, thịt gà được tẩy trùng bằng dung dịch có chlore. . ., khoảng ba chục hiệp hội bảo vệ sinh thái gần đây đã gởi một lá thư ngỏ đến các nghị viên Nghị viện châu Âu, đòi hỏi cần phải có sự « đánh giá nghiêm chỉnh về các nguy cơ có liên quan đến việc chiếu xạ thực phẩm ». Để bảo quản được lâu, một số thực phẩm được chiếu xạ Từ nhiều năm qua, rất nhiều loại thực phẩm bày bán tại các siêu thị đã được chiếu xạ, để có thể bảo quản lâu hơn. Kỹ thuật « tiệt trùng lạnh » này được khoảng sáu chục nước cho phép, trong đó có Pháp. Trước khi đưa ra thị trường, các sản phẩm này được đưa qua một phòng kín có vách ngăn chống đạn, vào máy chiếu xạ để chiếu tia cobalt 60, có thể diệt ngay lập tức các loại côn trùng, ký sinh trùng và các vi sinh vật khác. Theo các hiệp hội bảo vệ sinh thái, liều chiếu xạ là rất cao. Tuy thực phẩm không bị nhiễm xạ ngay, nhưng họ lo ngại cho hậu quả về lâu về dài. Người phụ trách hiệp hội Action Consommation cho biết: « Các thực phẩm chiếu xạ bị bắt buộc phải ghi lên nhãn. Tuy nhiên các quy định của châu Âu khá mơ hồ, và việc kiểm tra không hiệu quả, cho nên chắc chắn là nhiều người tiêu dùng, khi mua các món ăn nấu sẵn, không biết là món đó có sử dụng thực phẩm chiếu xạ ». Tại Pháp, hiện có khoảng 15 loại thực phẩm được phép chiếu xạ, từ các loại rau thơm, gia vị sấy khô hoặc đông lạnh, củ hành, trái cây và rau quả khô, cho đến gà vịt, đùi ếch, tôm v.v…Tính chung mỗi năm có khoảng 3 ngàn tấn thực phẩm được chiếu xạ tại Pháp, và con số này lên đến 500 ngàn tấn trên toàn thế giới. Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (Efsa) từ đây đến cuối năm sẽ phải quyết định có mở rộng thêm danh sách các loại thực phẩm được chiếu xạ hay không. Một nhân vật trong Ủy ban Nghiên cứu Độc lập về Phóng xạ (Criirad) nhận xét : « Vấn đề là khi tiêu diệt tất cả các vi sinh vật ở trái cây, người ta cũng hủy hoại luôn phần lớn các sinh tố có trong trái cây ». Nhưng Hiệp hội Quốc gia Công nghiệp Thực phẩm (Ania), tập hợp các nhà sản xuất lớn trong ngành kỹ nghệ thực phẩm đã đáp lại rằng, họ « không phản đối thái độ dè dặt đối với việc sử dụng kỹ thuật chiếu xạ ». Nhưng Hiệp hội này cũng khẳng định một điều là, trong thực tế, kỹ thuật chiếu xạ ít khi được dùng đến, chủ yếu là vì người tiêu dùng tỏ ra cảnh giác khi đọc được trên nhãn hàng dòng chữ « thực phẩm đã qua chiếu xạ ».
|