Những cô dâu Ðài Loan hạnh phúc |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||
Thứ Ba, 12 Tháng 10 Năm 2010 09:29 | |||
ÐÀI BẮC (NV) - Tin tức dồn dập về những cô dâu Việt Nam bị tai họa ở xứ Ðài, làm lấp đi một điều có thật nhưng ít được nghe nói. Ðó là những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Ðài Loan và đang sống một cuộc đời hạnh phúc bình thường trên xứ người. Chị Hương, 28 tuổi, qua người quen mai mối lấy chồng Ðài Loan được hơn 2 năm, bán hàng ở một khu phố gần Ðài Bắc. Cô nói gặp phải “chồng nghèo, nhưng tử tế, thương vợ”, nên cũng khá hạnh phúc. (Hình: Hà Giang/Người Việt) Thành kiến về cô dâu lấy chồng Ðài là một cô gái tỉnh lẻ có mục đích tìm đường thoát ra khỏi cảnh túng nghèo ở quê nhà. Ðiều này có thể đúng hay sai, nhưng trên thực tế là có nhiều cô dâu Ðài Loan đã tốt nghiệp hoặc sắp học xong đại học, hoặc vừa đi học vừa đi làm, gặp gỡ và quen những người đàn ông Ðài ở những doanh nghiệp của người Ðài Loan đầu tư ở Việt Nam, nơi họ làm việc. Chị Nga, 32 tuổi, gặp chồng là giám đốc của một công ty Ðài Loan có chi nhánh ở Việt Nam, nơi chị làm việc sau khi ra trường. Gặp nhau, ưng nhau, chị quyết định nhận lời cầu hôn rồi theo chồng về Ðài Loan sinh sống. Cuộc hôn nhân kéo dài được 5 năm, hai người có với nhau hai mặt con rồi ly dị, một kết cuộc không toàn vẹn, vì “chồng đâm ra mèo mỡ”, nhưng theo chị Nga, họ đã có với nhau “những năm rất hạnh phúc.” Hiện chị Nga đang làm chủ một nhà hàng Việt Nam tại Ðào Viên, và tuy gia đình chồng giành quyền nuôi con, chồng cũ của chị vẫn tử tế, và luôn mang các con đến ở với mẹ để cho chúng “có tình mẫu tử.” “Em không nghĩ là tụi em không hạnh phúc vì chồng em là người Ðài, có thể lúc quyết định lấy nhau vội quá, chưa tìm hiểu kỹ, hai người không hợp nhau nhiều.” Chị Nga tâm sự. Mai mối Mai mối cũng là một cánh cửa đưa những người con gái Việt Nam đến Ðài Loan: Những cô dâu Ðài Loan đến trước theo diện môi giới, nếu gặp được hoàn cảnh tương đối suôn sẻ, hay tìm cách giới thiệu bạn bè hay người thân mình cho bạn bè chồng, tạo nên những cuộc hôn nhân trong đó hai vợ chồng có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu trong một hoàn cảnh tương đối lành mạnh và ít mạo hiểm hơn.
Chị Hồng, 36 tuổi, quê ở Bến Tre, có một cửa hiệu bán quần áo và tạp hóa nhỏ ở Ðào Viên, gần khu tập trung những tiệm ăn Việt Nam, vừa lòng với hôn nhân và cho mình là một cô dâu Ðài Loan “may mắn.” Tiếp xúc với phóng viên Người Việt, chị Hồng, nụ cười đôn hậu, và đon đả, cho biết chị lấy chồng đã được 8 năm, hai người có hai mặt con, một trai, một gái. Trả lời câu hỏi “có được chồng cưng không”, chị Hồng trả lời với nụ cười và ánh mắt không dấu được vẻ hãnh diện. “Phải cưng mới cho em tiền mở tiệm như vậy chứ!” Rồi chị Hồng gọi con gái ra chào chúng tôi, cháu bé khoảng 7 tuổi, khoanh tay, cúi đầu chào khách, và nói “con chào mấy dì” bằng một tiếng Việt khá sõi. Có được người con nói được tiếng Việt Nam, là thêm một điều nữa cho chị Hồng hãnh diện. Chị Hồng khoe chồng, và cả gia đình chồng rất “dễ chịu”, và “rất cưng” chị và hai đứa cháu nội. Bí quyết của chị Hồng? Theo chị, thì so sánh với những người phụ nữ Việt Nam khác, chị may mắn hơn nhiều, vì chồng chị do một người em họ lấy chồng theo diện môi giới năm trước, nhân một chuyến về chơi Việt Nam “giới thiệu” cho. “Nhiều cô dâu Việt Nam bị ngược đãi là do bị lừa một phần, nhưng một phần cũng vì bị nhà chồng cho là lấy chồng vì tiền, nên họ không thương, không trọng,” chị nói. “Hạnh phúc hay không là do mình. Lấy chồng ngoại, nhiều khi hai bên cũng không hiểu nhau, nhưng nếu mình hết lòng với chồng thì họ phải thương lại mình thôi.” 100,000 cô dâu Hiện ở Ðài Loan có hơn 100,000 cô dâu Việt Nam qua đây theo diện lấy chồng, theo Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam”. Mặc dầu đa số các cô sống tản mát với chồng, và không tụ họp nhiều, nhưng từ ngày số người Việt ở Ðài Loan bắt đầu đông lên, có thể nuôi sống nổi một vài nhà hàng Việt Nam, thì ở xứ Ðài, một “cộng đồng” người Việt đang được hình thành, dù với một tốc độ thật chậm, và bằng những bước rất ngập ngừng, Linh Mục Hùng nói. Chị Thu Hà, 33 tuổi, đã sinh sống ở Ðài Loan với chồng hơn mười năm, hiện đang làm việc tại văn phòng chỗ Linh Mục Hùng, cũng là một cô dâu Ðài Loan “được gọi là hạnh phúc”, nói theo cách nói của chị. Chị Thu Hà cho báo Người Việt biết, chị quen chồng do một người bạn học lấy chồng Ðài Loan qua đây trước giới thiệu cho. “Bạn của chồng bạn em thấy hình em trong đám cưới nên cứ hỏi thăm mãi. Sau đó anh ta theo vợ chồng người bạn về thăm Việt Nam để gặp em.” Chị Thu Hà cho biết chị gặp chồng lúc còn đang đi học, chồng lớn hơn 11 tuổi, “lúc đầu mới gặp thì không yêu”, nhưng sau khi lấy nhau, chung sống, sinh hoạt, “gần gũi mãi rồi thì cũng yêu.” “Với lại, ở Ðài Loan, mình chỉ có một mình chồng là chỗ dựa tinh thần, không thương thì cũng phải thương!” Cũng theo chị Thu Hà thì cuộc sống gia đình nhiều khi cũng có sự va chạm vì phong tục khác nhau. Chẳng hạn như lúc sinh con, nuôi con cái thì không có cha mẹ ruột mình bên cạnh cũng thấy khó khăn, nhưng được cái là chồng chị rất chiều và bằng lòng cho chị lao vào xã hội để học hỏi. “Em sang đây một tháng rưỡi là đi làm ngay, đi làm ca đêm, làm điện tử, từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm.” Sau khi sinh con, thì chồng chị Thu Hà không muốn cho chị đi làm đêm nữa, sau đó chị lại xoay sở đi học ngành massage, rồi mở một tiệm nhỏ. “Làm nghề massage, chồng em cũng không thích, nên em bỏ luôn, rồi đến tham dự hội phụ nữ Việt Nam, và từ đó gặp cha Hùng.” Mang tiếng ‘lấy chồng vì tiền’ Chị Thu Hà cho biết đã làm việc với Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam được ba năm, và qua công việc, và nhờ đó, tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ Việt Nam qua đây gặp hoạn nạn, khó khăn. Rút tỉa kinh nghiệm làm việc tại đây, chị Thu Hà chia sẻ một vài nhận xét: “Sau khi theo chồng đến Ðài Loan, người phụ nữ Việt Nam rất bơ vơ, và thường thì không biết tiếng Trung, nên rất khó trò chuyện để tạo được sự thông cảm với chồng và gia đình chồng.” “Những phụ nữ nào chịu khó xông xáo ra ngoài làm việc thì còn đỡ, còn nếu hoàn toàn lệ thuộc vào chồng, mà lại muốn xin tiền chồng để gửi về cho nhà, thì bị gia đình chồng cho là lấy chồng chỉ vì tiền, thì mất hết mọi sự tôn trọng ngay.” Bí quyết để đạt được hạnh phúc, theo chị Thu Hà? “Sau khi đến Ðài Loan, phải học tiếng Trung, tìm cách hiểu và hòa nhập vào xã hội chung quanh, và thực tâm vun trồng hạnh phúc và tận tụy với chồng,” chị nói. “Ðàn ông Ðài Loan đa số cũng mong có một người vợ tử tế biết thương yêu họ và lo cho gia đình.” Cũng có những phụ nữ Việt Nam áp dụng phương pháp chị Thu Hà đề ra, với kết quả... khả quan. Chị Hương, 28 tuổi, lấy chồng Ðài Loan mới được hơn 2 năm, cũng do người quen mai mối, bán hàng ở một khu phố gần Ðài Bắc, nói rằng gặp phải “chồng nghèo, nhưng tử tế thương vợ”, nên cũng khá hạnh phúc. “Em chưa dám có con vì còn phải đi làm phụ chồng, và cũng để giúp gia đình bên nhà thêm một chút nữa.” Chị Hương tâm sự. “Lấy chồng Ðài làm sao bằng người mình được, người mình vẫn hơn chứ, nhưng dầu sao ảnh cũng tốt, nên em cũng yên tâm, và ở bên này thì em mới giúp đỡ gia đình được.”
|