Home Đời Sống Tài Liệu Tập tục thờ Trời trong tâm thức người Việt

Tập tục thờ Trời trong tâm thức người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Nghệ   
Thứ Tư, 01 Tháng 9 Năm 2010 06:51
Thiên có nghĩa là Trời. Chữ “Thiên” viết theo nét chữ Hán gồm có chữ “nhất” ngự trên chữ “đại”, có nghĩa Trời là vĩ đại, là số một;Chữ “Trời” viết theo nét chữ Nôm được ghép bởi chữ “Thiên” bao trùm trên chữ “thượng”, có nghĩa Trời cao vượt trên tất cả muốn loài, muôn vật. Vậy “Thiên” hoặc “Trời” là gì? Có phải “Thiên” hoặc “Trời” là khoảng mây xanh mà ta trông thấy không?

Trời là cái lý nhưng là cái linh diệu vô cùng, làm chủ tể cả muôn vật và ở chỗ nào cũng có: “Hoàng hĩ Thượng Ðế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc” (Thượng Ðế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp - Kinh Thi). Chính do vậy mà con người phải kính Trời và sợ Trời. Vì có lòng kính sợ ấy mới đặt ra nghi lễ tôn nghiêm để tế Trời. Nhưng Trời là chí tôn, chỉ có thiên tử là người chịu mệnh Trời mà trị muôn dân nên mới được quyền thay muôn dân để tế Trời, còn chư hầu ai ở Description: Description: http://www.dunglac.org/upload/article/1283184840.jpgphương nào tế thần phương ấy, các quan và kẻ sĩ thì tế ngũ tự, tế tổ tiên trong nhà. Sự tế tự ấy nói rõ ràng trong sách Lễ ký, thiên Khúc lễ hạ: “Thiên tử tế thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự; chư hầu phương tự, tế ngũ tự; đại phu tế ngũ tự; sĩ tế kỳ tiên” (Thiên tử tế Trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự; chư hầu tế phương mình ở, tế ngũ tự; quan đại phu tế ngũ tự, kẻ sĩ tế tổ tiên). Ngũ tự là tế thần cửa, ngõ giếng, bếp và ở giữa nhà.

Sách Lễ ký chỉ ghi tới kẻ sĩ mà thôi, không biết dân thường tế ai? Ở Việt Nam cảm thức về quyền năng tối thượng của Trời đã thấm nhuần một cách mạnh mẽ vào tâm thức mọi tầng lớp lớn nhỏ, trí thức hay bình dân, không cứ thuộc tôn giáo nào. Ngôn ngữ bình dân cung cấp nhiều chứng từ về niềm tin vào quyền lực của Trời, ví dụ khi người ta ngạc nhiên (vì vui mừng hoặc kinh sợ) đều thốt lên: “Trời ơi!”, khi quá đau buồn hoặc chán nản sẽ là: “Trời hỡi, Trời!”, nếu có người hỏi thăm về làm ăn, thi cử hoặc chữa bệnh... người ta tự nhiên đáp:“Nhờ Trời, cháu đã… chúng tôi đã…” Người ta tin tưởng Trời luôn dõi mắt đến mọi công việc ở trần gian: “Hoàng thiên hữu nhãn” (Trời cao có mắt) và Trời đã an bài mọi sự:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần,phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

 

Do vậy:

“Ði đâu cho khỏi lưới Trời,

Ở đâu cho hạp mệnh Trời thì êm”.

Vì tin tưởng Trời đã an bài nên ta phải “an bần lạc đạo”:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa”

Ý niệm tôn giáo truyền thống sâu rộng nhất của dân tộc chúng ta là thờ Trời. Người nước ngoài đến ở nước ta một thời gian đều chung nhận xét đó. Linh mục Léopold Cadière sinh năm 1869 tại Aix – En – Provence (Pháp). Ông sang Việt Nam năm 1892 lúc mới 23 tuổi, mất tại Huế ngày 6.7.1955 (mộ của ông hiện nằm sau lưng Ðại chủng viện Xuân Bích, Kim Long, Huế) thọ 86 tuổi. Như vậy ông sống gần trọn cuộc đời ở Việt Nam (63 năm) và đã tự nhận mình hóa thành người Việt (annamitisant) đã nhận xét: “Hình như những ý nghĩa chính chúng ta thấy gán cho chữ Trời thuộc về cái vốn triết học riêng của dân tộc Việt Nam, vì ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn nhân dân Việt Nam. Trời coi như một Ðấng Toàn Năng có ảnh hưởng vào vận mệnh của loài người. Nếu có sự nghi ngờ, thì chỉ đối với ý nghĩa sau rốt ấy. Người ta có thể thừa nhận như tôi tưởng, là cái ý nghĩa một Ðấng Toàn Năng đã được trau dồi phát triển với ảnh hưởng các tư tưởng Trung Hoa, nhưng ngay từ khởi thủy trong ý thức Việt Nam đã sẵn có mầm mống của ý niệm ấy rồi. Bằng chứng như tôi đã nói, là cái ý niệm ấy đã thấm nhuần quá sâu vào tâm hồn Việt Nam, và đã biểu hiện quá phổ thông trong ngôn ngữ bình dân dễ cho người ta có thể nhìn thấy ở đây chỉ là cống hiến ngoại lai. Những ý tưởng Phật giáo, những ý tưởng Nho giáo, theo quan điểm lịch sử chắc chắn từ Trung Hoa du nhập, đã không thấm nhuần vào đời sống tâm hồn, vào ngôn ngữ bình dân đến mức độ ấy được”.  [1]

Nghi thức thờ Trời của người Việt Nam được biểu hiện khắp mọi tầng lớp. Cách nay không lâu, hầu như trước sân nhà nào cũng có một bàn thờ và người ta gọi đó là “Bàn Thiên” (miền Bắc gọi là “Cây Hương”). Bàn thờ rất là đơn giản: một tấm ván vuông đặt trên một trụ gỗ hoặc một tấm ximăng đúc đặt trên một trụ xây bằng xi măng. Tấm ván hoặc tấm xi măng đúc chính là “bàn thờ”. Trên bàn thờ đặt một bát nhang, một bình hoa, một chén nước lã. Nhang tỏa hương thơm, hoa khoe sắc, nước tinh khiết là lễ dâng cúng Trời. Gia đình nào dù nghèo đến mấy cũng có thể kiểm đủ lễ vật như thế. Sáng chiều, người gia trưởng hoặc một người nào đó trong gia đình đứng trước bàn Thiên thắp nhang vái bốn phương, miệng lâm râm khấn xin Trời phù hộ độ trì cho gia đình được bình an, làm ăn ngày một khấm khá hơn và...

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con”

Thật là đơn giản! Và nghi thức này nhịp nhàng theo năm tháng, in đậm trong tâm hồn con người, nối kết họ với tiền nhân, với đất trời và do đó nối kết với mọi người.

Bàn dân thiên hạ thì như vậy, còn việc thờ Trời của vua chúa Việt Nam như thế nào? Việc thờ Trời của vua chúa Việt Nam được tập trung trong việc tế Nam giao. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ nhắc đến tế Nam giao của triều Nguyễn mà thôi. Ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long cho đắp đàn Nam Giao ở xã An Ninh vào năm 1803 để tế Trời. Năm 1806 dời đến xã An Cựu như chúng ta thấy hiện nay [2] . Năm 1807, vua Gia Long đã tế Nam giao lần đầu tiên tại địa điểm mới này và sau đó được cử hành hàng năm vào tháng, ngày do Bộ Lễ ấn định. Năm 1890 dưới triều vua Thành Thái, triều đình thấy mỗi lần tế quá tốn kém mà ngân sách thì không có nên quy định 3 năm mới tế một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Lần tế Nam giao cuối cùng vào năm 1942.

Năm 1830, sau khi tế Nam giao xong, vua Minh Mạng truyền cho quan Bộ lễ rằng: “Ðấng vương giả phải chí thành kính cẩn mới mong cảm cách được lòng Trời. Nay nghi lễ tế Giao tuy nhiều mà trẫm một lòng thành kính vẫn không thấy mệt mỏi, rồi đây ngày khác năm mươi, sáu mươi tuổi thì trẫm cùng phải cố gắng chăm lo, không dám trễ vậy” [3].

Việc tế Nam giao được linh mục Cadière nhận xét: “Việc thờ Trời thấy được tập trung vào việc tế Nam giao. Trong nghi lễ này việc thờ tự mang một vẻ long trọng, uy nghi xứng hợp với sự cao cả của Ðấng người ta tôn thờ, phản ánh vẻ trong sáng của niềm tin vào Ðấng ấy, nói lên những tâm tình sâu xa Ðấng ấy gợi lên trong tâm hồn người Việt Nam. Vua được coi như đại diện của dân, được ủy nhiệm, nhân danh toàn dân vua phủ phục, dâng lễ vật, dâng lời tạ ơn, dâng lời khấn cầu. Cũng như tin vào quyền năng tối thượng của Trời là phần cao quý nhất, trong sáng nhất trong toàn bộ tín ngưỡng của người dân Việt Nam, tế Nam giao biểu hiện long trọng của niềm tin này, là hành vi thờ tự lớn nhất của người Việt Nam” [4]

Quốc sử quán triều Nguyễn khi soạn bộ Minh Mạng chính yếu gồm 22 thiên, thiên đầu tiên là thiên “Kính Thiên”(Kính Trời). Ngay trang đầu tiên của thiên Kính Thiên ghi: “Minh Mạng năm đầu (1820), tháng sáu, tỉnh Hà Tiên, tỉnh Vĩnh Thanh (nay là Vĩnh Long) và tỉnh Ðịnh Tường, bệnh dịch lan tràn. Tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Bình, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa (nay là Thanh Hóa) lâu chẳng có mưa. Hoàng đế sai các nơi sở tại cầu đảo.

Ngài bảo các bầy tôi rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lúc nào cũng nơm nớp nem nép, chỉ sợ chưa hợp ý Trời, nay hạn, dịch làm tai, có phải Ðấng Thượng Ðế đã khiển trách ta là không có đức vậy ư”. Quan Lại bộ Thượng Thư là ông Nguyễn Hữu Thận tâu rằng: “Tai Trời lưu hành từ đời xưa thường có. Ðấng vương giả mỗi khi gặp tai biến biết sợ mà lo thêm sửa đức chính, thời tai lại chuyển làm lành vậy” [5] .

Suốt trong thiên Kính Thiên, mỗi khi trong nước có thiên tai, dịch bệnh hoành hành ta thường xuyên đọc những câu đại loại như: “Nay trẫm phải cố gắng sửa mình tu đức để cầu Trời hồi tâm bảo hựu” [6]

Ngày nay, tuy khoa học hiện đại, cũng không sao triệt tiêu được thiên tai dịch bệnh. Những thiên tai, dịch bệnh xảy ra chính là điềm cảnh báo để các nhà lãnh đạo “cố gắng sửa mình tu đức”, bởi vì “nghịch thiên giả vong, thuận thiên giả tồn”.

Việc thờ Trời của người Việt Nam được linh mục Cadière nhận xét một cách chân tình: “Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng dân An Nam sâu sắc về tôn giáo tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cùng đến với cùng một Ðấng Toàn Năng mà chính tôi đang thờ kính và gọi bằng CHÚA, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm nhân sinh” [7].

Trời là cùng đích, là cứu cánh để con người hướng tới. Sách Trung Dung viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân, bất khả dĩ bất sự thân. Tư sự thân, bất khả dĩ bất tri nhơn. Tư tri nhơn, bất khả dĩ bất tri thiên”. (Cho nên bậc quân tử cần phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, cần phải ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ. Muốn ăn ở có hiếu thảo với cha mẹ, cần phải biết người, muốn biết người, cần phải biết TRỜI)

Mọi người trong xã hội không trừ ai phải luôn xem việc Kính Thiên và sống Thuận Thiên là lẽ sống của mình. Có Kính Thiên, có Thuận Thiên mới mong thế giới đến chỗ đại đồng:

Thế giới đại đồng Thiên tác chủ

Nhân tâm hợp nhất Ðạo duy quy

(Trời làm chủ, thế giới mới đại đồng

Ðạo làm cho lòng người quy về một mối)

 

Chú thích:

[1]. Trích lại từ Tôn giáo học và các Tôn giáo lớn ở Việt Nam của linh mục JMT. Nguyễn Thế Thoại, trang 246 – 247. Tác giả dịch từ “Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens”, trang 3.

[2]. Khâm Ðịnh Ðại Nam hội điển sự lệ tập VI, NXB Thuận Hóa Huế – 1993, trang 358.

[3]. Minh Mệnh chính yếu tập I, Nxb Thuận Hóa – Huế 1994, trang 39.

[4]. Trích lại từ Tôn giáo học……, trang 257. Tác giả dịch từ Croyances… trang 85/

[5],[6]. Minh Mệnh chính yếu tập I, Sđd, trang 23,42.

[7]. Léopold Cadière, Le Sacrifice du Nam Giao (Tế Nam giao), Nxb Ðà Nẵng 1995, trang 136.