Với “tứ hiện đại hóa” Trung Quốc đã biểu lộ tính hiếu chiến trong chính sách bành trướng về kinh tế và lãnh thổ. TRỊNH HÒA KHÁM PHÁ MỸ CHÂU NĂM 1421 VÀ CHIẾM HOÀNG SA TRƯỜNG SA NĂM 1413 Tháng 5-2008 trên tạp chí Duyệt Lại Nền Kinh Tế Tại Viễn Đông (Far Eastern Economic Review), học giả Micheal A. Ledeen trong Viện Nghiên Cứu Chính Sách Hoa Kỳ đã tố giác chính sách bá quyền của Trung Quốc hiện nay là Chủ Nghĩa Phát Xít Cổ Điển (Beijing Embraces Classical Fascism). Thay vì tiếp thu chế độ đa nguyên, đa đảng, Trung Quốc càng ngày càng trở nên giáo điều và bảo thủ. Cũng như tại Ý 50 năm sau khi chế độ Phát Xít sụp đổ, Nhà Nước Ý vẫn giữ chế độ độc tài và vẫn đàn áp chính trị. Để biện minh cho chế độ họ nêu lên sự vinh quang của dân tộc Ý thời Đế Quốc La Mã.
Ngày nay Bắc Kinh cũng đề xướng “Dân Tộc Hán Vĩ Đại” để giữ vững quyền lực chính trị hầu phục hồi Đế Quốc Đại Hán. Với “tứ hiện đại hóa” Trung Quốc đã biểu lộ tính hiếu chiến trong chính sách bành trướng về kinh tế và lãnh thổ. Họ phóng kim ngân thu nhân tâm, vận dụng truyền thông để giành cảm tình và hâm mộ quốc tế, kỳ vọng các quốc gia trên thế giới sẽ phải khâm phục và mặc nhiên chấp thuận để họ thôn tính các vùng lãnh thổ và hải đảo tại Á Châu Thái Bình Dương.
| Tượng Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa | Dư âm Đế Quốc Đại Hán được thể hiện mới đây trong chiến dịch phô trương tuyên truyền rằng Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, trước Christopher Columbus 71 năm (năm1492). So với Vasco Da Gama là người đã khám phá Mũi Hảo Vọng và đi xuyên 3 đại dương, từ Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương (năm 1498), Trịnh Hòa đã thực hiện cuộc hành trình xuyên 3 Đại Dương năm 1421, trước Vasco Da Gama 77 năm. Đây là một chiến dịch tuyên truyền mạo nhận thành tích để phô trương thanh thế. Tuy nhiên sự mạo nhận này không được lịch sử xác nhận.
Theo chính sử Trung Quốc, đặc biệt với cuốn “Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ” do Hàn Lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min nhận định về cuộc Thám Hiểm của Trung Hoa tại Đại Dương như sau: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết đến đại dương. Theo những tài liệu lịch sử chính thống, thản hoặc nhà cầm quyền Trung Hoa cũng gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật Bản trong các thế kỷ thứ ba và thứ hai Trước Công Nguyên, và tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Phi Châu trong thế kỷ 15. Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương có rất ít, nếu không nói là không có, những vụ xâm nhập quy mô của Trung Quốc” suốt chiều dài lịch sử”. (1) Đặc biệt trong thế kỷ 15, dưới đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) và Minh Tuyên Tông (Tuyên Đức), Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa đã 7 lần thám hiểm Tây Dương (Ấn Độ Dương). Và trong 28 năm, từ 1405 đến 1433, đã viếng thăm 37 quốc gia duyên hải đến tận Ba Tư, Biển Hồng Hải phía tây bắc và đông ngạn Phi Châu phía cực tây.(2) Trong lịch sử và văn học sử Trung Quốc Trịnh Hòa được tuyên dương là anh hùng khai phá đại dương. Tuy nhiên những chi tiết và những thành quả trong chiến dịch Thất Hạ Tây Dương đã không được ghi chép đồng nhất, kể cả từ ngày tháng khởi hành đến những tin tức thu lượm được trong các chuyến hải hành.
Các tư liệu lịch sử viện dẫn gồm 3 loại: a. Những tài liệu chính thức trong Minh Sử. b. Những bia và đồ bản ghi chép sự việc được phát giác tại Phúc Kiến. c. Ba cuốn sách do các thành viên tham dự Chiến Dịch trước tác theo thứ tự thời gian là: Tây Dương Phiên Quốc Chí của Củng Trần năm 1434 (Hsi-Yang Fan Kuo Chih: Record of the Barbarian Countries in the Western Ocean); Tinh Tra Thắng Lãm của Phi Tín năm 1436 (Hsing Cha Sheng Lan: Triumphant Vision of the Starring Raft); và Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan năm 1451 (Ying Yai Sheng Lan: Triumphant Vision of the Boundless Ocean).
Ngoài ra còn cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi năm 1621, tường thuật về 7 chuyến Thất Hạ Tây Dương theo đó Trịnh Hòa chỉ đi qua Biển Nam Hoa để khai phá Ấn Độ Dương. Thông thường mỗi cuộc hải trình kéo dài 2 năm: • Chuyến Đi Thứ Nhất (1405-1407) từ Thượng Hải, Phúc Kiến vượt Thái Bình Dương đi Phi Luật Tân, Java, Sumatra (Nam Dương) đến Malacca, Tích Lan và Calicut tại bờ biển phía tây Ấn Độ. • Chuyến Đi Thứ Hai (1407-1409) và Chuyến Đi Thứ Ba (1409 -1411) cũng không đi quá tây ngạn Ấn Độ như chuyến thứ nhất. • Chuyến Đi Thứ Tư (1413-1415) tới Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và bờ biển Đông Phi Châu. • Chuyến Đi Thứ Năm (1417-1419) đến điểm xa nhất phía cực tây tại đông ngạn Phi Châu phía nam đường xích đạo. • Chuyến Đi Thứ Sáu (1421-1422), mà chiến dịch truyền thông hiện nay đang quảng bá, cho rằng năm 1421 Trịnh Hòa đã đi xuyên qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương và đã khám phá Mỹ Châu. • Chuyến Đi Thứ Bảy là chuyến sau cùng. Sau khi Minh Thành Tổ mất, Trịnh Hòa không còn được trọng đãi. Trong đời Minh Nhân Tông Chiến Dịch bị đình chỉ. Mãi đến năm 1431 dưới triều Minh Tuyên Tông, Trịnh Hòa mới đi chuyến sau cùng (1431-1433). Đây là cuộc hải trình xa nhất đến Biển Hồng Hải phía tây bắc, và bờ biển Đông Phi Châu phía tây nam.
Điều đáng lưu ý là, theo cuốn Lịch Sử Trung Quốc Thời Trung Cổ dẫn thượng, trong 7 chuyến đi của Trịnh Hòa, Chuyến Đi Thứ Sáu là chuyến đi ngắn nhất: từ tháng 2-1421 đến tháng 9-1421. Đặc biệt trong chuyến này Trịnh Hòa chỉ đi từ Phúc Kiến đến Sumatra (Nam Dương). Kể từ đó hai sĩ quan tùy viên của Trịnh Hòa là Yang Ching và Hung Pao đứng ra điều khiển cuộc hải trình. (Hsieh Chiao-Min, Trịnh Hòa Khám Phá Đại Dương, sách đã dẫn, các trang 290-292) (3) Như vậy theo chính sử Trung Quốc, trong 7 chuyến công du, Trịnh Hòa không đến Đại Tây Dương mà chỉ đi qua Thái Bình Dương (Biển Nam Hoa) và Ấn Độ Dương hay Tây Dương (phía tây Trung Quốc được coi là trung tâm thế giới). Tổng kết lại, không có việc trong thế kỷ 15 Trịnh Hòa đã đi xuyên qua 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương), và đã đi qua 3 châu (Á, Phi và Âu) để khám phá Mỹ Châu năm 1421. Ngay từ đời nhà Minh, chiến dịch Thất Hạ Tây Dương đã bị các giới sĩ phu và quần thần phê phán là đã làm kiệt quệ kinh tế đất nước. Chiến Dịch được phát động đột ngột năm 1405 và đã kết thúc đột ngột năm 1433. Cho đến nay các sử gia Trung Quốc cũng chưa tìm ra lý do thực sự của những cuộc viễn chinh nặng phần trình diễn này. Cùng với các nhà sử học Trung Quốc, các nhà khảo cứu về thám hiểm đại dương danh tiếng trên thế giới trong tập Bách Khoa Toàn Thư Anh Quốc đã viết: “Đầu thế kỷ 15, Minh Thành Tổ phát động chính sách thổ địa và hải dương tích cực, cử Đô Đốc Thái Giám Trịnh Hòa phụ trách những cuộc hành trình ngoại giao tại Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư, đến Đông Phi Châu là nơi xa nhất”. (4) Trong cuốn Tân Lịch Sử Trung Quốc, Giáo Sư John King Fairbank tại Đại Học Harvard vẽ bản đồ 7 cuộc hải trình của Trịnh Hòa xuất phát từ Phúc Kiến, ghé Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành, đến Java, Sumatra (Nam Dương), Colombo (Tích Lan), Calicut (Ấn Độ), Hormuz (Vịnh Ba Tư), Jiddah (Biển Hồng Hải) về phía tây bắc, rồi đến các hải cảng Magadishu và Malindi tại Đông Phi Châu phía cực tây. (John King Fairbank, China, A New History, Map 18: The Voyages of Zheng He, Harvard University Press, 1991, p. 133). Kết luận: Theo chính sử Trung Quốc Trịnh Hòa không lai vãng đến Đại Tây Dương và cũng không khám phá Mỹ Châu năm 1421. Đây chỉ là một chiến dịch tuyên truyền lố lăng nhằm phô trương thanh thế bằng sự mạo nhận thành tích. NOTES (1) Throughout most of their long history of cultural and scientific development, the Chinese people have been but passively interested in the ocean. Historical records indicate that from time to time the Chinese authorities sent out maritime exploring expeditions, notably those to Japan as early as the second and third centuries B.C., and to Southeast Asia, India, and Africa during the fifteenth century. Apparently there have been few, if any, planned deep penetrations of the Pacific Ocean by the Chinese during their long history. Chiao-Min Hsieh. The Chinese Exploration to the Ocean, Chinese History Middle Ages: China Academy, Taipei, 1978, p. 287. (2) During a period of twenty-eight years, from 1405 to 1433, Admiral Cheng Ho led seven exploring expeditions into the Pacific and Indian Oceans and visited more than thirty-seven countries. The areas he visited include such distant places as Persia and the Red Sea in the northwest and the east coast of Africa in the farthest west. The large exploring expeditions that were to cross the South China Sea and explore the Indian Ocean were criticized by the court as poor to (an impoverishment of) the country. The guiding reasons for those expeditions are not generally known. Chiao-Min Hsieh, Ibid, p. 290-291. (3) The Sixth Voyage was the shortest of the seven, lasting from February 1421 to September 1421. During this expedition Cheng traveled only as far as Sumatra, the expedition from there on was led by his subordinate officers Yang Ching and Hung Pao. Chiao-Min Hsieh, Explorations by Cheng Ho, Ibid p.292. (4) Cheng Tsu was much more aggressive. He sent the eunuch admiral Cheng Ho on massive tribute-collecting voyages into Southeast Asia, the Indian Ocean, the Persian Gulf, and as far as East Africa: Encyclopedia Britannica, 1974, Volume 4, p.311. TRỊNH HÒA CHIẾM HOÀNG SA TRƯỜNG SA NĂM 1413
Năm 1405, sau vụ đảo chánh cướp ngôi của cháu ruột là Minh Huệ Đế, để làm lạc hướng dư luận, Minh Thành Tổ phát động chiến dịch Thất Hạ Tây Dương. Mặt khác, viện cớ khôi phục nhà Trần, Minh Thành Tổ, một kẻ soán đoạt, đã đem quân trừng phạt Hồ Quí Ly là kẻ soán đoạt khác. Trương Phụ và Mộc Thạnh truyền hịch loan báo việc quân Tầu sang Việt Nam để tái lập ngôi vua nhà Trần, một triều đại vinh quang được toàn dân kính mến sau 3 trận đại thắng quân Mông Cổ. Với chiêu bài “cứu dân phạt tội” nhằm thu phục nhân tâm, quân nhà Minh đánh đâu được đó, quân nhà Hồ phần giã ngũ, phần qui hàng.
Như ta đã biết, trong những năm 1405-1407, trong Chuyến Đi Thứ Nhất, với một hạm đội hùng mạnh trên 27 ngàn sĩ tốt và 300 chiếc tàu, Trịnh Hòa không đổ bộ Việt Nam chỉ ghé Đồ Bàn trong cuộc hải trình đến Nam Dương, Tích Lan và Ấn Độ. Lúc này, nếu có kế hoạch thôn tính Chiêm Thành, Minh Thành Tổ chỉ cần điều động hạm đội hùng mạnh của Trịnh Hòa trong những năm 1405- 1407. Chứ không cần phải đợi đến năm 1413 trong Chuyến Đi Thứ Tư mới dùng thủ đoạn đồng minh giả hiệu để xâm chiếm Chiêm Thành cả trên lục địa lẫn ngoài hải phận.
Vả lại về Chuyến Đi Thứ Tư (1413- 1415) Minh Sử chỉ ghi Trịnh Hòa đã đến Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Biển Hồng Hải và Đông Phi Châu. Chứ không ghi việc Trịnh Hòa thôn tính Chiêm Thành năm 1413. Luận điệu cho rằng Trịnh Hòa đã chiếm Chiêm Thành và vùng hải phận trong đời nhà Minh (thế kỷ 15) hoàn toàn mâu thuẫn với Bản Chú Giải về Đảo Nam Uy và Quần Đảo Tây Sa ngày 1-9-1951 của Chính Phủ Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa từ đời nhà Tống (thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13). (Notes on the Nanwei and Sisha Islands of 9-1-1951: People’s China, Foreign Language Press).
Chúng ta hãy duyệt lại lịch sử Trung Quốc từ đầu thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 20 để kiểm chứng việc sử sách không ghi Hoàng Sa Trường Sa đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc kể từ năm 1413.
Dưới đời nhà Minh (1368-1644)
1. Năm 111 Trước Công Nguyên Trung Quốc thôn tính nước Nam Việt và đổi tên thành Giao Chỉ Bộ. Vùng Biển Đông Hải chạy từ bờ biển Bắc Việt đến Thanh Hóa, Nghệ An (Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam) và có tên là Giao Chỉ Dương. Trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi (năm 1621) có tấm bản đồ của Mao Khôn (ông nội tác giả), theo đó Biển Đông Hải được gọi là Giao Chỉ Dương.
2. Các bản đồ Trịnh Hòa Hạ Tây Dương và Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không ghi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (dưới các danh xưng Hán hóa Tây Sa và Nam Sa) trên các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa 7 lần đi qua Biển Nam Hoa để khai phá Ấn Độ Dương.
3. Theo lịch sử Việt Nam trong hai thế kỷ 14 và 15 có sự giao chiến liên miên giữa Việt Nam và Chiêm Thành. Nếu quả thật nhà Minh đã chiếm đất Chiêm Thành năm 1413 trong Chuyến Đi Thứ Tư của Trịnh Hòa, thì lẽ tất nhiên các sử sách Trung Hoa, Việt Nam và Chiêm Thành đã phải ghi chép việc ấy. Theo sách Dư Địa Chí đời Hồng Đức, tới hậu bán thế kỷ 15 dưới đời vua Lê Thánh Tông năm 1471, Chiêm Thành đã là lãnh thổ của Đại Việt gồm cả lục địa, hải phận và các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về việc này cuốn Minh Sử đã chép như sau: “Sứ thần Chiêm Thành nói: Cổ lai đất nước Chiêm có 27 xứ, 4 phủ, 7 châu, 22 huyện, nay vua An Nam lấy đi chỉ còn 5 xứ, từ Bang Đô Lang đến Chân Lạp mà thôi”. Lúc này vua Nhà Minh sai sứ sang yêu cầu vua Lê Thánh Tông trả lại đất cho Chiêm Thành nhưng Ngài không chịu. (Lý do là vì Minh Chủ không trả đất Nam Việt đời Triệu Vũ Đế cho Đại Việt). Những tài liệu lịch sử nói trên cho biết, từ thế kỷ 15, các đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Lịch sử cũng ghi rằng năm 1427 Lê Lợi đánh thắng quân Nhà Minh và giành lại chủ quyền độc lập đã bị Minh Thành Tổ tước đoạt từ 20 năm trước (1407).
4. Trong các cuốn Trù Hải Đồ Biên (1562) của Mao Khôn và Vũ Bị Chí (1621) của Mao Nguyên Nghi không thấy chỗ nào nói về việc các đội hải thuyền của Trịnh Hòa đã đổ bộ và chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa (Đại Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa) và Bãi Macclesfield (Vạn Lý Thạch Đường mà Trung Quốc gọi là Trung Sa). Cũng không thấy ghi việc lập bia kỷ niệm như tại các địa điểm phái bộ Trịnh Hòa đã đi qua tại Biển Nam Hoa và Ấn Độ Dương.
5. Sách Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan tường trình rằng, trong chuyến đi Nam Dương, Trịnh Hòa có ghé Đồ Bàn hay Trà Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành (thuộc địa phận Qui Nhơn). Và trong chuyến về có ghé Côn Lôn Dương (thuộc địa phận Trường Sa) và Ngoại La Sơn (tức Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Nhưng tuyệt nhiên không thấy nói đến việc lập bia kỷ niệm hay đặt tên hán hóa cho các hải đảo tại Hoàng Sa Trường Sa như Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc, Tuyên Đức v…v…. Chính sử cho biết mãi đến ngày 1-12-1947 Chính Phủ Trung Hoa Dân Quốc mới ban hành sắc lệnh hán hóa 102 đảo danh tại Hoàng Sa và Trường Sa. Và đến ngày 25-4-1983 Chính Phủ Bắc Kinh mới đặt tên hán hóa cho các hải đảo này.
Dưới đời nhà Thanh (1644-1911)
1. Dưới triều Thanh Đức Tông (hiệu Quang Tự), theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ ấn hành năm 1894, thì đến cuối thế kỷ 19, “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”.
2. Qua thế kỷ 20, trong thời gian Từ Hi Thái Hậu lâm triều, sự kiện này được xác nhận trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư năm 1906 với đoạn như sau: “Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại Vĩ Tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ Vĩ Tuyến 20 (ngang Thanh Hóa) đến Vĩ Tuyến 18 (ngang Nghệ Tĩnh). Trong khi đó quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, từ Vĩ Tuyến 17 đến Vĩ Tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và quần đảo Trường Sa tại các Vĩ Tuyến 12-8 (Cam Ranh - Cà Mâu).
3. Trong bản đồ Đại Thanh Đế Quốc tại vùng hải phận cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và cũng không thấy ghi các danh xưng hán hóa như Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc hay Tuyên Đức.
4. Trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép rằng quần đảo Hoàng Sa là biên thùy của Việt Nam: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên giậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”.
5. Theo cuốn Tranh Chấp tại Biển Nam Hoa của học giả Marwyn S. Samuels “không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã sát nhập các hải đảo [(Hoàng Sa Trường Sa] vào lãnh thổ Trung Quốc” (There is no evidence here that the Ch’ing State had in any sense absorbed the islands into the imperial domain. Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea: Methuen London, 1982, note 31, p.38).
6. Giống như Bản Đồ Mao Khôn trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi đời Nhà Minh, tập Địa Dư Chí Tỉnh Quảng Đông được vua Thanh Thế Tông (Ung Chính) duyệt phê năm 1731 cũng không ghi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Đông.
7. Trong bộ sách địa lý “Đại Thanh Nhất Thống Chí” do Quốc Sử Quán Trung Hoa soạn năm 1842 với lời tựa của vua Thanh Tuyên Tông (Đạo Quang) cũng không thấy ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
8. Trong cuốn Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (năm 1744), vùng hải phận của Việt Nam tại Biển Đông Hải được ghi là Việt Hải và Việt Dương.
9. Đặc biệt là cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán xuất bản năm 1695 đời Khang Hi cũng ghi nhận sự hành sử chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông Hải nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
10. Trong hai năm 1895 và 1896 có vụ các cư dân đảo Hải Nam đến cướp đồng trên các tàu bị đắm tại Hoàng Sa, như tàu Bellona của Đức và tàu Imezi Maru của Nhật.
Do sự khiếu nại của các công ty bảo hiểm, Chính Phủ Anh đã gửi văn thư phản kháng với nhà cầm quyền Quảng Châu. Để phúc đáp, Tổng Đốc Lưỡng Quảng đã phủ nhận trách nhiệm viện lý do“Hoàng Sa không liên hệ gì đến Trung Quốc”, và chính quyền Quảng Châu không có bổn phận phải bảo vệ an ninh trật tự tại quần đảo này.
Thời Trung Hoa Dân Quốc và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (thời gian từ 1912 đến 1954)
1. Thời Thế Chiến II, cuối thập niên 1930 Nhật Bản cấu kết với Đức Quốc Xã và Phát Xít Ý để phát động Chiến Tranh Thái Bình Dương. Năm 1938 Nhật chiếm 3 đảo tại Hoàng Sa là Phú Lâm, Lincoln và Hữu Nhật. Qua năm sau, ngày 30-3-1939, Chính Phủ Đông Kinh ra Tuyên Cáo đòi chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 21-4-1939, thay mặt Việt Nam, Chính Phủ Pháp đã gửi công hàm phản kháng hành động xâm lăng võ trang của Nhật Bản tại Biển Đông Hải, đồng thời công bố chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó Chính Phủ Trùng Khánh đã không lên tiếng phản kháng, dầu rằng sự chiếm đóng Hoàng Sa của Nhật Bản đã trực tiếp đe dọa an ninh lãnh thổ của Trung Hoa. Do thái độ thụ động này, Trung Quốc đã khước từ chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Hoàng Sa.
2. Năm 1943 tại Hội Nghị Cairo, ba cường quốc đồng minh đại diện bởi Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill và Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký Tuyên Cáo Cairo ngày 27-11-1943 theo đó sau khi đánh bại Nhật Bản, Đồng Minh sẽ giao hoàn cho Trung Quốc đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ tại Thái Bình Dương. Điều đáng lưu ý là tại Hội Nghị Cairo 1943, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã không đòi trao Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Quốc và như vậy đã khước từ chủ quyền lãnh thổ các quần đảo này.
3. Tại Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951, để yểm trợ Bắc Kinh, Ngọai Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko đệ trình Tu Chính Án yêu cầu Đại Hội trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Tuy nhiên Đại Hội đã bác bỏ đề nghị này với 46 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Sau đó Trưởng Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã lên diễn đàn công bố chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa và không gặp sự chống đối nào. Năm 1949 Trung Cộng đã chiếm lục địa Trung Hoa bằng chiến tranh võ trang nên không được các Quốc Gia Đồng Minh thừa nhận. Do đó cả hai Chính Phủ Bắc Kinh và Đài Bắc đều không được mời tham dự Hội Nghị Hòa Bình San Francisco. Trong khi đó, từ 1949, do Hiệp Định Elysee ngày 8-3-1949, Pháp đã trả chủ quyền độc lập và sự thống nhất quốc gia cho Việt Nam. Với tư cách một quốc gia độc lập và thống nhất, Việt Nam được mời tham dự Hội Nghị Hòa Bình San Francisco 1951.
4. Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954 minh thị xác nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Để giải quyết Chiến Tranh Đông Dương, Hội Nghị Geneva 1954 được triệu tập với sự tham dự của 9 quốc gia gồm Ngũ Cường Mỹ, Anh, Pháp, Liên Sô và Trung Quốc, cùng Ai Lao, Cao Miên và 2 nước Việt Nam là Quốc Gia Việt Nam (Miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc). Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954 đã minh thị xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa (lúc này là Quốc Gia Việt Nam) tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Điều 4 Hiệp Định viết: “Giới tuyến giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam (Vĩ Tuyến 17) kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Lực lượng Liên Hiệp Pháp (gồm có Quốc Gia Việt Nam, Pháp và đồng minh) phải rút khỏi tất cả các hải đảo tại phía Bắc giới tuyến (Vĩ Tuyến 17). Quân đội Nhân Dân Việt Nam (Bắc Việt) phải rút khỏi tất cả các hải đảo tọa lạc tại phía Nam giới tuyến” (Vĩ Tuyến 17) trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tọa lạc từ Vĩ Tuyến 17 đến Vĩ Tuyến 8 ( từ Quảng Trị xuống Cà Mâu).
Ngoài ra chiếu Điều 12 Bản Tuyên Ngôn Sau Cùng ngày 21-7-1954: “Các quốc gia tham dự Hội Nghị Geneva (trong đó có Trung Quốc) cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. (Trung Quốc là một trong 9 quốc gia tham dự Hội Nghị Geneva 1954 với Anh Quốc và Liên Sô là đồng chủ tịch). Như vậy từ các đời nhà Minh, nhà Thanh đến giữa thế kỷ 20 (năm 1954) dưới thời Trung Hoa Dân Quốc và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, các sách sử địa Trung Hoa không có chỗ nào ghi chép rằng Minh Thành Tổ đã chiếm Hoàng Sa Trường Sa làm lãnh thổ Trung Quốc năm 1413 sau khi Trịnh Hòa thôn tính Chiêm Thành trong Chuyến Đi Thứ Tư của chiến dịch Thất Hạ Tây Dương.
Lịch sử chỉ ghi, từ hậu bán thế kỷ 20, trong những năm 1956, 1974, 1988 và 1992, Trung Quốc đã dùng chiến tranh võ trang để xâm chiếm 13 đảo Hoàng Sa và một số đá, bãi tại Trường Sa. Sự xâm chiếm này đi trái với Luật Tục Lệ Quốc Tế và Điều 2 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt đã vi phạm thô bạo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký tên tham gia. Đây là những hành vi bạo động võ trang không có giá trị và hiệu lực pháp lý. Vì hành vi bạo hành, dầu kéo dài bao lâu, cũng không làm mất tính bạo hành của nó.
Kết luận: Về hai chiến dịch truyền thông cho rằng Trịnh Hòa đã khám phá Mỹ Châu năm 1421, và đã chiếm hữu Hoàng Sa Trường Sa năm 1413, chúng ta chỉ có thể kết luận: Phải là người đại hán có đảm lược (to gan lớn mật) mới dám lấy những chuyện hoang đường võng tưởng làm sự thật lịch sử.
(Tháng 8-2010)
|