Tàu Ngầm Nguyên Tử: Hàng Rào Hỏa Tiễn Chống Hỏa Tiễn của Hoa Kỳ. |
Tác Giả: Vũ Thế Khanh, sao lục | |||
Chúa Nhật, 08 Tháng 8 Năm 2010 06:15 | |||
Ngày 5 tháng 3, 1946, ông Winston Churchill đã tuyên bố tại Fulton, Hoa Kỳ, rằng một "bức màn sắt" đã được kéo xuống giữa Đông Âu và Tây Âu; đồng thời tổng thống Truman cũng đã cương quyết tuyên bố rằng trong "trường hợp đặc biệt" ông ta có thể xử dụng đến bom nguyên tử. Lời tuyên bố của tổng thống Truman được dư luận báo chí Hoa Kỳ và giới quân sự ủng hộ mạnh mẽ về việc nên phát động một cuộc chiến tranh chớp nhoáng để hạ bệ Liên Xô, nhất là khi Hoa Kỳ đang còn giữ độc quyền về bom nguyên tử, và không quân Hoa Kỳ được tiếng là mạnh nhất hoàn cầu. Thế rồi trong những năm kế tiếp đó, lần lượt các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi đều bị đặt dưới chế độ Cộng Sản, làm cho Hoa Kỳ và các nước Tây Âu lo ngại vô cùng. Ngày 6 & 9 năm 1945, hai ngày quan trọng nhất đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử nhân loại, với sự xuất hiện lần đầu tiên của vũ khí hạch tâm, làm thay đổi hẳn cách suy tư của con người trước và sau cuộc oanh tạc Hiroshima và Nagasaki . Lẽ dĩ nhiên những thay đổi đó không xuất hiện ngay, mặc dầu lúc đó nhân loại cảm thấy rất bàng hoàng trước sự tiêu hủy hai thị trấn lớn của Nhật Bản kéo theo sự chết chóc của hàng trăm ngàn thường dân vô tội. Và cũng không có ai có thể tưởng tượng rằng hai quả bom nguyên tử đó có thể đánh dấu sự chấm dứt cuộc thế chiến thứ hai đồng thời mở màn cho cuộc "chiến tranh lạnh" (The Cold War ) giữa hai thế giới Tự Do và Cộng Sản, kéo dài thêm 46 năm nữa! Đó cũng là lúc mà một số lớn phóng pháo cơ có tầm bay xa của Hoa Kỳ được các nước bạn Tây Âu chấp nhận cho lập căn cứ trên lãnh thổ của họ bao quanh Liên Bang Xô Viết. Nhưng về lâu về dài sự có mặt của không quân Hoa Kỳ trên các lãnh thổ bạn đã đặt ra cho giới quân sự cũng như cho các chính khách Hoa Kỳ một vấn đề điên đầu khác, mỗi khi có sự xáo trộn hay thay đổi chế độ chính trị tại các nước bạn có căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Và cũng vì vậy mà chiến lược quân sự của Hoa Kỳ phải uyển chuyển thay đổi với thời gian, nhất là khi các chuyên gia của Ngũ Giác Đài nhận thấy rằng Hải Quân Hoa Kỳ có một tiềm năng hoạt động vô cùng to lớn, khi được dùng làm dàn phóng các loại vũ khí nguyên tử. Ý định dùng biển cả làm dàn phóng vũ khí nguyên tử được cụ thể hóa qua đề nghị của ủy ban "Poseidon" vào năm 1957, và kể từ đó cho đến ngày nay, đối với các nhà quân sự Hoa Kỳ, đại dương - với hơn 14 triệu cây số vuông - đã trở thành những dàn phóng hỏa tiễn nguyên tử vô cùng vĩ đại của họ. Dưới thời Stalin, dự tính của chính quyền Xô Viết là sản xuất 1200 chiếc tiềm thủy đỉnh, nhưng sau khi Krouchtchev lên nắm quyền thì chỉ đóng được 240 chiếc thuộc loại "K" hay "Whisky" theo Tây Phương; và đến đợt sau, loại "Roméo", thì chỉ sản xuất được có 20 chiếc thay vì 560 chiếc được dự tính vì thiếu hụt ngân sách. Chính Stalin - vào cuối thập niên 1940 - cũng đã nhận thấy tầm mức quan trọng mà nguyên tử và biển cả sẽ đóng một vai trò nổi bật trong tương lai, và đưa địa vị của tàu ngầm lên hàng đầu trong cuộc tranh chấp quyết liệt một mất một còn giữa hai khối thế giới Tự Do và thế giới Cộng Sản. Để bắt cho kịp Hoa Kỳ trong lãnh vực này với nhiều năm cách biệt, Stalin đã phát động cấp kỳ một chương trình quân sự trong lãnh vực nguyên tử, hy sinh hẳn chương trình phát triển kinh tế và tăng gia sản xuất của Liên Xô trong nhiều thập niên qua. Nhưng đây chỉ là một lối biện minh của các nhà kinh tế học Liên Xô để bào chữa cho sự thất bại của tất cả các chương trình khuếch trương kinh tế của họ nói riêng và của toàn thể thế giới Cộng Sản nói chung, do căn bệnh trầm kha của chế độ tạo ra và cũng đã được ghi vào xương, khắc vào tủy của mọi người cán bộ Cộng Sản, đó là tham nhũng thối nát, buôn quan bán tước và bóc lột nhân dân đến tận xương tủy, không chút nương tay. Trong lịch trình phát triển hạm đội tiềm thủy đỉnh nguyên tử, Hải Quân Liên Xô bao giờ cũng tụt hậu từ 4 đến 5 năm đối với Hải Quân Hoa Kỳ. Lúc tàu ngầm nguyên tử Nautilus của Hoa Kỳ bắt đầu hoạt động vào năm 1954, thì tàu ngầm K3 của Liên Xô, tương đương với chiếc Nautilus, chỉ bắt đầu hoạt động vào năm 1958 . Chiếc George Washington, tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ được trang bị hỏa tiễn "Polaris" và hạ thủy năm 1960, còn chiếc K19 của Liên Xô, tương đương với chiếc George Washington, thì đang được thử máy cũng trong năm ấy. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1967, thì Liên Xô mới có được tàu ngầm phóng hỏa tiễn loại "Yankee", nhưng Liên Xô vẫn không chế được loại hỏa tiễn có nhiên liệu đặc như hỏa tiễn "Polaris" của Hoa Kỳ và đành phải dùng nhiên liệu lỏng rất là nguy hiểm cho sự an toàn của tàu ngầm và tầm hỏa tiễn của Liên Xô chỉ đi xa tối đa 3000 cây số. Thành thử muốn phóng hỏa tiễn vào những mục tiêu trên nội địa Hoa Kỳ, thì tàu ngầm Liên Xô phải vượt qua bao nhiêu hàng rào chống tàu ngầm đặt dưới biển, đồng thời phải tránh cho được sự phát hiện của các tàu tuần tiểu Hải Quân và Không Quân được trang bị những máy móc tối tân nhằm mục tiêu phát giác sự hiện diện của những tàu ngầm lạ đang xâm nhập hải phận Hoa Kỳ. Trong đợt hai về loại tàu ngầm phóng hỏa tiễn của Liên Xô - loại Delta - thì mỗi tàu mang được 12 hỏa tiễn liên lục địa có thể từ Liên Xô bắn tới nội địa Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ Liên Xô đã chế được nhiên liệu đặc, nhưng phải mất một thời gian khá dài mới đạt được kết quả mong muốn. Vẫn theo lời tuyên bố của chính quyền Xô Viết thì đến năm 1981 - với sự xuất hiện trong đợt ba - của loại tàu ngầm Typhoon, thì lực lượng về phẩm cũng như về lượng của Hoa Kỳ và Liên Xô tương đương nhau. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia Tây Phương về Hải Quân, tàu ngầm của Hoa Kỳ bỏ xa Liên Xô trong hai lãnh vực vũ khí và phát hiện, vì tàu ngầm của Hoa Kỳ - hầu như không có tiếng động khi di chuyển, nên rất khó bị phát giác. Hơn thế nữa, tàu ngầm Hoa Kỳ chỉ dùng phương pháp lắng nghe thụ động để tìm tàu địch chứ không dùng hệ thống phản âm để dò tung tích đối phương cho nên không bị tàu địch phát hiện. Về lãnh vực này, vào cuối thập niên 70, Hoa Kỳ đã "gạt" Liên Xô bằng cách bán cho công ty điện tử Toshiba của Nhật một hệ thống "tối tân" máy móc để trang bị cho tàu ngầm chạy cho khỏi kêu, với điều kiện là không được bán tài liệu này cho bất cứ một quốc gia nào, nhưng với dụng ý là để cho công ty Toshiba bán lén lại cho Liên Xô. Và "cá Liên Xô" đã cắn phải lưỡi câu của "ngư ông Hoa Kỳ"; nhưng sau đó thì Hoa Kỳ - giả bộ làm rùm beng - việc công ty Toshiba đã bội ước lời cam kết và đòi kiện hãng này. Thế rồi chuyện gì phải đến đã đến. Vài năm sau, nhà nghiên cứu nổi tiếng Hoa Kỳ , ông T. Stefanik - sau khi nghiên cứu kỹ càng và tỷ mỹ về thành tích của hai chiếc tàu ngầm tối mật Los Angeles (Hoa Kỳ) và Victor III (Liên Xô) đã công bố kết quả sưu tầm của ông ta như sau: trong những điều kiện hàng hải tương tợ về chiều sâu tối đa, tàu ngầm của Hoa Kỳ bị phát hiện khi tàu săn cách chiếc tàu này khoảng từ 1 đến 25 hải lý. Còn đối với tàu ngầm của Liên Xô thì khoảng cách bị tàu săn phát hiện là từ 20 đến 500 hải lý; nếu nói một cách nôm na thì tàu ngầm của Liên Xô - khi xê dịch - phát ra tiếng động ồn ào không khác gì người ta khua một chiếc thùng thiếc rỗng. Không biết sau vụ nghiên cứu của ông T. Stefanik, tình báo Hoa Kỳ có ngầm thưởng cho công ty Toshiba của Nhật Bản một ít "tiền còm" hay không? Thế rồi cách đây hai năm, Trung Cộng lại làm trò cười cho toàn thế giới bằng cách ra lệnh cho một chiếc tàu ngầm của họ - mua lại của Nga - theo dõi một chiếc hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đang di chuyển trong vùng Hoàng Hải, giữa Đại Hàn và Nhật Bản. Tiếng động của chiếc tàu ngầm Trung Cộng quá to trong máy nghe của chiếc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ khiến chuyên viên kiểm thính của tàu này phải vặn bớt cường độ của ống nghe để khỏi bị đinh tai nhức óc, một hành động ngược lại làm cho mọi người đều ngạc nhiên khi thấy khả năng kỹ thuật của Nga và Trung Cộng - đàn anh trong khối Cộng Sản - lại quá tầm thường như vậy. Nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử được phát động từ một căn cứ chỉ huy của một trong hai quốc gia đặt trên không gian hay trong một tàu ngầm nguyên tử chiến lược phóng hỏa tiễn ẩn sâu dưới lòng biển cả, thì chiến tranh sẽ được chấm dứt sau khi dàn hỏa tiễn đầu tiên được khai hỏa. Vì theo máy tính của các chuyên gia Hoa Kỳ cũng như Liên Xô lúc bấy giờ, thì hỏa lực của một chiếc tàu ngầm chiến lược được trang bị hỏa tiễn có mang đầu đạn nguyên tử cũng đủ để tiêu diệt hoàn toàn mọi sự sống trên quả đất này. Vì ý thức được nguy cơ do tàu ngầm phóng hỏa tiễn gây ra cho cả đôi bên nên Liên Xô và Hoa Kỳ bắt buộc phải cùng nhau thương thuyết để đi đến việc hạn chế sản xuất một số lượng nhất định về loại tàu ngầm này. Cả hai quốc gia đã đi đến việc ký kết thỏa ước SALT-1, qui định mỗi bên chỉ được quyền sản xuất tối đa 41 tàu ngầm loại này, mỗi chiếc trang bị 16 hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử. Tuy nhiên thỏa ước SALT-1 vẫn không ngăn chận được cuộc chạy đua võ trang được mệnh danh "Chiến Tranh Không gian" được phát động dưới trào tổng thống Reagan và phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa việc xử dụng vũ khí hạch tâm là phải cho tàu ngầm tuần thám thường xuyên trên biển cả. Trong thập niên 80, Hải Quân Hoa Kỳ đã đặt ra một hệ thống tuần phòng và đồn trú ngay dưới lòng đại dương để phòng bị trường hợp Liên Xô trở mặt tấn công bất ngờ Hoa Kỳ; và kể từ đó, lực lượng tàu ngầm chiến lược loại "Trident" đều được trang bị 24 hỏa tiễn, mỗi hỏa tiễn mang một số đầu đạn nguyên tử được điều khiển tự động. Để xác quyết những tính toán của các chuyên gia thuộc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô thời bấy giờ, chúng ta cũng nên tìm hiểu thành tích của một trong những tàu ngầm "quái vật" nguyên tử khổng lồ này, chiếc tàu ngầm thuộc loại "OHIO" của Hải Quân Hoa Kỳ. Chiếc tàu này dài 170 mét và rộng 12,8 mét, có tầm nước 18 700 tấn. Công suất 60 000 mã lực của lò phản ứng hạt nhân của loại tàu này đã đưa tốc độ tàu lên đến 25 hải lý một giờ, và lặn sâu tối đa là 300 mét. Thủy thủ đoàn trên tàu gồm có 170 người kể cả 16 sĩ quan. Điều quan trọng là vũ khí của tàu này. Những ống phóng hỏa tiễn của một chiếc tàu "Ohio" này không thôi, có hỏa lực mạnh bằng hỏa lực được xử dụng trong 8 cuộc đệ nhị thế chiến. Khi một chiếc tàu ngầm "OHIO" phóng hết tất cả dàn hỏa tiễn mà họ mang theo, thì khi đó trên quả đất này mọi sinh linh đều tiêu diệt và chỉ còn lại "mùa đông nguyên tử". Từ 1990, những chiếc tàu ngầm này đều được trang bị 24 hỏa tiễn liên lục địa "Trident II", mỗi hỏa tiễn mang từ 9 đến 14 đầu đạn nguyên tử, mỗi đầu đạn có công suất 475 kilô-tấn. Chỉ một hỏa tiễn cũng đủ biến một vùng rộng bao la bát ngát thành một biển lửa kinh hoàng. Tầm đạn đạo của một hỏa tiễn đi xa 11,000 cây số với độ chính xác sai khoảng 100 mét, nên được dùng để tiêu hủy - bất cứ ở nơi đâu - các hầm phóng hỏa tiễn của địch. Thành thử công dụng hữu hiệu nhất của loại hỏa tiễn này là phá hủy ngay các dàn phóng hỏa tiễn của địch trước khi địch có đủ thời giờ để phóng hỏa tiễn qua bên đất của ta. Để đối phó lại loại tiềm thủy đỉnh "OHIO" của Hoa Kỳ - trong thập niên 1980 - Liên Xô đã bí mật chế ra loại tiềm thủy đỉnh "TYPHOON", được đặc biệt trang bị để có thể hoạt động dưới băng sơn ở miền Bắc Băng Dương. Dài 170 mét, rộng 25 mét và cao 26 mét (không kể dây trời và tiềm vọng kính), loại "Typhoon" này có một tầm nước đặc biệt 25,000 tấn. Đó là loại tàu ngầm lớn nhất được chế tạo trên hoàn cầu này và chiếm một diện tích lớn gần bằng 2 sân đá banh. Nhưng có một điểm mà ít ai lưu ý đến, là trong ngành chế tạo tiềm thủy đỉnh, kỹ thuật đóng tàu càng cao thì tàu được chế ra lại càng nhỏ và càng hữu hiệu. Sở dĩ kỹ thuật đóng tàu của Liên Xô đang còn thô sơ nên họ không thể nào chế tạo được những chiếc tiềm thủy đỉnh nhỏ và hữu hiệu như của Hoa Kỳ, nên bắt buộc họ phải đóng những chiếc tàu lớn dễ bị phát hiện lúc lặn sâu dưới lòng biển cả. Vì tàu này quá lớn và để cho được an toàn khi lặn sâu dưới biển, nên thân tàu có hai vỏ bằng chất titanium và có đường kính vào khoảng 10 mét. Tàu ngầm này được trang bị 2 bộ ắc quy, mỗi bộ có công suất 190 ngàn watts và 2 tua bin 80,000 mã lực mỗi một chiếc dùng để vận chuyển tiềm thủy đỉnh có thể lặn sâu mà vẫn giữ tốc độ 30 hải lý/giờ. Loại tiềm thủy đỉnh này có thể làm vỡ mặt băng dày hơn một mét để nổi lên trên mặt bể vùng Bắc Cực, hoặc có thể lặn sâu hàng trăm mét dưới bể trong khoảng thời gian vô hạn định. Đời sống của thủy thủ trong tiềm thủy đỉnh này giống như trong một cao ốc 6 tầng. Thủy thủ đoàn gồm có 50 sĩ quan, 80 hạ sĩ quan và 40 thủy thủ, được phân phối trong những phòng có từ 2 đến 4 giường, có bàn rửa mặt, máy điều hòa không khí, có TV, video, có kệ để sách và một bàn giấy. Ngoài ra trong tàu cũng có hồ bơi và có cả lồng chim nuôi các con vẹt. Lần đầu tiên trong lịch sử tiềm thủy đỉnh của Liên Xô, những tàu ngầm này giờ đây mới được trang bị hỏa tiễn có nhiên liệu đặc. Mỗi tàu ngầm có 20 hỏa tiễn RMS52, mỗi hỏa tiễn nặng 100 tấn, cao 16 mét và có đường kính 2.5 mét và có thể phá hoại một mục tiêu cách xa 9000 cây số. Có một điểm mà giới đóng tàu ngầm nguyên tử của Liên Xô tránh né không dám nói ra là - thay vì rút những khuyết điểm được tìm thấy trong những tàu ngầm được đóng trước đây để mà tránh phạm phải những lỗi lầm cũ - chiếc "Typhoon" tối tân này, vẫn được ban vẽ kiểu giữ y nguyên những lỗi lầm cũ. Một số chuyên viên về tàu ngầm nguyên tử đã thấy được những khuyết điểm nêu trên từ lâu, nhưng không dám nói ra vì sợ mang họa vào thân, trong đó có Phó đô đốc Nicolai Mormoul. Theo họ thì vì kỹ thuật đóng tàu ngầm của Liên Xô kém nên họ không thể đóng tàu ngầm nhỏ mà thành tích hữu hiệu giống như tàu ngầm Hoa Kỳ; vì vậy bắt buộc họ phải đóng tàu ngầm lớn, nặng nề thì mới có thể coi như hữu hiệu như tàu ngầm nhỏ nhưng bền chắc của Hoa Kỳ. Thế rồi kết luận "ngầm" của giới chuyên gia Liên Xô là chính quyền Xô Viết đóng những tàu ngầm vĩ đại này với mục đích giúp cho tàu ngầm Hoa Kỳ dùng những chiếc tàu ngầm khổng lồ này làm "tàu mục tiêu" để Hoa Kỳ có tàu dùng huấn luyện chuyên viên tàu ngầm của họ. Trong giai đoạn thử máy của loại tàu ngầm khổng lồ này, các chuyên viên khám phá vô số khuyết điểm nhất là về tiếng động quá lớn khi tàu này di chuyển, có thể nói mười mấy lần lớn hơn dự trù, đó là chưa kể những ống phóng ngư lôi lại không đúng cỡ với ngư lôi. Tuy nhiên ban tiếp thu vẫn chấp nhận cho thông qua tất cả mọi khuyết điểm và biên bản tiếp thu tàu ngầm này là một chuỗi dài "bốc thơm" những tai to mặt lớn của chính quyền Liên Xô có dính líu không nhiều thì ít đến việc sản xuất loại tàu này, để sau này họ được nhà nước Liên Xô cho huy chương ban khen, kể cả tưởng thưởng về hiện kim nữa! Thế rồi phải chờ đến khi đóng xong chiếc tàu ngầm "Typhoon" thứ 6 - và có sự vận động tận lực - của thống chế Ogarkov và đô đốc Amelko mới đình chỉ hẳn việc đóng những chiếc tàu ngầm khổng lồ và tốn kém này. Trong khi đề cập đến hiểm họa do những chiếc tàu ngầm này gây nên, ông C. Eggert, Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ đã cho biết ý kiến của ông như sau: "Tôi nghĩ rằng mọi ngành trong quân đội Liên Xô chỉ là một nguồn chi tiêu ngân quỹ vĩ đại hơn là một đe dọa đối với thế giới bên ngoài. Đó là một gánh nặng mà nhân dân Nga phải gánh chịu và cũng là một trở ngại rất lớn trong việc phát triển đất nước của họ". Và có người hài hước nêu ra ý kiến - muốn biết rõ kỹ thuật thực sự về ngành Hải Quân của quân đội Liên Xô - chỉ cần nhìn vào việc một anh chàng người Đức trẻ tên Mathias Rust, đã vượt qua những dàn rađa bao quanh Liên Xô, và cho chiếc phi cơ của hắn ta đáp xuống ngay "Công Trường Đỏ", giữa thủ đô Mạc Tư Khoa mà không bị lực lượng phòng không của Liên Xô, dưới trào Brejnev, phát hiện và báo động. Từ 1963 đến nay, Hải Quân Hoa Kỳ mất 2 chiếc tàu ngầm nguyên tử, chiếc thứ nhất Thresher chìm ở ngoài khơi Mỏm Cod ngày 10 tháng 4, 1963. Chiếc thứ hai là chiếc Scorpion, biệt tăm từ khoảng 21 đến 27 tháng 5, 1968 cách Tây Nam quần đảo Acores khoảng 400 hải lý. Và từ bấy đến nay không có một chiếc tàu ngầm nguyên tử nào bị mất tích thêm nữa. Tại sao Hoa Kỳ chỉ có 2 chiếc tàu ngầm bị mất tích, và sau 1968 thì không có chiếc tàu ngầm nào bị đắm nữa; trong khi đó thì hạm đội tàu ngầm nguyên tử của Liên Xô rồi đến Nga vẫn bị hoặc đắm hoặc mất tích dài dài cho đến những năm gần đây? Lý do đơn giản và rất dễ hiểu là vì Hoa Kỳ biết sửa chữa ngay những sai lầm trong khi đóng những tàu mới của họ; còn Liên Xô thì vì các chuyên viên đóng tàu muốn tranh thủ thời gian để được cấp trên khen thưởng, chứ họ không bao giờ chịu lưu ý đến vấn đề an ninh của thủy thủ đoàn điều khiển chiếc tàu ! Trong 40 năm qua, càng ngày người ta thấy càng nhiều tàu chạy bằng nguyên tử qua lại trên biển cả, ở khắp năm châu. Từ đầu thập niên 50 cho đến nay, Liên Xô đã đóng 235 tiềm thủy đỉnh nguyên tử, đó là chưa kể hơn 300 tiềm thủy đỉnh chạy bằng dầu cặn, cộng thêm 2 tuần dương hạm hạng nặng mang dàn phóng hỏa tiễn nguyên tử và 6 chiếc tàu phá băng nguyên tử. Về phía Hoa Kỳ đã sản xuất 150 tiềm thủy đỉnh nguyên tử và 18 tiềm thủy đỉnh chạy bằng dầu cặn, 6 hàng không mẫu hạm và 9 tuần dương hạm, tất cả đều chạy bằng nguyên tử. Anh quốc có 18 tiềm thủy đỉnh nguyên tử trong đó có 4 chiếc được trang bị dàn phóng hỏa tiễn nguyên tử; Trái lại hạm đội tàu ngầm nguyên tử của Nga (từ Liên Bang Xô Viết cho đến nước Nga ngày nay) đã có 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử bị đắm, lẫn mất tích: Trong đám sĩ quan hải quân cao cấp của ngành tàu ngầm nguyên tử Liên Xô, đặc biệt có Phó Đề Đốc Nicolai Mormoul là người có gan lỳ và có công tâm vạch ra tất cả những khiếm khuyết do ông ta phát hiện trong khi ông làm nhiệm vụ tiếp nhân những tàu ngầm nguyên tử vừa mới đóng xong. Cũng vì ông ta là một người trực tánh và không sợ nói thật, nên ông ta đã mang họa vào thân mặc dầu anh em bè bạn thân thiết trong giới Hải Quân đã nhiều phen khuyên ông ta không nên quá thẳng thắn trong việc bới lông tìm vết khi ông ta đứng ra tiếp nhân những chiếc tàu ngầm nguyên tử vừa mới đóng xong, vì làm như vậy - không trước thì sau - thế nào ông ta cũng sẽ bị tập đoàn Mafia quân đội và chuyên gia kỹ thuật lập kế hại ngầm vì ông ta đã cản trở việc "làm ăn" của chúng. Thế rồi việc gì phải đến đã đến với Phó Đề Đốc Nicholai Mormoul. Tập đoàn Mafia quân đội và chuyên gia kỹ thuật Nga đã ngấm ngầm vận động Bộ Chính Trị trong quân đội vu khống cho Phó Đề Đốc Nicholai Mormoul tội ăn cắp rượu cồn của quân đội - nhưng không có bằng chứng - tuy nhiên ông ta vẫn bị tòa án tuyên án 10 năm tù ở và bị tước mọi chức tước trong quân đội, vào năm 1983, dưới trào Andropov làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô. Chính quyền đã phải triệu tập tòa án xét xử Phó Đề Đốc Nicholai Mormoul trong một nhà lao để không cho phóng viên báo chí theo dõi. Và phải đợi đến khi Gorbatchev lên cầm quyền, và với sự vận động không ngừng của bạn bè trong quân ngũ cũng như giới khoa học gia có tên tuổi trong lãnh vực khoa học quốc tế, ông ta mới được phóng thích trước thời hạn qui định trong bản án, vào ngày 2 tháng 3, 1989 sau khi nằm trong nhà tù 5 năm 4 tháng và 5 ngày, theo lời tuyên bố chua chát của ông ta với báo chí. Sau khi ra tù, cựu phó đề đốc Nicholai Mormoul bị tước hết chức tước trong quân đội và đành phải đi làm nghề thợ điện thường tại hải cảng Mourmansk để kiếm tiền nuôi sống gia đình mặc dầu ông ta là một khoa học gia có tên tuổi trên trường quốc tế, trong lãnh vực khoa học nguyên tử. Khi được báo chí phỏng vấn, cựu phó đề đốc Nicholai Mormoul cho biết là đã đến lúc tôi thấy cần phải lên tiếng. Sở dĩ trước tháng 8, 1991, tôi sống trong tình trạng của một tù nhân được phóng thích trước thời hạn và có thể bị bắt trở vào tù lại bất cứ lúc nào. Nhưng nay thời hạn đó đã triệt tiêu rồi và tôi phải lên tiếng vì tôi đã từng tuyên thệ trung thành với đồng bào tôi, chứ không phải trung thành với lũ người lãnh đạo đất nước vô trách nhiệm. Năm năm sống trong ngục tù đã giết chết mọi sợ sệt trong tôi vì tôi thấy những kinh nghiệm bản thân tôi có thể giúp ích cho những thế hệ tới đây kể cả cho tất cả nhân loại nữa. Tôi phải lên tiếng để vinh danh cho những bạn đồng ngũ của tôi đã bỏ mình trong vô số tai nạn đã xảy ra trong hạm đội tiềm thủy đỉnh của Liên Xô. Tôi tưởng nhớ đến những người bạn đã âm thầm bỏ mình trong thầm lặng được nhà cầm quyền bưng bít và dấu kín đến nỗi mãi cho đến ngay nay tên tuổi của họ không hề được ghi trên bất cứ một đài kỷ niệm nào trên đất nước này. Họ đã chết vì họ là nạn nhân của sự bất cẩn, sự thờ ơ của nhà cầm quyền. Muốn ý thức được sự can đảm vô bờ bến của những người thủy thủ vô danh này, ta cần phải luôn luôn ghi nhớ là họ đã phải sống trong một môi trường được bao bọc bởi những tia phóng xạ nguyên tử, mà nếu quá mức sẽ trở thành những tia phóng xạ giết người. Kể từ tháng 8, 1945 tên Hiroshima - một thị trấn Nhật Bản đã bị tiêu hủy vì bom nguyên tử - đã trở thành tên của đơn vị phóng xạ giết người. Quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima đã giết chết 138,700 người; chưa kể đến hàng chục ngàn nạn nhân bị nhiễm phóng xạ của quả bom nguyên tử này. Rồi đến tháng 4, 1986 vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl tại Liên Xô đã biến một vùng đất có 5 triệu cư dân thành một vùng bị tia phóng xạ làm ô nhiễm và nguy hiểm cho tánh mạng của cư dân trong nhiều thập niên tới đây. Chỉ riêng cho năm 1992, đã có 12,000 người bỏ mình vì nhiễm độc của tia phóng xạ; đó là chưa kể trong 600,000 người đứng ra cứu trợ nạn nhân thì hết 200,000 đã bị coi như nhiễm xạ rất nặng. Đối với Liên Xô, chiến cụ thuộc vào loại sản phẩm đặc biệt ưu tiên. Trong thời gian gần 70 năm qua, nền kinh tế của đất nước đã bị hy sinh cho ngành quốc phòng. Mặc dầu dưới triều đại Brejnev, chính quyền Liên Bang Xô Viết vẫn luôn luôn rêu rao là cần phải có chính sách tiết kiệm về kinh tế, nhưng khi đề cập đến nền kỹ nghệ quốc phòng thì mọi tiêu chuẩn sinh lợi đều bị gạt bỏ. Cứ lấy một thí dụ cụ thể thì rõ: việc bảo trì toàn bộ một tiềm thủy đỉnh phải tốn từ 25 đến 32 triệu đồng Rúp (đơn vị tiền tệ của Liên Xô ), trong khi đó thì đóng một chiếc tiềm thủy đỉnh mới chỉ tốn vào khoảng 36 triệu đồng Rúp thôi. Cho đến giờ phút này, tất cả mọi chiến cụ đều được nghiên cứu trong hàng trăm văn phòng hoặc viện nghiên cứu gồm toàn tinh hoa trong giới kỹ sư và chuyên viên. Hàng ngàn tổ chức kinh doanh được chính quyền giao phó công tác nghiên cứu tất cả mọi loại chiến cụ sẽ được xử dụng, bất chấp vấn đề sinh lợi, thời giá hay giá vốn vì tiêu chuẩn của chiến cụ luôn luôn phải là hạng nhất. Trên lý thuyết, một hệ thống chọn lựa và kiểm soát chi ly như vậy nhất định phải giảm thiểu tối đa những sự rủi ro có thể xảy đến. Nhưng trong thực tế thì sự thật rất là phũ phàng vì hàng trăm tai nạn đã xảy ra trên các tiềm thủy đỉnh nguyên tử của Liên Xô và 8 chiếc đã bị chìm; đó là chưa kể hàng trăm thủy thủ sống dở chết dở vì bị nhiễm xạ nặng, trong khi đó thì thiệt hại vật chất lên đến hàng tỷ đồng Rúp. Sau khi 2 chiếc tiềm thủy đỉnh của Hoa Kỳ là chiếc Thresher và chiếc Scorpion bị đắm thì các kỹ sư Liên Xô G. Lissov và A. Narousbaiev rồi đến Viện Hải Quân Liên Xô đã có ấn hành 2 quyển sách nghiên cứu về tai nạn xảy đến cho hai chiếc tiềm thủy đỉnh này và kết luận của họ là Hoa Kỳ - "vì muốn tranh thủ thời gian để giảm bớt phí tổn - nên đã khiếm khuyết trong việc chú trọng đến sự an toàn của thủy thủ đoàn". "Rất tiếc là Liên Xô - nói thì hay mà ra tay thì dở - vì Liên Xô cũng phạm những lỗi lầm ghi trên đây của Hoa Kỳ - vì không ai dám lên tiếng báo động với thượng cấp vì sợ mang họa vào mình như bản thân của tôi đây", và đó là lời kết luận của cựu phó đô đốc Nicholai Mormoul, nay chỉ còn là một anh thợ điện - sau khi mãn tù - vì ông ta đã bị chính quyền Liên Xô tước hết chức tước và ngay cả huy chương "Anh Hùng Dân Tộc Liên Xô" của ông ta. Với Hoa Kỳ, không bao giờ hạm đội tiềm thủy đỉnh nguyên tử lại được cất giữ trong một hải cảng mật như ở Liên Xô vì họ thấy không cần thiết. Biển cả khắp hoàn cầu với hơn 14 triệu cây số vuông cũng đủ dư sức để cho cho họ tiềm phục mấy chục chiếc tiềm thủy đỉnh chiến lược - hầu như không có tiếng động - ở dưới lòng đại dương, khắp mọi nơi trên thế giới, một cách an toàn, vì Nga không có đủ phương tiện vật chất để phát giác sự có mặt của họ. Nếu vạn nhất có xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nga, thì chỉ trong những phút đầu thôi, những đầu đạn nguyên tử của Hoa Kỳ đã biến tất cả các tàu ngầm - khua ồn ào như thùng rỗng của Nga, các hầm chứa hỏa tiễn nguyên tử trên đất liền của Nga thành ra tro bụi và nước Nga - khi đó đã trở thành hoang địa - thì còn đâu có cơ hội để gọi là trả đũa lại Hoa Kỳ ? Cho đến giờ này, hải quân của nước Nga có được 6 tiềm thủy đỉnh loại "Typhoon" bắt đầu hoạt động kể từ tháng 9, 1980; so với Hoa Kỳ có 12 chiếc "Ohio". Hải cảng riêng cho loại tàu ngầm "Typhoon" đặt tại Nerpitchia, cách Zapadnaia Litsa 14 cây số, gần hải cảng Mourmansk. Và điểm đặc biệt là địa danh Nerpitchia không được ghi trên bản đồ hàng hải của Nga. Năm 1982, trước khi đô đốc Hymen Rickover về hưu, Quốc Hội Hoa Kỳ có thảo luận một đạo luật tặng cho chức đô đốc Hải Quân của ông thêm một ngôi sao thứ năm nữa và nếu Hoa Kỳ có dự trù đóng thêm một chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử nữa, thì chiếc đó sẽ được mang tên của ông. Và đứng trước Quốc Hội Hoa Kỳ, ông đã can đảm trình bày nội tâm xao xuyến của ông trước hiểm họa nguyên tử trong tương lai. Ông nói: "Tất cả chúng ta đều quên rằng chúng ta đang chuẩn bị gieo một tai ương cho nhân loại mà chỉ cứu vãn được khi chúng ta chấm dứt, không còn sản xuất tất cả các loại vũ khí nữa. Và nếu thượng đế ban cho tôi cái quyền đó, thì tôi sẽ ra lệnh đánh đắm tất cả các tiềm thủy đỉnh do tôi chế tạo, không chừa lại một chiếc nào. Phải thành thật mà nói, tôi không hãnh diện tý nào cả về thời gian dài tôi ở trong quân ngũ của Hải Quân Hoa Kỳ!" Dưới sự điều khiển tích cực của đô đốc Rickover, cha đẻ của hạm đội tàu ngầm nguyên tử Hoa Kỳ - vào cuối thập niên 1950 - tàu ngầm nguyên tử Hoa Kỳ đã thực hiện 6 hải vụ dưới băng của Bắc Băng Dương, ngoài bìa hải phận của Liên Xô. Và đô đốc Rickover - trong suốt thời gian ông tại ngũ - vẫn luôn luôn chủ trương phái tàu ngầm lên thám hiểm Bắc Băng Dương, để nghiên cứu khả năng dùng tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn tấn công Liên Bang Xô Viết, đó là chưa kể cứ mỗi chiếc tàu ngầm nguyên tử Liên Xô đi ra khỏi hải phận của nước này đều bị tàu ngầm của Hoa Kỳ theo dõi ngày đêm từ hơn 40 năm nay rồi. Và hạm đội tiềm thủy đỉnh nguyên tử của Hoa Kỳ, hiện nay, có thể được coi như là vũ khí dùng để tấn công cũng như để phòng vệ hữu hiệu và nguy hiểm nhất của nước này.
|