Home Đời Sống Tài Liệu CIA có liên quan đến vụ ám sát Thượng nghĩ sĩ Robert Kennedy

CIA có liên quan đến vụ ám sát Thượng nghĩ sĩ Robert Kennedy PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Sáu, 04 Tháng 6 Năm 2010 10:20

Vụ ám sát Thượng nghĩ sĩ Robert Kennedy sẽ bị lãng quên nếu như không có những phát hiện mới nhất về dấu vết viên đạn bắn, thủ phạm bị “thôi miên” và 3 người đàn ông bí ẩn xuất hiện trong vụ này.

Liệu đó có phải là một hành động trả thù cá nhân hay mang tính động cơ chính trị có bàn tay của CIA (?). 
 

 
      Robert Kennedy (trái) và
        David Sanchez Morales.
Nếu chỉ xét qua những bằng chứng đầu tiên, vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert Kennedy được coi là đã xảy ra với một động cơ hết sức đơn giản và dễ hiểu. Ngày 5/6/1968, Robert Kennedy vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại California và gần như chắc chắn sẽ là một đối thủ nặng ký của Richard Nixon trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
 
Sau bài diễn văn mừng chiến thắng tại khách sạn Ambassador (Los Angeles) vào lúc nửa đêm, khi Robert đang bắt tay với các đầu bếp tại khu vực nhà bếp của khách sạn, một thanh niên 24 tuổi gốc Palestine có tên Sirhan Sirhan đã bất ngờ bước ra. Với nụ cười “bệnh hoạn và giận dữ trên mặt”, hắn nhằm thẳng vào Kennedy bằng một khẩu súng lục có 8 viên đạn.
 
Robert Kennedy chết ngay trên hành lang khách sạn, còn Sirhan thì lập tức bị bắt giữ và được tuyên bố là một tên sát nhân đơn lẻ. Động cơ của vụ ám sát đã tìm thấy trong túi áo sơ mi của hắn ta (một đoạn báo được cắt ra nói về các kế hoạch của Kennedy nhằm bán cho Israel một số máy bay ném bom), kèm theo một số cuốn sổ ghi chép được tìm thấy tại nhà thủ phạm.
 
Tuy nhiên, nếu xét theo các kết quả giải phẫu sau đó, những viên đạn đã sát hại Robert Kennedy không phải do Sirhan bắn ra. Theo lời khai của các nhân chứng, Sirhan khi bắn đã đứng ở cự ly khoảng 1 mét trước mặt Kennedy, trong khi viên đạn gây chết người lại đi vào cơ thể nạn nhân từ phía sau ở khoảng cách có 1 tấc Anh.
 
Trên hành lang khách sạn còn phát hiện vết đạn nhiều hơn cả số có thể bắn ra từ súng của Sirhan. Thực tế này đã buộc người ta phải đưa ra giả thuyết có nhân vật thứ hai tham gia vào vụ ám sát.
 
 
       Sirhan Sirhan
Trong những cuốn sổ ghi chép tìm thấy tại nhà Sirhan, có nhiều đoạn rất lạ được viết máy móc kiểu như: “RFK (tức Robert Francis Kennedy) cần phải chết. RFK phải bị giết - Robert Kennedy phải bị giết trước ngày 5/6/1968”.
 
Trong quá trình điều tra sau đó, ngay cả khi bị thôi miên, Sirhan cũng không thể nhớ được mình đã bắn vào Kennedy như thế nào. Anh ta chỉ nhớ rằng, “đã được một cô gái dẫn tới một căn phòng tối nào đó và muốn uống cà phê”, trước khi một đám đông giận dữ tóm lấy anh ta.
 
 Một chuyên gia tâm lý của bên bào chữa đã kết luận, vào thời điểm bắn, Sirhan đang trong trạng thái bị thôi miên. Rất có thể anh ta đã bị “lập trình trước” bằng thôi miên để dàn dựng vụ ám sát.
 
Ba năm trước đây, phóng viên Shane O'Sullivan khi bắt tay vào viết kịch bản bộ phim về vụ ám sát Robert Kennedy đã có dịp điều tra nhiều tình tiết của vụ này. Thậm chí, có nhiều chi tiết cho thấy đã có 3 nhân viên cao cấp của CIA tham gia vào vụ ám sát. Đặc biệt, Shane đã có dịp lần ra dấu vết của một người có tên David Sanchez Morales. Morales có thể coi là một nhân vật có mặt trong nhiều chiến dịch bí mật của CIA.
 
Theo chiến hữu thân cận nhất của Morales, ông Tom Clines, nếu như bắt gặp Morales đi trên đường phố thủ đô của một quốc gia nào đó, thì có nghĩa chẳng bao lâu nơi đây sẽ xảy ra đảo chính.
 
Khi có trong tay tấm ảnh của Morales chụp tại Cuba vào năm 1959 (người Cuba gọi hắn là “Gã béo El Gordo”), Shane ngay lập tức so sánh với các bức ảnh chụp hiện trường vụ ám sát Kennedy. Hóa ra, Morales đã có mặt ở cuối gian phòng khách sạn, vào thời điểm bài phát biểu của Robert Kennedy đã kết thúc, nhưng vụ ám sát chưa diễn ra. Khoảng nửa giờ sau, một tấm ảnh khác lại ghi nhận Morales đang đi lại trong một căn phòng tối, bên cạnh một người có bộ ria nhỏ đang ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay.
 
Qua tìm hiểu Bradley, người cùng làm việc với Morales tại Cục Tác chiến, thì ông ta khẳng định chắc chắn tới 95%, người đàn ông đầu tiên trong ảnh chính là Morales, còn người thứ hai là Gordon Campbell, từng làm việc với Morales tại căn cứ JM-Wave vào năm 1963.
 
Campbell từng là chỉ huy của Bradley không lâu trước vụ ám sát Tổng thống John Kennedy. Trong cuộc gặp gỡ trực tiếp với Bradley tại Mỹ, Shane còn có dịp làm quen với viên cựu lính đánh thuê David Rabern, từng tham gia vào chiến dịch Vịnh Con Lợn tại Cuba năm 1961, vào đêm xảy ra vụ ám sát cũng có mặt ở khách sạn Ambassador.
 
 
 Sirhan Sirhan lúc bị bắt giữ sau vụ ám sát.
Rabern không quen biết với Morales và Campbell nhưng đã nhìn thấy họ trò chuyện với nhau trong phòng nghỉ giải lao trước vụ ám sát. Anh ta chỉ nghĩ đó là hai nhân viên bảo vệ của Kennedy.
 
Thật ra, vào thời điểm đó, các ứng cử viên tổng thống không được cơ quan mật vụ bảo vệ. Kennedy khi đó có hai vệ sĩ là nhà vô địch Olympic 10 môn phối hợp Rafer Johnson và cầu thủ bóng đá Rosey Grier, thực ra chẳng phải là vật cản đáng ngại đối với đội ngũ những tay sát thủ chuyên nghiệp.
 
Quan sát kỹ những cuộn vi phim có trong hồ sơ vụ ám sát, Shane tình cờ phát hiện ra những tấm ảnh mới có mặt Campbell và một người thứ ba nữa - cả hai cùng ở tại khách sạn chỉ vài giờ trước vụ ám sát. Nhân vật thứ ba này có bề ngoài giống người Hy Lạp tên là George Joannides, lãnh đạo bộ phận chiến tranh tâm lý tại căn cứ JM-Wave.
 
Tiếp đó, Shane còn tới Washington để gặp Wayne Smith, một quan chức Bộ Ngoại giao với 25 năm thâm niên rất quen biết với Morales khi còn ở Đại sứ quán Mỹ tại Havana những năm 1959-1960. Sau khi xác nhận tất cả những bức ảnh có mặt Morales, Smith còn tiết lộ, trong một bữa tiệc tại Buenos-Aires vào năm 1975, Morales còn nói là Robert Kennedy “đã nhận được những gì đáng phải hứng chịu”.
 
Theo lời ông này, Morales không hề che giấu sự căm ghét đối với cả nhà Kennedy, đổ lỗi cho gia đình Tổng thống về thất bại trong chiến dịch Vịnh Con Lợn là do thiếu sự hỗ trợ đầy đủ từ trên không.
 
Theo lời của Shane O'Sullivan, Morales đã chết sau một cơn nhồi máu vào năm 1978, còn Joannides qua đời năm 1990. Campbell dường như vẫn còn sống nhưng đã ngoài 80 tuổi.
 
Tác giả đang dự định sẽ tập hợp tất cả các bằng chứng thu thập được, yêu cầu CIA và Sở Cảnh sát Los Angeles giải thích vai trò của ba nhân vật đáng ngờ trên tại khách sạn Ambassador trong thời điểm diễn ra vụ ám sát Robert Kennedy. Các kết quả điều tra của Shane O'Sullivan đã được lên lịch phát sóng trong chương trình Newsnight của kênh BBC-2.